Nghèo khó, biếng lười, xấu xí
Nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật thích viết rằng những người làm tranh Đông Hồ chỉ là những người nông dân lúc rỗi rãi thì vẽ thêm tranh. Mục đích của họ cốt cho người ta thấy nghệ thuật ở VN “gắn liền với đời sống“.
Có biết đâu làm thế chỉ là một cách tốt nhất để phô ra một sự thật: trong xã hội VN, người ta sống và làm việc thiếu chuyên nghiệp. Kỹ thuật cổ lỗ. Sự phân công lao độngđược chăng hay chớ.
Tình trạng của nghề làm tranh cũng là tình trạng của nghề dệt, nghề đúc đồng, nghề làm muối, nghề làm đồ gốm, cả nghề làm ruộng… Chỗ nào người ta cũng thấy sự ngưng trệ. Năng suất thấp. Con người uể oải. Con người nhởn nhơ dông dài ngay trong sự chăm chỉ của mình.
“Cối xay tre, nặng nề quay, từ ngàn đời nay, xay nắm thóc“. Trong lời thuyết minh viết cho phim Cây tre ViệtNam 1955, Thép Mới từng viết một câu văn xuôi mang đầy chất thơ để hằn sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ học sinh tiểu học chúng tôi như vậy.
Vào những năm năm mươi của thế kỷ trước, nó gợi một cảm giác về sự nhẫn nại bất khuất kiên cường.
Nhưng sang đến thế kỷ XXI này, đọc lại, thấy dấu hiệu của một cuộc sống ù lì tăm tối.
Người Việt tự nhủ Đói cho sạch rách cho thơm. Ảo tưởng nhắc lại mãi nghe như có lý. Song khi người ta quá nghèo thì khó lòng giữ được sự tử tế.
Mạnh Tử từng nói, có hằng sản mới hằng tâm. Người châu Âu cũng hiểu thế.
Trong cuốn Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài 1688, (bản của NXB Thế giới, 2006), một nhà thám hiểm người Anh là W.Dampier ghi lại một số nhận xét có liên quan đến các hạng người ở đô thị VN thế kỷ XVII .
Đây là tầng lớp trên và bộ sậu của họ: “Những kẻ quyền quý thì tỏ ra kiêu căng, hách dịch và tham lam trong khi đám lính tráng thì hỗn xược.”
Đây là những kẻ dưới đáy: “Cư dân lớp dưới lại hay trộm cắp làm cho nhà buôn và những người đến giao dịch ở đây bắt buộc phải canh gác cẩn thận về đêm“.
Theo W. Dampier, sự hư hỏng của con người bắt đầu bằng sự kém cỏi trong điều kiện sống mà người ta không cách gì thay đổi. Nhà cửa người Việt ngay ở Kẻ Chợ, tức thủ đô, được tác giả mô tả là quá đơn sơ tầm thường. Nhà nhỏ và thấp. Mấy tấm phên che dột nát tạm bợ. Bên trong chia làm nhiều gian, mỗi gian có những cửa sổ để lấy ánh sáng thực chất là những lỗ đục xấu xí.
Theo lái buôn người Anh, nhà cửa như vậy thường làm mồi cho bọn người trộm cắp. Chúng có thể dễ dàng thực hiện mưu đồ đào tường khoét ngách.
Từ nhận xét trên có thể suy ra sự thấp kém về trình độ sản xuất là nguồn gốc mọi tì vết xấu xa trong tính cách người Việt.
Mưu sinh dưới mưa kiếm tiền nuôi gia đình. Ảnh: Trương Minh Điền.
Trước tiên là một tâm lý ngại ngùng mệt mỏi không thấy hứng thú trong lao động.
Đã nhiều người gặp nhau ở nhận xét là người Việt khá chăm chỉ năng động. Nguyễn Văn Vĩnh tỏ ra tinh nhạy hơn người khi nêu cùng lúc cái tình trạng nước đôi: người Việt vừa cần cù, vừa cho người ta cảm thấy họ coi lao động là bất đắc dĩ, chẳng qua không có cách nào khác nên phải chân lấm tay bùn vậy.
“Nói tổng lại, trong nước Nam ta, cần mẫn nhất chỉ có người làm ruộng, nhưng mà sự cần mẫn ấy, nhà làm ruộng không biết lấy làm vinh hạnh. Tay cầm cây mạ, mà mắt vẫn trông bọn dài lưng tốn vải, lúc nào quăng được cái cày có ích mà cầm lấy cái bút lông thỏ vẽ hươu vẽ vượn tả cảnh trên trờ dưới biển, thì cũng quăng đi ngay.”
Trong mục Xét tật mình, người chủ trì Đông dương tạp chí đã làm cái việc mà sau ông chưa ai dám làm là bóc mẽ cái gọi là tính siêng năng của bộ phận chủ yếu trong cộng đồng như vậy.
Cái nghèo kéo theo nhiều cái xấu khác.
Đây là một đoạn tôi đã trích trong phần Người xưa cảnh tỉnh—thói hư tật xấu người Việt trong làm ăn buôn bán
Không lo xa, dễ thoả mãn
Tôi luận rằng người nước Nam ta khi túng thiếu thì lo lắng thở than, trong lúc đói lo một hồi mà thôi, chớ no không lo nữa.
Người nước của chúng ta, bởi không từng trải ít thấy rộng ít nghe xa (...) hễ vừa mới động nở nòi ra một thí (1) là đổi tính đổi nết, làm bề làm thế (2), muốn nghỉ mà ăn chơi. Bởi làm sao vậy? Bởi trong trăm người mới có một, thì là trong một xóm ở chừng một trăm, người ấy đã đặng trên mấy bợm (3) khác. Có bạc chục bạc trăm, cho vô cho ra, đã có người thiếu nợ mình rồi; cho nên hết muốn ráng sức nữa. Vì vậy nhiều khi nghèo nàn khổ sở trở lại. Đến lúc nghèo rồi lại than thở trách trời, sanh mình sao mà vận xấu, mới cho khá rồi lại làm cho nghèo, tại trời không thương.
(1)khá giả một tí
(2)làm le, làm dáng, khoe mẽ
(3)bợmđây không có nghĩa xấu mà chỉ có nghĩa bọn khác kẻ khác
Lương Dũ Thúc, Nông cổ mín đàm, 1902
Trong cuốn Lịch sử tự nhiên dân sự và chính trị xứ Đàng Ngoài in ở Paris 1778 ( Trích từ Tư liệu văn hiến Thăng Long Hà Nội – Tuyển tập tư liệu phương Tây NXB Hà Nội 2010, nhà sử học Nguyễn Thừa Hỷ chủ trì) giáo sĩ Jerome Richard cho biết.
(…)Nghèo khổ quá khiến người ta chỉ nghĩ đến sinh tồn tức làphó mặc mình cho sự biếng nhác bẩm sinh.Bộ máy hành chính sẵn sàng “vét cạn” các mầm mống tài năng. Bộ máy này ngu dốt và kiêu căng, nhưng có quyền lực. Họ đối xử với những người khéo tay hơn họ và giàu hơn như nô lệ.
“Việc lớn thì kinh, việc nhỏ thì khinh, việc bình thường thì không thích“-- thái độ con người với công việc từng được cô lại trong một nhận xét thật gọn ghẽ (Nguyễn Tất Thịnh báoTiền phong, 6-10-06).
Nhiều nhân vật trong những truyện cười dân gian là những chàng lười. Ca dao hóm hỉnh dựng lại một chân dung, rất sẵn trong nông thôn VN thời trung đại:
Con cò đậu cọc cầu ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng
Chú tôi tốt tóc đen răng
Hay ăn làm biếng hay nằm ngủ trưa
Ngày thì ngóng những ngày mưa
Đêm thì ngóng những đêm thừa trống canh .
Các tài liệu tuyên truyền và cả sách giáo khoa trong các nhà trường Hà Nội sau 1954 thường bảo những câu ca dao trên là để nói về bọn người giầu có. Có biết đâu đó cũng là để nói về lớp cùng đinh trong xã hội. Giàu tham việcthất nghiệp tham ăn.
Không phải là người Việt không biết thực trạng kém cỏi trong làm ăn sản xuất của mình. Nhưng do thiếu sự mở đường của trí tuệ nên người ta cảm thấy đó là cả một định mệnh. Thấy của thiên hạ cái gì cũng hơn mình.
.
Bất lực. Cay đắng. Chán chường.
Một niềm tự ti nằm rất sâu trong tâm lý, mang lại nhiều biến thái kỳ quặc. Lo học nhưng chỉ học mót học lỏm. Sợ người ta coi thường nên phải tìm cách nhấn mạnh cái riêng, và nhắc đi nhắc lại rằng mình chẳng kém gì mọi người. Sống gồng lên ra vẻ thế nọ thế kia, sẵn sàng giả dối cốt sao khỏi bị mất mặt.
Xã hội thiếu đi sự năng động tìm tòi. Của chìm chủa nổi đầy rẫy chung quanh mà không biết khai thác.
Nhà nho xưa nhiều người kiêm cả thầy lang. Trong một lần so sánh văn hóa Trung quốc và VN, Phan Ngọc nhắc lại cái ý mà nhiều thế hệ nho sĩ truyền miệng với nhau. Đó là một nhận xét của người Tầu: người Việt sống trên cả đống nguyên liệu dùng làm cây thuốc nhưng vẫn chết vì thiếu thuốc.
W.Dampier, trong cuốn sách nói trên, còn ghi nhận một điều mà sau này các nhà nghiên cứu văn hóa VN từ Phan Kế Bính Đào Duy Anh tới Nguyễn Văn Huyên, Lương Đức Thiệp … đều chia sẻ, là thói máu mê cờ bạc quá nặng của người Việt. Khi rỗi rãi người ta lao đầu vào cuộc đỏ đen một phần là vì bế tắc trong cuộc sống.
Toan tính duy nhất ở đây là ngẫu nhiên tìm được một cơ may giữa cảnh đời tuyệt vọng.
Đã in trên TT&VH 2007 với đầu đề Làm ăn kém nên nghèo, bởi nghèo nên xấu tính .
Bổ sung:
Tính lười nhác của người Việt qua cái nhìn của Nguyễn Văn Huyên
Trong phần sưu tầm các ý kiến tổng quát về người Việt mang tên Cái hay cái tốt mong manh,cái dở cái xấu bền chặt,chúng tôi cũng đã giới thiệu các ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Huyên về đặc tính lười nhác ở người Việt, nay xin trích lại.
Chúng tôi đặc biệt lưu ý là Nguyễn Văn Huyên đã nói tới mọi khía cạnh của sự lười nhác:
- từ nguyên nhân ra đời ,
- các dạng biểu hiện đầy mâu thuẫn của nó
- cho tới cái tình trạng bắt rễ sâu trong đời sống khiến con người "giẫy ra không nổi" tức không sao có thể vượt thoát khỏi nó
- và hậu quả mà nó mang lại.
Các đầu đề nhỏ cũng như các đoạn nhấn mạnh dưới đây là của VTN.
Thụ động, bất lực, buông xuôi
Họ cày ruộng, chân lội trong bùn, có khi phải ngâm mình trong nước. Có những người đi cả ngày đường chỉ cốt kiếm một gánh củi khô. Nhưngtình trạng nhân công dư dật thường khiến con người lười nhác. Họ trở nên vô tâm và hay cãi cọ. Rất nhiều chứng tật khác nhau, những vụ rắc rối về hành chính, những vụ xung đột vô cớ, được dịp nảy sinh và kết quả là bất công lại chồng chất thêm.
… Môi trường làm sa sút sức khoẻ và tác động chẳng kém tới tính chất người Việt. Sức nóng thường xuyên làm cho thần kinh uể oải và con người dễ buồn ngủ. Không phải là hoàn toàn vô lý khi bảo rằng nhược điểm lớn nhất của con người nơi đây là lười biếng, hoặc ít nhất là cái khuynh hướng buông trôi, thây kệ mọi việc.
Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ,1939
Biếng nhác, vô cảm, lẩn tránh
Hiện tượng quá đông dân và thường xuyên thiếu việc làm khiến cho nhiều người có tâm lý sống ngày nào biết ngày ấy. Ở thôn quê, những kẻ có chút tiền bạc hoặc có đủ ruộng chỉ còn thích ăn không ngồi rồi.
Xét về phương diện tinh thần, xu hướng biếng nhác này càng trầm trọng thêm bởi một nền giáo dục cổ lỗ và chưa bao giờ có phương pháp.Thành ra có sự lười biếngvề trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy.
Sau khi chất đầy trí nhớ các loại kinh sách, nhà nho xưa kia chẳng còn nghĩ đến chuyện trau dồi trí tuệ nữa. Họ thường già trước tuổi. Hoặc là họ nhẫn nhục chịu đựng cốt không để ai đó do ganh ghét mà kiếm chuyện lôi thôi. Hoặc là họ sa vào thói chơi ngông đôi khi cũng tinh tế đấy, nhưng dễ làm cạn kiệt cái năng lực phát minh cũng như năng lực lập luận khoa học.
… Có những nhà quan sát nước ngoài nhận xét người Việt hay trộm cắp và dối trá. Trong một thời gian dài, người dân nước này chỉ được nhận một nền cai trị kém cỏi, trong đó thấm sâu chính sách ngu dân. Cá nhân con người luôn luôn bị săn đuổi, họ buộc phải bao quanh mình một tấm màn bí mật. Làng xã cũng vậy, trong quan hệ với chính quyền trung ương, họ cố giữ lấy một thái độ nếu không độc lập thì cũng ương bướng bất phục.
Văn minh Việt Nam 1944
Cảm tính nặng hơn lý tính
Nói chung người Việt có chất nghệ sĩ nhiều hơn chất khoa học. Nhạy cảm hơn là có lý tính. Yêu thích văn học và trang trí. Đa số chỉ mơ ước nghề làm quan là con đường đã vạch sẵn, không đòi hỏi nhiều cố gắngđộc đáo, mà lại đem đến nhiều vinh hiển
Chẳng có mặt nào của tính cách người Việt lại không có mặt bù lại, và không gợi ra ngay tức khắc một bằng chứng ngược lại. Chúng ta đã nóivề tính biếng nhác và sự uể oải của người Việt, nhưng người ta chẳng thấy nơi nào trên thế giới một dân tộc cần cù như vậy, và những người lao động sẵn sàng làm những công việc nặng nhọc trong khi chỉ nhận được số tiền công rẻ mạt đến như vậy.
Chúng ta cũng đã nói về tính phóng túng bông lông và mơ mộng của người Việt. Thế mà chúng ta lại cũng dễ dàng khám phá ở người dân nơi đây một đầu óc thực tế lạ lùng, nó quyết định chiều hướng tâm hồn người nông dân và trở nên một vũ khí lợi hại trong tay những người thợ mỹ nghệ.
Nếu tính hay thay đổi là đặc tính của người Việt thì ta cũng phải ngạc nhiên mà nhận xét rằng trong bọn họ có một số kẻ là những tay dai dẳng và bám riết người ta khi xin xỏ; là những kẻ sính kiện tụng không ai địch nổi; là những học sinh sinh viên quyết chí săn đuổi bằng được bằng cấp.
Văn minh Việt Nam,1944
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015