Luật hấp dẫn và ứng dụng

05:36 CH @ Thứ Ba - 10 Tháng Chín, 2013
Từ ngàn xưa con người đã tổng kết ra một quy luật rằng: “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, “nồi nào vung nấy,” “lòng tin bằng hạt cải dời được núi non,” và những câu “thần chú” ngắn gọn lập đi lập lại với lòng thành sẽ làm cho sự việc xảy ra theo ý mình muốn. Ngày nay cả thế giới phương tây đang nói đến các điều này, nhưng với một từ mới hơn – Luật hấp dẫn (law of attraction).

Một cách vắn tắt, luật hấp dẫn nói rằng “tư tưởng tạo ra sự vật” – nếu ta nghĩ đến điều gì mạnh mẽ và thường xuyên, điều đó sẽ đến với ta. Nghĩa là, tư tưởng của ta “hấp dẫn” điều ta suy nghĩ đến với ta. Ví dụ: “Tôi sẽ có tiền,” nếu cứ nghĩ và tin như thế tự dưng ta sẽ có tiền. “Tôi sẽ đẹp,” cứ nghĩ như thế thì ta sẽ thành đẹp ra.

• Vấn đề có một nền tảng rất khoa học. Nếu ta cứ tin là ta sẽ có tiền thì ra sẽ rất hăng hái lao vào các việc làm ra tiền, và có khả năng cao là sẽ có tiền thật. Hoặc, chàng nào tin là mình đẹp trai thì thường hay để ý đến cách ăn mặc hơn và tự tin hơn với các cô, mà các cô thì thích đàn ông ăn mặc tử tế và tự tin, rốt cuộc số lượng các cô bạn gái chàng có chứng minh hùng hồn nhất là chàng đẹp trai.

Lòng tin làm cho chúng ta có tự tin và tập trung tư tưởng, do đó đưa đến thành công. Vấn đề chỉ giản dị thế.


• Nhưng nếu tôi nghĩ “Tôi sẽ có tiền”, nhưng tôi không tin điều đó thì sao? Tư tưởng tôi có mang tiền lại cho tôi trong trường hợp này được không?

Đương nhiên là không được. “Tư tưởng” là gồm cả ý thức lẫn tiềm thức. Chúng ta đều biết tiềm thức lớn lao và mạnh mẽ hơn ý thức ngàn lần. Cho nên nếu miệng ta lẩm bẩm “tôi sẽ có tiền” (tức là ý thức), nhưng trong thâm tâm ta không tin là điều này sẽ thành sự thực (tức là tiềm thức), thì tiềm thức sẽ thắng, nghĩa là “Tôi sẽ không có tiền”.

Vì vậy, ta phải đặt cả tiềm thức và ý thức vào cùng một hướng suy nghĩ. Luật hấp dẫn có hiệu quả khi ta đặt lòng tin vào nó. Vậy, khi tự nhắc thầm là “Tôi sẽ có tiền” hay “Tôi sẽ thon thả”, ta phải tin chắc chắn là luật hấp dẫn sẽ có hiệu quả, và kết quả sẽ đến.

• Đến đây có lẽ chúng ta đã mường tượng được luật hấp dẫn hoạt động như thế nào: Đây là phương pháp “tự kỷ ám thị” (tự thôi miên, self hypnotism) ở mức rất cao độ. Nếu ta cứ bảo thầm “tôi có tiền” với một lòng tin mạnh mẽ, thì cả ‎ý thức và tiềm thức sẽ làm việc chung để chỉ huy tác phong và cách sống của ta. Tự nhiên là ta sẽ bắt đầu hăng say nghiên cứu việc kiếm tiền, nói chuyện kiếm tiền với bạn bè, siêng năng đi tìm việc làm, việc gì có thể kiếm ra tiền ta đều hăng hái làm. Những người như vậy, đi xin việc ở đâu, các ông chủ đều thích. Những người làm ăn buôn bán đều muốn có những người bạn như vậy hùn hạp làm ăn.

• Luật hấp dẫn là luật tự nhiên, như là trọng lực, rất trung tính. Luật hấp dẫn đúng với tất cả mọi người, không cần biết nam nữ, lớn bé, giàu nghèo, và quan trọng nhất là, không cần biết tốt xấu. Người lương thiện tin chắc chắn là mình sẽ giàu, thì sẽ giàu nhờ làm ăn lương thiện. Người có máu ăn cướp, tin một cách mạnh mẽ là mình sẽ giàu, thì sẽ giàu nhờ ăn cướp. Vì vậy, chúng ta thấy trong xã hội, bất kỳ ai, tốt hay xấu, cũng có thể “thành công.”

Thế thì có gì khác biệt giữa người xấu và người tốt ở đây? Thưa, có luật nhân quả (law of causation). Chữ này nghe như xuất thân từ Phật giáo, nhưng thực ra cả thế giới đã dùng nó cả triệu năm nay, vì đánh người thì sẽ có hậu quả là bị người đánh lại, ai cũng phải thấy. Nếu làm ăn lương thiện thì có nhiều bạn và ít thù, cho nên có xác suất rất cao là thành công sẽ ở lại với mình rất lâu. Nếu đi ăn cướp, thì có nhiều kẻ thù, lại được các bác công an chiếu cố đặc biệt, nên xác suất hưởng được “thành công” lâu ngày chắc là chỉ hơn zero một nấc nhỏ, và xác suất được đứng dựa cột thì suýt soát 100%. Sự khác biệt giữa tốt và xấu là ở chỗ đó – một bên thì nhiều bạn nên sống lâu, một bên thì nhiều thù nên chết yểu.

• Luật hấp dẫn là luật của tư tưởng, mà ngôn ngữ là một phần rất lớn của tư tưởng, cho nên ngôn ngữ rất quan trọng trong luật hấp dẫn. Chúng ta đã nói qua điều này trong bài “Sức mạnh của tư tưởng.” Trong ngôn ngữ của con người, thể phủ định có ảnh hưởng rất yếu trong tâm thức. Ví dụ: “Em không ghét anh” thì nhạt như nước ốc. Nó chẳng có nghĩa lý gì hết, vậy em có yêu anh không? Hay “Tôi không chống anh,” chẳng nghĩa lý gì cả, vậy anh có ủng hộ tôi không?

Vì vậy, khi ta nói một câu phủ định “tôi không muốn béo,” tiềm thức của ta không “thấm” cái yếu ớt của chữ “không” phủ định, mà lại thấm cái mạnh mẽ của chữ “béo” xác định. Cho nên tiềm thức cứ hướng ta sống theo hướng “béo.” Các chuyên gia về tư duy tích cực (cũng như các luật sư chuyên về tranh tụng trước tòa) luôn luôn dạy người ta nói và viết ở thể khẳng định: “Tôi muốn gầy” (không phải là “tôi không muốn béo”), hay “tôi muốn giàu” (không phải là “tôi không muốn nghèo”).

• Một số các chuyên gia còn có cách trình bày thế này: Luật hấp dẫn không biết văn phạm, chỉ biết các từ mà thôi. Nếu câu bạn nói mà có chữ “yêu,” không cần biết đó là phủ định hay xác định, thì luật hấp dẫn cứ dẫn ta đi theo hướng “yêu.” “tôi không yêu anh Tín,” đối với luật hấp dẫn thì như nhau, và cả hai chỉ có nghĩa là “yêu” và “anh Tín” nếu cứ mãi nghĩ về “anh Tín” cả ngày. Tương tự như vậy, “tôi không thích béo” và “tôi thích béo” đều chỉ có nghĩa là “béo.”

Vì vậy, ta luôn luôn phải suy nghĩ (và nói chuyện cũng như viết lách) theo thể khẳng định. Và dĩ nhiên là chỉ nên dùng các từ tích cực. Từ tích cực là từ nói đến cái ta muốn, ta thích. Nếu bạn thích gầy, thì “gầy” là từ tích cực và “béo” là từ tiêu cực. Ngược lại nếu bạn thích béo, thì “gầy” lại là từ tiêu cực và “béo” là từ tích cực.

• Dĩ nhiên là ai trong chúng ta cũng biết ảnh hưởng của luật lập đi lập lại (law of repetition). Các giáo chức đều rất giỏi luật này. Dạy một điều nhưng cứ lập đi lập lại hằng trăm lần, bằng hằng trăm cách khác nhau, như vậy thì học trò mới nhập tâm được. Các tôn giáo rất rành kinh nghiệm lập đi lập lại nên ta thấy lần chuỗi niệm phật hay đọc kinh rất thường xảy ra trong nhiều tôn giáo. Vì vậy, theo luật hấp dẫn, nếu bạn muốn điều gì thì soạn một câu thần chú ngắn, như “tôi sẽ có tiền,” rồi cứ thầm lập đi lại câu đó thường xuyên trong đầu, thì luật hấp dẫn sẽ có tác dụng mạnh mẽ.

• Và một quy luật ngôn ngữ khác nữa là “hiện tại” thì luôn mạnh hơn “tương lai”. Hãy so sánh “anh yêu em” và “anh sẽ yêu em”, ta sẽ thấy câu nào mạnh hơn.

Nhưng điều ta ước muốn đương nhiên là thuộc về tương lai, ví dụ “tôi muốn có tiền.” Thế thì ta giải quyết cái yếu của tương lai thế nào? Thưa, có 2 phương cách.

Thứ nhất, nếu việc gì có thể biến nó thành hiện tại, thì phải suy nghĩ theo cách hiện tại. Ví dụ: Thay vì “Tôi sẽ có tự tin” thì ta phải nói “Tôi có tự tin,” vì chẳng lý do gì ta không thể nói “tôi có tự tin ngay bây giờ” mà phải đợi đến sang năm.

Thứ hai, nếu ta không thấy được trong hiện tại, thì ta vẫn tin là sự việc đang xảy ra trong hiện tại, chỉ là ta chưa được thấy. Ví dụ, nếu trong túi không có một đồng xu, thì nói “Tôi có tiền, tiền đang đi đến với tôi” (dù là tôi chưa thấy).

• Cuối cùng, có bạn hỏi luật hấp dẫn này từ đâu tới? Dĩ nhiên là nghe qua ta cũng thấy luật hấp dẫn là qui luật tâm lý tự nhiên. Tâm ta tập trung vào điều gì đó thường xuyên, ta mặc nhiên làm cho chuyện đó thành sự thật, dù là ta có ý thức chuyện ta làm hay đó chỉ là vô thức. Các chuyên gia về tâm lý và truyền thông (communication) đã nói đến điều này nhiều thập kỷ. Gần đây một vài cuốn sách bán chạy đã đẩy danh từ “luật hấp dẫn” thành rất phổ thông trên thế giới. Nhưng có lẽ chúng ta đều biết, văn hóa ta đã nói từ nghìn xưa: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” và “Ghét của nào trời trao của ấy”.


Thực hành Luật Hấp dẫn

Luật Hấp Dẫn có thể tóm tắt giản dị là “Điều gì chúng ta nghĩ đến nhiều, nói đến nhiều, sẽ trở thành sự thật.” Như vậy, Luật Hấp Dẫn là quy luật quan trọng nhất cho đời sống của bạn—mọi chuyện tốt xấu đều do tâm bạn kéo đến. Câu hỏi cho chúng ta ở đây là bạn có thực hành Luật Hấp Dẫn thường xuyên không?

Trong vòng 3 tháng qua bạn thực hành Luật Hấp Dẫn mấy lần?

Hai lần? Năm lần? Mười lần? Không lần nào?

Tất cả các câu trả lời bên trên đều sai cả. Mỗi ngày bạn thực hành Luật Hấp Dẫn cả trăm lần, dù là bạn có nghĩ đến nó hay không.

Mỗi khi bạn nghĩ/nói đến một điều tíêu cực, bạn tạo ra năng lượng tiêu cực đế hấp dẫn điều đó đến.

Ngược lại, mỗi khi bạn nghĩ/nói đến một điều tích cực, bạn tạo ra năng lượng tích cực để hấp dẫn điều đó đến.

Luật Hấp Dẫn hoạt động lạnh lùng như nam châm—không phân biệt bạn nói thật hay nói đùa, suy nghĩ nghiêm chỉnh hay suy nghĩ vẫn vơ, và không phân biệt bạn chủ ‎ý dùng Luật Hấp Dẫn hay không hề nghĩ đến nó.

Luật Hấp Dẫn đứng cạnh bạn ngày đêm như là một nô lệ trung thành và hoạt động không ngừng, mọi điều bạn nghĩ và nói đều được Luật Hấp Dẫn nhận và phóng đại ra ngoài vũ trụ, đễ hấp dẫn chính điều đó tới.

Cho nên nếu bạn không nghĩ đến Luật Hấp Dẫn bao giờ, bạn thuộc một trong hai loại người sau đây:

1. Thầy Tư duy tích cực luôn luôn tích cực mỗi giây mỗi phút trong ngày và không cần nghĩ đến Luật Hấp Dẫn.

2. Ngớ ngẫn nghĩ và nói đến biết bao nhiêu điều tiêu cực trong ngày và để Luật Hấp Dẫn kéo năng lượng tiêu cực vào bạn mà bạn chẳng hề biết.

Nếu bạn chưa lên đến hàng thầy, thì hãy quan tâm đến Luật Hấp Dẫn thường hơn, để cố gắng nghĩ/nói điều tích cực và tránh mọi điều tiêu cực.

Chúc các bạn một ngày hấp dẫn.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một quy luật phổ quát trong vật lý?

    27/10/2014Phạm Xuân YêmBài này mong giới thiệu một công trình lý thuyết cơ bản về vật lý của giáo sư Đàm Thanh Sơn ở Đại học Washington (Seatle, Mỹ) mà tạp chí Physics Today tháng 5 năm 2010 đề cập và ca ngợi trong ba bài liên tiếp, điều khá hiếm.
  • Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy

    26/03/2014GS. TSKH. Phan Đình DiệuThế kỷ 20 vừa đi qua và những thành tựu khoa học to lớn mà loài người đạt được trong thế kỷ đó đã làm đảo lộn nhiều hiểu biết vốn có của chúng ta về những vấn đề cơ bản như không gian và thời gian, vật chất và vũ trụ, sự sống và con người, rồi tiếp đến là kinh tế và xã hội... Từ những hiểu biết mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau dần dần đã hình thành một quan điểm mới, một tư duy mới về thiên nhiên cũng như về xã hội của chúng ta...
  • “Tư duy Tích cực" thay đổi cuộc sống

    13/02/2012Trần Đình HoànhTư duy tích cực là loại tư duy nhìn về chính ta, về mọi người và về thế giới quanh ta với một sắc màu tích cực, đầy tình yêu, đầy nhân ái, đầy ý thức hướng thiện, năng động, cải tiến, làm cho tâm ta, tâm mọi người và thế giới của ta luôn thêm trong sáng và hạnh phúc...
  • Bí mật về không gian và sự hoàn sinh của con người trong đó

    31/03/2009Nguyễn Tất ThịnhThời gian và Không gian gắn với nhau vô cùng chặt chẽ mà không thể tách rời…tạm so sánh thô như Hai mặt của một bàn tay vậy, nhưng thực ra Trí tuệ con người hiện hữu chưa thể mô tả đúng sự gắn kết đó như thế nào - vì vậy là Bí mật của Thượng Đế !
  • Tâm linh là gì? Như thế nào? Từ đâu? Tại sao?

    07/03/2009Tinh TiếnTừ e dè, nghi ngại lúc đầu đến nay, sau khoảng một hai thập kỷ, "Tâm linh" trở thành một từ thường xuyên dùng tới trên cửa miệng của nhiều người, có nội dung còn rất "tù mù”, phiếm định, vì vậy chúng ta cần "kiện nghĩa" khái niệm này trong chừng mực bao quát nhất có thể được.
  • Khuôn mẫu mới của khoa học đang xuất hiện

    29/04/2006Đặng Mộng LânChúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ được chờ đợi sẽ xuất hiện một cuộc cách mạng khoa học mới. Cuộc cách mạng đó sẽ như thế nào? Phải chăng trước hết nó cũng sẽ là một cuộc cách mạng về vật lý học với sự phá vỡ khuôn mẫu hiện đang tồn tại, hay nó sẽ là một cuộc cách mạng trong sinh học với sự khám phá ra nguồn gốc của sự sống và còn hơn thế, nguồn gốc của ý thức, một sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận các vấn đề về tự nhiên và xã hội và do đó, sự hình thành một cái nhìn mới về thế giới, cách tiếp cận đang thống trị đã tỏ ra có những giới hạn?
  • Mun-Đa-Sép, chiếc cầu nối giữa khoa học và huyền học

    12/10/2005Trần Trung PhượngTừ trước tới nay, trong quan niệm của nhiều người, khoa học và huyền học (Mystique hoặc Mysticisme) là hai lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt thậm chí đối lập lẫn nhau. Một bên thuộc lĩnh vực lý trí đòi hỏi phải có sự phân tích chứng minh và dựa trên một nền tảng thực nghiệm vững chắc và một bên lại đề cao thứ cảm thức có tính chất trực giác, bí nhiệm về một loại đối tượng không hoặc khó có thể xác định bằng bất cứ một phạm trù khoa học nào. Thậm chí, từ một quan điểm thuần lý và cực đoan, có ý kiến cho rằng huyền học là một biến tướng của chủ nghĩa duy tâm ngu dân, một loại tàn dư của mê tín dị đoan từ thời xa xưa...
  • xem toàn bộ