Gian nan tủ sách Việt tại Paris

09:14 SA @ Thứ Hai - 08 Tháng Chín, 2014

Khiêm nhường, tâm huyết, luôn cố gắng "đấu tranh" để tìm cách khôi phục và phát triển tủ sách Việt là ghi nhận của chúng tôi khi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hồng Ân- người Việt duy nhất quản lý tủ sách Việt của thư viện Truyền thông Jean-Pierre Melville, Paris.


Sau gần hai năm tiếp quản, chị đã xây dựng tủ sách Việt với hơn 3.000 đầu sách các loại, đáp ứng phần nào nhu cầu đọc của đồng bào ở xa Tổ quốc.

Nhằm quảng bá rộng rãi tủ sách Việt đến người Việt trẻ đang học tập, sinh sống tại Pháp và mong muốn giữ gìn, phát triển tiếng Việt cho các em nhỏ, chị Ân đã liên kết với Hội người Việt Nam tại Pháp - UGVF để tổ chức Ngày hội sách Việt Nam vào tháng 9 này.

Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp; kéo dài 3 ngày, kết hợp tổ chức Tết Trung thu, trong đó chị tham gia đọc truyện cho thiếu nhi và tặng sách cho bà con.

Đáp ứng nhu cầu "khát" sách của kiều bào

Nguyễn Thị Hồng Ân sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông tại Việt Nam, chị được nhận học bổng đại học của Pháp, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

Sau đó, chị tiếp tục làm Tiến sĩ ở Pháp về lĩnh vực này. Năm 2012, chị bắt đầu làm việc tại thư viện Truyền thông Jean-Pierre Melville (quận 13, Paris) và đảm nhiệm vai trò quản lý tủ sách Việt.

Tủ sách Việt được hình thành tự phát từ năm 1989, cùng thời điểm thư viện Truyền thông Jean-Pierre Melville được đưa vào hoạt động. Đây là khu vực đông người châu Á sinh sống và buôn bán nên bà con người Việt thường xuyên mang những cuốn sách - kỷ vật của gia đình đến tặng thư viện.

Tuy nhiên, lượng sách tặng không nhiều và thường là những cuốn sách cũ sờn, hôi mốc, thậm chí rách nát. Lúc đó, gọi là tủ sách nhưng chỉ có duy nhất một kệ sách thấp, hẹp dành cho sách Việt. Điều đó khiến Hồng Ân rất buồn.

Ngay khi tiếp quản, Hồng Ân đã lên kế hoạch, trình dự án khôi phục và phát triển tủ sách Việt để xin ngân sách của thư viện, mua thêm sách mới. Sau nhiều tháng kiên trì đề xuất chị đã thành công.

Tận tâm với sách Việt

Do các nhà phân phối sách cho thư viện tại Paris không có sách tiếng Việt, nên Hồng Ân phải tìm hiểu thông tin về các cuốn sách trên mạng. Tuy nhiên, việc mua sách từ trong nước khá khó khăn. Chị phải đặt mua sách Việt qua các trang web bán sách ở các nước khác như Mỹ, Canada.

Để tiết kiệm ngân sách, chị chọn phương thức vận tải biển để chuyển sách đến Paris. Vì vậy, để một cuốn sách đến được tay người đọc phải mất ít nhất bốn tháng.


Chị Hồng Ân

Không gian của thư viện có hạn, phải tuân theo quy luật loại thải, những cuốn sách ít được mượn sẽ phải dẹp bỏ để mua những cuốn sách mới thế vào. Năm 2012, thư viện có kế hoạch bỏ sách thiếu nhi tiếng Việt. Hồng Ân rất buồn và tiếc. Ngay lập tức, chị lại lập dự án xin thêm kệ sách cho tủ sách Việt.

Thời gian đầu, không có người đến mượn sách thiếu nhi, chị phải mời bạn bè cho con em đến thư viện, quảng bá sách trên website, trang tin thư viện. Chị đến Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp để đọc truyện cho thiếu nhi... Sau một năm, tủ sách châu Á (gồm tủ sách Việt Nam và Trung Quốc) có tổng số đầu sách được mượn nhiều thứ hai ở thư viện nên đề nghị của chị mới được chấp nhận.

Đến nay, tủ sách Việt đã có hai kệ trưng bày sách, với hơn 3.000 đầu sách mới, đủ các thể loại như: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cổ tích, truyện tranh thiếu nhi, tài liệu chuyên ngành... Nhưng những cuốn sách cũ vẫn được chị bảo quản và để ở kho thư viện, nếu có ai cần, chị sẵn sàng tìm lại sách trong kho.

Sách Việt và công việc giao lưu với bạn đọc cũng tiếng nói với mình đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của chị Hồng Ân.

Nguồn:Tiền Phong
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thư viện, văn hóa đọc và đẳng cấp quốc gia

    21/04/2017Nguyễn Quang ThạchĐẳng cấp của một quốc gia được đo bằng các sản phẩm khoa học, sức mạnh kinh tế và quân sự được thừa nhận. Chẳng hạn, thế kỷ 19, khi Jame Watt chế tạo ra máy hơi nước, mở đường cho công nghiệp nặng và chinh phục đại dương, nước Anh trở thành cường quốc hàng hải và xâm chiếm thuộc địa...
  • Thư viện thời Ebook

    30/03/2006Phạm Xuân Nguyên“Ngày nay ít người còn chịu đọc sách”, “Sách giờ ai đọc mấy đâu”, “Văn hóa nghe nhìn đang lấn lướt văn hóa đọc”, vân vân và vân vân, những tiếng thốt lên như một cám cảnh, và như một báo động. Nhưng có thật chăng văn hóa đọc đang đi xuống?
  • Ước mơ về một thư viện online khổng lồ

    05/02/2006GS. Ngô Quang HưngThành lập một nguồn tài nguyên phong phú cho nền học thuật nước nhà, từ cấp vỡ lòng đến chuyên sâu. Từ đó, làm cho Internet hữu ích hơn là một cỗ máy game và chat. Dưới đây là một ước mơ của GS Ngô Quang Hưng (khoa Khoa học máy tính, Đại học bang New York ở Buffalo - Mỹ)...