Kinh hoàng các thể loại sách ngôn tình

06:43 SA @ Chủ Nhật - 01 Tháng Sáu, 2014

Có khoảng 30 đến 50 tag được dán cho ngôn tình: đam mỹ, hủ nữ, cường thủ hào đoạt, phúc hắc nam, sủng, sắc, ngược tâm, ngược thân, sư đồ luyến…

”Tình tiết cẩu huyết”?

Ngôn tình được chia làm nhiều thể loại, hình thức, có khoảng từ 30 đến 50 nhãn phân loại. Ví dụ: đam mỹ nói về tình yêu đồng giới của những người đàn ông có ngoại hình đẹp, còn hủ nữ nói về những cô gái thích đọc truyện, xem phim... về đề tài tình yêu đồng tính nam (đam mỹ). Sư đồ luyến là chuyện tình cảm luyến ái của thầy giáo...

Một số nhánh đã bắt đầu được xuất bản ở Việt Nam bao gồm truyện đam mỹ và hủ nữ như: "Hủ nữ Ga ga", "Hủ nữ bẻ thẳng thành cong", "Tình yêu đau dạ dày"...

"Ngôn tình cũng chia làm nhiều loại khác như: xuyên không, cổ trang, hiện đại. Ví dụ, một truyện được dán tag (nhãn): Hiện đại, cường thủ hào đoạt, phúc hắc nam - có nghĩa là: nam chính mạnh mẽ, xã hội đen, giàu có, bắt nữ chính phục tùng, dùng mưu kế để chiếm đoạt. Hiện đại, sủng, sắc - nghĩa là: bối cảnh hiện đại, nam chính thương nữ chính, truyện có nhiều cảnh nóng.

Ngược tâm nghĩa là hành hạ nội tâm nhau, kiểu như A yêu B mà B lại yêu C; còn ngược thân là có cảnh đánh đập, phá hư thai, hãm hiếp v...v... Một số tác giả viết truyện đặc biệt...dở, chẳng hạn như Cầu Mộng hay Điển Tâm, nhưng vẫn có nhiều người thích đọc.” - Một độc giả biết về ngôn tình chia sẻ thêm.


Độc giả tìm truyện ngôn tình kiểu "sư đồ luyến" (tình cảm luyến ái của thầy giáo)

Quỳnh Trang tại Tp Hồ Chí Minh nói. - “Mấy người chuyên đọc truyện TQ có 1 từ gọi là "tình tiết cẩu huyết" (tình tiết máu chó) để chỉ những chi tiết ngớ ngẩn của truyện, chẳng hạn như nữ chính bị nam chính hành hạ, bắt phá thai, thậm chí bị cưỡng hiếp, sau khi bị hành hạ te tua ngược đãi tàn nhẫn thì tự nhiên lại quay ra yêu nhau. Kết thúc có hậu"


Nhãn (tag) cho truyện ngôn tình trên trang mạng

Một thùng sách ngôn tình, lãi gần 1 tỷ

Không nói thì ai cũng biết, ở Việt Nam hiện nay, làm sách ngôn tình dễ bán, dễ có lãi hơn dòng văn học kinh điển. Chính vì thế mà không thiếu công ty sách tư nhân mở màn ra quân bằng sách ngôn tình. Hội chợ sách quốc tế diễn ra tại Hà Nội vào tháng 9/2012, phóng viên tận mắt chứng kiến gian hàng của một công ty sách mới hoàn toàn trưng bày truyện ngôn tình.

Sự cẩu thả của việc xuất bản ngôn tình tại Việt Nam còn thể hiện qua bài viết của dịch giả Trang Hạ “Mấy năm trước, có lần lựa được vài cuốn sách văn học thiếu nhi có vẻ tử tế một chút để mua bản quyền về Việt Nam, xong tôi loại những sách văn học ngôn tình ra một thùng khác trả lại đại lý bản quyền. Ngay lập tức, một công ty sách tư nhân mới mở của Việt Nam chạy tới bảo, “ngôn tình chứ gì, để anh lấy cả thùng này luôn”! Rồi họ bê đi hơn năm mươi cuốn ngôn tình, không thèm mở ra xem là cuốn gì. Nghe nói, số sách đó họ phát hành trong hơn một năm rưỡi, thu về tính ra gần một tỷ.

Theo đại diện của công ty sách Đinh Tị - một đơn vị có xuất bản sách ngôn tình, “Sách ngôn tình, đam mỹ (đồng tính nam) hay hủ nữ thì chủ yếu là độc giả nữ.Độc giả nam cũng có, nhưng ít. Hầu hết những tác phẩm này đều bán được. Nhưng so với những năm trước, đã giảm đi đáng kể do sách ngôn tình đã đi vào thoái trào. Mỗi tựa sách, bán được 2000-4000 bản/6 tháng. Giá bìa: 80.000 - 100.000 đồng/cuốn. Mỗi tháng chừng 3-4 cuốn. Chúng tôi có ra 2 cuốn hủ nữ với những tình huống hài hước. Tuy nhiên, với đề tài Hủ nữ, chúng tôi mới chỉ thử nghiệm ở hai tác phẩm như vậy".

Dù lượng bán giảm so với năm ngoái một phần do suy thoái kinh tế, nhưng có thể thấy mức bán và mức giá trên của dòng ngôn tình hoàn toàn thỏa mãn và đáp ứng cho kinh doanh của đơn vị phát hành. Trong khi đó, các đầu sách giá trị ở Việt Nam thường chỉ được phát hành từ 500 đến 1000 cuốn, bán trầy trật trong cả năm, và nếu bán được mới dám in tiếp theo hình thức nối bản.

“Chưa là sách đen, nhưng ngôn tình đã nhuốm màu”

Chưa nói đến những hệ quả nặng hơn khi lứa tuổi thiếu niên đọc H văn (ngôn tình gợi dục), mê mải đọc ngôn tình với những lời lẽ bay bướm ru ngủ cũng khiến các em bỏ rất nhiều thời gian ngồi đọc, tâm trí bị thu hút. Ngay cả trên webtretho, một trang diễn đàn với lượng người dùng trưởng thành lớn, cũng có chủ đề chia sẻ về ngôn tình. Có thành viên cho biết họ lưu trữ rất nhiều truyện trong máy tính và thức rất khuya để đọc.


Với mô tả về những nhân vật đẹp lung linh, hình minh họa ngôn tình thường được vẽ hay vì ảnh chụp.


“Chưa là sách đen, nhưng ngôn tình đã nhuốm màu”

Chuyện sức khỏe giới tính của người đọc đã vậy, về mặt ngôn ngữ, văn hóa Việt, ngôn tình cũng gây ảnh hưởng không kém. Từ những "hủ nữ", "sắc nữ",... được dùng làm ngôn ngữ trò chuyện qua mạng, đến việc tác giả Việt nhiễm văn phong TQ cũng có.

"Thảm họa văn chương mới nhất là quyển Thiên Thần Bóng Tối của một tác giả gọi là Minh Hiểu Khê Việt Nam. Thảm họa thế nào thì bạn đọc bình luận trên trang bán sách sẽ hiểu. Những truyện như vậy in ra, giết hết bao nhiêu là cây xanh, thật phí!” - một độc giả bức xúc.

Nói về hiện tượng ngôn tình, ông Trần Mạnh Hùng – giám đốc Thaihabooks cho rằng: “Sách nào cũng có độc giả của mình. Sách ngôn tình đang chiếm lĩnh thị trường VN đặc biệt là các thành phố lớn. Lý do đơn giản: đánh đúng tâm lý giới trẻ, những người rất tò mò, muốn khám phá, tìm thần tượng, muốn cái mới lạ, thích mơ mộng.

Cá nhân tôi không ủng hộ loại sách này. Đây không (hay chưa) là sách đen nhưng là sách nhuốm màu. Nhất là những cuốn sách gợi cảm. Nhiều học trò của tôi đọc xong và bị kích thích rồi yêu đương nhăng nhít, chóng vánh, rồi quan hệ tình dục bừa bãi. Nguy hiểm lắm.

Có vài em sinh viên của tôi bám theo hình mẫu trong chuyện và mơ mộng, sống ảo như trên mây. May mà tôi tư vấn giúp đỡ để giải tỏa. Có mấy em nữa thì thất vọng và không thấy và không tin mình có hay gặp được những con người lý tưởng như sách. Thế mà bất mãn, chán chường, tự ty. Không cẩn thận dẫn đến tự kỷ và xa lánh mọi người.Nói chung cá nhân tôi phản đối những loại sách mang tính phản giáo dục, lợi ít mà hại nhiều. Tuy nhiên trò đời là thế. Kinh doanh là vậy. Người ta sản xuất cái mà có cầu.

Nguồn:Vietnamnet
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan