Hồ Chí Minh trả lời báo chí nước ngoài năm 1949
Sáng nay, 19/5/2005, dịch giả Ngân Xuyên gửi đến cho chúng tôi bài trả lời PV hãng thông tấn Indonesia Antarv của Hồ Chủ tịch năm 1949. Quan điểm của Người trong bài báo đối với các vấn đề quan hệ quốc tế, đầu tư nước ngoài và phát triển vẫn còn nguyên tính mới mẻ. Điều đó khiến chúng ta càng ngạc nhiên và khâm phục Hồ Chủ tịch về tinh thần nhìn xa trông rộng của Người. Thêm một tư liệu quý để chúng ta hiểu thêm vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Với tinh thần trân trọng tất cả những khám phá mới có tính thuyết phục về lãnh tụ Hồ Chí Minh, VietNamNet xin đăng tải tư liệu này.
Lời người dịch:Trong một chuyến sang làm việc tại Tokyo (Nhật Bản), tôi được một người bạn cho xem một tư liệu bằng tiếng Nga về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người bạn cho biết, tư liệu này nằm trong số các tư liệu của một cơ quan truyền thông Nhật Bản mua về từ Moscow khi thực hiện một chương trình về Hồ Chí Minh. Đọc trong văn bản thì đây là bài phỏng vấn của Hồ Chủ tịch dành cho hãng thông tấn Indonesia Antar thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong đó có đoạn nói về Trung Quốc, và đoạn trả lời một nhà báo Mỹ. Bản tiếng Nga ghi rõ dịch từ tiếng Anh và người dịch có ký tên là là T. Mkhitaryan. Trên đầu văn bản này có ghi chữ “Mật”, chắc là lưu hồ sơ của Quốc tế Cộng sản, và thời gian lưu hồ sơ là tháng 10/1949. Tuy nhiên, cuối bản tiếng Nga lại có dòng chữ Viet Nam News Servis và “Pakistan Time” 20/7/1949 (cả hai đều theo mẫu tự Nga). Có thể phỏng đoán bài phỏng vấn này của hãng Antar đã được tờ “Pakistan Time” đăng tải và Hãng Viet Nam News Servis phát đi. Tôi đã tra “Hồ Chí Minh toàn tập” nhưng không thấy có tư liệu này.
Dưới đây là toàn văn bài phỏng vấn do tôi dịch từ tiếng Nga theo tư liệu nói trên.
*Các dân tộc châu Á kiên trì giúp đỡ Việt Nam
*Hồ Chí Minh tuyên bố để bảo vệ nền tự do của mình, châu Á cần phải liên kết lại.
Ông Hồ Chí Minh, trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với đại diện hãng thông tấn Indonesia Antar đã kêu gọi các dân tộc châu Á ủng hộ vật chất và tinh thần cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh của họ giành tự do. Hồ Chí Minh tuyên bố rằng “Châu Á cần liên kết lại để bảo vệ tự do của mình và ủng hộ hòa bình trên toàn thế giới” (lời dẫn của báo hãng thông tấn Indonesia Antar - VietNamNet)
Giữa Chủ tịch và đại diện hãng Antar đã có cuộc trò chuyện sau:
Phóng viên hãng Antar: Mặt trận Việt Minh và các đảng phái chính trị khác, trong khi tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, có tiếp tục kiên trì việc giành độc lập trong thành phần Liên hiệp Pháp như trước nữa hay không? Câu hỏi này có quan hệ đặc biệt đối với liên minh Indonesia - Hà Lan đang được đưa ra và Ngài Chủ tịch có thể tin rằng câu trả lời của Ngài sẽ có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Indonesia.
Hồ Chí Minh: Việt Minh là một mặt trận dân tộc rộng lớn, bao gồm tất cả các đảng phái và tổ chức yêu nước.
Chúng tôi trước hết cần phải đạt được sự thống nhất chân chính và sự độc lập chân chính. Các vấn đề còn lại sẽ được giải quyết sau.
Phóng viên hãng Antar: Ngài Chủ tịch có xem cuộc đấu tranh giải phóng hiện nay ở Việt Nam như một phương pháp cách mạng cải biến hoàn cảnh xã hội Việt Nam không? Ở Indonesia hồi đầu cách mạng nhân dân trước hết mong thực hiện những thay đổi xã hội cơ bản, nhưng về sau họ từ bỏ đường lối đó vì sợ làm tan rã sức mạnh dân tộc.
Hồ Chí Minh: Tiến hành các cải cách xã hội cần thiết như: xóa nạn mù chữ, tăng sản phẩm, cải thiện điều kiện sống của nhân dân, và khuyến khích các biện pháp hữu ích, củng cố khối đoàn kết dân tộc và sức mạnh dân tộc.
Phóng viên hãng Antar: Nếu thực như vậy thì Việt Minh và nhân dân Việt Nam mong muốn có một trật tự xã hội nào cho nước Việt Nam? Chính sách của Ngài Chủ tịch đối với sở hữu tư nhân nói chung, các xí nghiệp tư nhân nói riêng ra sao?
Hồ Chí Minh: Hiến pháp Việt Nam tôn trọng sở hữu tư nhân và khuyến khích các xí nghiệp tư nhân.
Phóng viên hãng Antar: Chính sách của Ngài Chủ tịch đối với sở hữu ruộng đất và các vấn đề nông nghiệp khác?
Hồ Chí Minh: Các chủ đất ở nước tôi đã giảm thuế đất xuống 25%. Một số người đã tự nguyện hiến cho quân đội gần 2000 mẫu đất. Những vấn đề nông nghiệp chủ yếu của chúng tôi là tăng năng suất và hợp tác hóa nông nghiệp.
Phóng viên hãng Antar: Ngài Chủ tịch muốn thấy những dạng xí nghiệp nào được quốc hữu hóa ở Việt Nam?
Hồ Chí Minh: Tất cả các xí nghiệp cần cho quốc phòng.
Phóng viên hãng Antar: Thái độ của Ngài Chủ tịch đối với vốn đầu tư nước ngoài?
Hồ Chí Minh: Chúng tôi hoan nghênh đầu tư nước ngoài với điều kiện hai bên sẽ có lợi nhuận ngang nhau và người nước ngoài sẽ không sử dụng đầu tư để đô hộ nhân dân chúng tôi”.
Phóng viên hãng Antar: Ngài Chủ tịch có cho rằng mục đích của nhân dân Việt Nam có thể sẽ được thực hiện hoàn toàn, mặc dù các phong trào giải phóng dân tộc chưa thành công ở các nước châu Á khác?
Hồ Chí Minh: Không, tôi không nghĩ như vậy.
Quan hệ với Trung Quốc
Phóng viên hãng Antar: Theo ý Ngài Chủ tịch, khả năng thắng lợi hoàn toàn của những người cộng sản Trung Quốc tại Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng thế nào đến tình hình chung châu Á và có mối liên hệ nào giữa các sự kiện ở Trung Quốc và tình hình quốc tế?
Hồ Chí Minh: Thắng lợi hoàn toàn của quân giải phóng Trung Quốc có thể có tác động to lớn đến châu Á và tình hình Trung Quốc.
Phóng viên hãng Antar: Ngài Chủ tịch có đồng ý với ý kiến cho rằng lý tưởng thành lập một châu Á thống nhất đang ngày càng khó thực hiện?
Hồ Chí Minh: Châu Á cần phải liên kết lại để bảo vệ tự do của mình và giúp giữ gìn hòa bình trên toàn thế giới.
Phóng viên hãng Antar: Nếu vậy, Ngài Chủ tịch coi cái gì là trở ngại cho việc đó?
Hồ Chí Minh: Ách áp bức nước ngoài muốn chia rẽ châu Á.
Phóng viên hãng Antar: Ngài thấy các nước châu Á còn lại phải làm gì để giúp cho cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam?
Hồ Chí Minh: Ủng hộ vật chất và tinh thần cho Việt Nam.
Phóng viên hãng Antar: Ngài Chủ tịch có thấy khả năng đạt được thỏa thuận giữa Việt Nam và Pháp không?
Hồ Chí Minh: Tôi cho là có, nếu Pháp thực tâm thừa nhận nền thống nhất thực sự và nền độc lập thực sự của Việt Nam.
Phóng viên hãng Antar: Ngài Chủ tịch có thể cho biết các số liệu tổn thất mà quân Việt Nam đã gây cho quân Pháp trong cuộc chiến tranh giải phóng, cũng như số liệu tổn thất mà phía Việt Nam phải chịu?
Hồ Chí Minh: Từ tháng 12/1946 đến hết tháng 6/1949 số quân Pháp bị giết và bị thương là 90 ngàn người, còn về phía Việt Nam là 8 ngàn người. Sự chênh lệch về thiệt hại này là do hoạt động du kích của chúng tôi”.
Phóng viên hãng Antar: Ngài Chủ tịch nhìn tương lai của Việt Nam, châu Á, và thế giới nói chung thế nào?
Hồ Chí Minh: Nước Việt Nam độc lập muốn thiết lập sự hợp tác chặt chẽ với tất cả các nước châu Á và duy trì quan hệ hữu nghị với toàn thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong ngôi nhà sàn ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.Ảnh tư liệu TTXVN |
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã trả lời các câu hỏi của một nhà báo Mỹ yêu cầu giấu tên
Phóng viên: Ngài Chủ tịch có tin vào sự thất bại của thực dân Pháp không?
Hồ Chí Minh: Có.
Phóng viên: Ngài Chủ tịch đánh giá thế nào về Bảo Đại?
Hồ Chí Minh: Cá nhân tôi không có gì chống lại ông Vĩnh Thụy. Nhưng nhìn dưới góc độ dân tộc thì ông Vĩnh Thụy bị kết tội phản bội quốc gia.
Phóng viên: Ngài Chủ tịch là người ủng hộ đường lối thân Mỹ hay chống Mỹ?
Hồ Chí Minh: Tôi hoàn toàn đứng về phía Việt Nam. Tuy nhiên về vấn đề này chúng tôi có ý kiến chung như sau:
Trước đây, đã có lúc chúng tôi rất thích người Mỹ vì ba lý do: thứ nhất, vì tinh thần bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ gần gũi với chúng tôi; thứ hai, vì chính sách của Rooservelt đối với các dân tộc bị áp bức được trình bày rõ ràng; thứ ba, vì chúng tôi thích thái độ thành thật của những người Mỹ đã hợp tác cùng chúng tôi chống lại quân Nhật.
Nhưng hiện nay ý kiến của chúng tôi đã có thay đổi. Điều này trước hết là do quan điểm công khai của các giới chức Mỹ ví như của ông Vullit trong các bài viết đăng trên tờ tạp chí “Life”. Thứ hai, do phần lớn vũ khí và lương thực mà quân đội Việt Nam thu được của quân Pháp là do Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cung cấp. Cuối cùng, do nhiều người Mỹ tin vào sự tuyên truyền dối trá của thực dân Pháp, ví như luận điệu cho rằng Việt Nam làm theo lệnh của Kremli và Cominform.
Về điều này một câu hỏi đặt ra là, vậy tướng Washington và nhân dân Mỹ đấu tranh giành độc lập chống lại nền quân chủ có phải là tuân theo lệnh của Kremli và Cominform không?
Phóng viên: Liệu khi giành được độc lập Việt Nam có hoan nghênh những sự đầu tư nước ngoài?
Hồ Chí Minh: Sau tám mươi năm bị thực dân Pháp bóc lột tàn bạo và nhiều năm đất nước bị cướp bóc, tàn phá, hiển nhiên chúng tôi có nhiều việc phải làm để xây dựng lại đất nước của mình.
Về việc này, nếu bất kỳ nước nào, trong đó có nước Pháp, muốn thiết lập quan hệ làm ăn với Việt Nam với thiện ý sẵn sàng hợp tác vì lợi ích của cả hai bên, thì Việt Nam sẽ hoan nghênh nước đó.
Mặt khác, nếu bất kỳ nước nào, trong đó có nước Pháp, mưu toan đô hộ và áp bức nhân dân chúng tôi thông qua đầu tư, thì nước đó sẽ bị chống trả quyết liệt.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh