Khả năng dự báo của kinh dịch

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
07:51 SA @ Thứ Tư - 29 Tháng Giêng, 2014

Dịch hay Chu Dịch gồm hai phần, Dịch kinh và Dịch truyện. Dịch Kinh là một cuốn sách, thường được xem là sách bói, gồm 64 quẻ, xuất phát từ 8 quẻ (Bát quái), mỗi quẻ có 6 vạch. Dưới mỗi vạch có lời đoán theo các mục như hôn nhân, xuất hành... Lời đoán có thể tốt hay xấu, kèm lời khuyên đạo đức. Người đoán quẻ lập luận theo nguyên tắc âm dương giao cảm.

Theo cố học giả Cao Xuân Huy trong tác phẩm đoạt giải Hồ Chí Minh Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu: Dịch kinh là sách bói, ra đời sau Khổng Tử, còn Dịch truyện gồm nhiều tư tưởng hỗn hợp, trong đó nổi bật tư tưởng Lão Trang, với bản thể luận và biện chứng pháp Đạo gia. Như vậy Dịch chỉ có thể hình thành cuối đời Chu, thời Xuân Thu - Chiến quốc.

Nhiều người ca ngợi khả năng dự báo của Dịch, mà điển hình là Thiệu Vĩ Hoa, “ngôi sao Dịch học”, người viết cuốn Chu Dịch với dự báo học với số lượng phát hành kỷ lục tại Trung Quốc. Bản dịch cũng gây nhiều dư luận tại Việt Nam. Trong sách, Chu Dịch được ca ngợi là “đại số học vũ trụ” hay “hòn ngọc trên vương miện khoa học”.

Vậy trên thực tế Chu Dịch có khả năng dự báo như thế nào?

Logic 64 quẻ Dịch

Trong Hệ từ viết: “Dịch có Thái cực, sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái”. Đó chính là luận lý căn bản của Dịch.

Thái cực là chữ Đạo của Lão tử, là bản thể vũ trụ, cơ sở tồn tại của vạn vật, nên “vô thủy vô chung” (không có khởi đầu và kết cục), “bất sinh bất diệt” (tồn tại vĩnh hằng, không đổi không dời), bao trùm mọi vật, đồng thời có trong từng vật riêng biệt. Lưỡng nghi là “âm dương”, hai phương thức của Thái cực, đối lập, mâu thuẫn và thống nhất với nhau. Do sự đấu tranh của âm dương mà hình thành sự đa hóa, phân hóa, phát triển. Lưỡng nghi cũng là trời và đất, lấy dương thay cho trời, lấy âm thay cho đất. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, tức âm dương kết hợp tạo nên bốn tượng: thuần dương là Thái dương, thuần âm là Thái âm, hào âm trên hào dương là Thiếu âm. Tứ tượng tượng trưng cho bốn phương, cũng cho bốn mùa, tức tứ thời.


Cờ Hàn Quốc với Thái Cực ở trung tâm,
xung quanh là 4 quẻ.

Tứ tượng sinh Bát quái, vẫn do âm dương tương giao mà thành. Hào dương kết hợp với Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương, Thái âm tạo thành bốn quẻ Càn, Đoài, Ly, Chấn. Hào âm kết hợp với Tứ tượng thành bốn quẻ Tốn, Khảm, Cấn, Khôn. Tổng cộng có 8 quẻ, tức Bát quái. Đó cũng là tám phương, bát tiết.

Tám “tiểu thành quái” trên kết hợp nhau, tạo 8 x 8 = 64 “đại thành quái”, mỗi quẻ có 6 hào hay 3 tượng. Người xưa xem mọi biến dịch trong vũ trụ không ngoài 64 quẻ Kinh Dịch đó. Vì thế bậc trí giả, với các học thuyết thánh hiền, tự xem mình ngồi trong nhà mà như đứng giữa ngã ba đường, không gì là không biết!

Dịch theo khoa học hiện đại

Theo người viết, Thái cực chính là Big Bang, vụ nổ lớn khai sinh vũ trụ; Lưỡng nghi là đối ngẫu sóng - hạt của thế giới vi mô; Tứ tượng là bốn tương tác chi phối vũ trụ (hấp dẫn, điện từ, tương tác yếu và tương tác mạnh); một số quẻ Dịch là những phạm trù triết học. Khi đó sẽ giải thích được logic nội tại và khả năng dự báo của Dịch.

Theo vật lý học, vũ trụ của chúng ta xuất phát từ Vụ nổ lớn xảy ra 13,7 tỷ năm trước. Đó chính là tương tác siêu thống nhất, là cái một, cái chí nhất khởi thủy cho vạn vật. Sau đó do quá trình lạm phát, vũ trụ giãn nở và nguội dần, tương tác siêu thống nhất tách thành tương tác đại thống nhất và hấp dẫn (lúc này vũ trụ có 2 tương tác). Tiếp theo đại thống nhất tách thành tương tác mạnh và điện yếu (vũ trụ bây giờ có ba tương tác). Cuối cùng điện yếu tách thành điện từ và tương tác yếu, hoàn tất sự xuất hiện của 4 tương tác điều khiển toàn vũ trụ. Toàn bộ quá trình đó xảy ra chỉ trong một phần triệu giây sau Vụ nổ lớn.

Về hình thức, logic “Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng” khá phù hợp với vũ trụ luận nói trên. Trong đó Thái cực là Big bang, nơi vũ trụ là cái một, cái duy nhất. Lưỡng nghi là lưỡng tính sóng - hạt của thế giới vi mô: vật chất vừa có tính sóng vừa có tính hạt, chúng mâu thuẫn và thống nhất với nhau. Tứ tượng là bốn tương tác cơ bản. Tứ tượng không sinh đồng thời, mà “một sinh hai, hai sinh ba”, “ba” sinh bốn, bốn “sinh vô cùng”, có vẻ đúng như lời Lão Tử.

Theo Cao Xuân Huy ở sách đã dẫn, trong 64 quẻ, ba quẻ Thái, Bĩ và Đồng nhân tiêu biểu cho quá trình biện chứng của Dịch. Cụ thể hơn, Thái là chính đề, Bĩ là phản đề, phủ định, còn Đồng nhân là hợp đề của chính đề, tức phủ định của phủ định. Như vậy một số quẻ Dịch có thể là một số phạm trù hay quy luật của triết học biện chứng.

Khả năng dự báo của Dịch

Người viết thấy logic của Dịch đúng khoảng 60 - 70% so với kiến thức hiện đại, một tỷ lệ rất cao với một lý thuyết từ hàng ngàn năm trước. Vì thế nếu Thiệu Vĩ Hoa ca ngợi Chu Dịch hơi quá lời thì cũng dễ hiểu.

Tuy nhiên đó là do chúng ta chỉ mới xét tính tất yếu khách quan của các quy luật biến dịch mà chưa xét tới vai trò của ngẫu nhiên, yếu tố quyết định 50% số phận vũ trụ. Theo lời nhà vật lý lý thuyết Gell-Mann, bộ óc vật lý siêu việt nhất nửa cuối thế kỷ 20, giải Nobel về mô hình quark của các hạt cơ bản, “các ngẫu nhiên và các quark giải thích được vũ trụ, sự sống và mọi thứ khác”.

Nói cách khác, nếu tính cả ngẫu nhiên, yếu tố quyết định một nửa hành trạng của tự nhiên, khả năng dự báo của Dịch sẽ giảm đi một nửa, còn khoảng 30-35%. Viết đến đây, người viết lại nhớ tới quan điểm của cố giáo sư, nhà tình báo, thiếu tướng công an Nguyễn Đình Ngọc, một nhà khoa học đã lập mô hình toán học cho tử vi, đại ý, nếu đúng thì (dự báo dựa trên Dịch) cũng không quá 70%, nếu sai cũng không dưới 30%.

Tóm lại, dự báo Chu Dịch có tỷ lệ thành công khoảng 30-35%. Đây là một tỷ lệ khiêm tốn, chỉ ngang với dự báo ngẫu nhiên hay đoán mò. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, đoán mò còn cho kết quả cao hơn, chẳng hạn sinh trai hay gái, thắng hay thua (đều có tỷ lệ thành công 50%).

Kết luận

Về mặt nhận thức, hiểu biết của con người đi từ thấp tới cao, từ đơn giản tới phức tạp, trên cơ sở trình độ khoa học - công nghệ của xã hội đương thời. Quá trình nhận thức càng ngày càng tiếp cận, nhưng không bao giờ đạt tới hiểu biết cuối cùng (khoa học TK 20 phát hiện ra rằng, có những giới hạn nhận thức mà khoa học không thể vượt qua). Vì thế, một lý thuyết có từ hàng ngàn năm trước như Chu Dịch không thể phản ánh tốt hiện thực khách quan. Người viết cho rằng, Dịch dự báo được khoảng một phần ba các biến cố, một tỷ lệ tương đương với đoán mò (các loại hình tiên tri khác như chiêm tinh học cũng có tỷ lệ thành công như vậy, cho thấy có lẽ chúng chỉ là sự đoán mò). Và có lẽ đó là lý do mà các nhà Dịch học chỉ kể về các trường hợp thành công, chứ không bao giờ đưa ra các con số thống kê về tỷ lệ giữa các dự báo đúng và sai. Thiếu những thống kê như vậy, khả năng dự báo của Dịch còn thiếu sức thuyết phục.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các hiện tượng dị thường là gì?

    28/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngCác hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology)...
  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...