Hệ vấn đề bản thể luận phương Tây – Một cái nhìn khái quát
oThuật ngữ “bản thể luận” xuất hiện vào thế kỷ XVII trong Lexicon philosophicum (Bách khoa thư triết học) của triết gia R.Goclenius (1547-1628) được xuất bản tại Phrăngphuốc (Đức) vào năm 1613, nhưng tư tưởng về bản thể luận đã xuất hiện ngay từ thời cổ đại trong lịch sử triết học. Thuật ngữ “bản thể luận” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, là sự kết hợp giữa hai từ on – “cái thực tồn”, cái đang tồn tại và logos – lời lẽ, học thuyết. Onlogosla “học thuyết về tồn tại”. Do đó, nói một cách chung nhất, bản thể luận được hiểu là học thuyết về tồn tại và khái niệm “tồn tại”. Do đó, nói một cách chung nhất, bản thể luận được hiểu là học thuyết về tồn tại và khái niệm “tồn tại” là một trong các khái niệm cơ bản của triết học phương Tây.
Theo truyền thống, siêu hình học được phân thành siêu hình học chung (metaphysica generalis), hay còn gọi là siêu hình học đại cương và siêu hình học chuyên biệt (metaphysica specialis) – còn gọi là siêu hình học chuyên ngành. Siêu hình học đại cương có đối tượng nghiên cứu là những cơ sở sâu xa, những quy tắc, cấu trúc cơ bản của tồn tại, như Arixtốt quan niệm, nó nghiên cứu “cái thực tồn như là cái thực tồn” hay “cái gì là tồn tại của cái thực tồn”; còn siêu hình học chuyên ngành có đối tượng nghiên cứu là Thượng đế (Thần học tự nhiên), linh hồn (Tâm lý học tự nhiên) và Thế giới (Vũ trụ học). Bản thể luận chính là bộ phận siêu hình học chung (đại cương) của siêu hình học và là bộ phận căn bản nhất của siêu hình học.
Bản thể luận với tư cách là bộ phận căn bản nhất của siêu hình học đã ra đời cùng với siêu hình học và trải qua quá trình phát triển liên tục, gắn bó hữu cơ với tiến trình lịch sử triết học, tuy không cùng hoàn toàn trùng khớp với lịch sử triết học. Nói cách khác, bản thể luận có lịch sử của riêng mình, tồn tại độc lập tương đối so với lịch sử triết học. Không có ý định đi sâu vào trình bày sự phát triển của bản thể luận theo chiều dài lịch sử của nó, trong bài viết này, chúng tôi muốn phân tích một cách khái quát hệ vấn đề của bản thể luận phương Tây, tức là những vấn đề căn bản, nền tảng mà bất cứ bản thể luận nào cũng đều phải lý giải chúng. Hơn thế nữa, có thể nói việc luận giải các vấn đề này còn làm nên chính sự đặc thù của bản thân mỗi hệ thống bản thể luận ấy trong lịch sử bản thể luận phương Tây.
Trên thực tế, tùy theo cách phân chia khác nhau mà các nhà nghiên cứu cũng có khái niệm khác nhau về số lượng các vấn đề cũng như sử dụng tên gọi khác nhau về cùng một vấn đề (có cùng nội dung) cho hệ vấn đề bản thể luận. Tuy nhiên, qua tham khảo một số tài liệu (xem phần danh mục tài liệu), theo chúng tôi, cho dù có sự khác biệt ấy, vẫn có thể đưa ra sáu vấn đề cơ bản sau đây:
1. Vấn đề tồn tại
Đây chính là vấn đề căn bản nhất mà mỗi một bản thể luận đều phải lý giải, đồng thời việc lý giải ấy cũng tạo nên nội dung và tính đặc thù của bản thể luận nói chung và của mỗi bản thể luận nói riêng. Thực chất của vấn đề này là ở chỗ, phải lý giải xem cái gì là cái chung của tất cả những cái thực tồn, cái gì là “tồn tại của những cái thực tồn”.
Người đầu tiên đưa ra khái niệm “tồn tại” là Pácmênít (540-480 tr. CN) với luận điểm nổi tiếng: Chỉ có cái tồn tại, không có cái không – tồn tại. Ông chống lại cái không – tồn tại vì ta không thể tư duy được nó là cái gì. Theo ông, tất cả các đối tượng của tri giác cảm tính đều không-tồn tại. Bởi vì chúng xuất hiện, biến đổi và tiêu vong nên chúng là sự pha trộn giữa cái tồn tại và cái không-tồn tại. Do chỗ Pácmênít hoàn toàn chống lại cái không-tồn tại nên ông cũng không chấp nhận các cái pha trộn ấy. Như thế, ông cũng đồng thời loại bỏ mọi sự phân cấp, có thang bậc của tồn tại.
Platôn (427-348 tr. CN) quan niệm các sự vật cảm tính chỉ “tồn tại một nửa”, còn đối với Arixtốt (384-322 tr. CN) thì chúng chỉ là những tiềm năng. Theo Platôn, chỉ các ý niệm mới là tồn tại đích thực, còn các sự vật cảm tính chỉ là bản sao của ý niệm, có được sự tồn tại của mình nhờ “thông dự” vào ý niệm. Để bảo vệ cho sự phân cấp của tồn tại, Platôn đã chống lại cái không-tồn tại của Pácmênít. Lý do nữa để Platôn đi đến quan niệm về tồn tại có phân cấp là vì ông đã coi tồn tại tương đồng với sự hoàn hảo và cái Thiện. Đó là những giá trị phải dần dần mới đạt đến được, tức là bao hàm các thang bậc và các cấp độ ở bên trong mình.
Quan niệm của Arixtốt về sự phân cấp của tồn tại thể hiện ở việc ông thừa nhận các phương thức tồn tại khác nhau và ông luận chứng cho bản thể luận dựa trên tính đa nghĩa của hệ từ “là” giữa chủ từ và vị từ. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của bản thể luận là phải đưa ra được hệ thống các phạm trù với tư cách là những khái niệm cao nhất. Các phạm trù Arixtốt được chia thành hai loại chính là thực thể (bản chất – Substanz) và các tùy thể (Akzidentien – là những mô thức biểu hiện ra của thực thể và tồn tại phụ thuộc vào thực thể). Chỉ có thực thể mới tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào các tùy thể.
Như vậy, dù có khác biệt ít nhiều trong quan niệm về tồn tại, nhưng cả Platôn và Arixtốt đều chia lĩnh vực của bản thể luận ra làm 2 phần: khu vực trung tâm là những cái tồn tại thực, còn ở khu vực ngoại biên là những cái không tồn tại thực. Đối với Platôn thì những sự vật cảm tính là thuộc về khu vực ngoại biên ấy, còn ở Arixtốt thì chúng là những tùy thể. Vậy cái gì là tiêu chí để phân định ra thành hai khu vực nói trên? Nói cách khác, tiêu chí để phân định cái tồn tại thực và không thực là gì? Để trả lời cho câu hỏi này thì cả Platôn và Arixtốt đều dựa vào các tiêu chí của tồn tại mà Pácmêlít đã nêu ra là: tính đơn giản, độc lập và bền vững. Bên cạnh việc phân định giữa hai khu vực nói trên, cả hai ông đều tìm cách liên kết những cái tồn tại thực và những cái tồn tại không thực lại với nhau.
Nhìn chung, quan niệm về tính phân cấp cũng như về các phương thức tồn tại khác nhau là quan niệm được truyền bá khá phổ biến trong triết học. Song cũng có một số nhà bản thể luận mà tiêu biểu nhất là Brentano (1838-1917) hoàn toàn chống lại quan niệm đó. Ngược lại, Heidegger (1889-1976) lại coi sự phân biệt các phương thức tồn tại là vấn đề trung tâm của triết học. Trong khi Heidegger đặc biệt quan tâm đến nghĩa của tồn tại (người) và phân biệt nó với hiện hữu thì Nicolai Hartmann (1882-1950) lại cho rằng, vấn đề về nghĩa của tồn tại không thể là vấn đề cơ bản của bản thể luận.
Gustav Bergmann (1906-1987) quan niệm rằng các nhà bản thể luận đã không sử dụng thuật ngữ “tồn tại’ theo nghĩa thông thường như: “là” hay “có’. Theo ông, các nhà bản thể luận không thống nhất với nhau trong việc sử dụng các từ khóa then chốt. Họ sử nhũng các tiêu chí khác nhau và các tiêu chí ấy biểu thị các khuynh hướng bản thể luận khác nhau.
2. Vấn đề tính tổ hợp.
Tổ hợp là những cái thực tồn được cấu tạo bởi những cái thực tồn khác. Bất kỳ một sự vật nào, với các đặc tính của nó cũng tạo thành một tổ hợp nhất định. Tổ hợp cũng đồng thời là cái đa. Pácmênít chống lại cái đa vì cho rằng cái đa không tồn tại thực, chỉ có cái duy nhất, đơn giản mới tồn tại.
Vấn đề nằm ở chỗ, có một mâu thuẫn: tổ hợp vừa thể hiện cái đa lại vừa thể hiện sự thống nhất. Do ảnh hưởng của Pácmênít mà phần lớn các nhà triết học cổ đại đã phủ nhận tính tổ hợp. Việc Arixtốt quy tính đa dạng của sự vật về bản chất đơn giản của sự vật ấy (và do vậy mà bản thể luận Arixtốt còn được gọi là bản thể luận bản chất) có thể được coi là một giải pháp đối với vấn đề tính tổ hợp.
Tổ hợp được coi là chủ đề chính của các nhà kinh nghiệm Anh và đây chính là nơi họ chống lại Arixtốt: Tổ hợp cần phải được thế vào chỗ của bản chất. Song, người ta không thể nói rằng các nhà duy nghiệm Anh đã có một khái niệm mang tính bản thể luận rõ ràng về tổ hợp.
Phải đến thế kỷ XIX, cùng với việc phát hiện ra phạm trù “sự kiện’ (Sachverhalt) thì vấn đề tính tổ hợp mới được luận giải một cách sâu sắc hơn về phương diện bản thể luận. Phạm trù này không tương thích với hệ thống phạm trù của Arixtốt.
Trái lại, Husserl (1859-1938) vẫn kiên quyết bảo vệ truyền thống về các mối liên hệ bên trong. Còn Wittgenstein (1889-1951) dựa trên các quan điểm của Russell (1872-1970) đã phác thảo một bản thể luận với “sự kiện” là phạm trù trung tâm. Đối lập lại với Russell, Wittgenstein cho rằng, các sự vật khi được nối kết với nhau trong sự kiện thì không cần đến một yếu tố kết nối nào nữa.
3. Vấn đề cái phổ quát
Thực chất của vấn đề cái phổ quát là ở chỗ cần phải luận chứng từ góc độ bản thể luận sự giống nhau về chất giữa hai cái đang tồn tại. Về nguyên tắc, có thể có hai phương án chọn lựa: hoặc sự giống nhau về chất xuất phát từ một cái phổ biến nào đó có ở cả hai sự vật ấy hoặc nó dựa trên hai cái đơn lẻ (về chất), giữa chúng có mối liên hệ và trước hết chỉ xuất phát từ mối liên hệ này người ta mới có thể luận chứng được sự giống nhau. Phương án thứ nhất là phương án của chủ nghĩa duy thực, còn phương án thứ hai là của chủ nghĩa duy danh.
Các nhà duy danh tuy bác bỏ sự tồn tại của cái phổ quát, nhưng lại thừa nhận chúng hoặc là những khái niệm chung (tức là có trong ý thức) hoặc chỉ là những tên gọi chung đơn thuần (trong ngôn ngữ). Chính thuật ngữ “chủ nghĩa duy danh” (Nominalismus) xuất hiện từ khuynh hướng thừa nhận cái phổ quát trong chừng mực chỉ là những tên gọi. Còn khuynh hướng thừa nhận sự tồn tại của những khái niệm chung được gọi là “chủ nghĩa duy khái niệm” (Konzeptualismus), do tên gọi này có xuất xứ từ thuật ngữ latinh “conceptus” = khái niệm.
Vấn đề cái phổ quát là một vấn đề trung tâm trong cuộc tranh luận giữa các triết gia thời trung cổ. Boethius (480-524) coi vấn đề này chỉ có giá trị đối với các chủng là loài chứ không đặt vấn đề với tất cả các tính quy định nói chung. Quan niệm theo hướng “chủ nghĩa duy khái niệm” của Boethius có ảnh hưởng đến hầu hết các nhà triết học kinh viện. Có thể nói, kể cả Ốccam (1285-1347) cũng là một nhà theo chủ nghĩa duy khái niệm chứ không phải là một nhà duy danh theo đúng nghĩa của từ này cho dù ông rất quan tâm đến các cơ sở ngôn ngữ trong việc luận giải nguồn gốc của các cái phổ quát. Một trong những nhà duy danh đích thực của thời kỳ này phải kể đến là Abaelar (1079-1142). Nhìn chung, chỉ có một số các nhà triết học kinh viện đứng ra bênh vực cho cái phổ quát như: Albertus Magnus (1193-1280), trường phái của Đơn-xcốt (1266-1308) và Walter Burley (1275-1343).
4. Vấn đề cá thể hóa.
Vấn đề cá thể hóa lần đầu tiên được Avicenna, còn gọi là Ibn Sina (980-1037) đưa ra. Bản thân Arixtốt chưa biết đến vấn đề này. Trong quan niệm về cái chung, cái phổ quát, Avicenna chịu ảnh hưởng của Platôn nhiều hơn của Arixtốt. Vấn đề cá thể hóa xuất hiện do người ta quan niệm bản chất của sự vật là một cái phổ quát và do vậy xuất hiện nhu cầu cần phải đi tìm một nguyên tắc cá thể hóa cái phổ quát ấy. Tômát Đacanh (1225-1274) cho rằng các sự vật được cá thể hóa thông qua vật chất bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Suárez (1548-1617) tin tưởng rằng vấn đề cá thể hóa được đặt ra đối với tất cả những cái đang tồn tại.Theo ông, chúng tự cá thể hóa bản thân mình và điều này cũng có nghĩa là thực ra không cần đến bất cứ nguyên tắc cá thể hóa nào.
Có thể coi vấn đề cá thể hóa là nhiệm vụ cần phải luận giải sự khác biệt về số lượng, xét trên phương diện bản thể luận. Có hai phương án giải quyết vấn đề này: phương án cá thể hóa về chất lượng và phương án phi chất lượng. Phương án thứ nhất quy sự cá thể hóa về sự khác biệt theo chất lượng. Các cách giải quyết vấn để của Tômát Đacanh và của Suárez được đánh giá là những cách giải quyết thuộc phương án thứ hai. Người đại diện nổi tiếng cho phương án cá thể hóa về chất lượng là Leibniz (1646-1716). Ông định nghĩa sự khác biệt về số lượng thông qua sự khác biệt về chất lượng.
5. Vấn đề mối tương quan.
Theo quan niệm truyền thống thì mối tương quan chỉ xuất hiện khi có hai sự vật được khảo sát. Quan điểm của Plôtin (205-270) về mối tương quan là gần giống với quan điểm của Russell khi ông thừa nhận các cái phổ quát nối kết hai sự vật với nhau. Nhưng khác với Russell, các cái phổ quát của Plôtin không được liên kết với sự vật thông qua “sự kiện’.
Về cơ bản, Avicenna bảo vệ học thuyết về các mối tương quan của Arixtốt, nhưng ông đã cố gắng trình bày học thuyết này một cách chính xác hơn, có hệ thống và rõ ràng hơn. Ngoài ra, ông còn cho rằng các mối tương quan chỉ tồn tại trong ý thức chứ không hiện thực. Avicenna đã cụ thể hóa một bước sự phân định của Arixtốt giữa các mối tương quan song phương và đa phương. Mối tương quan song phương xuất hiện giữa hai tùy thể, còn mối tương quan đa phương chỉ có ở một tùy thể. Bản thể luận về các mối tương quan của Brentano cũng xoay quanh sự phân biệt này. Theo ông, chỉ các mối tương quan đa phương mới là các mối tương quan đích thực và các mối tương quan song phương chỉ được coi là các mối tương quan so sánh. Brentano xác định các mối tương quan đa phương không đòi hỏi phải xuất hiện hai sự vật nào đó vì ông đặc biệt quan tâm đến mối tương quan có tính ý hướng.
6. Vấn đề sự đồng nhất.
Vấn đề này xuất hiện khi người ta bàn đến quá trình phát triển, liên tục biến đổi của một sự vật nào đó thì người ta phải giả định rằng sự vật ấy luôn luôn đồng nhất với chính nó, luôn là nó. Điều này cho thấy vấn đề về sự tồn tại của sự vật có liên quan mật thiết với vấn đề về sự đồng nhất.Có thể nói, với luận điểm bất hủ: người ta không thể tắm hai lần trên một dòng sông, Hêraclít (540-480 tr. CN) dường như đã bác bỏ vấn đề sự đồng nhất. Đặc biệt là bắt đầu từ Hium (1711-1776) trở đi, rất nhiều nhà bản thể luận đã phản bác lại sự đồng nhất. Còn những nhà bản thể luận nào hiểu sự phát triển của sự vật là sự đồng nhất sẽ vấp phải khó khăn trong việc chỉ ra cái gì là không biến đổi trong bản thân sự vật đang biến đổi. Arixtốt tìm cách lý giải vấn đề này trong việc xác định bản chất (hình dạng) của sự vật. Đồng thời ông cũng chỉ ra rằng bản chất (hình dạng) của sự vật là không thể tri giác được. Qua ví dụ nổi tiếng về miếng sáp ong, Đềcáctơ (1596-1650) cũng cho rằng chỉ có thể nắm bắt được sự vật đang vận động bằng lý trí, tư duy chứ không thể bằng các giác quan.
Ngoài ra, còn có thể nêu ra một số vấn đề khác mà do khuôn khổ của bài viết chúng tôi không có điều kiện trình bày thêm như: sự đồng dạng của tồn tại, cái tiên nghiệm, mối quan hệ giữa cái thực tồn và tồn tại... Nhưng cho dù có đề cập tới bao nhiêu vấn đề đi chăng nữa, thì vấn đề tồn tại vẫn là vấn đề trung tâm trong hệ vấn đề bản thể luận, vì việc giải quyết vấn đề tồn tại sẽ kéo theo và quy định việc giải quyết các vấn đề khác, trong khi việc giải quyết các vấn đề khác một cách riêng rẽ lại không nhất thiết có nghĩa là giải quyết vấn đề tồn tại.
Tài liệu tham khảo
1. Belar Weissmar. 1991. Ontologie, 2 Auflage.
2. Đỗ Minh Hợp.Sự hình thành bản thể luận văn hóa
3. Đỗ Minh Hợp – Nguyễn Thanh – Nguyễn Anh Tuấn, 2006. Đại cương lịch sử triết học phương Tây. Tp. Hồ Chí Minh, NXB tổng hợp
4. Elena Ficara, 2006. Die Ontologie in der “Kritik der reinen Vernunft”. Wuerzburg: Verlag Koenigshausen & Neumann.
5. Erhard Lange und Dietrich Alexander (Hg.), 1993. Philosophen-lexikon.
6. Erwin Tegtmeier (Hg.) 2000. Ontologie. Muenchen: Verlag Karl Alber.
7. Hans Joerg Sandkuehler (Hg.) 2003. Enzyklopaedie Philosophie. CD-ROM.
8.http://de.wikipedia.org/wiki/metaphysik
9.http://de.wikipedia.org/wiki/ontologie
10. Nguyễn Hữu Vui (chủ biên), 2004, H. Lịch sử triết học. NXB Chính trị Quốc gia
11. Uwe Meixner, 2004. Einfuehrung in die Otologie.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường