Khép lại chuyện chân dung Quang Trung

11:42 CH @ Thứ Sáu - 05 Tháng Giêng, 2018
Ngày cuối cùng của năm 2017, Tuổi Trẻ công bố bài viết của nhà báo Lam Điền có tiêu đề: Đã tìm ra chân dung chính xác nhất của vua Quang Trung?. Bài báo tổng thuật các ý kiến của hai ông Nguyễn Duy Chính và Trần Quang Đức, đều là những nhà nghiên cứu cũng có tiếng lâu nay.
.
Theo đó, ta thấy như sau:
1- Cả hai ông Nguyễn Duy Chính và Trần Quang Đức đều không khẳng định chắc chắn đó là chân dung của Hoàng đế Quang Trung, mà mới chỉ nêu ra tư liệu và các lý giải riêng của mình. Tuy nhiên, cách viết cho thấy cả Nguyễn Duy Chính và Trần Quang Đức đều muốn mọi người cùng nhau thừa nhận và tin đó là chân dung của Vua Quang Trung.

Bức tranh do Trần Quang Đức công bố, sau đó Nguyễn Duy Chính nghiên cứu.
.
2- Báo Tuổi trẻ và tác giả Lam Điền cũng không khẳng định đó là chân dung Quang Trung, và ngay tiêu đề bài báo đã là một dấu hỏi chấm (?).
.
3- Bài báo đó chỉ thành vấn đề nóng khi nữ LS. Liên Thành, bằng sự cảm nhận của mình viết một status tỏ ý nghi ngờ: Điều gì ẩn đằng sau việc công bố chân dung Vua Quang Trung?. Tiêu đề vài viết cũng là một dấu chấm hỏi (?).
.
4- Từ bài viết này, cư dân mạng bắt đầu nóng dần và cơ hồ vẫn chưa thể chấm dứt, với sự bàn luận của đủ mọi người, mọi giới. Sở dĩ như vậy, là vì bài báo và tư liệu do Trần Quang Đức đưa ra động đến một vị anh hùng dân tộc, hơn nữa, một anh hùng chống Tàu. Phần lớn mọi người đều cho rằng Quang Trung hoàng đế không thể có tướng mạo tiểu nhân và hèn hèn như bức tranh do Trần Quang Đức đưa ra.
.
5. Bây giờ chúng ta tìm về ngọn nguồn vấn đề từ trước đó xa hơn nữa.
Thực ra Trần Quang Đức công bố bức tranh này từ khá lâu. Và dưới đây là bản công bố trên trang DCV Online:
"Đâu mới thật Quang Trung?", July 30, 2017, Trần Quang Đức
.
Lâu nay, hình minh họa Quang Trung Nguyễn Huệ trên tờ tiền 200 đồng của VNCH đã dần trở nên quen mắt, được sử dụng tương đối rộng rãi khi người ta muốn hình dung về vị vua áo vải cờ đào.
.
Nhưng khi đối chiếu với bức tranh vua Quang Trung cưỡi ngựa in trong sách khảo cứu về Quang Trung từ xưa, có thể thấy rõ hình minh họa trong tờ tiền thời VNCH được tham khảo từ đó.
Có điều, trong giới khảo cứu, bức tranh chân dung Quang Trung cưỡi ngựa đã được chỉ ra là hàng nhái từ lâu. Nguyên mẫu của nó vốn là tranh chân dung Càn Long kỵ mã đồ 乾隆騎馬圖 của Trung Quốc.
.
Dựa vào sử liệu nhà Thanh, có thể chắc chắn một điều, Quang Trung khi ở Trung Quốc quả thực đã được vẽ lại chân dung. Nhưng tranh chân dung ấy hiện ở đâu, là tranh nào, thì xưa nay chưa thực xác quyết. Và vị Quang Trung khi sang nhà Thanh rốt cuộc là Quang Trung thật hay giả, cũng vẫn còn có nhiều tranh cãi. Khảo luận của Nguyễn Duy Chính gần đây chứng minh Quang Trung khi sang Thanh là Quang Trung thật, theo tôi, có tính thuyết phục cao.
.
Gần đây, một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh). Lai lịch tường tận của bức tranh cần đợi những khảo cứu chuyên sâu hơn. Ít nhất, cho tới thời điểm hiện tại, bức tranh này vẫn tiệm cận với “sử thực” hơn cả. Có điều đến ảnh selfie còn ảo huống hồ là tranh vẽ"(HẾT TRÍCH)
.
Thực ra khi Trần Quang Đức công bố, cũng chẳng có mấy ai quan tâm. Chỉ sau khi gần đây, tài liệu đó được Nguyễn Duy Chính quan tâm và viết bài thì mới thành vấn đề, và Lam Điền báo Tuổi trẻ mới viết thành bài, coi như một công bố đáng chú ý.
.
Trong bài viết của mình, Nguyễn Duy Chính đã bỏ đi đoạn quan trọng nhất, mà không dịch, cũng không lý giải.
.
Trần Quang Đức viết: "Gần đây, một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh). Lai lịch tường tận của bức tranh cần đợi những khảo cứu chuyên sâu hơn. Ít nhất, cho tới thời điểm hiện tại, bức tranh này vẫn tiệm cận với “sử thực” hơn cả. Có điều đến ảnh selfie còn ảo huống hồ là tranh vẽ". (HẾT TRÍCH).
.
Bức tranh đen trắng nhòe nhoẹt này được Nguyễn Duy Chính đọc ra hết các chữ Hán. Và trên tranh quả thực có mấy chữ 安南國王阮光平 (An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình). Và chính điều này khiến cả Trần Quang Đức và Nguyễn Duy Chính cho rằng người đàn ông mặt choắt trong tranh chính là An Nam Quốc vương Nguyễn Quang Bình - tức Vua Quang Trung.

Vậy nhưng, không hiểu sao Nguyễn Duy Chính bỏ qua, không dịch và lý giải tiêu đề của bức tranh.

Bức tranh có tiêu đề như sau: 御製安南國王阮光平至避暑山莊陛見詩以賜之 và Nguyễn Duy Chính đọc như sau: Ngự chế An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình chí Tị Thử Sơn Trang bệ kiến thi dĩ tứ chi. Nhưng ông không dịch nghĩa và không lý giải.

Tiêu đề này, dịch như sau: Bài thơ Ngự chế để ban cho An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình đến bệ kiến tại Tị Thử Sơn trang. Dịch rõ ra nữa là: Bài thơ do Trẫm làm ra và ban cho An Nam Quốc vương là Nguyễn Quang Bình khi (ông này) đến bệ kiến trẫm ở trang trại Tránh nóng.
.
Bức tranh này, nếu có thật, thì là tranh vẽ bên cạnh bài thơ để ban/tặng cho Quang Trung. Và người trên bức tranh đó, chính là Vua Càn Long nhà Đại Thanh, chứ không thể là Quang Trung của Đại Việt được. Bức tranh vẽ hình Càn Long để ban tặng cho Quang Trung (giả - hoặc thật) đưa về nước treo.
Chuyện này cũng chẳng khác gì cố Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ban huy hiệu của mình, có ảnh mình cho những chiến sĩ thi đua toàn quốc hoặc những người có thành tích trong một lĩnh vực nào đó. Chứ không thể là ban tặng bức ảnh chính bản thân người đó.
Thật đáng tiếc, một học giả có tiếng như Nguyễn Duy Chính lại mắc lỗi này.
.
6. Có hay không chuyện như Trần Quang Đức viết: Gần đây, một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh.
.
Từ đây đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao lại chỉ là một bức ảnh đen trắng chụp vội vàng và mờ nhòe. Tại sao Trần Quang Đức lại chỉ nói lửng lơ: Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh).?
.
Nhân đây lại nhớ 5 năm trước, Trần Quang Đức cũng đã bịa ra một bài thơ chữ Hán có tên Tối ức Thọ Xương thang, và nói rằng bài thơ chữ Hán này của Dương Khuê, chép trong một cuốn sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập.
.
Đức viết: “Nguyên bản cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập hiện đang lưu trữ tại thư Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có chép bài thơ mang tên Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê
Nguyên văn viết:
裊裊搖風竹,
蒼蒼鎮武鐘,
壽昌多故舊,
同買燉雞湯。
煙鎖西湖水,
杵驚安泰鄉,
河城斯美景,
最耐客思量
“Niểu niểu dao phong trúc, thương thương Trấn Vũ chung, Thọ Xương đa cố cựu, đồng mãi đốn kê thang. Yên tỏa Tây Hồ thủy, chử kinh Yên Thái hương, Hà thành tư mỹ cảnh, tối nại khách tư lương.
Dịch nghĩa nôm na: Gió lay trúc phất phơ, chuông Trấn Vũ xa thẳm, quán Thọ Xương nhiều ông bạn cũ, đều đến mua canh gà hầm. Khói sương vây bủa mặt nước hồ Tây, nhịp chày kinh động làng Yên Thái, cảnh đẹp này của Hà Thành, khiến khách nhớ nhung nhất.
.
Phía dưới có một dòng chữ nhỏ, chú rằng “sau khi bài này làm ra, sĩ phu tranh nhau ngâm tụng. Bà Thọ chủ quán Thọ Xương mắng tiếng, đích thân đến nhà ta xin chữ, song lại cầu ta diễn ra quốc âm ngõ hầu hiểu được trọn nghĩa.
.
Ta liền bỏ hai câu cuối mà diễn lại rằng:

“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Dịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ.”
Thế là đã rõ nhé. Nếu tích trên có thật thì canh gà Thọ Xương đúng mà món canh gà, chẳng có tiếng gà gáy sang canh như văn học đã tưởng".(HẾT TRÍCH).
Lúc ấy, mạng xã hội sôi lên ùng ục. Giáo viên Văn các trường đều hoang mang. Và báo chí vào cuộc. Tất cả đổ xô đi tìm, tra cứu vì trò lưu manh này!
Thế thì tôi chẳng tin có "một người bạn Trung Quốc" nào gửi cho Trần Quang Đức bức tranh đen trắng kia. Bức tranh ấy chắc là do Trần Quang Đức làm ra bằng thủ pháp riêng, rồi tung lên mạng.

Câu chuyện tháng 10 năm 2012. Người mà Phan Quang Minh xin giấu tên là Trần Quang Đức
.
Lúc đó, mọi người chẳng ồn ào làm chi. Đến khi thấy Nguyễn Duy Chính mắc lỡm thì mọi người mới ồ lên làm nóng cả mạng xã hội mấy hôm nay.
.
7- Cho đến nay, chưa ai có được bức họa vẽ chân dung Quang Trung lúc đương thời, kể cả tranh do họa sĩ ta hay Tàu vẽ. Vì vậy cho nên tất cả các bức tượng, tranh, tượng đài Quang Trung ở chùa, đền, quảng trường hay trên tiền giấy, sách vở cũng chỉ là sản phẩm tưởng tượng của người họa sĩ, điêu khắc mà thôi.
.
Có lẽ vì thế mà các đền miếu, đình làng chỉ để bài vị ghi tên vị thánh, thần, thành hoàng được thờ mà không có tượng. Thế mới biết, các cụ ta xưa sâu sắc biết nhường nào!
.
Và, mỗi người dân Đất Việt đều có một bóng dáng Quang Trung lồng lộng trong tâm tưởng. Đó là một vị anh hùng dân tộc được tôn kính và ngưỡng mộ đời đời. Vì thế, bất cứ kẻ nào, bịa tạc ra một Quang Trung sai khác với tâm tưởng người dân Đại Việt đều bị phản ứng dữ dội.
Hà Nội, chiều 3-1-2018

Đã tìm ra chân dung chính xác nhất của vua Quang Trung?

