Phần 3: Phật giáo lịch sử

09:00 SA @ Thứ Tư - 11 Tháng Mười Một, 2009

Phần 1: Phật tổ sự tích

Phần 2: Phật lí uyên nguyên

Bài lược khảo này đã dài lắm rồi. Nay đến phần thứ ba là phần lịch sử, muốn nói cho tường tận phải ngần ấy nữa chưa chắc đã hết, vì phải xét lần lượt Phật giáo từ Ấn Độ truyền bá sang mỗi nước thế nào; thuộc về Nam tôn thời ở Xây Lan, ở Miến Điện, ở Xiêm La, ở Cao Miên, tuy đạo Phật bấy nhiêu nước cùng là một nguồn mà ra, mà ở mỗi nước có một trạng thái riêng; thuộc về Bắc tôn thời có Phật giáo của Népal, Phật giáo của Tây Tạng, Phật giáo của Mông Cổ, Phật giáo của Trung Quốc, Phật giáo của Cao Li, Phật giáo của Nhật Bản, Phật giáo của Việt Nam tuy cũng có một nguồn cả, nhưng ở mỗi nước cũng có một đặc sắc riêng. Muốn kể lịch sử Phật giáo thời phải đủ bấy nhiêu mục, nói rõ nước nào bắt đầu tiếp được đạo Phật từ năm nào, khi đã truyền bá khắp rồi thời lúc thịnh lúc suy thế nào, người dân theo đạo hay dở thế nào, v.v.. Nhưng khảo cho đến nơi đến chốn như thế thời một quyển sách cũng chưa đủ. Nay chỉ xin nói qua về đạo Phật ở Ấn Độ truyền bá sang Trung Quốc, Trung Quốc truyền sang Việt Nam thế nào.

Lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ. - Sau khi Phật nhập nát bàn; quyền quản lí giáo hội về tay ông thượng tọa (théra) Đại-giả-diệp (Maha Kasyappa). Ông bèn họp các tăng chúng ở trong động Sattapanni (núi Vebbhara) gần Vương-xá-thành, để ôn lại các lời dạy của Phật, sợ lâu ngày quên đi mất. Ưu-bà-li đọc về phần luật, A-nan-đà đọc về phần kinh. Dự hội có năm trăm người, họp bảy tháng. Thế là bộ Tam tàng mới bắt đầu tập hợp từ đấy, những bấy giờ chỉ có hai phần luật và kinh mà thôi, chưa có phần luận; và chỉ đọc miệng chưa có viết thành văn. - Lần họp này sách Tây gọi là kì “hội nghị thứ nhất” (Ler concile), hay là “hội nghị 500 người” (concile des cing cents), hay là “hội nghị Vương-xá-thành” (concile de Radjagriha); sách Tàu thời cũng gọi là “ngũ bách tập pháp”, hay là “đệ nhất kết tập”.

Kế Đại-già-diệp là đệ nhất tổ, đến Ưu-bà-li, A-nan- đà, v.v… , trong khoảng một trăm mười năm sau khi Phật nhập nát bàn, tăng già rất yên ổn. Theo sách Bắc tôn thời các tổ cứ kế truyền nhau mãi cho đến thế kỉ thứ sáu sau Kỉ nguyên Tây lịch bấy giờ tổ thứ 28 tên là Đạt ma (Boddhi Dharma) mới rời Ấn Độ sang truyền y bát bên Tàu, làm đệ nhất tổ Thiền tôn ở Tàu. Nhưng thuyết đó không được chắc lắm.

Sau Phật nhập nát bàn một trăm mười năm, đời vua A-dục đệ nhất (Kata Asoka, không phải ông A-dục trên kia đã nói), trong tăng già có biến: nhân nhiều thày tỉ- khứa xin sửa đổi mấy điều luật cho nhẹ bớt, sinh ra phân tranh. Bèn họp tăng chúng một lần thứ nhì ở Phệ- xá-lị, Revata làm thượng tọa. Có bảy trăm người dự hội (có sách nói 1200), họp tám tháng, sách Tây gọi là thôi nghị thứ nhì" hay là "hội nghị thành Phệ-xá-lị" (2ème Concile cu concile dễ Vaisali), sách Tàu gọi là "thất bách tập pháp”, hay là “đệ nhị kết tập”. Hội bác những lời xin của các thầy tỉ-khưu muốn đổi luật. Nhưng các thày không chịu, vả lại vừa là số nhiều, bèn xin phân li, thành ra giáo hội chia ra làm hai phái: phải tỉ-khưu xin đổi luật, gọi là “đại chúng bộ” (mahasamghuika), phái các tỉ-khưu xin cứ theo như cũ, gọi là “thượng tọa bộ” (sthavirâ). - Phật giáo bắt đầu đến từ đấy. Sách nói hai trăm năm sau Phật nhập nát bàn, đạo Phật ở Ấn Độ chia ra tới mười bảy phái; tuy vậy cũng không có cạnh tranh nhau lắm.

Sau Phật nhập nát bàn ba trăm năm thời có ông A-dục đạo vương (Dharma Asoka) tức là vua A-dục có dựng bia ngợi khen đạo Phật như trên kia đã nói, (nhất danh là Piyadasi) thấy nghĩa kinh đã nhiều người quên, định hội nghị tăng chúng có một lần nữa ở kinh đô là thành Ba-duy-bà-đô-già (Pataliputra) để định nghĩa kinh. Thượng tọa là Đế-tu (Tichya). Dự hội nghị có một nghìn người, họp chín tháng. Lần này tức là hội nghị thứ ba (3ème Concile), nhưng Bắc tôn lẫn hai vua A-dục, cho là lần này với lần thứ nhì cũng là một. Theo tục truyền thời chính kì này kì tập thành kinh sách của Tiểu thừa.

Vua A-dục không những họp kì hội nghị thứ ba này mà lại phái người đi truyền giáo khắp các nước. Trong sách còn chép tên mười một sứ giả sai đi truyền đạo Phật mọi nơi. Người xuống truyền giáo ở đảo Xây Lan, chính là con vua, tên là Mahinda.

Nhờ có vua A-dục bảo hộ, đạo Phật một hồi toàn thịnh ở Ấn Độ và dần dần truyền bá ra các miền chung quanh. Cách hai trăm năm sau lại được vua Già-nhị-sắc-già (Kanishka) là người giống Đại Nguyệt Thị, tức là giống mạo - Scythes cũng hết sức bênh vực đạo Phật. Vua trị vì tự năm 15 trước Kỉ nguyên đến năm 45 sau Kỉ nguyên, vì có cảm tình sâu với Phật giáo nên có người đã gọi là ông A-dục thứ nhì vậy. Vua cũng theo gương vua A-dục mà họp một hội nghị tăng chúng lần thứ tư ở kinh đô là Djalandhara, ông Phạt- tô-mật-đa-la (Vasumitra; tên Tàu là “Thế Hữu”) làm thượng tọa. Theo tục truyền thời kì hội nghị này là kì kết tập kinh sách của Đại thừa. Nhưng trong sách Tiểu thừa thời tuyệt nhiên không thấy nói gì đến hội nghị này cả, và cũng không thấy nói đến tên vua Già- nhị-sắc-già bao giờ. Thành ra theo sách Nam tôn hay là theo sách Bắc tôn cũng chỉ có ba hội nghị mà thôi. Bắc tôn thời không biết hội nghị thứ nhì ở Phệ-xá-lị, mà Nam tôn thời không biết hội nghị thứ tư ở Djalandhara vậy.

Vua Già-nhị-sắc-già trị vì sáu mươi năm, hồi bấy giờ đạo Phật lại càng thịnh lắm. Có mấy ông cao tăng là những tay triết học trứ danh như Pháp Cứu (Dharmatrâta), Thế Hữu (Vasumitra), Mã Minh (Asvaghosha), chuyên nghiên cứu về luận tàng, phát minh những nghĩa lí uyên áo trong đạo Phật; dần dần dựng ra phái Đại thừa. Nhưng trong khi các ông ấy chuyên về luận tàng thời có một phái khác chỉ chuyên trọng về kinh luật mà thôi, tự xưng là Santrantikâ, nghĩa là phái trọng kinh, tức là Tiểu thừa vậy.

Tự đấy hai phái Đại, Tiểu thừa cứ tranh cạnh nhau mãi; lại thêm trong phái Đại thừa chia ra hai tôn: “hữu tôn” thì dạy rằng vạn vật có bản thể bất diệt, “không tôn” thì dạy rằng nhất thiết sắc là không, chẳng có gì là có, hai tôn kị nhau như nước lửa: Thừa lúc nội loạn ấy, giáo Bà-la-môn trương thanh thế, muốn cướp lại thế lực cũ, rồi đến đạo Hồi mới nổi lên, tuy số ít mà cũng xâm vào được lãnh thổ của Phật giáo, Phật giáo đến đó, trừ mở cửa ra ngoài, không còn kế sinh tồn nữa.

Trong khi ở phương Bắc tranh luận như thế thời ở phương Nam Ấn Độ (tức là Xây Lan), ông Buddha- ghosha biên tập bộ Nam tôn tam tàng và ra công chấn hưng đạo Phật. Nhờ ông phái Tiểu thừa mới thịnh hành từ đấy và truyền bá ra các cõi phương Nam, như Miến Điện, Xiêm La, v.v… Ngày nay các nước theo Tiểu thừa vẫn còn thờ ông Buddhaghosha như các nước theo Đại thừa thờ ông Long-thụ bồ tát (Nagârjuna) vậy.

Vào khoảng thế kỉ thứ sáu thứ bảy thời Phật giáo dần dần mất tích ở Ấn Độ. Đến nay duy chỉ còn ở phía Bắc mấy vùng chân núi Hymalaya (như Népal, Cachemire) và phía Nam đảo Xây Lan là còn theo đạo Phật mà thôi. Phật giáo phát tích ở Ấn Độ mà nay ở Ấn Độ mất tích như thế, cũng là một sự lạ thay. Các nhà bác học chưa thể tìm được rõ duyên cớ thế nào vậy.

Phật giáo truyền sang Trung Quốc năm 64 sau Kỉ nguyên, sang Cao Li năm 372, sang Nhật Bản năm 552, sang Tây Tạng, Mông Cổ vào khoảng năm 600 - 700.

Lịch sử Phật giáo ở Trung Quốc. - Đạo Phật có lẽ thâu nhập Trung Quốc đã lâu, nhưng cứ chính sử thời năm 64 - 65 sau Kỉ nguyên, vua Minh đế nhà Hậu Hán mới sai người sang Thiên Trúc (tức Ấn Độ) đón sư về Lạc Dương là kinh đô nhà Hán bấy giờ. Tự đấy mới bắt đầu dịch kinh Phật. Các sư người Thiên Trúc (Indiens), người Nguyệt Chi (Cètes, Kouchan ou Indo-Scythe), người An Tức (Arsacide Parthe), người Khang Cư (Touranien de Samarkand) - đó là tên các giống người ở bắc bộ Ấn Độ bấy giờ họp nhau lại dịch sách cho đến cuối đời Hán, năm 220. Song trong khoảng bấy giờ, công trước thuật tuy to mà công truyền bá chưa được mấy, vì đảng nhà Nho phản đối dữ.

Trong đời Tam quốc, từ năm 220 đến năm 280 vẫn có nhiều người dịch kinh Phật. Trong ba nước tranh hùng bấy giờ có hai nước Ngụy và Ngô, xét ra cũng hoan nghênh đạo Phật. Hồi ấy sư Ấn Độ sang truyền giáo cũng nhiều, nhưng không được đắc lợi mấy, vì chưa gặp cơ hội tốt.

Sau được vua nhà Triệu là giống Hung Nô, vốn người ngoài rợ, không có cảm tình gì với đạo Nho, lại được nhờ các sư giúp cho thành công, nên năm 355 giáng dụ cho người trong cõi được tự do theo đạo Phật. Hồi ấy nhân dân theo đông lắm.

Nhà Tấn cũng hoan nghênh đạo Phật. Việc dịch kinh bấy giờ thịnh hành lắm. Các sư bên Tây Thổ sang nhiều, chùa chiền dựng lên cũng lắm. Xét hồi ấy đã thấy có tên người Tàu làm sách và dịch kinh.

Tự đấy, ở Trung Quốc có hai nơi thành như hai chốn trung tâm của Phật học, là Trường An ở nước Tần và vùng núi Nam Sơn ở nước Lương, ở về miền cực tây, khác nào như chỗ giao giới Tây Thiên với Trung Thổ. Đường giao thông đã có (qua miền Tarim và Kotan) các sư Tàu bấy giờ mới bắt đầu đi sang vãn cảnh Thiên Trúc. Ông Pháp Hiển đi tự Trường An năm 399, đến năm 414 mới về.

Nói tóm lại thời đời bấy giờ rợ ngoài xâm nhập, nội địa phân liệt, Nho giáo suy vi, bấy nhiêu duyên cớ đủ giúp cho thế lực đạo Phật ngày một thêm mạnh. Vì Nho đạo nhất thống trong cõi, thời đạo Phật không bao giờ truyền bá được khắp. Trong sử nói rằng vào khoảng năm 405, về phía Bắc nước Tàu mười nhà thời chín nhà theo đạo Phật.

Tự năm 372 đạo Phật tự Bắc bộ nước Tàu, truyền sang Cao Li, người Cao Li hoan nghênh, nhận là đạo của Tàu.

Sau nhà Tấn, đến mấy nhà Tống, Tề, Lương, Tần, bấy giờ Trung Quốc càng phân li, đạo Phật càng gặp dịp. Phật đồ dẫu phải khu trục ở nơi này (như năm 444 bị nhà Nguy hạ lệnh cấm), lại được hoan nghênh ở chỗ khác, nhất là trong dân gian mộ đạo lắm. Trong sử nói vào khoảng năm 500 suốt từ Nam chí Bắc, dân theo Phật hết.

Thế kỉ thứ năm thứ sáu, đạo Phật vẫn thịnh, năm 17 vua Vũ đế nhà Lương tập các kinh Phật làm bộ Tam tàng thứ nhất; đến năm 527 vua thí phát đi tu. Đời nhà Tùy, đạo Phật lại thịnh lắm, không đầy hai mươi năm bộ Tam tàng xuất bản tới ba lần; sử chép rằng bấy giờ trong dân gian có nghìn quyển kinh Phật mới có một quyển sách Nho.

Trong suốt thế kỉ thứ sáu, có ba phái lớn bên Ấn Độ truyền sang: Thiền tôn năm 529, Câu xá tôn năm 563, Thiên thai tôn năm 597. Về thế kỉ thứ bảy lại có hai phái nữa, nối gót dấy lên: Hoa nghiêm tôn năm 642 và phái Pháp tướng tôn năm 645. Hồi bấy giờ sư Tàu có tiếng hơn nhất là ông Đạo Tuyên.

Trong suốt thế kỉ thứ sáu, có phái Thiền tôn là thịnh hơn nhất. Trong sách thường chép: “Thiền tôn lục tổ” hay là “Chấn dán lục tổ” và nói rằng chỉ truyền y bát đến tổ thứ sáu thời thôi. Nay tra ra sáu tổ kế tiếp nhau lần lượt như sau này: Sơ tổ là Đạt-ma (Boddhi Dharma), người Thiên Trúc, năm 520 sang Tàu; nhị tổ là Tuệ Khả; tam tổ là Tăng Sán; tứ tổ là Đạo Tín; ngũ tổ là Hoằng Nhẫn; lục tổ là Tuệ Năng.

