Nền giáo dục cho người dân bản xứ

09:18 CH @ Thứ Ba - 07 Tháng Tám, 2018

Lời Giới Thiệu

Thưa các quý vị và các bạn!

Đúng vào lúc chúng tôi biên dịch bản đề cương về giáo dục 1) của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, viết bằng tiếng Pháp năm 1931, và được đăng trên tờ báo đối lập chính trị phát hành bằng tiếng Pháp do chính ông làm Chủ bút, có tên L’Annam Nouveau – Nước Nam mới, thì dư luận ở Việt Nam dậy sóng đến mức căng thẳng chưa từng có, làm tan hoang lòng tin của cả xã hội về kết quả của kỳ thi THPT năm 2018.

Hầu hết các tầng lớp nhân dân, không phân biệt người thường hay quan chức, giới lao động chân tay hay lao động trí óc, khi chứng kiến những sự thật được phơi bày của hệ thống quản lý giáo dục ở Việt Nam, đều cay đắng nhận thấy sự vỡ nát của một nền giáo dục, đã được điều hành theo kiểu‘chợ búa’ như thế nào, thông qua hàng loạt những diễn biến không còn tính luân thường, chứ đừng mong có đạo lý.

Chúng tôi không muốn làm tiếp việc thống kê những tiêu cực của ngành giáo dục suốt thời gian dài đã qua, việc mà các cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội đã phải tốn rất nhiều công sức để phanh phui!

Những người dân chân chính đã phẫn nộ, vì họ lo lắng cho một tương lai xấu của dân tộc.

Để hiểu thêm về nguồn gốc, xuất xứ của sự vỡ trận này, từ một góc quan sát khá xa, chúng tôi xin được bình luận, trích đăng một số quan điểm của học giả Nguyễn Văn Vĩnh được nêu trong đề cương giáo dục của ông gửi Nhà Cầm quyền, cao hơn nữa là Chính phủ Pháp, liên quan đến các chính sách cai trị ở Đông Dương, trong đó có lĩnh vực giáo dục từ cả hơn 100 năm trước.

Đây chỉ là một trong hàng trăm những kiến nghị, đóng góp về cải cách xã hội tư tưởng, về đường lối chính trị của Nguyễn Văn Vĩnh với phía Pháp, một phương thức đấu tranh nghị trường hòng mang lại sự bình đẳng, quyền dân chủ và sự tiến bộ cho người dân của một nước thuộc địa.

Đồng thời, đọc đề cương về giáo dục này của Nguyễn Văn Vĩnh, người đọc có thêm cơ sở để hiểu rõ, rằng vì sao người Pháp Thực dân luôn ái ngại khi nhắc đến Nguyễn Văn Vĩnh, đến mức bằng mọi giá, họ đã o ép Nguyễn Văn Vĩnh phải bị phá sản (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) và quyết tâm bức tử ông vào đầu những năm ba mươi của thế kỷ trước, chấm dứt một sự đối lập chính trị điển hình, dấu ấn trong lịch sử thuộc địa của nước Pháp ở Đông Dương.

Chúng tôi xin mạo muội giới thiệu và bình luận cùng quý vị nội dung của bản "Đề cương về Giáo dục" của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, viết bằng tiếng Pháp, in trên báo L’Annam Nouveau – Nước Nam Mới, xuất bản ở Hà Nội năm 1931 2).

(Nguyễn Lân Bình)


Bản đề cương mang đầu đề:

NỀN GIÁO DỤC CHO NGƯỜI DÂN BẢN XỨ.

(Enseignement indigène)

Ngay những dòng đầu tiên của bài viết, Nguyễn Văn Vĩnh đã nhắc lại một định nghĩa về thế nào là một chính quyền chân chính, thực sự vì sự tiến bộ xã hội, ông lý giải:

« Bất kể một chính quyền nào có niềm tin vào sự cao quý của sứ mệnh mà mình gánh vác (và cũng cần họ có được niềm tin này), thì nhiệm vụ đầu tiên của họ, là phải tạo dựng được cơ sở cho uy tín của mình bằng việc làm cho người dân sống có kỷ luật. Họ, bằng mọi cách phải làm cho người dân có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp, làm sao cho mỗi người dân đều nhận thấy, rằng mình đang làm mọi việc vì lợi ích của chính mình, của gia đình mình và của đất nước mình khi họ thực hiện mọi trách nhiệm để củng cố những cơ sở nền tảng cho một chính quyền….

….Nền giáo dục quốc dân, vốn dĩ là một phương tiện của một chính quyền, cần phải được ban phát cho mọi người theo cách, làm sao cho công việc đó diễn ra đồng thời như một phương thức để hình thành hình ảnh của từng con người, bất kể con người đó thuộc tầng lớp nào, theo tôn giáo nào, thuộc nhóm tín ngưỡng thiểu số nào, theo đảng phái chính trị nào, và nên coi như đó là một cách thức chuẩn bị cho những con người sẽ là lực lượng để điều hành, quản lý một Nhà nước…. »

Nguyễn Văn Vĩnh lưu ý bộ máy cai trị, lưu ý Nhà Cầm quyền, khi hoạch định một chính sách để phù hợp, cần hiểu về quá khứ lịch sử của một dân tộc đã đắm chìm cả ngàn năm trong ảnh hưởng của nền giáo dục phong kiến Bắc thuộc ra sao.

« ….Trước hết, chúng ta cần xem xét cách thức tổ chức việc dạy chữ Nho ở đất nước này, trước khi xuất hiện sự có mặt của người Pháp. Điều này, ta nên quan sát theo cách chiêm ngưỡng cách tổ chức với tính chất cực kỳ giản dị của nó, khiến nó hoàn toàn phù hợp với (một bên là) sự vắng bóng của mọi tổ chức tài chính xã hội, hoạt động có sắp đặt của Nhà nước, và (một bên là) sự nghèo nàn toàn diện của người dân. Nhưng, điều đáng thán phục hơn hết trong nền giáo dục cũ này, là nó cho phép sử dụng mọi khả năng thấp kém, mà không tạo ra những kẻ vong bản….

….Trong khi thực thi một phương pháp cai trị đã qua thử thách ở bên Tàu từ đời nhà Đường, các vị hoàng đế của nước Nam chúng tôi đã không áp đặt cho người dân của mình bất cứ loại chương trình giáo dục nào, mà họ chỉ đưa ra cái tiêu chuẩn ‘chọn lựa các quan lại’. Chính cái tiêu chuẩn đó, là cơ sở cho những chương trình tổ chức các cuộc thi văn chương theo lệ ba năm một lần. Dựa trên cơ sở đó, từng người sẽ học, và từng người sẽ dạy bằng sách của những tác giả cổ điển Trung Hoa theo cách của mình, và mục tiêu cơ bản, là đạt được sự nhận thức về nội dung và ý nghĩa của các văn bản viết về lịch sử nước Tàu xưa kia, cái nôi của nền giáo dục Khổng giáo….

Nhờ thế, các cấp học đã tự chúng hình thành. Toàn dân cứ theo như vậy, để được tiếp nhận những ý thức, mong đạt tới cái hiểu biết đòi hỏi phải có, để được tham gia vào cái giai cấp cai quản đất nước. Người ta gán cho cái hiểu biết đó một giá trị tuyệt đối, đến mức là dù chỉ đạt tới một phần của nó, thì cũng đã được coi là một đẳng cấp cao rồi: cao hơn sự ngu dốt. Theo cách đó, mỗi người đã tự đẩy việc học hành của mình tới bậc nào, cấp nào tùy theo trí thông minh và phương tiện cho phép, và họ biết trước một cách chắc chắn là, mọi điều mình sắp học được, đều sẽ được dùng vào loại hình công việc gì đó…. ».


Cảnh các tân khoa qua một kỳ thi hương (hệ 3 năm) ở Nam Định thuộc Bắc kỳ năm 1897

Nguyễn Văn Vĩnh hiểu rõ những phương thức giáo dục cổ xưa, đã tạo ra một sự áp đặt trong lối sống tư duy của người dân, đồng thời đặt hệ thống cai trị vào sự cứng nhắc, điều đã làm thui chột những khả năng sáng tạo của dân chúng và đương nhiên đã dẫn đến hậu quả, là một xã hội không phát triển. Đồng thời làm tăng cao những mâu thuẫn xã hội, nguồn gốc của các cuộc xung đột.

« ….Những gì được coi là tinh tế, và cả những gì bị coi là phức tạp, đều bị lên án và biến thành những chủ đề tranh cãi, và vì thế, nó bị coi là nguyên nhân gây ra sự rối loạn xã hội. Công lý được thực thi theo nguyên tắc được chứng minh qua kinh nghiệm, rằng con người bao giờ cũng cao hơn các thiết chế. Các thứ luật lệ do đó chỉ là một cơ sở để vận dụng.

….Các bậc cha chú của chúng tôi có thể đã suy nghĩ có lý, khi cho rằng các chân lý đạo đức cần phải học, suy cho cùng, thật chẳng nhiều nhặn gì. Và hiếm khi nó nhảy giật lùi được vào những bộ não con trẻ, hoặc chui được vào đó một cách tàm tạm, hoặc có khi chúng cũng chẳng buồn tiếp thu. Song dù thế nào đi chăng nữa, thì các em cũng sẽ chẳng coi trắng là đen, hay ngược lại chỉ vì một nền sư phạm kém cỏi.

Đó là nền giáo dục giản dị lâu đời của nước chúng tôi như các quan cai trị người Tàu đã dựng ra trước, rồi sau đó được các vị vua xưa kia của chúng tôi với niềm tin, rằng hệ thống giáo dục đã trải nghiệm qua bao đời vua người Tàu, đã tạo ra những con dân trung thành và chăm chỉ lao động, trong cảnh yên bình và sự phục tùng đến mức kính trọngcái quyền lực đã được xác lập. Nền giáo dục ấy là nền giáo dục Tàu, vì những bài học lớn về sức mạnh và sự bình yên đều từ nước Trung Hoa đem qua…. ».

Nguyễn Văn Vĩnh không ngần ngại, chỉ rõ những sai lầm nghiêm trọng trong tư duy của những người Pháp Thực dân, về việc áp đặt cách thức sản sinh ra một tầng lớp được gọi là có học, nhưng chỉ để phục vụ những mục đích ngắn hạn, và tuyệt nhiên không mang tính cộng đồng, để lại hậu quả lâu dài cho lối sống của người dân An Nam.

« ….Trong những ngày mới chiếm được đất nước An Nam, chính quyền Pháp lo trước hết đến việc tạo ra theo lối cầu may, một đội ngũ những người thông dịch, để có được một tầng lớp trung gian cần thiết, giữa một bên là người Pháp với các nhà cầm quyền bản xứ, với bên kia là các cư dân bản địa.

Người ta chê trách người Pháp về cách giáo dục thực dụng này ngay tại những trường Pháp–Việt đầu tiên, với những vị giáo viên tội nghiệp được bổ dụng hơi tùy tiện, trong số những người lính giải ngũ. Tiếp đến là một vài giáo viên tiểu học từ bên Pháp cử sang, những giáo viên này đã làm mọi cách để có thể dạy người Việt Nam ở mọi lứa tuổi, và vô điều kiện để có thể lúng búng, xì xồ đôi câu tiếng Pháp. Ngoài ra còn cấp cho họ xuất học bổng, mới đầu mỗi tháng là 10 tiền, sau lên đến 30 ‘quan tiền’, cùng với sách vở giấy bút, nhằm khuyến khích họ học cho tới khi thi ra trường, và sẽ lấy được mảnh bằng tương tự như tấm bằng Tiểu học Pháp-Việt hiện thời…. ».

Nguyễn Văn Vĩnh còn đi sâu vào những lỗ hổng trong phương châm giáo dục, đào tạo của Chính phủ Thuộc địa, điều đã tạo ra một nhãn quan sai lầm, đem lại những hậu quả trầm kha trong nhận thức của các tầng lớp cai trị ở đất nước Việt Nam, vào những thời kỳ kế tiếp khi họ giành được quyền thống trị. Thực tế này đã trở thành ‘truyền thống’ phản khoa học, mà nguồn gốc chính là do những người Pháp Thực dân để lại.

« ….Chẳng phải là không có lấy một ai đã nghĩ tới chuyện học để làm gì, học xong thì sẽ làm gì ? Thậm chí còn ngược lại là đằng khác. Ngay từ những ngày đầu tiên, những lời cảnh báo đã cất lên gợi cho Nhà nước Bảo hộ, phải suy nghĩ đến việc sau này sẽ sử dụng làm sao tất cả những thanh thiếu niên được đào tạo tại các trường lớn. Những cơ sở giáo dục được mở ra để thực sự đào tạo bộ khung những viên chức, những cán bộ kỹ thuật, những bác sĩ thú y và chức sự cần thiết cho các tổ chức công vụ và các thiết chế vì lợi ích của xã hội.

Nhưng điều bất ngờ không dự kiến trước được, đó là sự quá dư thừa những cán bộ đi theo ngạch viên chức đẻ ra từ các trường tiểu học Việt và Pháp–Việt.

…..Từ đó để thấy rõ cái sai lầm to lớn này, đó là việc không nhận thấy nhà trường tiểu học có một chức năng kép, là việc giáo dục và sự chuẩn bị, cho những gì đã có trong hệ thống giáo dục của nước Nam cộng với nền giáo dục Nho học xưa, và cũng không giao nhiệm vụ một cách đầy đủ để định hướng cho học sinh lên cấp học cao hơn, điều là nguyên nhân quyết định sự thất bại hiện nay…. »


Một lớp cao đẳng tiểu học tại Hà Nội thời thuộc Pháp.

Sự tai hại trong nhận thức chủ quan của những người Pháp thực dân về ảnh hưởng sâu nặng của lối quan niệm Khổng giáo, cùng với ý thức phong kiến lũng đoạn trong tư duy của một dân tộc có đến hơn 90% là nông dân, là cơ sở để tồn tại và phát triển tư tưởng tự phụ, tự đắc, tự cho mình là nhất đẳng thiên hạ, hoàn toàn phù hợp với tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa Phong kiến, biến nó thành một thứ đạo đức xã hội -Tinh thần Vua-Tôi – Và điều này đã được tồn tại, kéo dài đến tận ngày nay.

« ….Họ gọi những cuộc thi văn chương ba năm một lần là dịp ‘Thiên Tử cầu hiền’. Các vị vua nước chúng tôi đã học hỏi từ những đại khoa chọn tiến sĩ bên Tàu có từ thờiTùy, và đã khiến cho Hoàng đế Thái Tông nhà Tống nói lên rằng:

‘Tất cả các đại nhân trên đời đều nằm trong cạm của ta’ (Thiên hạ anh hùng nhập ngô cấu trung hĩ)1, và Hoàng đế Kiền Long nhà Thanh thì cũng nói rằng: ‘Trong toàn cõi đời này không một ai tìm cách hại ta hết’2…. ».

[1] Vương Định Bảo 王定保: Kiến tân tiến sĩ chuế hành nhi xuất, hỉ viết: Thiên hạ anh hùng nhập ngô cấu trung hĩ .見新進士綴行而出,喜曰:天下英雄入吾彀中矣 (Thuật tiến sĩ thượng thiên 述進士上篇): Nhìn các tân tiến sĩ nối nhau ra cửa, thích chí nói: Anh hùng thiên hạ lọt vào tròng của ta hết cả rồi. (Hán Việt từ điển, nghĩa chữ cấu 彀theo mục 4). (ND)

2 Tác giả có chú thích như sau “Thien ha mat nhu doc da di“ không dấu thanh, không đoán được và tìm được gốc để chú thích. (ND)

Nguyễn Văn Vĩnh đã không dấu diếm sự bất bình của mình trước những điều tai nghe mắt thấy, cộng với khả năng cảm nhận đặc biệt nhờ được đọc các tác phẩm kinh điển là tinh hoa tri thức của nhân loại, và ông đã xác định theo tinh thần khách quan khi nói về tổng thể của nền giáo dục cổ xưa, điều mà đáng lẽ ra, những người Pháp cai trị cần phải hiểu rõ về cái không được và cả cái được của nó.

« ….Dĩ nhiên là cái lối trị quốc bằng thủ đoạn như thế, ngày nay sẽ chẳng còn thích hợp, và tôi chẳng dại gì khuyên một chính phủ có sức mạnh làm theo. Một chính phủ mà tôi sẽ khuyên, là để họ tạo ra một mô hình luật lệ thuận theo luật pháp của quốc tế. Nhưng giá như cái chính phủ đó đã áp dụng hình thức kia, tôi cho rằng đó là điều thích hợp nhất.

Hệ thống đó quả thực là có tính lừa bịp, nhưng là sự lừa bịp không dẫn con người đến vực thẳm, mà một sự lừa bịp hết sức hấp dẫn trên một con đường trải đầy bất ngờ và vô vàn lối thoát. Thiên Tử đi tìm những ông hiền tài, và tất cả mọi người đều ứng cử tranh chức hiền tài. Đừng nghĩ hiền tài thì sẽ không bao giờ chịu thất vọng cả…. ».

Trong bản đề cương, Nguyễn Văn Vĩnh đã không áy náy khi nhắc nhở những người cai trị, những kẻ có quyền hành, những điều mà với những kẻ tự phụ, sẵn tính tàn bạo, ác độc, hẳn sẽ rất khó chịu khi bị một người dân thuộc địa dạy khôn.

« ….Đồng thời, việc làm rõ sự không đồng bộ giữa chương trình giáo dục tiểu học cho người bản xứ, và cuộc sống thực của đồng bào chúng tôi, giúp chúng ta không nên quên rằng, nhà lập pháp cả ở nước ta cũng như bên Pháp cần phải đi trước những nhu cầu, đòi hỏi của nhân dân, chứ không phải cứ lẽo đẽo nô lệ đi theo họ…. ».

Theo Nguyễn Văn Vĩnh, khi con người có kiến thức đủ để hiểu rõ những quy luật xã hội, con người sẽ hành xử đúng, đem lại những giá trị và ý nghĩa to lớn cho cộng đồng, cho tương lai cuộc sống, và đó mới chính là vì dân.

« ….Các dân tộc đều cần có một bộ phận tinh hoa, có trách nhiệm tạo ra cho quần chúng một cách khách quan, và bất kể là họ có chấp nhận hay không, một hệ thống giáo dục có tư tưởng dẫn dắt mọi người, thực thi một lý tưởng cao quý đối với một quốc gia và mỗi con người….

…..Không phải chúng ta là những người sẽ có tham vọng dẫn các giới tinh hoa đi tới chỗ hòa nhập với nhau. Giỏi lắm thì chúng ta cũng có thể xây dựng được một luận thuyết, lấy Nhà trường làm phương tiện xây dựng tương lai của dân tộc mình…. ».

Đối với Nguyễn Văn Vĩnh, việc giải phóng con người và thoát khỏi sự lầm than của cuộc sống, chỉ có thể thực hiện bằng con đường giáo dục. Hơn hai mươi năm trước khi viết bản đề cương giáo dục này, Nguyễn Văn Vĩnh đã lặn lội làm bằng mọi khả năng, để làm sao người An Nam phải được dùng một thứ chữ viết riêng cho mình, vì đó là nền tảng thứ nhất cho một nền giáo dục ở một quốc gia. Thấm cái hồn cốt đó, ông kiến nghị với kẻ cai trị:

« ….Về vấn đề chương trình học, đã đến lúc phải nghĩ đến việc dành một vị trí to lớn cho những kiến thức cần thiết cho cuộc sống trong gia đình người dân nước Nam, và cần thiết để họ biết sống một cách hòa nhập với bà con trong cộng đồng, đồng thời không được coi nhẹ vốn kiến thức tối thiểu, cần thiết đang thịnh hành tại các quốc gia văn minh.

…..Những vấn đề đó cần thiết phải được cô đọng lại trong sách giáo khoa do Nhà nước xuất bản, và bán giá rẻ ở khắp các làng quê, được các giáo viên sử dụng và tự do thay đổi theo quan điểm của họ trong những tài liệu đem dạy trực tiếp, hoặc là trong những tài liệu do chính họ soạn ra để dùng tại các trường công và tư.

…..Việc kiểm soát các sách giáo khoa này cần phải càng khoáng đạt càng tốt, chỉ tiến hành cấm hoặc thu giữ những sách nào thực sự có hại, và như vậy là tạo được cơ hội cho sự bộc lộ những tài năng mang màu sắc dân tộc trong những quan điểm về giáo dục…. ».

Trang đầu của Học Báo.

Trong bản đề cương, Nguyễn Văn Vĩnh nói đến một lĩnh vực thực sự hệ trọng trong nhận thức về thứ bậc xã hội, điều không phải chỉ dành cho tầng lớp cai trị, mà còn cả đối với những người dân bình thường. Một lần nữa, ông đã thể hiện đúng cái năng lực tư duy siêu phàm, nhờ nhận thức được, thế nào là triết học? Là duy vật biện chứng? Là xã hội học? Nhất là khi ông đọc được và được đọc các sách lý luận bậc cao này của các danh nhân hàng đầu thế giới từ khi còn ít tuổi. Nguyễn Văn Vĩnh đã đề cập đến lĩnh vực này theo cách trình bày kinh điển, và có lẽ, đây là một trong rất nhiều điều đã làm mếch lòng kẻ cai trị vốn vẫn tự khẳng định, mình mới là kẻ sinh ra nó !

« ….Sứ mệnh bậc cao của tầng lớp tinh hoa của tất cả các sắc tộc là ở chỗ, họ làm sáng tỏ được cái quy luật chung, và với những quy tắc hài hòa nhưng vẫn không bỏ qua những quy ước riêng đã được thừa nhận là đúng đắn, bởi những điều kiện sống riêng của mỗi vùng khí hậu và mỗi miền địa lý, những quy ước phải tiến hóa theo những đổi thay nhờ khả năng thiên bẩm của con người mang lại, trong những mối quan hệ mà trước hết, phải là giữa các nhóm người, đồng thời chúng được cố định lại, hay tách biệt ra vì những nguyên nhân nhất định.

Điều này cũng có nghĩa là, không một dân tộc nào trên trái dất này, được phép tồn tại mà bất cẩn quan tâm với môi trường sống bao trùm ở mọi nơi. Mọi yêu cầu đổi thay ở tầm rộng lớn, với quy mô nào đi nữa mà liên quan đến sự sống trên trái đất, cũng cần phải quan tâm tới toàn bộ cuộc sống của nhân loại, và phải tính đến những tác động tới sự sống đặc thù, riêng biệt của tất cả các dân tộc khác… ».


Trường Lycée Albert Sarraut (Anbexarô) năm 1919

Kết luận bản đề cương về giáo dục cho người dân bản xứ, Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định như một người chịu trách nhiệm về nền giáo dục của đất nước này, của quốc gia này. Và một lần nữa, ông không quan tâm tới mình là một kẻ không danh, không phận, chưa nói đến là thân phận của một kẻ bị đô hộ! Thực tế này đã làm cho nhiều kẻ cười khẩy, nhưng trong thâm tâm lại vô cùng ái ngại, chừng nào còn nghĩ đến Nguyễn Văn Vĩnh.

« ….Như vậy, phải chăng công cuộc giáo dục cần phải hướng tới việc làm cho một con người trở thành một cá thể có ý thức về vị trí của mình trong cuộc sống, và phải gắn bó với cái tổng thể lớn lao, trong đó cá nhân ấy là một yếu tố cấu thành?

Vậy là, công cuộc giáo dục một mặt phải hướng vào sự phân bổ hợp lý các kỹ năng cá nhân để đáp ứng các nhu cầu sống của các nhóm người, và một mặt khác là phục vụ việc tổ chức cuộc sống cộng đồng của con người.

Lý tưởng của lớp người tinh hoa là cần phải có một viễn quan tổng thể, đồng thời lại không được bỏ quên cái riêng biệt…. ».

Thật khó để tin rằng, một người dân nước thuộc địa, một nước nhược tiểu, một kẻ bị trị, lại dám nghĩ tới việc dạy khôn kẻ cai trị mình.

Nhưng đó là góc nhìn hẹp. Hôm nay, ở góc nhìn rộng, chắc chắn quan điểm dưới đây của Nguyễn Văn Vĩnh sẽ làm cho các chí sĩ chân chính không phải chỉ ở Việt Nam của ngày hôm nay, khi tiếp cận với tư duy này, sẽ không thể không ngạc nhiên trước những suy nghĩ, và cách lập luận khoa học của ông. Có lẽ tư tưởng này của Nguyễn Văn Vĩnh nếu đem so sánh với những lý thuyết xã hội chính trị cơ bản trong lịch sử nhân loại, nó không hề có sự khác biệt. Chính điều này, đã làm cho Nguyễn Văn Vĩnh sống mãi với lý tưởng của mình.

« …..Vậy là, mỗi nhà nước cần có một phương thức sàng lọc phù hợp để hình thành đội ngũ tinh hoa, đủ sức đóng góp vào sự tiến bộ chung theo một trật tự phổ quát được công khai cho quần chúng bởi những thiết chế là thứ công cụ thích hợp, trước tiên là về những kiến thức cần thiết, để thu nhận được từ mảnh đất họ đang sống, những gì hữu ích cho sự sinh tồn của mình, và sau đó là một khái niệm đúng đắn về sự sống cộng đồng của nhân loại.

Chính cái liều lượng ấy phải được trở thành cơ sở nền tảng của mọi nền giáo dục. Sự khôn ngoan của các chính phủ, là phải làm sao cho cả một dân tộc không chỉ gồm có những kẻ làm nhân công vô thức, tự để mình bị một thiểu số bóc lột và phó mặc cho cơ may để có cuộc sống tốt đẹp hơn – mặt khác cũng không được để đám người có khát vọng, trở thành những kẻ điều hành nhờ thu được nhiều kiến thức hơn không vượt quá số lượng thực sự cần thiết – và cũng để cho sự ngẫu nhiên trong cuộc đời này có được vai trò đúng mức, giúp để cuộc sống này có được cái hấp dẫn của những cái bất ngờ, thu hút những đầu óc thông minh và thơ mộng…. ».

Rất có thể, việc đặt đầu đề của bài viết này không có tính triết lý, nhất là trong một xã hội đã đánh mất gần như hoàn toàn cái ý thức liêm sỉ. Để chắc chắn hiểu khi vì sao tôi phải dùng đến từ ‘Tan nát’, tôi xin được chuyển đến các quý vị và các bạn, một ý kiến của thế hệ đi sau so với Nguyễn Văn Vĩnh, nói gì về giá trị khủng khiếp của một nền giáo dục, niêm yết nơi cổng của một trường Đại học ở Nam Phi: :

« Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử, hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của học sinh ».

Nguyên văn tiếng Anh: Destroying any nation does not require the use of atomic bombs or the use of long range missiles. It only requires lowering the quality of education and allowing cheating in the examinations by the students.”


Trân trọng !

Ghi chú :
1) Bài viết này của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, viết dưới hình thức để đưa lên báo và chia làm nhiều kỳ của tờ L’Annam Nouveau. Đây là tờ báo chính trị do Nguyễn Văn Vĩnh tạo lập cùng các cộng sự có quan điểm chính trị thống nhất, đối phó với Chính quyền Bảo hộ và Vương Triều Huế, phản đối khuynh hướng muốn đặt Việt Nam lệ thuộc vào bản Hòa ước Patennot 1884, và chống lại quyết định xây dựng Việt Nam theo thể chế Quân chủ Lập hiến. Thay vào đó, là tổ chức và xây dựng nước Việt Nam với chế độ Cộng hòa, Dân chủ, đúng như tinh thần mà Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Bội Châu đã thỏa thuận cùng nhau năm 1926.
2) Toàn bộ bài ‘Nền giáo dục cho người dân bản xứ’ viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh, đã được nhà giáo Phạm Toàn chuyển ngữ sang tiếng Việt tháng Sáu 2018.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguyễn Văn Vĩnh nhà nghiên cứu Việt Nam dưới góc độ xã hội học qua một bài báo trên L' Annam Nouveau:"Phố cổ Hà Nội"

    14/04/2018Vương Trí NhànKhi tìm hiểu những tờ báo bằng tiếng Pháp mà Nguyễn Văn Vĩnh đã làm, và một số bản dịch mới công bố trong cuốn Lời người man di hiện đại, có thể cho rằng ông là một trí thức lớn, một nhà nghiên cứu Việt Nam sâu sắc từ quan niệm hiện đại. Một nhà văn hóa với nghĩa tốt đẹp nhất của từ này...
  • Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà xã hội học*)

    27/12/2017Vương Trí NhànĐứng về mặt khoa học nhân văn mà xét, có thể gọi ông Vĩnh là một nhà xã hội học, với một bút pháp không mang chất hàn lâm mà lại rất phổ cập, của một nhà báo đạt trình độ quốc tế...
  • Tôn vinh học giả Nguyễn Văn Vĩnh là danh nhân văn hoá Việt Nam

    25/03/2016Nguyễn Lân BìnhBởi vì, riêng việc ông toàn tâm toàn ý phát triển chữ quốc ngữ, chỉ riêng việc đó thôi, đã bộc lộ toàn bộ cái giá trị của một con người đã đóng góp nhiều hơn bất kỳ ai, để khiến cho cái thứ chữ đó trở thành một trong những thành tựu bền lâu của trí tuệ con người...
  • Học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng mơ về 'dân tộc tri thức'

    21/07/2015Mi LyHọc giả hàng đầu Việt Nam đầu thế kỷ 20 sớm nhận ra chỉ có tri thức mới giúp một dân tộc quyết định được vận mệnh của mình. Về tri thức người Việt, trước hết, ông bàn về người nông dân...
  • Những điều chưa biết về học giả Nguyễn Văn Vĩnh

    10/09/2013Hương LanSau một thời gian dài bị phủ lấp dưới những định kiến, đến hôm nay, cái tên Nguyễn Văn Vĩnh đã bước ra ánh sáng với tư cách một học giả, nhà văn hoá lớn, có công hoàn thiện và phổ cập chữ quốc ngữ, đồng thời, thuộc thế hệ khai sinh văn học dịch và báo chí Việt Nam.
  • Học giả Nguyễn Văn Vĩnh: Ta tắm ao ta

    21/08/2009Hoàng NguyênHiếm có người tự cầm tóc mình nâng mình lên cao hơn thời đại mà mình đã sống. Nguyễn Văn Vĩnh cũng nằm trong thói thông thường này. Có điều, những việc mà ông đã làm được vì dân, vì nước, dẫu không phải lúc nào cũng "mười phân vẹn mười" nhưng rất đáng trân trọng. Ông đã tạo được những cú hích để thúc đẩy thời đại của mình tiến lên, hướng tới văn minh nhân loại mà vẫn giữ vững cốt cách nước Nam "ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn".
  • Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây

    28/07/2009Hoàng TiếnNền văn hóa phương Tây, ta chỉ mới làm quen độ hơn trăm năm nay. Những người có công bắc chiếc cầu nối để ta hiểu phần nào nền văn hóa phương Tây, cũng như để người phương Tây phần nào hiểu nền văn hóa Việt Nam, là lớp trí thức hồi đầu thế kỷ, mà ông Nguyễn Văn Vĩnh là người đáng được ghi công đầu.
  • Nguyễn Văn Vĩnh, người đi tìm giá trị văn hoá

    21/07/2009Nhà văn Nguyễn Quang ThânCon người suốt đời săn tìm những giá trị văn hoá đã vỡ nợ và chết như một lữ khách không nhà ở xứ người. Ông đi tìm vàng một cách vô vọng trong chuyến viễn du cuối cùng của cuộc đời 54 năm ngắn ngủi. Ông biết đâu rằng, tài năng, trí thông minh bẩm sinh và tâm huyết nâng cao văn hoá dân tộc, cả sự nghiệp của ông để lại còn quý giá hơn vàng bạc và kim cương, những thứ đã “ trói chân bó tay “ ông một đời ?
  • xem toàn bộ