(Lam Điền, Tuổi trẻ)

TTO - Nhà nghiên cứu, TS. Nguyễn Duy Chính vừa công bố bài viết có tính hệ thống lại quá trình xuất lộ và tìm kiếm hình ảnh chân dung vua Quang Trung của học giới nước ta từ xưa đến nay.


Hình vẽ vua Quang Trung từ tư liệu của Trung Quốc - Ảnh: Trần Quang Đức công bố


Bức tượng tại chùa Bộc có ghi chú Vua Quang Trung nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau - Ảnh: từ bài của Nguyễn Duy Chính

.

Hoàng đế Quang Trung là nhân vật lịch sử đặc biệt, nhưng triều đại Tây Sơn tồn tại quá ngắn ngủi cùng với những biến động lịch sử khiến cho những mô tả về nhân dạng của ông khuyết thiếu.

Và mới đây, từ nguồn sử liệu của Trung Quốc đã hé lộ những thông tin khả quan nhất về chân dung vua Quang Trung.

Thiếu vắng trong sách sử và những lần xuất hiện

Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã tìm kiếm trong các bộ sử triều Nguyễn, và bắt gặp trong bộĐại Nam chính biên liệt truyện ở phần "Ngụy Tây" có một đoạn chép tả Nguyễn Văn Huệ (tức Quang Trung): "Nguyễn Văn Huệ là em của Nhạc, tiếng vang như chuông, mắt sáng như ánh điện, mưu lược thiện chiến, người người đều kinh sợ".

Và một đoạn khác trong sách Tây Sơn thuật lược có chép chi tiết hơn: "… Năm ấy Nguyễn Huệ mất, tóc của Huệ thì quăn, mặt thì đầy mụt, có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu …".

Sách Tây Sơn thuật lược - tư liệu hiếm hoi của Việt Nam có miêu tả nhân dạng vua Quang Trung - Ảnh: L.Điền

.

Ngoài hai tư liệu trên, nhà sử học Nguyễn Phương cũng từng dẫn một trường hợp vua Quang Trung xuất lộ trong hình chụp một pho tượng ở chùa Bộc (Hà Nội).

Theo ông Nguyễn Phương, đi kèm với bức tượng là đôi câu đối được xem là chỉ dấu cho thấy bức tượng ấy chính là tượng vua Quang Trung: "Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vụ; Quang trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân" (Trong hang không bụi, lưu nêu cột giữa non sông rộng lớn, Giữa sáng thành Phật, chuyển gió mây trong thế giới cỏn con).

Tuy nhiên, học giới lâu nay vẫn còn chưa thống nhất nhau về hai chữ "quang trung" trong câu đối trên liệu có nên hiểu là tên riêng (viết hoa) của vua Quang Trung hay không.

Về tranh vẽ, vào năm 1932, trên Đông Thanh tạp chí số 1 có đăng bức hình vẽ "giả vương Quang Trung", hình này đến năm 1968 xuất hiện lại trong tập san Sử Địa số 9-10 với ghi chú là tranh này lấy từ tập "Mãn Châu cổ họa".

Tuy nhiên, lâu nay không có thông tin gì về tập cổ họa ấy.

Hình vẽ vua Quang Trung trên bìa tập san Sử Địa năm 1968 - Ảnh: L.Điền chụp lại

.

Tuy nhiên, chính bức tranh này đã trở thành cơ sở để họa sĩ thiết kế giấy bạc thời Việt Nam Cộng hòa đã đưa hình vua Quang Trung vào tờ tiền mệnh giá 200 đồng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính ghi nhận, từ đây, "nhiều nghệ sĩ đã sử dụng để điêu khắc tượng đài, cả trong nước lẫn hải ngoại coi như đây là diện mạo chính thức của Nguyễn Huệ".


Tờ giấy bạc 200 đồng thời Việt Nam Cộng Hòa vẽ chân dung vua Quang Trung

.

Từ tư liệu của Trung Quốc

Liên quan đến chuyến đi của vua Quang Trung sang Bắc Kinh dự lễ Bát tuần đại khánh của vua Càn Long, sứ thần Triều Tiên bấy giờ là Từ Hạo Tu có mấy đoạn tả vua nước An Nam là Quang Bình (tên của vua Quang Trung lúc sang Trung Quốc):

"Quang Bình cốt cách khá thanh tú, hình dáng bệ vệ xem ra khác hẳn với người ở Giao Nam. Thế nhưng các bầy tôi đi theo tuy hơi giỏi văn tự nhưng thân thể nhỏ bé, yếu đuối...", hoặc "Vua của họ (tức nước ta) đầu bịt khăn lưới, đội thất lương kim quan, mình mặc long bào bằng gấm màu, đeo đai bằng ngọc trắng".

Tuy nhiên đây chỉ là văn tả, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính tìm kiếm được hai tư liệu hình vẽ vua Quang Trung trong chuyến đi Bắc Kinh dự lễ thọ vua Càn Long này, một trong bộ tranh "Thập toàn phu tảo", và một bức trong bộ tranh đồ sộ "Bát tuần Vạn thọ thịnh điển".

Trong bộ Thập toàn phu tảo, vua Quang Trung xuất hiện trong bức tranh có tên "An Nam quốc vương chí Tị Thử sơn trang", vẽ hình vua Quang Trung và hai bồi thần (tức Phan Huy Ích và Ngô Văn Sở) vào triều kiến vua Càn Long ở Nhiệt Hà.

Còn trong bộ "Bát tuần Vạn thọ thịnh điển", vua Quang Trung được vẽ trong bối cảnh đứng chung với bồi thần, sứ thần các nước nước Triều Tiên, Nam Chưởng, Miến Ðiện và các sơn phiên Kim Xuyên, Ðài Loan cho đến các hãn Mông Cổ, Hồi Bộ, kế đến các vương, thai cát quì bên cạnh đường, nghênh đón vua Càn Long hồi kinh.

Cả hai tư liệu này đều vẽ vua Quang Trung từ xa, vẽ chung với các nhân vật khác, nên không rõ nét chân dung.


Bức tranh Thập toàn phu tảo vẽ vua Quang Trung và hai bồi thần đang hành lễ bệ kiến vua Càn Long - Ảnh: từ bài của Nguyễn Duy Chính

.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức mới đây đã công bố một tài liệu.

Gần đây, một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh). Lai lịch tường tận của bức tranh cần đợi những khảo cứu chuyên sâu hơn. Ít nhất, cho tới thời điểm hiện tại, bức tranh này vẫn tiệm cận với "sử thực" hơn cả.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố trên trang facebook cá nhân


Bức hình vẽ vua Quang Trung do Trần Quang Đức công bố.

.

Từ tư liệu này, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã khảo cứu kỹ: xem xét kiểu mũ xung thiên vua Quang Trung đội trong hình, đọc được ba dấu triện đóng trên tranh, đọc và dịch bài thơ ngự bút của vua Càn Long viết phía trên bức tranh.

Căn cứ vào đó, Nguyễn Duy Chính đoán định bức hình này là bản trắng đen của một trong ba bức bán thân vẽ màu vua Quang Trung do vua Càn Long chỉ thị cho họa gia trong cung thực hiện nhân chuyến vua Quang Trung sang chúc thọ.

Tác giả của ba bức tranh này là họa gia Mậu Bính Thái và một hoạ sĩ phụ tá là Y Lan Thái. Hai ông này đều là họa sĩ có tiếng trong cung đời Thanh Cao Tông. Thông tin này chép trong bộ "Thanh cung nội vụ phủ tạo biện xứ đáng án tổng hối" mà Nguyễn Duy Chính đã tiếp cận được.

Như vậy có thể theo thông tin do Trần Quang Đức công bố "hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh" để tìm ra bức hình gốc vẽ vua Quang Trung trong bộ ba bức tranh do vua Càn Long chỉ thị thực hiện, có thể được xem là đã tìm ra chân dung trung thực nhất của vua Quang Trung.

Điều đó sẽ khép lại thông tin về chân dung vua Quang Trung mà ngay chính trong bức thư gửi Phúc Khang An trên đường từ Bắc Kinh trở về sau lễ mừng thọ, vua Quang Trung đã cho biết: "đại hoàng đế nghĩ xuống đường sá xa xôi gửi ban cho một hộp bánh sữa, một hộp mứt trái cây và một cuộn tranh vẽ dung nhan quê mùa của kẻ hèn này".

Chi tiết này được chép trong tập "Dụ Am văn tập" của Phan Huy Ích, nhưng chẳng biết cuộn tranh vẽ "dung nhan quê mùa" mà vua Quang Trung khiêm xưng từ ấy đến nay đã thất lạc đâu rồi.


Điều gì ẩn đằng sau việc công bố chân dung vua Quang Trung?

(Hồ Liên Thành, FB cá nhân)
.
Trên tờ Tuổi Trẻ online số ra ngày cuối năm 2017, công bố một di ảnh mà một số học giả cho rằng đó là chân dung thật của vua Quang Trung. Tôi không phải là người hiểu biết nhiều về sử học nước nhà, chỉ là người yêu quý truyền thống lịch sử chống ngoại xâm của cha ông, trong đó hình ảnh vua Quang Trung là tượng đài sừng sửng trong tâm trí tôi, nên khi nhìn thấy “bức chân dung thật” của vua Quang Trung đăng kèm bài viết trên Tuổi trẻ online tôi không khỏi ngỡ ngàng, tiếp đến là bất bình.
.
Tôi ngỡ ngàng và bất bình, bởi các lẽ sau:
.
1. Tôi không tin bức ảnh được công bố là di ảnh thật của vua Quang Trung, bởi lẽ không ai có thể phủ định được Quang Trung - Nguyễn Huệ là một danh tướng, thậm chí là danh tướng bậc nhất trong lịch sử, lại có gương mặt thỏn, cằm lẹm, mũi khoằm, mắt thiếu thần khí, chân mày mỏng, vai xuôi… của một kẻ tiểu nhân, khác xa tướng diện và dung mạo của bậc đế vương, quân tử.
.

- Chân dung vua Quang Trung (từ trước tới nay)
.

- Chân dung vua Quang Trung (bức họa Trung Hoa)
.
2. Nguồn tư liệu mà các “học giả” được nêu tên thu thập lại từ bảo tàng Trung Quốc và mới được cung cấp gần đây. Bằng cách nào để tin phiên bản bức tranh chân dung đó là chân dung thật của vua Quang Trung mà không phải là một sản phẩm ngụy tạo có chủ ý? Tại sao hằng bao thập niên qua, giới nghiên cứu sử học nước nhà không tìm ra mà bây giờ mới được nước bạn cung cấp? Bức họa đó được cho là của họa sĩ cung đình Trung Hoa trực họa ông vua nước Nam để tặng lại vua nước Nam, sao lại nằm ở bảo tàng Trung Quốc? Liệu có phải họa sĩ Trung Hoa vẽ chân dung vua nước Nam giống như lối họa sĩ kháng chiến vẽ tranh biếm họa lính Mỹ trong chiến tranh không?
.
3. Một vấn đề quan trọng về một nhân vật lịch sử, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một danh tướng chống Tàu lừng danh, lại được công bố một cách đơn giản, kết luận vội vàng, không thể hiện được phương pháp nghiên cứu, không nghe nói đến một hội đồng khoa học lịch sử thẩm định và phản biện… là một điều khó hiểu của công tác nghiên cứu sử học.
.
Từ suy nghĩ trên, tôi bất giác nghĩ đến việc phải chăng có sự xuất hiện của một ông Bùi Hiền trong lĩnh vực nghiên cứu sử học nước nhà?
Đây là vấn đề nghiêm túc, vượt ra khả năng của thảo dân tôi nhưng nằm trong trách nhiệm của các nhà nghiên cứu sử học, các nhà quản lý văn hóa…

Một phát hiện bất ngờ và lý thú, có khả năng làm khép lại câu chuyện "Bức chân dung vua Quang Trung đang gây tranh cãi

(Trịnh Vĩnh Phúc, FB cá nhân)
.
(Đề nghị quý bạn nhiệt tình chia sẻ, góp phần giảm sốc tâm lý cho cộng đồng mấy ngày qua...)
Tôi và Lão luật sư Nguyễn Hữu Phúc vừa có cuộc trao đổi nhanh qua điện thoại về một phát hiện bất ngờ lý thú và được ông ủy nhiệm cho tôi công bố “công trình nghiên cứu khoa học trong vòng 15 phút qua công cụ Facebook”, như sau:
.
Bức họa người đàn ông được cho là “chân dung thật nhất của vua Quang Trung” do ngài tiến sĩ Nguyễn Duy Chính sưu tầm từ bảo tàng Trung Quốc và nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố, được báo Tuổi trẻ online giới thiệu ngày 31/12/2017, thực ra đólà một phiên bản hình họa chân dung vua Càn Long, mà thôi!
.
Nhà nghiên cứu bất đắc dĩ Nguyễn Hữu Phúc nêu ý kiến: “Người đàn ông trong bức vẽ (trắng đen) nầy là bản sao của bức vẽ chân dung (màu) vua Càn Long của nhà Thanh ở bên Tàu. Đối chiếu từng đường nét nhân dạng từ khuôn mặt - mắt - mũi - trái tai - môi - cằm... hoàn toàn không tìm thấy có sự khác biệt nào cả. Vậy mà các "nhà nghiên cứu" của ta không biết lấy nguồn tư liệu nào mà vội đưa lên công luận bức họa phác thảo hình vua xứ Tàu năm ông ấy già yếu hom hem 80 tuổi và cho là chân dung Hoàng đế Quang Trung lúc người 38 tuổi”.
.
.
Phần tôi thì nhận thấy: Hai bức họa là di ảnh của một người, hình tướng và sắc diện không có gì khác nhau, chỉ có khác nhau về phẩm phục và màu sắc của bức họa!
.
Xin mời mọi người xem 2 bức họa để gần nhau và có ý kiến nhé!
.
Chúng tôi tin phát hiện trên đây là chính xác, còn lý do vì sao câu chuyện lại ra nông nỗi này là nằm ngoài khả năng của chúng tôi!
Trân trọng.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Suy nghĩ từ “Chiếu Lập học” của Hoàng đế Quang Trung

    14/04/2016Nhà văn Hoàng Lại GiangSau khi lên ngôi Hoàng đế, đánh tan quân Mãn Thanh, Quang Trung liền nghĩ ngay đến việc nhờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cùng các sĩ phu Bắc Hà như Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ... thảo ngay “Chiếu Lập nhà học...” còn gọi là “Chiếu Lập học”.
  • Quang Trung - Nguyễn Huệ là anh em: Lỗi của ai?

    17/07/2015Ngân AnhChương trình Chuyển động 24 của VTV1 ngày 11/7 vừa đưa một clip với nội dung phỏng vấn một loạt học sinh với câu hỏi chung “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?”