Đầu nhà Đường, năm 606, nhà Nho xin đặt luật nghiêm cấm đạo Phật. Nhưng chẳng được bao lâu, đến đời bà Vũ Hậu năm 690, Phật giáo lại thịnh hành lắm. Năm 740, trong một thành Trường An có 64 chùa sư nam và 27 chùa sư nữ. Trong khoảng 35 năm, bộ Tam tàng xuất bản hai lần. - Năm 786, ông thuyền sư Bất Không (Amogha) truyền phái Chân ngôn, được vua yêu sủng, liệt bằng hàng với các quan thượng thư trong triều; bấy giờ thiên hạ sùng đạo Phật cho đến nỗi ở kinh đô trong một ngày làm lễ thụ giáo cho non một nghìn người.

Năm 845, vì bọn đạo giáo xui vua Vũ Ôn, nhất đán hạ lệnh hủy 4600 phật tự và bắt hồi tục 26 vạn 5 trăm vừa tăng vừa ni. Hai năm sau, năm 847, vua Tuyên tôn lên ngôi, đạo Phật lại khôi phục.

Ấy đạo Phật qua đời nọ sang đời kia, từng nhiều phen phải đốn tỏa, nhưng rồi lại khởi phục được ngay. Đạo Phật ở Trung Quốc thật là có cái nghị lực phi thường vậy. Tuy bọn học thức phần nhiều theo Nho, mà trong dân gian bao giờ cũng mộ Phật. Bởi lẽ đó nên mãi đến cận đại, phàm vua triều nào ra khai quốc cũng in lại bộ Tam tàng, lấy làm việc cẩn trọng, hoặc là thành tâm, hoặc là chiều đời, chủ ý là để thu phục nhân tâm. Vua đầu nhà Tống in kinh năm 972; vua đầu nhà Nguyên năm 1285-1287; vua đầu nhà Minh năm 1368. Nhà Thanh đối với Phật giáo có ý lãnh đạm, là vì đã nhờ bọn Nho mà gây dựng được cơ đồ, nên phải chiều nhà Nho hơn các đời khác. Song các vua Thanh không thể tuyệt nhiên không giúp cho đạo Phật là đạo gốc trong dân gian lại vừa là đạo gốc của nhà Minh nữa. Nên năm 1725, 1737 cũng in lại bộ Tam tàng (1).

Phật giáo ở Việt Nam. - Muốn khảo lịch sử Phật giáo ở nước ta thật khó lắm, vì sách vở không có. Bên Tàu sách gì cũng lưu truyền được mãi mãi, bên ta không sách gì truyền được trọn vẹn tới hơn trăm năm. Cứ xem như trong bộ Lịch triều hiến chương của cụ Phan Huy Chú, có mục “Văn tịch chí” nói về những sách người Việt Nam ta làm mà hồi bấy giờ cụ còn được biết: bộ Lịch triều hiến chương biên tập tự đầu bản triều, cách nay chừng trăm năm, mà bao nhiêu những sách kể trong mục ấy ngày nay hầu hết không còn gì nữa, không ai nhớ đến tên nữa: ấy thư tịch ở nước mình tiêu diệt mau như vậy, ghê thay! Bởi thế nên sự khảo cứu rất là khó khăn. Vẫn biết rằng đã có quốc sử, nhưng sử chép khuyết lược lắm, và cũng nhiều việc không biết bằng cứ ở đâu. Như khảo về Phật giáo mà tra trong sử ta thời không được mấy tí, chỉ biết rằng nước ta về đời Lí - Trần vua quan cho chí dân gian mộ đạo Phật lắm, nhưng đạo Phật thâu nhập nước ta từ bao giờ, duyên cách những thế nào, thời sử không nói.

Có lẽ sau này có nhiều nhà hiếu học dụng công sưu tầm lấy những đoạn giản tân biên của đời trước, thứ nhất là những thệ phả, bi kí của các chùa, thời họa may bấy giờ mới có thể chép được lịch sử Phật giáo ở nước ta cho tường tận vậy. Chứ ngày nay thời tài liệu còn ít lắm, chưa thể nào chép được. Hiện kí giả chỉ mới biết có sách Kiên văn tiểu lục của cụ Lê Quý Đôn trong có một mục “thuyền dật kí”, nói về mấy bậc cao tăng ở nước ta thời Bắc thuộc (về nhà Tấn, nhà Đường) cho đến đời nhà Lí - Trần là đời Phật giáo toàn thịnh ở nước ta. Xem đó thời về đầu nhà Đường (đầu thế kỉ thứ 7) Phật giáo ở nước ta đã thịnh, vậy thời có lẽ đạo Phật truyền sang Việt Nam đã lâu rồi. Vả từ thế kỉ thứ nhất ta nội thuộc Tàu luôn, nước ta với nước Tàu cũng như một, người Tàu sang ở bên này nhiều, chắc về đời Lục triều (tự thế kỉ thứ ba đến thế kỉ thứ sáu) đã đem đạo Phật sang rồi, nhưng có lẽ Phật giáo chưa truyền ra dân gian và mới là tôn giáo của một phần người Tàu ở đây mà thôi. Đến đời nhà Đường đô hộ, sách chép rằng nước ta có mấy ông cao tăng như Vô Ngại Thượng Nhân, Phụng Định Pháp sư, Duy Giám Pháp sư, những nhà làm thơ có tiếng ở nhà Đường thường có họa thi tặng. Lại trong sách Đường Cao tăng truyện của ông sư Tàu tên là Nghĩa Tĩnh (tức Tây dịch là Vi tsing), có thuật truyện một ông Cao tăng đất Giao Chỉ tên là Vận Kỳ Pháp sư đã từng đi sang Thiên Trúc cầu kinh. Nhưng mà các bậc cao tăng ấy có phải là người Việt Nam hay là người Tàu? Tôi tưởng các ông có lẽ là người Tàu hoặc là giòng dõi người Tàu ở đây, chứ chưa phải là người bản thổ. Tôi có nhớ năm xưa được xem một bài văn bia ở một cái chùa về tỉnh Phúc Yên, bài ấy đề niên hiệu nhà Lí, hồi bấy giờ đạo Phật đương toàn thịnh. thế mà xét ra lời văn còn vụng lắm, tuy dùng chữ Phật nhiều mà dùng chưa được thoát, chắc là của một ông sư ta làm. Giữa đời nhà Lí (vào khoảng thế kỉ thứ mười, mười một), người nước ta học chữ Hán chắc đã khá mà làm văn vụng như vậy, thời đủ biết không có lẽ ba bốn trăm năm về trước người mình đã có những bậc cao tăng vừa thâm Hán học, vừa thâm Phật học, đến nỗi các danh sĩ nhà Đường phải kính trọng.

Đến khi nước ta thoát li nước Tàu mà độc lập, bắt đầu từ nhà Đinh, bấy giờ Phật giáo chắc đã truyền bá trong dân gian. Vua Đinh Tiên hoàng (968) mới định giai phẩm các tăng đạo. Khi ấy có những sư như ông Ngô Chân Lưu, Trương Ma Ni là có tiếng, vua cho hai ông ấy làm chức tăng thống và tăng lục. - Sư nước ta thấy chép trong quốc sử, trước từ hai ông ấy vậy.

Đời vua Lê Đại Hành, năm Thiên phúc thứ 8 (980), sử nhà Tống là Lí Giải sang Nam, vua Lê sai hai ông sư là Lạc Thuận và Khuông Việt tiếp đón, sư thường ngâm vịnh xướng họa với Tống sứ, Tống sứ lấy làm phục.

Đời vua Lí Thái tổ (l009) thời rất trọng đạo Phật, có ban y phục cho các nhà sư, mộ dân làm tăng ni, dựng ra cung Thái Thanh, lập ra chùa Vạn Tuế. Sử chép đời nhà Lí tăng đạo đầy chốn dân gian, chùa chiền khắp trong thiên hạ. Những sư có tiếng đời Lí là những ông sau này: Bảo Tính, Minh Tâm, Vạn Hạnh, Minh Không có phép thuật chữa bệnh cho vua Lí Thần tôn, Đạo Hạnh tu luyện ở núi Phật tích (tức là núi chùa Thày, ở Sơn Tây), Giác Hải. Đến đời nhà Trần đạo Phật vẫn còn thịnh. Vua Nhân tôn là thiên tử cũng đi tu làm Đại sĩ, bà Hoàng hậu đi tu làm sư cô, các hàng vương công đi tu làm tăng chúng. Đời Trần có ông sư Huyền Quang làng Vạn Tải, huyện Gia Bình, Bắc Ninh, lên chín tuổi đã hay văn thơ, có tập thơ Ngọc tiên truyền ở đời. Tục truyền ông đỗ Trạng nguyên, rồi từ quan đi tu, nhưng ông Lê Quý Đôn cho là không phải, vì xét trong sách ông Hoàng Đức Lượng ở đời Hồng đức có chép sự tích và thơ ông ở tập Trích diễm thời không nói ông đỗ gì, đời Hồng đức cách đời Trần không xa, tưởng chắc là không lầm.

Nhà Trần lại có một ông sư trứ danh nữa là ông Pháp Loa, người thôn Đồng Hòa, làng Cửa La, huyện Nam Sách, sinh giữa niên hiệu Thiên Long (1264). Khi vua Nhân tôn ngự ra Nam sách gặp sư, khen là có đạo, và tứ danh là Hỉ-lai. Sau ông tu ở Kì Lâm, đổi tên là Pháp Loa. Trong sử chép khi vua Nhân tôn hóa ở Ngọa Vân am, chỉ có một mình ông Pháp Loa trông nom việc thiêu hóa. Sau ông lên tu ở chùa Yên Tử, ông Huyền Quang cũng lên theo, lập ra viện Quỳnh Lâm, am Hồ Thiên, am Chân Lạc, và chùa Thanh Mai. Cảnh chùa Yên Tử ngày nay hãy còn, bây giờ thuộc tỉnh Quảng Yên, thật là một nơi cổ tích có tiếng của nước ta. Vua Nhân tôn khi vào tu ở đấy tự hiệu là Giác Hoàng. Sau gọi “Trúc Lâm tam tổ”, tức là: đệ nhất tổ Giác Hoàng; đệ nhị tổ Pháp Loa; đệ tam tổ Huyền Quang vậy. Nay ở Yên Tử còn có chùa Thiên Trúc thờ ba tổ, đời xưa có tiếng lắm, nên có câu rằng:

Dù ai quyết chí tu hành,
Có về Yên Tử mới đành lòng tu!

Đời nhà Lê, đạo Phật đã kém thịnh, nhưng cũng có nhiều vị sư có tiếng. Thứ nhất là ông Hương Hải, tục gọi là “Tổ Cầu” người làng Áng Độ, huyện Chân Phúc; khi mười tám tuổi đã đỗ hương cống, vào làm văn chức, rồi ra từ phủ Triệu Phong. Hai mươi lăm tuổi bèn từ quan đi tu, có theo học ông Viên Cảnh và ông Đại Thâm Viên Giác. Sư có vào tu ở Thuận Hóa (Huế), người quy đến hàng nghìn, sau vì chúa Nguyễn có ý ngờ, bèn ra ngoài Sơn Nam, ở chùa Nguyệt Đường, bây giờ là niên hiệu Chính hòa (1683) nhà Lê. Sư có làm nhiều câu kệ thâm thúy lắm.

Khoảng năm Chính hòa Vĩnh thịnh (1680 -1705), lại có ông Như Đức ở chùa Lân Đỗng, huyện Đông Triều, giới luật cũng tinh nghiêm lắm. Về niên hiệu Bảo thái, lại có ông Như Nguyệt, là môn đồ ông Hương Hải, cũng là người chân tu.

Tự đấy về sau, cả khoảng Lê mạt Nguyễn sơ, thời không có sách khảo nữa. Nhưng cũng là bắt đầu đạo Phật đã suy, cho đến bao giờ vậy.

*
* *

Kí giả viết xong bài này, cũng muốn kết luận mấy câu về Phật giáo. Nhưng bài đã dài lắm rồi, vả như trên kia đã nói, mục đích là định làm một bài khảo cứu, không phải là định bình phẩm về đạo Phật vậy. Nay nhân mới đọc quyển sách của một văn sĩ nước Pháp, bàn về Phật giáo, thấy có mấy câu phán đoán đạo Phật cũng hay, lược dịch ra đây, gọi là thay vì lời kết luận vậy:

“Đạo Phật là gì? Đạo Phật là câu hát não nùng để ru ngủ cho những dân chán đời ở cõi Đông phương, ru cho êm giấc mộng nghìn năm.

“Mà câu hát ấy, từ hai mươi lăm thế kỉ đến giờ cũng đã từng ru cho biết bao nhiêu kẻ sầu não đau lòng!

“Nào những người đa sầu đa cảm, ngán nỗi đời mà cam lòng đợi chết, nào những kẻ học giả thâm trầm, cậy sự thế mà mơ màng tịch diệt, nên chắp tay mà vái lạy Phật đà. Lại những người kia nữa, số nhiều biết bao nhiêu, sống ở đời mà ghét căm sự sống, khác nào như một phường kèn thảm, thổi sau một đám rước to, chạy quanh trên vũ đài thế giới, nên lên giọng mà ngợi khen thày Mâu-ni đã đắc đạo. Thày là tôn sư của các người. Dù giọng các người căm tức mà ngạo mạn, hay than khóc mà nỉ non, thâm trầm mà trịnh trọng, hay nức nở mà kêu oan, bài than vãn cũng là một, mà bài ấy là Phật đã xướng lên.

“Lại những bậc triết nhân yếm thế, các ngài nên tôn trọng Phật đà. Ngày nay các ngài băn khoăn trong dạ, xưa kia Phật đã khắc khoải trong lòng. Các ngài làm môn đồ Phật, cũng không mất giá chi. Cổ lai những người được cái thiên chức làm hướng đạo cho loài người vào trong cõi siêu nhân loại, không phải là có nhiều. Tưởng thế cũng là đủ: cái bí tàng của tạo vật, biết chút thế cũng đủ sống...

“Nhưng mà Phật dạy sống là sự khổ vô lường; mà bọn ta thời lại lấy sống là của báu vô giá; của ấy ta cần phải ra công kinh lí, hết sức tăng gia, dù phải nhọc nhằn mới được, quyết đấu mới nên, ta cũng chẳng nề. Thử nhìn khắp quanh mình, đâu đâu cũng chỉ thấy vì ham muốn sống mà phải chiến đấu cạnh tranh. Các dân tộc, các quốc gia, các hạng người trong xã hội, cho chí từng người với nhau, nhất thiết chỉ vì muốn sống, mà phải tranh giành nhau rất kịch liệt. Nhất thiết chỉ nghĩ làm thế nào sinh tồn được, chống cự được, chiếm đoạt được; nhất thiết chỉ ghê một điều là phải chịu thua kém vậy...” (2).

(1920)

(2) Gastor Riou, L'Ennui de Bouddha


(l) xét bộ Tam tàng (Tripitaka) của Tàu hoàn bị lắm.Bao nhiêu kinh sách của Ấn Độ dịch ra chữ Tàu được hết, có nhiều sách nguyên bản Ấn Độ đã mất, chỉ còn dịch bản của Tàu. Hiện nay Tam tàng Tàu có hai bản in đủ nhất: “Nam tàng” là bản in ở Nam Kinh năm 1368 - 1398; “Bắc tàng” là bản in ở Bắc Kinh năm 1403 - 1424. Đại khái phân mục ra như sau này, xem đó thời dư biết kinh sách Phật nhiều dường nào:

A - Kinh Tàng (Sutra-pitaka).

I. Kinh Đại thừa (Mahâyâna-sutra):

1. Bát nhã bộ (Padjnâpâramita-sutra).......:.....................:........... 22 bộ
2. Bảo tịch bộ (Ratnakuta-sutra) .....................................................38 –
3. Đại tập bộ (Mahâsannipâta-sutra)..............................................26 –
4. Hoa nghiêm bộ (Avatamsâka-sutra)............................................26 –
5. Nát bàn bộ (Nirvâna-sutra) .........................................................13 –
6. Nhũng kinh trong dịch năm bộ trên.........................................250 –
7. Những kinh đơn dịch năm bộ trên …………………………...166 -

II. Kinh Tiểu thừa (Hinâyana-sutra):

1. A hàm bộ (Âgama-sutra)............................................................137 –
2. Các kinh đơn dịch ......................................................................103 –

III. Các kinh Đại tiểu thừa mới nhập bộ
tự đời Tống Nguyên ......................................................................
299 –

B - Luật tàng (Vinaya-pitaka):

I. Đại thừa luật (Mahayâna-vinaya)...............................................25-
II. Tiểu thừa luật (Hinâyana-vinaya) .............................................
60-

C- Luận tàng (Abhidharma-pitaka):

I. Đại thừa Luận (Mahayâna-abhidharma)....................................94 –
II. Tiểu thừa Luận (Hinayâna-abhidharma) ..................................37-
III. Các sách mới nhập Luật tàng từ đời Tống Nguyên ..................
23-

D - Tạp tàng (Samyukta-pitaka):

I. Sách của các thành hiển Tây thổ soạn .........................................47-
II. Sách của người Trung Quốc trước thuật...................................
154-
a) Các sách tục nhập Tàng tự đời Minh...........................................36-
b) Các sách Bắc tàng khuyết mà Nam tàng còn................................5-
c) Tổng cộng .................................................................................. 1662 bộ

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Quan niệm về nhận thức trong triết học phật giáo Việt Nam

    09/08/2019TS Triết học Nguyễn Đức DiệnQuá trình hình thành quan niệm lý luận về nhận thức luận trong các học thuyết triết học thường diễn ra thông qua mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Trong triết học Phật giáo, giữa bản thể và nhận thức có quan hệ không tách rời. Biểu hiện của quan hệ ấy ở chỗ tính “không” của bản thể, cũng như tính vô thường, nhân quả của thế giới hiện tượng chỉ được nhận thức thông qua mối quan hệ với “tâm”.
  • Ý nghĩa hoa sen trong Phật giáo

    11/05/2019Bàng ẨnHoa sen đẹp hương thơm tinh khiết, nên được mọi người ưa chuộng. Ấn Độ giáo có truyền thuyết cho rằng lúc khởi đầu vũ trụ một hoa sen mọc lên từ rốn của thần Vishnu, giữa hoa có Phạm thiên ngói kiết già. Hoa sen lại là một trong tám biểu tượng của Phật giáo, khó có thể kể hết kinh sách Phật giáo nói về hoa sen, sau đây chỉ là khái lược...
  • Việt Nam hóa Phật giáo ở Trần Nhân Tông

    17/03/2019Nguyễn Tài ĐôngTheo tác giả, Trần Nhân Tông là người đã tập đại thành tư tưởng thiền học của một số thiền sư Việt Nam trước đó, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm và qua đó, đánh dấu một bước hoàn tất quá trình Việt Nam hoá Phật giáo. Để làm sáng tỏ vấn đề này, trước hết, tác giả phân tích tiền đề thiền học của Trần Nhân Tông cùng những thiền sư đã có ảnh hưởng lớn đến Trần Nhân Tông. Tiếp đó, tác giả phân tích ba vấn đề đặc sắc trong tư tưởng của Trần Nhân Tông: quan niệm tâm chính là Phật, học thuyết vô niệm và tinh thần nhập thế tích cực.
  • Phật giáo trong thời đại chúng ta

    14/11/2018Nhiều tác giảNhững bài viết góp mặt trong tập sách này người viết đã đứng từ nhiều góc độ, hoặc biện giải để khẳng định, hoặc phát hiện để soi rọi, hoặc khơi gợi để đặt vấn đề… tất cả sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn về vị thế và vai trò của Phật giáo và Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới...
  • Chân lý Phật giáo và văn hóa xã hội nhân văn

    30/10/2017Giảng sư Thích Huệ ĐăngPhật giáo được khai sinh từ chiếc nôi là thành Ca Tỳ La Vệ (thuộc nước Ấn Độ bây giờ), trải qua hơn 2.500 năm lịch sử đầy những thăng trầm, có lúc tưởng như đã biến mất hẳn ngay trên bản địa. Nhưng Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển rộng rãi khắp nơi.
  • Hệ thống thế giới quan Phật giáo - Các sơ đồ giáo lý

    26/08/2009O.O.Rozenberg- Nguyễn Hùng Hậu & Ngô Văn Doanh dịchTrước khi chuyển sang nghiên cứu những phần quan trọng nhất trong hệ thống thế giới quan Phật giáo, chúng ta cần phải xác định điểm xuất phát mà từ đó các Phật tử lập luận về những vấn đề xuất hiện trong khi suy tư triết học và chỉ ra cơ cấu chung của các hệ thống của họ. Sau đó, chúng ta mới đả động đến vấn đề đặt Phật giáo vào trào lưu triết học nào: Phật giáo là chủ nghĩa thực tại hay chủ nghĩa duy tâm, là duy vật hay duy linh hay là một trào lưu nào khác.
  • Những vấn đề triết học Phật giáo - Siêu hình học

    18/08/2009O.O.Rozenberg- Nguyễn Hùng Hậu & Ngô Văn Doanh dịchViệc nghiên cứu triết học Phật giáo trên cơ sở những văn bản hệ thống được giữ lại trong các bản dịch Trung quốc đã chiếu luồng sáng mới vào những vấn đề thế giới quan Phật giáo được biết ở Âu châu, đồng thời đặt ra một loạt những vấn đề mới mà cho đến nay vẫn còn chưa được đưa ra trong các công trình về Phật giáo. Nhiều cái đã không có thể biết vì hoặc thiếu những tài liệu, hoặc tài liệu hiện có không được sử dụng.
  • Không và sắc

    26/12/2008Thái Nam ThắngMới nghe cái tên Không và Sắc, thoạt đầu chúng ta có cảm giác đây là một tiểu thuyết huyền ảo, đầy hư - thực và sẽ khó đọc. Tuy nhiên, sự thật không phải như thế, bởi Không và Sắc là một tiểu thuyết có nét duyên rất riêng và khá hấp dẫn.
  • Ảnh hưởng của phật giáo tới đạo đức, lối sống ở thành phố Hồ Chí Minh

    15/03/2007Thân Ngọc AnhVới vai trò, chức năng và những giá trị nhân văn sâu sắc của mình, Phật giáo trở thành chỗ dựa trong đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận quần chúng. Các chuẩn mực của đạo đức Phật giáo có tác dụng điều chỉnh hành vi, nhân cách con người, ảnh hưởng tích cực đến quần chúng...
  • Thiền phật giáo nguyên lý và một số phạm trù cơ bản

    23/12/2005TS. Hoàng Thị ThơPhân tích quan niệm của Thiền Phật giáo về quá trình nhận thức, và cùng với nó là quá trình giải thoát, tác giả muốn chỉ ra thế mạnh cũng như hạn chế của những quá trình mang tính hướng nội và cá thể này. Vì vậy, có thể lý giải được sự lan toả đang rất thành công của Thiền Phật giáo trên thế giới hiện nay...
  • Lược khảo tư tưởng Thiền trúc lâm Việt Nam

    11/11/2005Nguyễn Hùng HậuCùng với khuynh hướng tìm về cội nguồn, việc nghiên cứu thiền Trúc Lâm Yên Tử - một thiền phái Việt Nam, do người Việt Nam tạo dựng và phát triển - là một vấn đề cần thiết và cấp bách. Thông qua việc nghiên cứu một trường phái Phật giáo Việt Nam sẽ phần nào giúp chúng ta hiểu tổ tiên chúng ta hơn, hiểu con người Việt Nam trong lịch sử hơn...
  • Về cuốn sách Lượng tử và Hoa sen

    18/08/2005Tác phẩm viết chung với Matthieu Ricard, mà báo chí Pháp gọi đây là cuộc đối thoại giữa một nhà khoa học trở thành Phật tử (tức tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard) và một phật tử trở thành nhà khoa học (Trịnh Xuân Thuận). Tác phẩm này xuất bản ở Pháp (NXB Nil-Fayard 2000) và ngay lập tức nó được dịch ra 12 thứ tiếng. Bản dịch ở Hoa Kỳ có tên là Lượng tử và hoa sen. Nếu bạn cầm cuốn này trên tay, bạn không thể bỏ xuống được, bởi đó là cuộc đối thoại rất lý thú xung quanh các vấn đề của vũ trụ, sự sống, ý thức hệ... xen lẫn với các triết thuyết nhà Phật...
  • Cái vô hạn trong lòng bàn tay

    09/07/2005Minh BùiĐề cập đến hai cuộc đời, một của nhà vật lý thiên văn sinh ra đã là Phật tử - người mong muốn đem những hiểu biết khoa học của bản thân đối chiếu với những nguồn gốc triết học của mình, và một của nhà khoa học phương Tây trở thành nhà sư - người mà những kinh nghiệm cá nhân đã kích thích ông so sánh hai con đường nhận thức hiện thực khách quan đó.
  • xem toàn bộ