Cây tre thần

08:32 SA @ Thứ Hai - 04 Tháng Ba, 2019

Thời Bắc thuộc, sau khi bị tước đoạt hết các tài sản tinh thần bằng văn bản, trong đó có cả Kinh Dịch, người Việt ta có cách lưu giữ lại bằng hiện vật (ví dụ trống đồng), phong tục lối sống, truyện cổ tích và dân ca tục ngữ.

Quẻ Thuỷ Trạch Tiết là một ví dụ sống động.

Thuỷ là Nước, Trạch là đầm. Tượng quẻ là trên đầm có nước, bờ đầm hạn chế, điều tiết số nước chứa trong đầm, cho nên đặt tên là quẻ Tiết. Tiết là Giữ chừng mực, là đến giới hạn nào thì ngừng (tiết chế, tiết độ, tiết kiệm...). Được quẻ này thì cái gì cũng giữ cho vừa phải thì mới tốt, thái quá cũng như bất cập đều xấu cả.

Giữ chừng mực như vậy thì việc gì cũng hanh thông. Nhưng tiết chế quá, bắt người ta khổ cực thì không ai chịu được lâu, như vậy không còn hanh thông nữa.

Hào 1 và hào 2 quẻ Tiết nhắc nhở phải điều tiết hành động đúng thời cơ, lấy việc một người làm ví dụ, có lúc không ra khỏi cửa không lỗi, có lúc không ra khỏi cửa thì lại xấu. Cái gì cũng có thời cơ của nó.

Hào 3 và hào 4 nhắc nhở phải điều tiết hành động có chừng mực. Cái gì không giữ được chừng mực thì sẽ không tránh được than thở, lo âu (hào 3). Cái gì giữ chừng mực thì yên vui (hào 4). Nhưng cái mực ở đây không chung chung, nó phải biến thành số, độ.

Người xưa tóm lại trong 6 chữ Chế Số Độ, Nghị Tiết Hạnh. Muốn giữ được chừng mực, hãy thiết chế, định mức thành số, thành chế độ (khuôn khổ phép tắc) nhưng chớ có dừng lại ở đấy, nếu chỉ định mức thành con số và chế độ, thì mới là về hình thức, hãy xem xét biến thành đức hạnh trong đời sống tinh thần, đấy mới là đỉnh cao người quẻ Tiết (Chế là bày đặt ra, định ra; Nghị là xem xét, bình luận).

Chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt” của ta chính là để lưu giữ tính minh triết này của quẻ Tiết. Chuyện kể rằng (tóm tắt): Có anh nhà giàu kia hứa với anh Khoai, nếu chăm chỉ làm ăn cho nó thì sẽ gả cô gái Út cho anh. Anh làm cho nó giàu lên, nhưng nó lại định gả Út cho gã nhà giàu khác. Anh Khoai vặn hỏi, thì nó bảo anh vào rừng đẵn cho nó cây tre trăm đốt đem về nó sẽ gả con cho.

Anh Khoai vào rừng tìm không được cây tre trăm đốt, buồn khóc. Bụt hiện lên hỏi: Vì sao con khóc? Bụt biết đầu đuôi, bảo anh đẵn cho trăm đốt tre. Anh đẵn đủ trăm đốt tre xếp đống mà không biết làm sao nữa. Lại ngồi khóc. Bụt lại hiện lên hỏi và giúp anh hô câu thần chú: “Khắc nhập”. Trăm đốt tre liền nối vào nhau thành cây tre cao ngất trời.

Khi anh không biết làm thế nào vác tre về, thì Bụt lại mách câu thần chú: “Khắc xuất”. Tre liền rời ra thành trăm đốt để anh mang về nhà.

Hai gã nhà giàu đang ăn cỗ cưới thấy trăm đốt tre thì cười chế diễu anh. Anh hô “khắc nhập” thành cây tre trăm đốt, dính luôn hai gã nhà giàu vào tre, khiến nó van lạy anh và hứa anh cứu được thì nó sẽ gả Út cho. Anh liền hô “khắc xuất”, trăm đốt tre liền rời ra, và từ đó Khoai và Út nên vợ nên chồng.

Chuyện “Cây tre trăm đốt” minh họa đầy đủ 6 chữ Chế Số Độ, Nghị Tiết Hạnh là tinh thần quẻ Tiết. Tiết còn có nghĩa là đốt cây trúc, cây tre. Trăm đốt là số, câu thần chú Nhập, Xuất là độ, sự phản bội của gã nhà giàu và mối tình của chàng Khoai và nàng Út là Nghị Tiết Hạnh. Thật là tài tình.

Nước ta nhiều kỳ Quốc hội nay tập trung bàn cho ra nhiều bộ luật, đó là thời quẻ Tiết của nước ta: thời Lập pháp. Tinh thần quẻ Tiết thể hiện trong việc soạn thảo luật; các lĩnh vực đã chừng mực hay chưa, chừng mực ấy đã thể hiện thành con số, thành chế độ, phép tắc hay chưa.

Hào 5 và hào 6 quẻ Tiết nói về giới hạn của chừng mực. Hào Năm trung chính mà giữ chừng mực, thì tiết mà vui vẻ. Hào Sáu nói hiện tượng quá chừng mực, cái gì cũng tiết chế, cắt giảm, khiến cho nhân dân khổ sở không chịu được, quá chừng mực mà khổ sở, cứ cố giữ nữa thì xấu, biết hối mà bớt thái quá đi thì khỏi xấu (lời hào). Quẻ Tiết không dừng lại ở việc Chế Độ Số. Mà phải tiếp tục Nghị Tiết Hạnh. Ví như Luật Giao thông. Độ, số thì phân minh rồi, nhưng vấn đề còn lại là ở người tham gia giao thông, có văn hoá giao thông hay không, là vấn đề phải có nhiều công sức, và phải trả giá.

Phan Bội Châu nói rằng: Thánh nhân sở dĩ bày đặt thế, có phải xuyên tạc làm cho nhiễu sự đâu... Chẳng qua đem chân lý mà chỉ vẽ cho người ta, ai hay thì theo, ai dở thì bỏ qua. Tiết hay không tiết, còn tuỳ ở người biết Dịch.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kinh dịch

    23/02/2009Hoàng LinhKho tàng văn hoá phi vật thể phương Đông vốn nổi tiếng lịch sử với tư tưởng triết học, nhân sinh quan, đạo đức xã hội, trong đó Kinh Dịch trở thành bộ sách tủ của nhiều thế hệ nho học vì nó vô cùng thần bí, càng nghiên cứu càng thấy mênh mông.
  • Thuyết âm dương - ngũ hành trong “Hải thượng y tông tâm lĩnh” của Lê Hữu Trác

    11/05/2007Đoàn Quang ThọThuyết âm dương - Ngũ hành sau khi vào Việt Nam đã được các nhà tư tưởng Việt Nam tích cực tiếp nhận và vận dụng hết sức sáng tạo trong thực tiễn. Một trong những tấm gương tiêu biểu của sự vận dụng sáng tạo thuyết âm dương - ngũ hành vào việc phát triển nền y học nước ta là đại danh y, nhà lý luận y học Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, với tác phẩm y học đồ sộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh,gồm 28 tập, 66 quyển.
  • Tư tưởng triết học tự nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm

    15/01/2007Trần Nguyên ViệtNhững quan điểm triết học trong tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm đang ngày càng đòi hỏi phải vận dụng những phương pháp khoa học để minh chứng cho một điều là ông đã đặt và giải quyết một số vấn đề triết học không kém phần bác học so với các bậc hiền triết trên thế giới cùng thời, tức là những vấn đề quan trọng của khoa học lịch sử triết học...
  • Lý học và tượng số của Nho - Lão - Phật giáo

    23/08/2006Đ.H.LTừ khi ra đời và phát triển đến thế kỷ XI là thời điểm Nho giáo thịnh vượng nhất cùng với những tên tuổi lớn như: Âu Dương Tu, Thiệu Ung, Chu Hi...Đồng thời cho đến lúc này, Nho giáo được chia ra thành hai bộ phận: đạohọc và đứchọc, và trình độ triết học của Nho giáo đã được nâng lên cao ngang với Lão học và Phật học...
  • Bàn về Đạo - Lý - Tính

    31/05/2006Đ.H.LCũng như các trường phái triết học cổ điển khác của phương Tây, hễ có lập luận triết lý tất yếu phải có quan niệm về các nguyên lý và nguyên nhân của sự sinh hóa trong vũ trụ, nội dung triết học của Nho giáo cũng có xuất phát điểm lấy cái Lý làm gốc với quan niệm: Thiên địa vạn vật nhất thể...