Giáo dục vu lan
Vu Lan là ngày báo hiếu. Chữ hiếu trong đạo Phật quan trọng đến nỗi chính đức Phật là người làm gương. Phật nói: Phật ra đời là để làm năm việc: chuyển pháp luân, độ cha mẹ, đem đức tin lại cho những kẻ không có đức tin, ai chưa có chí nguyện bồ tát thì làm cho họ có, và thọ ký làm Phật cho bồ tát. Phật nói như thế để trả lời cho tôn giả Ưu Tùy Ca Diếp khi tôn giả thấy ngài xoay người lại, ngồi hướng về kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Phật sắp trở về lại vương quốc để thuyết pháp cho cha sau khi chuyển pháp luân. Phật sẽ lên cung Đao Lợi để thuyết pháp cho mẹ.
Kinh Vu Lan kể chuyện ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông tìm mẹ và thấy mẹ đang lâm vào cảnh đói khát của ngạ quỷ dưới địa ngục. Ngài dâng bát cơm cho mẹ, cơm chưa đến miệng đã biến thành lửa. Chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ ở địa ngục đã đi vào máu huyết của văn hóa Việt Nam. Ở đây, chúng tôi chỉ nhắc lại một chi tiết ít thấy ai nhắc đến bởi vì tưởng như không có gì. Đây, kinh Vu Lan ngay đoạn đầu:
Khi ấy tôn giả
Đại Mục Kiền Liên
Mới thành tựu được
Sáu thứ thần thông
Muốn cứu cha mẹ
Đền đáp ân đức
Sinh thành dưỡng dục.
Mới thành tựu được... Ngài Mục Kiền Liên vừa thành tựu được thần thông thì nghĩ ngay đến cha mẹ. Đây không phải là chi tiết. Lại càng không phải là lòng ích kỷ, tham lam riêng cho cha mẹ mình. Đây chính là căn bản của đạo Phật và ngài Mục Kiền Liên làm chính cái việc mà Phật làm và Phật nói. Tại sao chứ “mới” quan trọng như thế trong câu kinh? Tại vì rất nhiều lẽ mà sau đây là hai lẽ chính. Thứ nhất, trong đạo Phật, thân người là rất quý, bởi vì chỉ làm người mới có thề giải thoát được, mà ai đem lại thân người cho ta nếu không phải là mẹ cha? Thứ hai, trong đạo Phật, ngoài cha mẹ ở đời này, còn có cha mẹ trong vô vàn kiếp trước, bởi vậy hiếu với cha mẹ tức là hiếu với chúng sinh. Đức Phật hiếu như thế với chúng sinh. Các bồ tát cũng vậy, mà ngài Mục Kiền Liên là hình ảnh. Chúng sinh của các ngài không phải chỉ ở trần gian mà còn ở trong cả địa ngục. Bởi vậy, đừng thấy dân gian cúng cô hồn ngày rằm tháng bảy mà cười dân gian mê tín. Hãy nhìn nắm tay đang vãi thức ăn tượng trưng trước sân nhà với cái nhìn của trí tuệ và của lòng thương, và hãy chắp thêm cho trí tuệ và lòng thương đôi cánh của tưởng tượng để bay theo thần thông cua ngài Mục Kiền Liên vào chén cơm đang bốc lửa, hãy nhìn như vậy và sẽ thấy thần thoại có khi còn thực hơn cả thực tại sờ sờ trước mắt.
Ngày rằm tháng bảy là ngày Vu Lan báo hiếu. Ngàn rằm tháng bảy còn là ngày Phật Hoan Hỷ. Tại sao Phật vui trong ngày đó? Bởi vì đó là ngày tăng chúng tự tứ. Sau ba tháng an cư, Phật họp chúng tăng lại để “tự tứ”, nghĩa là để sửa lỗi cho nhau và cùng sám hối lỗi. Sám hối như vậy thì tâm thanh tịnh; thấy chúng tăng thanh tịnh, làm sao phật không vui?
Ở đây, chính Phật cung là người làm gương. Nói theo thuật ngữ bây giờ, Phật là người... dân chủ số một. Kinh Tăng A Hàm kể như sau, xin tóm tắt:
Bấy giờ, ngày rằm tháng bảy, đức Thế Tôn trải tọa cụ ngồi giữa chỗ đất trống. Các vị tỷ kheo ngồi chung quanh ngài. Ngài bảo tôn giả A Nan đánh kiền chùy lên. Ngài dạy: hôm nay là ngày tự tứ và tự tứ là làm sạch thân miệng ý. Cứ hai vị tỷ kheo đối diện với nhau mà tự trình bày nhược điểm của hành vi và xin tha thứ lỗi lầm. Thế Tôn nhìn tăng chúng và nói: hôm nay tôi tự tứ: tôi có lỗi với ai không? Thân miệng ý của tôi có phạm lỗi gì không? Đức Thế Tôn hỏi ba lần như vậy. Tôn giả Xá Lợi Phất đứng dậy: Bạch đức Thế Tôn, tăng chúng quan sát Như Lai, không thấy có lỗi gì về thân miệng ý. Như Lai cũng không có lỗi gì với ai. Còn về phần con, con xin hướng về Như Lai mà tự trình bày: con có lỗi gì với Như Lai và tăng chúng không? Đức Thế Tôn bảo: Xá Lợi Phất, tôn giả không có hành động gì phi chánh pháp nơi thân miệng ý. Tôn giả Xá Lợi Phất lại thưa: Bạch đức Thế Tôn, tất cả tỷ kheo ở đây cũng muốn tự tứ: tất cả tỷ kheo ở đây có lỗi gì với Như Lai không?
Phật và các vị A La Hán quanh Phật là những bậc đã sạch thân miệng ý, vậy mà các ngài còn đem chính mình ra để tất cả xét lỗi. Không biết có vị giáo chủ nào khác hành động như vậy chăng? Có cách nào khác làm sạch ngã mạn giản đơn mà rốt ráo như thế hay không? Tự tứ là ngày làm sạch đã đi vào giới luật. Làm sạch thì giải thoát. Đạo Phật chỉ nhắm môi mục đích đó thôi.
Ngày nay, mỗi khi nghe bàn đến vấn đề giáo dục, chúng tôi không khỏi nghĩ đến tinh thần tự tứ. Nếu giáo dục được quan niệm một cách chật hẹp, như là chuyển giao kiến thức, tự tứ vẫn có thể là mẫu mực như thường. Bởi vì kiến thức là gì nếu không được đánh giá thường xuyên để trút bỏ cái sai, lọc khỏi cái lầm? Tinh thần khoa học là gì nếu không phải là luôn luôn tự nghi ngờ, tự chất vấn, tự phê phán? Có ai chẳng biết khoa học xã hội phân biệt rất rõ kiến thức khoa học với kiến thức ý thức hệ?
Nếu giáo dục được quan niệm rộng rãi hơn, như có liên quan đến vấn đề rèn luyện nhân cách, tinh thần tự tứ lại càng mẫu mực hơn nữa. Ngày trước, luân lý Nho giáo của Quốc Văn Giáo Khoa Thư có kể chuyện nhà hiền triết và hai lọ đậu đen, đậu trắng. Hễ ông làm điều gì xấu thì ông thả vào lọ một hạt đậu đen; hễ ông làm điều gì tốt, ông thả vào lọ kia một hạt đậu trắng. Lúc đầu đậu đen nhiều hơn đậu trắng; dần dần đậu trắng nhiều hơn đậu đen. Tự tứ cao hơn thế nhiều lắm, bởi vì cả triết lý tương quan của đạo Phật nằm trong đó: tương quan giữa cá nhân và đoàn thể, tương quan giữa bên trong và bên ngoài, tương quan giữa hình thức và nội dung, tương quan giữa mình và người, người sửa lỗi mình, mình sửa lỗi người, mình sửa lỗi mình, giúp nhau đề giúp chính mình, để sống sáng như gương với mình và với người. Và như thế để làm gì? Để giải thoát, mục đích tối hậu của giáo dục Phật giáo.
Suy nghĩ rộng ra từ tự tứ đến giáo dục, Vu Lan cũng là tấm gương giáo dục của Phật giáo.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015