Mối quan hệ giữa các phạm trù và hệ thống các luận đề giác tính thuần túy trong triết học I.Cantơ

08:18 CH @ Thứ Tư - 17 Tháng Giêng, 2007

Trong tác phẩm Phê phánlý tínhthuần tuý,nhà triết học nổi tiếng người Đức, I.Cantơ (1724-1804) đã tự nhận mình là người cải cách triết học, vì chính ông đã tạo ra bước ngoặt Côpécníc trong lĩnh vực nhận thức luận bằng cách đặt ngược lại một số vấn đề mà triết học truyền thống tưởng chừng như đã giải quyết một cách trọn vẹn, xong xuôi.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không có tham vọng trình bày một cách đầy đủ "bước ngoặt Côpécníc" trong triết học của ông, mà chỉ khai thác một vài luận điểm xung quanh vấn đề về mối quan hệ giữa các phạm trùvà hệ thống các luận đề giác tínhthuần tuý trong việc vận dụng các trithức tiênnghiệm vào kinhnghiệm. Hay nói cách khác, các phạm trù và hệ thống các luận đề giác tính thuần tuý có vai trò như thế nào trong việc vận dụng các tri thức tiên nghiệm vào kinh nghiệm.

I.Cantơ cho rằng, bên ngoài chúng ta có các sự vật tồn tại khách quan (các vật tự nó - Things in themselves), các sự vật đó tác động lên các giác quan của chúng ta và tạo nên những cảm giác đa dạng. Nhờ năng lực tiên thiên của không gian mà các đối tượng được quy về những hình hài có tính xác định và nhờ năng lực tiên thiên của thời gian mà các ấn tượng, các trạng thái đa dạng đó được sắp xếp theo thứ tự trước sau. Nhờ vậy, chúng ta mới nhận thức được các sự vật, hiện tượng của thế giới. Đương nhiên, theo I.Cantơ, đó là thế giới hiện tượng. Nhưng nhận thức không dừng lại ở giai đoạn cảm tính, mà cần phải tiếp tục trong giai đoạn giác tính. Bởi những biểu tượng mà chủ thể có được trong giai đoạn cảm tính còn mang tính chủ quan, cá thể, trong khi đó, bản chất của nhận thức là đem đến những khái niệm, phạm trù hay tri thức có đặc tính phổ quát và tất yếu. Để đạt được điều đó, cần phải có tư duy dựa trên các khái niệm của giác tính hay các phạm trù.

Các phạm trù, theo cách hiểu của I.Cantơ, là những khái niệm giác tính thuần tuý mà thoạt đầu, chúng được tạo nên nhờ chức năng tổng hợp thuần tuý của giác tính bằng cách thống nhất sự đa dạng của trực quan cảm tính, quy tụ sự đa dạng đó về một mối thống nhất cho các biểu tượng. Chúng có đặc tính phổ quát và tất yếu, vì chúng là những hình thức để con người có thể tư duy, là những điều kiện để con người có thể kinh nghiệm. Và, để kinh nghiệm có thể có được, trước hết phải vận dụng các phạm trù vào kinh nghiệm. Sự vận dụng các phạm trù vào kinh nghiệm được tiến hành bằng các phán đoán tổng hợp, mang tính tiên nghiệm, được thiết lập dựa trên hệ thống các luận đề của giác tính thuần tuý. Đó là những tiên đề của trực quan, những dự đoán của trực giác, những loại suy của kinh nghiệm, những định đề của tư duy kinh nghiệm nói chung. Đây là bốn luận đề liên quan đến kinh nghiệm của con người, chúng được sắp xếp theo trình tự nhận thức từ thấp đến cao. Thoạt đầu là trực quan - hình dung về đối tượng. Tiếp đến là tri giác - tri thức theo nghĩa đúng của nó, vì tri giác bao hàm cả trực quan và khái niệm. Còn kinh nghiệm là mối liên hệ mật thiết giữa nhiều tri giác. Từ những kinh nghiệm đã có, người ta khái quát thành tri thức hay tư duy kinh nghiệm nói chung.

Hệ thống các luận đề này được I.Cantơ thiết lập dựa trên bảng phạm trù, trong đó mỗi hệ luận đề phù hợp với một nhóm phạm trù nhất định. "Bảng phạm trù, I.Cantơ viết, đem đến cho ta sự chỉ dẫn cần thiết nhằm lập bảng các luận đề, bởilẽ các luận đề của giác tính thuần tuý chính là các nguyên tắc vận dụng khách quan các phạm trù.

Dưới đây, chúng ta lần lượt phân tích từng luận đề cụ thể, qua đó vạch ra mối quan hệ giữa các luận đề vớicác phạm trù của giác tính.

Những tiên đề của trực quan.Nguyên tắc chung của tiên đề này được I.Cantơ chỉ ra như sau: Xét về phương diện trực quan (hình thức của hiện tượng), mọi hiện tượng đều có khối lượng hay là đại lượng có tính quảng độ.

TheoI.Cantơ, đây là nguyên tắc chung, là điều kiện có tính tiên nghiệm để ta có thể trực quan về mặt hình thức của đối tượng. Điều này có nghĩa là, khi ta nhìn nhận hay hình dung một sự vật nào đó, nhất thiết phải hình dung nó trong không gian với một quảng độ nhất định. Với cái toàn vẹn, quảng độ này của sự vật được cấu thành từ những phần tử có tính gián đoạn, tách biệt trong không gian. Ví dụ, ta có thể hình dung một đường thẳng nhờ sự nối tiếp liên tục của các đoạn thẳng từ một điểm xác định, nghĩa là từ điểm xác định đó, chúng ta kẻ được một đường thẳng.

Thực ra, luận đề trên của I.Cantơ đối với lịch sử khoa học và triết học không có gì mới, vì nó đã được Niutơn và Đêcáctơ đề cập tới vấn đề đáng nói ở đây là, I.Cantơ đã xây dựng luận đề này dựa trên nhóm phạm trù số lượng (nhất thể, đa thể, toàn thể) và coi nó như một dạng tiên đề có tính tiên nghiệm làm nguyên tắc chung cho mọi kinh nghiệm và trực quan cảm tính. Cũng dựa trên luận đề đó, giác tính thiết lập các phán đoán tống hợp, chủ yếu là các dạng tiên đề hình học, nhằm vận dụng các phạm trù vào kinh nghiệm. TheoI.Cantơ, nhờ các tiên đề mà “toán học thuần tuý trở thành khoa học có tính chất phụ lục đối với các đối tượng kinh nghiệm, nếu thiếu các tiên đề toán học thì bản thân kinh nghiệm sẽ trở nên không rõ ràng và chúng ta sẽ gặp không ít mâu thuẫn trong hiện thực".

Trong quan niệm của I.Cantơ, luận đề này là luận đề liên quan đến hai hình thức trực quan thuần tuý - không gian và thời gian, đồng thời phản ánh mặt lượng của đối tượng. Nhưng nhận thức không dừng lại ở mặt lượng của đối tượng, mà phải đi sâu vào yếu tố chất. Vấn đề này được I.Cantơ giải quyết trong luận đề thứ hai.

Những tiên đoán của tri giác.Dựa vào nhóm phạm trù chất(hiện thực, phủ định, hạn định), I.Cantơ đưa ra nguyên tắc chung về những tiên đoán của tri giác: “Trong tất cả các hiện tượng, hiện thực (đối tượng của cảm giác) là một đại lượng có tính cường độ hay một độ".

Với luận đề này, I.Cantơ muốn chứng minh rằng, tuy chưa tri giác về đối tượng, nhưng chúng ta có thể đoán được, dù đối tượng đó có nhỏ bé, yếu ớt đến đâu thì nó cũng đem đến cho chúng ta một mức độ cảm nhận nhất định. Ví dụ, màu đỏ dù có nhạt đến bao nhiêu thì cũng có một độ đỏ nhất định. Tương tự như vậy, chúng ta có thể nói về nhiệt độ, về trọng lượng.

Tại sao I.Cantơ lại đặt vấn đề như vậy? Bởi, theo ông, các hiện tượng với tư cách đối tượng của tri giác, ngoài hình thức trực quan thuần tuý (không gian và thời gian), còn có tính vật chất. Tính vật chất này quy định sự tồn tại của khách thể hay là nội dung của cảm giác. Cảm giác là thước đo của hiện thực, là một đại lượng có tính cường độ, nó có một mức độ nhất định, nghĩa là = 1, và nếu cảm giác = 0 thì sẽ không có hiện thực. Từ sự phân tích đó, I.Cantơ đi đến kết luận rằng, "mọi cảm giác có được nhờ hậu nghiệm, nhưng nếu chúng có một độ nào đó thì đó lại là một nguyên tắc có tính tiên nghiệm". Đây chính là " tiên đoán tri giác" của chúng ta, nó làm cơ sở cho sự thiết lập các phán đoán tổng hợp trong khoa học tự nhiên.

Như vậy, trong quan niệm của I.Cantơ, cả hai luận đề giác tính này đều có liên quan đến trực quan (hình thức của hiện tượng) và cảm giác (vật chất của hiện tượng), được thiết lập trên hai nhóm phạm trù lượng và chất. Còn luận đề thứ ba của giác tính được I.Cantơ thiết lập dựa trên nhóm phạm trù quanhệ, phản ánh mối quan hệ giữa các hiện tượng theo kiểu loại suy.

Những loại suy củakinh nghiệm.Về nguyên tắc chung của loại luận đề thứ ba này, I.Cantơ viết: "Kinh nghiệm chỉ có thể có thông qua biểu tượng về mối liên hệ tất yếu của các tri giác".

Không tán đồng với chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy cảm trong triết học truyền thống, I.Cantơ cho rằng, tri giác của con người luôn có tính đơn lẻ, rời rạc, các tri giác tồn tại độc lập với nhau. Vậy, làm sao chúng ta có thể có kinh nghiệm? Theo ông, để có kinh nghiệm, cần có biểu tượng về mối liên hệ tất yếu của các tri giác, biểu tượng đó giống như một sợi dây liên kết các tri giác với nhau, tri giác sau với tri giác trước, làm phát sinh giữa chúng mối liên hệ mà nhờ đó, kinh nghiệm được tạo ra. Mối liên hệ tất yếu của các tri giác chỉ tồn tại trong thời gian, vì thời gian là điều kiện và hình thức của trực quan. Thời gian bao hàm ba mô thức: tính trường tồn, tính liên tục và tính tồn tại đồng thời (cùng tồn tại). Tương ứng với ba mô thức đó là ba loại hình kinh nghiệm được tạo thành dựa trên nguyên tắc loại suy. Các loại hình kinh nghiệm có thể là:

1) Kinh nghiệm về tính trường tồn trong thời gian,
2) Kinh nghiệm về tính liên tục trong thời gian,
3) Kinh nghiệm về tính cùng tồn tại trong thời gian.

Nói về tính chất loại suy của kinh nghiệm, I.Cantơ viết: "Mỗi loại suy của kinh nghiệm sẽ là một quy luật mà theo đó , sự thống nhất của kinh nghiệm được đúc kết từ nhiều tri giác. Với tư cách một luận đề, quy luật được áp dụng đối với các hiện tượng như là nguyên tắc điều hành, chứ không phải là nguyên tắc cấu trúc".

Loại suythứ nhất.Loại suy này được I.Cantơ gọi là luận đề về tính trường tồn của thực thể, hay quyluật bảotồn thực thể. Về nội dung của quy luật này, I.Cantơ viết: "Trong mọi biến đối của hiện tượng, thực thể không hề thay đổi và số lượng của nó trong tự nhiên cũng không tăng, không giảm".

Lấy phạm trù thực thề làm cơ sở, I.Cantơ rằng, trong một thực thể luôn có những tính xác định hay phương thức tồn tại đặc biệt cửa nó đó là tuỳ thể. Tính xác định hay tuỳ thể của thực thể luôn có tính hiện thực, vì chúng liên quan đến sự tồn tại của thực thể. Từ sự lý giải này, I.Cantơ giải thích khái niệm biến đổi. Sự biến đổi, theo ông, chính là một phương thức tồn tại này kế tiếp một phương thức tồn tại khác của cùng một đối tượng. Do chính là sự kế tiếp giữa các tuỳ thể của cùng một thực thể. Cho nên, các biến đổi (tức thực thể) là cái được giữ nguyên, còn sự biến đổi chỉ là sự thay thế các tính xác định, tức là các tuỳ thể mà thôi.

Nói một cách ngắn gọn, đối với I.Cantơ, sự biến đổi chỉ là sự thay thế các tuỳ thể, tức là các phương thức tồn tại của thực thể mà thôi, còn thực thể với tính cách làmột bản thể (Substratum) của thời gian thì có tính trường tồn vĩnh cửu, không hề thay đổi và số lượng của nó trong tự nhiên cũng không tăng, không giảm.

Loại suy thứhai của kinh nghiệm là luận đề về tính kế tiếp thời gian theo quy luật nhân quả hay còn gọi là quy luật nhân quả.Về nội dung cơ bản của quy luật này, I.Cantơ viết: "Mọi biến đổi, đều diễn ra theo quy luật của mối liên hệ nhân quả".

Về quy luật này, Cantơ luận giải rằng, các sự vật, hiện tượng trong thế giới tồn tại một cách đa dạng mà cùng một lúc tri giác không thề bao quát hết được. Khi nhìn nhận sự vật, hiện tượng hay sự kiện này thì có thể, hiện tượng hay sự kiện khác đã xảy ra một cách hoàn tất hoặc đã biến mất. Tri giác không thể cho ta một trật tự thời gian xác định rằng, hiện tượng nào diễn ra trước, hiện tượng nào diễn ra sau, hiện tượng nào thứ sinh, phái sinh…Như thế, để cho mối quan hệ giữa hai hiện tượng có thể xác định được một cách tất yếu theo trật tự thời gian (trước sau, kế tiếp) thì chúng ta cần phải có một khái niệm mang tính tất yếu của sự thống nhất tổng hợp. Khái niệm đó chỉ có thể là khái niệm giác tính thuần tuý đó chính là khái niệm quanhệ nhân quả.Tứ mối quan hệ nhân quả đó, chúng ta có thể xác định cái nào diễn ra trước (nguyên nhân), cái nào quyết định cái diễn ra sau (kết quả), chứ không phải dựa vào trí tưởng tượng hay tri giác cảm tính.

Theo I.Cantơ, quy luật nhân quả là phương thức vận dụng phạm trù nhân quả vào kinh nghiệm, là nguyên tắc tiên thiên để chúng ta có thể có được kinh nghiệm về mối quan hệ giữa các hiện tượng diễn ra trước (nguyên nhân) và các hiện tượng phát sinh sau đó (kết quả) và có như thế, chúng ta mới nhận thức được các đôi tượng một cách có trật tự theo tính kế tiếp của thời gian. Đương nhiên, các đối tượng nói ở đây cũng là các đối tượng của thế giới hiện tượng.

Loại suythứ bacủa kinh nghiệm với tên gọi luận đề về sự cùng tồn tại theo quy luật tương tác, hay còn gọi là quy luậttương tác giữa các chực thể.Nội dung của quy luật này là: "Mọi thực thể được tri giác trong không gian với tư cách những tồn tại đồng thời gian luôn nằm trong sự tác động qua lại lẫn nhau”.

Quy luật tương tác này được I.Cantơ xây dựng dựa trên phạm trù tương tác thuộc nhóm phạm trù quan hệ. Quy luật này chính là phương thức vận dụng phạm trù sự tương tác lẫn nhau vào kinh nghiệm. Nó là quy luật có ý nghĩa quan trọng, xét từ phương điện động lực học.

TheoI.Cantơ, các sự vật được coi là cùng tồn tại khi chúng ta có thề lần lượt tri giác hết sự vật này rồi chuyển sang tri giác sự vật khác và ngược lại. Chẳng hạn, ban đầu chúng ta có thể tri giác mặt trăng, sau đó đến mặt đất và ngược lại. Song thế giới hiện tượng là vô cùng phức tạp và đa dạng. Để khẳng định rằng, sự lần lượt chuyển từ tri giác về sự vật này sang tri giác về sự vật khác có cơ sở trong hiện thực khách quan thì cần có một khái niệm giác tính về sự lần lượt xác định của các sự vật cùng tồn tại đồng thời bên cạnh nhau. Nhưng quan hệ giữa các thực thể là quan hệ có tính tương tác lẫn nhau một cách xác định, nên sự cùng tồn tại giữa các thực thể trong không gian có thể nhận thức được trong kinh nghiệm bằng cách giả định giữa chúng có sự tương tác lẫn nhau. Nói một cách ngắn gọn, sự tương tác lẫn nhau giữa các thực thể là điều kiện để chúng ta có thể kinh nghiệm về các đối tượng cùng tồn tại trong không gian đây chính là quy luật có tính phố quát và tất yếu trong động lực học.

Tóm lại, ba kiểu loại suy của kinh nghiệm mà I.Cantơ đã đưa ra chính "là những nguyên tắc xác định sự tồn tại của các hiện tượng trong thời gian phù hợp với ba phương thức của nó". Chúng cũng là ba quy luật có tính phổ quát và tất yếu làm cơ sở cho việc hình thành các phán đoán tổng hợp trong khoa học tự nhiên. Các quy luật đó không thuộc về bản thân giới tự nhiên, chúng chỉ là những quy luật của giác tính con người. Đối với giác tính, các quy luật ấy là những quy luật tiên thiên cao nhất, liên kết tất cả những gì mà giác tính có thể vươn tới được. Các quy luật đó đồng thời là những quy luật chi phối nhận thức của con người theo nghĩa "pháp lực tối cao của giới tự nhiên phải được tìm trong chính giác tính của con người".

Vậy trong quan niệm của I.Cantơ, các phạm trù thuộc nhóm phạm trù tình thái có quan hệ gì với kinh nghiệm, hay trong trường hợp nào thì kinh nghiệm có thể có và ngẫu nhiên). Giải quyết vấn đề này, I.Cantơ đưa ra luận đề thứ 4.

Luậnđề thứtư được I.Cantơ gọi là các định đề của tư duy kinh nghiệm nói chung - đó là ba định đề cơ bản hình thành trên ba phạm trù của nhóm phạm trù tình thái.

Định đề thứ nhất:"Cái gì phù hợp với những điều kiện hình thức của kinh nghiệm (xét từ góc độ trực quan và khái niệm) thì có thể có".

Với định đề này, I.Cantơ muốn giải thích một cách tiên nghiệm về nhưng hiện tượng có thể có hoặc không thể có trong kinh nghiệm. Theo ông, những hiện tượng nào có đử điều kiện hình thức trực quan và khái niệm, nghĩa là ta có thể hình dung được bằng khái niệm (giác tính) và có thể trực quan được bằng giác quan (cảm tính) thì được coi là có thể có. Còn những hiện tượng nào có thể hình dung được bằng khái niệm nhưng không thể hình dung được bằng trực quan thì không thế có trong hiện thực. Chẳng hạn, khái niệm hình được tạo nên bởi hai đường thẳng cắt nhau. Một hình như vậy có thể hình dung được bằng khái niệm, nhưng trong thực tế, một hình như vậy là không thể có, bởi theo kinh nghiệm, điều kiện đó không đủ để thiết lập một hình hình học.

Địnhđề thứhai: "Cái gì thích ứng với điều kiện vật chất của kinh nghiệm (của cảm giác) thì cái đó tồn tại hiện thực". Nếu ở định đề thứ nhất, đối tượng kinh nghiệm chỉ có liên quan đến điều kiện hình thức của khái niệm và trực quan thì ở định đề thử hai này, tri thức kinh nghiệm đòi hỏi điều kiện vật chất của kinh nghiệm, của cảm giác. Theo định đề này, để nhận thức được sự tồn tại hay không tồn tại của một hiện tượng nào đó thì phải dựa vào cảm giác, bới cảm giác là điều kiện chất thể (vật chất) của kinh nghiệm. Còn nếu như chúng ta không có cảm giác về đối tượng, tức đối tượng không phù hợp với điều kiện vật chất của kinh nghiệm, thì đối tượng đó coi như khôngtồn tại. Từ quan niệm này, I.Cantơ đã phê phán cả chủ nghĩa duy tâm hoài nghi củaĐêcáctơ lẫn chủ nghĩa duy tâm giáo điều của Béccơly.

Địnhđề chứ ba:"Cái gì mà mối liên hệ của nó với hiện thực được xác định theo nhưng điều kiện phổ quát của kinh nghiệm thì cái đó tồn tại một cách tấtyếu. Nói cách khác, tất yếu là cái tồn tại đồng thời trong khái niệm, trong trực quan và trong cảm giác. Cái tất yếu thỏa mãn những điều kiện hình thức và vật chất của kinh nghiệm là sự thống nhất giữa khả năng và hiện thực.

TheoI.Cantơ, tính tất yếu chỉ được nhận thức trong mối liên hệ với sự vật tri giác theo quy luật chung của kinh nghiệm. Nhưng tính tất yếu ở đây chỉ là tính tất yếu của các hiện tượng theo quy luật nhân quả nó "phù hợp với mệnh đề có tính tiên thiên là: mọi hiện tượng xảy ra đều có nguyên nhân của nó". Nghĩa là, mọi cái xảy ra đều có thể giả định một cách tất yếu. Đó cũng là luận đề có tính phổ biến trong mọi sự biến đổi của thế giới mà thậm chí, thiếu nó thì tự nhiên cũng không thể tồn tại được. Bởivậy,I.Cantơ khẳng định, các mệnh đề "không một cái gì xảy ra một cách mù quáng, ngẫu nhiên" và "tính tất yếu trong tự nhiên không bao giờ là mù quáng mà luôn có nguyên nhân tất yếu của nó" là quy luật của giác tính được vận dụng một cách tiên thiên vào tự nhiên. Chúng là cơ sở cho chúng ta nhận thức mọi sự biến đổi của các hiện tượng diễn ra trong tự nhiên".

Những điều đã phân tích trên đã cho chúng ta thấy quan niệm của I.Cantơ về nhận thức nói chung, về phạm trù nóiriêng. Đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy tâm chủ quan tiên nghiệm, I.Cantơ cho rằng, nhận thức của con người không xuất phát từ kinh nghiệm, từ trực quan cảm tính, mà xuất phát từ giác tính. Công cụ nhận thức chủ yếu của con người là các phạm trù giác tính thuần tuý. Trên cơ sở các phạm trù đó, giác tính thiết lập hệ thống các luận đề cơ bản của mình và thông qua đó, nó kiến tạo các phán đoán tổng hợp mang tính tiên nghiệm. Đến lượt mình, các phán đoán tổng hợp này được vận dụng vào kinh nghiệm, tạo nên các tri thức khoa học mang đặc tính phổ quát và tất yếu (có giá trị khách quan).

Quan niệm này của I.Cantơ về mối quan hệ giữa các phạm trù và hệ thống các luận đề giác tính có ý nghĩa quan trọng về mặt nhận thức và lý thuyết sáng tạo khoa học. Với nó, I.Cantơ được coi là người đầu tiên trong lịch sử đưa ra hệ thống các phạm trù tương đối đầy đủ, trên cơ sở đó thiết lập một hệ thống các luận đề của giác tính làm nền tảng cho mọi tri thức khoa học. ông cũng được coi là người đầu tiên đặt vấn đề về giá trị khách quan hay đặc tính phổ quát và tất yếu của tri thức khoa học nói chung, các phạm trù nói riêng. Tuy nhiên, nếu lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng làm hệ quy chiếu để nhìn nhận, chúng ta thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tranh luận. Bởivậy, theo chúng tôi phải có nhiều công trình chuyên sâu hơn nữa về triết học lý luận của I.Cantơ, lúc đó chúng ta sẽ có thêm cơ sở khoa học để thẩm định hệ thống triết học vốn đầy mâu thuẫn và gây nhiều tranh luận của nhà triết học người Đức tài ba này.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tự do đạo đức của chủ thể trong đạo đức học I.Cantơ

    09/01/2007Vũ Thị Thu LanLuận chứng cho việc giải phóng đạo đức học khỏi mọi sự tư biện siêu hình học là một vấn đề triết học mà I.Cantơ đã đặt ra và giải quyết. Đây được coi là một đóng góp quan trọng của ông cho việc xác định bản chất của tri thức triết học.
  • Nan đề và hóa giải nan đề từ hướng tiếp cận toàn thể của I.Cantơ đến toàn thể luận cương đại

    04/11/2006Tô Duy HợpTrong lịch sử triết học và khoa học, I.Cantơ là người đã có công làmrõ những vấnđề nan giảicủa triết học và khoa học. Tôi gọi tắt vấn đề nan giải là nan đề.Nan giải là khó giải chứ không giải được. Như đã biết, I.Cantơ đã bàn về hai loại nan đề cơ bản có liên quan với nhau. Một là song đề nhận thức luận, đó là sự đối lập loại trừ nhau giữa các chủ thuyết duylý và duy nghiệm và hai là songđề logic dưới dạng các antinomien: chính đề - phản đề...
  • Bản thể luận Huxéc với chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm I.Cantơ

    18/09/2006Đỗ Minh HợpBản thể luận Huxéc cho thấy mối liên hệ khăng khít nhất của triết học Cantơ nói chung và chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm Cantơ nói riêng với triết học phương Tây hiện đại, đồng thời nó cũng làm bộc lộ rõ vai trò và đóng góp thực sự của triết học Cantơ đối với "cuộc cách mạng bản thể luận" trong triết học phương Tây hiện đại. Đây thực chất là vấn đề "tái chú giải" triết học Cantơ trong văn cảnh cần phải xác định lại đối tượng và phương pháp của triết học trong sự khác biệt của nó so với khoa học tự nhiên...
  • Immanuel Kant từ triết học phê phán đến nghiên cứu con người

    12/04/2006Hồ Sĩ Quý...đến giai đoạn triết học phê phán, I. Kant mới xuất hiện như là một nhân vật "khổng lồ". Với ba tác phẩm có tựa đề "phê phán"... ("Phê phán lý tính thuần tuý", "Phê phán lý tính thực tiễn" và "phê phán năng lực phán đoán"), triết học I. Kant - một kiểu triết học có tư duy độc đáo trong văn hoá Tây Âu, đã trở thành điểm khởi đầu của một dòng triết học ảnh hưởng to lớn đến lịch sử văn hoá nhân loại - triết học cổ điển Đức...
  • Đạo đức học Cantơ và tư tưởng văn hóa hòa bình

    29/10/2005Vũ Thị Thu LanĐạo đức học Cantơ chứa đựng những luận điểm có giá trị tiền đề cho tư tưởng văn hoá hoà bình mà nhân loại hiện đang hướng tới. Ông đã làm nổi bật tính nhân văn khi xác định "loài người như một" là đối tượng của đạo đức học và con người phải tuân thủ quy tắc ứng xử chung - "mệnh lệnh tuyệt đối". Ông còn đưa ra nguyên tắc về phẩm giá tuyệt đối của cá nhân, đề cao giá trị con người, coi con người là mục đích của đạo đức và góp phần thức tỉnh sự tự ý thức của con người. Đạo đức học Cantơ kêu gọi nhân loại hướng đến những giá trị đạo đức chung, hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu. Sự công hiến to lớn đó, ông đã trở thành người đặt nền móng cho nền văn hoá hoà bình - văn hoá của hiện tại và tương lai...