Nghịch lý ở dàn nhạc thứ nhì Đông Nam Á
16 năm miệt mài học tập, ra trường, xin được vào dàn nhạc, nhận lương cộng các khoản tiền tập, biểu diễn… được khoảng 4 triệu đồng. Tình cảnh ấy khiến nhiều nhạc công của dàn nhạc giao hưởng danh giá thứ nhì Đông Nam Á phải đi bán chè, bán lụa, sửa điện nước.
1.Trải qua những vòng tuyển sinh+thi+chọn+năng khiếu, để trở thành một nhạc công, phải học qua nhiều cấp học: 7 năm sơ cấp, 4 năm trung cấp và 5 năm đại học. 16 năm đào tạo ra một nghệ sỹ là một quá trình công phu, không ít người phải bỏ dở khóa học dài dằng dặc này. Bởi không chỉ có tài năng là đủ, mà điều cơ bản, gia đình cho con theo học loại hình này phải có điều kiện kinh tế. Nên những người trụ lại, tốt nghiệp không nhiều.
Sau quá trình đào tạo dài như vậy, không phải ai cũng thi được vào làm nhạc công ở các dàn nhạc. Mỗi dàn nhạc, đều có số lượng nhạc công nhất định. “Nên có thể khẳng định, những nghệ sĩ trong Dàn nhạc Giao hưởng VN (VNSO) hiện nay là tài sản quí, hiếm của quốc gia”- nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân, giám đốc VNSO tự hào nói.
2. Con số 50 đến 60 buổi diễn/năm so với dàn nhạc nước ngoài là không lớn, nhưng cũng không hoàn toàn nhỏ so với các dàn nhạc hay các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước. Nhưng khó khăn nhất của các nghệ sĩ giao hưởng là không có nhà hát riêng. Thuê một buổi diễn ở Nhà hát Lớn là 1.500 USD, Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình 300 triệu đồng, Nhà hát Âu Cơ 30 triệu, Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh 30 triệu… Cùng với tiền thuê địa điểm, mỗi buổi diễn còn phải chi hàng trăm thứ: mời chỉ huy nước ngoài, nghệ sĩ độc tấu, trang phụ kiện, trả tiền bản quyền… Trong khi đó, mỗi năm, dàn nhạc với hơn trăm nghệ sĩ, diễn viên được ngân sách Nhà nước cấp là 7 tỉ đồng.
Trong khi nhạc công ở các nước trong khu vực thu nhập 1.200 đến 1.500USD/tháng, nhạc công VN nhận tương đương 200 USD/tháng nhưng Dàn nhạc VN vẫn được coi là danh tiếng thứ nhì Đông Nam Á. “Mình đang làm công việc có giá trị thẩm mỹ cao nhưng thù lao thì quá rẻ mạt” -nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân nói.
Với mức thù lao này, nhạc công của Việt Nam đang bị xếp vào một cái rọ, không được tính theo bằng cấp mà chỉ tính theo hạng mục diễn viên hạng 3 tương đương với mức lương y tá trong ngành y tế.
Dàn nhạc buộc phải chấp nhận cảnh nhạc công của mình lao ra khỏi trụ sở kiếm thêm, dù điều đó ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng biểu diễn khi nghệ sỹ không có thời gian nghỉ ngơi, luyện tập. Có khi là biểu diễn ở đám cưới, nhà hàng, khách sạn, dạy thêm…thậm chí là làm trái nghề như sửa xe máy, bán ống nước…
Điểm ra những cái tên nghệ sĩ của dàn nhạc làm trái nghề, và đến phải bỏ cả nghề vì nỗi lo cơm áo, giọng giám đốc VNSO không khỏi trùng xuống. Ví như nghệ sĩ Hải Âu chuyển sang làm nghề báo, một nghệ sĩ kèn oboe có tiếng chuyển nghề sang bán máy bơm. Một tài năng, làm tới Trưởng bè violon II cũng xin ra khỏi dàn nhạc để vào Nam tìm kế sinh nhai.
Bỏ nghề ra đi để mong thoát khỏi những khó khăn của cuộc sống thường nhật, với mỗi một nghệ sĩ, là một đau xót khi mà họ phải vứt bỏ 16 năm khổ luyện trên ghế nhà trường, hàng chục năm cống hiến cho dàn nhạc, với nhạc cụ yêu quí của mình.
3. Hơn nửa thế kỉ, VNSO ngày nay đã khẳng định tên tuổi của mình trong khu vực với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên “made in Việt Nam”. Trong khối ASEAN, VNSO chỉ thua dàn nhạc Singapore. Thêm một tự hào: Trong khi dàn nhạc Singapore phải thuê quá nửa nhạc công là người nước ngoài, thì quân của VNSO hoàn toàn là “đồ nội”.
Nhờ vào thương hiệu dàn nhạc, một số nghệ sĩ được các dàn nhạc Bangkok hay đại học Chua LoongKor của Thái Lan mời sang biểu diễn, hoặc giảng dạy. “Đến giờ, tôi cũng không hiểu sao, người ta trả cho tới hàng nghìn USD, mà các nhạc công của mình không nhận lời. Mở mạng ra, tìm trên bất kì một trang web nào về nhạc của khu vực Đông Nam Á họ đều tuyển dụng. Diễn viên của mình, tôi chắc chắn 100% thi là đỗ. Vậy mà diễn viên của mình vẫn cứ đắm đuối với dàn nhạc lắm. Không hiểu do họ không cập nhập mạng, hay lòng yêu Tổ quốc của họ cao hơn”- nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân nói.
Phải chăng, khi dàn nhạc có thương hiệu, diễn viên họ tự biết họ có giá trị. Cũng có thể, họ là diễn viên của dàn nhạc, nên họ có điều kiện làm việc thêm bên ngoài tốt, và ngược lại, họ yêu dàn nhạc và nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của dàn nhạc!
Tuy nhiên, mặt trái của “thương hiệu” VNSO cũng làm cho nhiều nghệ sĩ không thể cứ tiếp tục biểu diễn ở các nhà hàng hay khách sạn, dù mức thu nhập ở những nơi đó gấp 5-7 lần lương tháng ở dàn nhạc. Cây violon số 1 không thể đứng ở sảnh khách sạn để chơi nhạc. Vậy nên, dạy thêm là công việc cơ bản của những nghệ sĩ tài năng trong dàn nhạc. VNSO đang cố gắng để anh em nghệ sĩ, diễn viên đạt được thu nhập tương đương 500USD/tháng trong thời gian tới.
VNSO trả Honna Tetsuji 4 triệu đồng/tháng Chỉ huy người Nhật Bản Honna Tetsuji nói, kiếp trước ông có nợ với Việt Nam nên nay phải trả. Ở Nhật Bản, một đêm biểu diễn của vị chỉ huy này được trả 8.000- 10.000 USD. Với VNSO, từ năm 2000 đến 2005, ông làm không công. Từ năm 2005 đến trước tháng 5-2010, VNSO trả cho Honna 1 triệu đồng/ tháng. Nếu buổi diễn có nhà tài trợ, thì 2 đêm chỉ huy ở Việt Nam, ông sẽ được trả 1.000 USD- cái giá mà không một chỉ huy nào trên thế giới chấp thuận. Hiện, mức lương của ông được tăng lên 4 triệu đồng/tháng. |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh