Hành động và phát ngôn của lãnh đạo và cảm hứng công dân
Được sinh ra sau chiến tranh và rất xa năm 1945 nhưng tôi được nghe rất nhiều những câu chuyện trong Phong trào “hũ gạo cứu đói” do Đảng và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ phát động toàn dân tham gia diệt giặc đói vào năm Ất Dậu. Trong hầu hết các câu chuyện được nghe đều nhắc đến hành động mỗi tuần Bác Hồ báo cho bộ phận hậu cần cắt khẩu phần ăn để Bác nhịn ăn lấy gạo góp vào hũ gạo cứu đói.
Mặc dầu, vào thời điểm đó, công cụ truyền thông thô sơ cũng như đường sá đi lại khó khăn nhưng câu chuyện tự cắt khẩu phần của Bác Hồ đã tạo các tác động gần rồi lan tỏa đến vùng xa xôi cách Hà Nội hàng trăm km, xã An Lệ (nay là Sơn An và Sơn Lệ), Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nhờ đó, những gia đình trung nông, địa chủ hưởng ứng phong trào mà chia sẻ gạo khoai cho tá điền và những người nghèo khổ khác, nước gần dập được lửa gần, nên tất cả người nghèo quê tôi đã may mắn không nằm trong danh sách hơn 2 triệu người chết đói.
Cảm hứng mà cụ Hồ, cụ Giáp, cụ Duẩn…đã biến nỗi đau tột cùng và sự hy sinh vô bờ bến của những người vợ, người mẹ có chồng và con hy sinh cho Tổ quốc đã nói lên nhưng câu nói vĩ đại “con tôi chết cho tổ quốc, tôi chẳng buồn đâu”. Rồi nữa, người vợ có chồng tham gia chiến trận đã không một lời oán trách than vãn mà chỉ làm thơ tặng mình với những câu thơ đã và sẽ đi vào tâm thức mọi thế hệ “..anh đi rong ruổi chiến trường xa. Con tự lớn khôn, vợ tự già…”.
Đối với với giặc tham nhũng, quan điểm của Bác Hồ là "Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt" 1. Sự kiên quyết của Bác trong vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu tham nhũng trong kháng chiến chống Pháp, đã tạo lòng tin cho nhân dân, nhờ đó mà quân đội ngày càng lớn mạnh đánh thắng cả Pháp, Mỹ và quân bành trướng tàn bạo Trung Quốc.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay, hai vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đang tạo những cảm hứng cho công dân bằng những phát ngôn và hành động đáp ứng mong mỏi và kỳ vọng lớn lao của nhân dân. Đó là Thường trực ban bí thư Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Trong cuộc tiếp xúc với cử tri Quận 1 (TP. HCM) gần đây, ông Trương Tấn Sang đã nói
"Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này" 2
Phát ngôn của ông Sang đã mang lại niềm vui vô bến và niềm tin mãnh liệt vào một đất Việt Nam sẽ xóa được quốc nạn tham nhũng nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và cường thịnh trong tương lai.
Ông Sang đã đối mặt với thực tế thảm trạng tham nhũng của nước ta hôm nay bởi: hệ quả dồn tích của mô thức cai trị khóa miệng dân theo Khổng giáo của một số quan chức địa phương đã truyền đời từ cả ngàn năm; mô thức quản lý tập trung quan liêu của nền kinh tế chỉ huy trong thời chiến; và thiếu nền hành chính và luật pháp đủ mạnh để kiểm soát cán bộ trong bộ máy công quyền trong thời kỳ đổi mới. Tôi tin rằng khi lãnh đạo của đất nước đã nhận ra khuyết thiếu, dám đối mặt thực tế cũng như đã đưa giải pháp cho mục tiêu đó khi ông nhấn mạnh: "Mục tiêu trước mắt là sửa đổi cơ chế, thể chế và tổ chức chỉ đạo"3,sẽ tạo cảm hứng và niềm tin cho toàn xã hội, chắc chắn cuộc chiến đánh tham nhũng sẽ thắng lợi.
Vui mừng là vậy nhưng tôi rất chia sẻ với ông rằng cuộc chiến đánh tham nhũng đối với đất nước ta không thể giải quyết một sớm một chiều vì hầu hết người nông dân, công nhân, công chức và quan chức từ lâu đã và đang coi tham nhũng như cơm ăn nước uống hàng ngày. Họ vừa chỉ trích tham nhũng nhưng họ không từ chối tiền hay quà từ tham nhũng mà có. Chẳng hạn, khi một ông quan cấp huyện về giỗ họ, ông đưa về rất nhiều rượu ngoại và tiền bạc để chiêu đãi cả dòng tộc. Được ăn, được uống và con cháu còn được việc do ông quan xin cho, cả họ và bà con lối xóm khen ngợi ông quan đó. Sự khen ngợi và tán dương kia là sự cổ vũ tham nhũng mà chính tầng lớp công chức, quan chức và người dân không nhận ra hoặc đã không chiến thắng nỗi chính mình trước những chai rượu, phong bì, trước phần trăm lại quả từ dự án vay ODA….đã dẫn đến thảm trạng tham nhũng như hiện nay.
Mặc dầu khó nhưng tôi vẫn tin rằng nếu Chính phủ coi cuộc chiến đánh tham nhũng là trách nhiệm và bổn phận của mình và luôn coi người dân là lực lượng hỗ trợ chính mình thì chiến thắng sẽ thuộc về Chính phủ. Khi các đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân đều tham gia vào cuộc chiến đánh tham nhũng thì những “ông tướng” xa triều đình như các tổng giám đốc các PMU, nhà thầu, tập đoàn nhà nước, tư vấn,…. sẽ không dám thỏa thuận sau lưng Chính phủ để trục lợi cho chính họ từ tiền thuế của nhân dân bởi: họ sẽ hiểu rằng chính họ đang làm nhân dân mất niềm tin vào những chính sách vĩ mô đúng đắn của nhà nước; họ sẽ nhận ra rằng thói ăn cắp tham nhũng của họ đang làm băng hoại đạo đức xã hội lẫn đánh mất niềm tin của nhân dân vào chính thể; và họ sẽ dần nhận thức rằng họ đang vô ơn với hàng triệu người đã ngã xuống trong chiến tranh để họ được an toàn, học hành và thăng tiến.
Trong bối cảnh Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và gây hấn bằng việc cắt cáp tàu Bình Minh, khi thăm huyện đảo Cô Tô, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói "Chúng ta mong muốn các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc luôn hòa bình, hữu nghị, ổn định, nhưng chúng ta cũng quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển, đảo của đất nước. Biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày hôm nay. Vì vậy chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển, đảo,” 4
Đất nước chúng ta đồng tồn với một anh hàng xóm to về mặt thể xác nhưng không có cốt cách của người quân tử nên ngư dân của ta bị họ cướp thìa cơm mà dân ta đang đưa vào miệng, triệt tiêu nguồn sữa của nhưng đứa trẻ sinh... Sự cướp bóc hèn hạ của họ ngày tăng cao khiến nhân dân lo lắng lẫn căm phẫn vô cùng. Bởi thế, phát ngôn của Chủ tịch nước trong lúc này đã khích lệ tinh thần dân chúng vì chúng ta không thể nhẫn nhịn hơn nữa trước hành vi ngang ngược của chính quyền Trung Quốc trong tuần qua và sự quấy phá, ức hiếp và tàn sát ngư dân giai dẳng trên biển Đông nhiều năm qua.
Có lẽ, không có có đủ ngôn từ diễn tả niềm vui của tôi và của hàng triệu công dân khác đối với phát ngôn của Chủ tịch nước và tôi khẳng định rằng tôi và hàng triệu người sẽ sẵn sàng nhập ngũ khi có lệnh huy động của nhà nước để bảo vệ vùng biển, đảo của nước Việt thân yêu, quật cường và không chịu khuất phục bất kỳ kẻ mạnh nào.
Chính quyền Trung Quốc nên nhớ lại rằng Lê Lợi và Nguyễn Trãi của chúng tôi đã điều khiển được con kiến, sinh linh nhỏ bé nhất làm cho quân Minh kinh hồn bạt vía bằng 8 chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, thì ngày nay Biển Đông của Việt Nam sẽ là mồ chôn cho bất cứ kẻ xâm lược nào.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, nếu lãnh đạo đất nước biết tạo cảm hứng cho nhân dân bằng tài năng, sự liêm chính, lòng dũng cảm và hành động thì nhân dân sẽ biến những con số 0 vô nghĩa thành những con số vô cùng lớn được đo bằng những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, chiến thắng của Khoán 10.., và sự phồn thịnh lẫn nhân văn của dân tộc trong dài hạn.
Tham khảo:
1. Nguồn An ninh thế giới cuối tháng: http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/cstcthang/2010/9/54368.cand
2. Nguồn Vietnamnet.vn: http://tuanvietnam.net/2011-05-18-bay-sau-va-noi-niem-cua-nguoi-lanh-dao
3. Nguồn Vietnamnet.vn http://tuanvietnam.net/2011-05-18-bay-sau-va-noi-niem-cua-nguoi-lanh-dao
4. Nguồn Dân trí: http://dantri.com.vn/c36/s20-488018/chu-tich-nuoc-quyet-tam-bao-ve-vung-bien-dao.htm
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá