Giã từ sự làng nhàng
Muốn hội nhập thành công với thế giới bên ngoài, muốn nâng cao vị thế dân tộc trong cộng đồng nhân loại, người Việt dứt khoát phải bứt khỏi tình thế làng nhàng hiện nay...
Do yêu cầu của công việc, chúng tôi thường xuyên xe dịch giữa các vùng miền. Điều thú vị trong những chuyến đi như thế là những cuộc thảo luận hào hứng, cởi mở và hết sức ngẫu nhiên giữa các thành viên trong đoàn. Với người xê dịch, thảo luận là cách tốt nhất để quên đi sự xa ngái của đường trường, để mở mang sự hiểu biết và để tìm lấy những niềm vui bình dị.
Lần nọ, trên đường vô Nam, khi mọi người đang so sánh tố chất giữa người Việt với các nước khác trong khu vực, một nhân vật kỳ cựu trong đoàn đã đưa ra nhận xét: “Chung quy lại, xã hội mình là một xã hội làng nhàng, các anh ạ”.
Cuộc thảo luận kết thúc không lâu sau đó nhưng hai tiếng “làng nhàng” khiến tôi nhớ mãi. Quả vậy, nhờ khả năng biểu cảm cao độ, làng nhàng đã lột tả thật tài tình thần thái của đối tượng mà nó hướng đến và đem lại cho người nghe một khoái cảm hết sức đặc biệt. Trong bài này, chúng ta sẽ thử lần theo ý nghĩa của nó để nhận diện đặc điểm cơ bản của xã hội Việt Nam hiện nay.
1. Làng nhàng là một từ láy rất giàu sức biểu đạt. Nó gợi lên một sắc thái nhếch nhác, bình bình, nhàn nhạt, tàm tạm; không rõ ràng, không nổi bật, không dứt khoát, không triệt để.
Trong cuộc sống, làng nhàng thường được dùng để đánh giá một con người cụ thể nào đó. Đặc điểm nhận biết một người làng nhàng là anh ta không có gì nổi bật khiến người khác phải chú ý. Anh ta không kém hẳn mà cũng không giỏi hẳn – tức không thể làm chủ một cách thành thạo những kĩ năng cần có trong công việc (nên không biết nên gọi là thầy hay là thợ), ít khi bày tỏ quan điểm riêng và thường nghi ngờ cái mới. Dửng dưng với mọi vận động của cuộc sống bên ngoài, cuộc sống của anh ta được giới hạn trong những vấn đề mưu sinh.
Như vậy, từ láy làng nhàng luôn bao hàm hai nghĩa chính: vừa nêu bật khía cạnh trình độ, năng lực; vừa hàm chỉ một thái độ sống, thái độ hành động. Giữa hai nghĩa này có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau: một trình độ làng nhàng thường dẫn đến một thái độ sống làng nhàng và một thái độ sống làng nhàng thì luôn song hành với một trình độ làng nhàng tương ứng.
Đối lập với làng nhàng là chuyên nghiệp là nói đến một cái gì đó rất cơ bản, hệ thống, rõ ràng, tường tận, triệt để. Một xã hội làng nhàng là một xã hội mà các năng lực thiết yếu cho công cuộc phát triển chỉ ở mức trung bình. Một xã hội làng nhàng cũng là một xã hội bàng quang, hời hợt: hời hợt với những vấn đề của chính nó và của thế giới xung quanh.
Có thể bạn sẽ giải thích tình trạng làng nhàng của xã hội Việt Nam bằng lý do văn hoá. Cũng đúng thôi, xã hội tiểu nông truyền thống của người Việt đã chuẩn bị sẵn các tiền đề vật chất và tinh thần cho cái làng nhàng xuất hiện: sản xuất, giao thương manh mún, nhỏ lẻ, bám nội địa; chuộng sự ổn định, an bằng; chuộng cái thực tế, trước mắt hơn là cái hệ thống, trừu tượng… Tuy nhiên, khung thể chế hiện tại – với “điển hình tiên tiến” là thể chế giáo dục, mới là nguyên nhân trực tiếp, cơ bản.
Có thể khẳng định rằng, sự làng nhàng của sản phẩm tất yếu của một nền giáo dục muốn dạy cho con người mọi thứ nhưng hầu như không dạy cho họ thứ gì cả, đặc biệt là khả năng tư duy độc lập , khả năng đặt câu hỏi trước mọi vấn đề của cuộc sống. Nhận định này có vẻ mâu thuẫn nhưng sự thực là với cách đào tạo hiện nay, người học sẽ biết rất nhiều thứ, mỗi thứ một ít, nhưng cái biết ấy không giúp họ hình thành một khả năng tư duy độc lập và kĩ năng làm việc cơ bản để sau đó, có thể “vào đời” như một công dân độc lập, đàng hoàng, tự tin.
2. Làng nhàng là một trở lực rất lớn cho sự phát triển xã hội. Trong một xã hội làng nhàng, cái mới, cái đỉnh cao hiếm khi xuất hiện.
Một mặt, xã hội không đủ khả năng phát hiện, sáng tạo các tri thức mới hoặc cập nhật, ứng dụng các thành tựu tri thức mới mẻ, phong phú của nhân loại để đi đến những “bước nhảy sinh mệnh” làm thay đổi số mệnh cộng đồng. Tình trạng này diễn ra trong mọi lĩnh vực của cuộc sống: từ tư tưởng đến chính trị, kinh tế văn hoá, giáo dục, nghệ thuật….
Mặt khác, trong môi trường làng nhàng, cái mới, nếu có, cũng thiếu môi trường thuận lợi để đơm bông, kết trái. Đường đi quen thuộc của cái mới, cái đỉnh cao tìm cách “nôm na hoá”, “đại trà hoá” cho phù hợp với “căn cơ” của số đông. Lâu dần, từ chỗ là phương tiện, cái nôm na, đại trà, đại chúng trở thành mục đích, thành khuôn mẫu phát triển của xã hội. Quy trình này đi ngược với xu thế phát triển thông thường. Bởi lẽ, bao giờ cũng vậy, muốn trở lên phát triển, xã hội nào cũng cần dựa trên cái đỉnh cao, cái tinh hoa. Phi tinh hoa bất thành phát triển.
Chỉ với sự dẫn đường của cái đỉnh cao, phát triển mới thực sự là một quá trình có triết lý, định hướng, mục tiêu, phương pháp, kế hoạch rõ ràng, phù hợp và bắt nhịp được với trào lưu vận động của nhân loại. Sự làng nhàng còn góp phần tạo nên một xã hội thụ động. Với một con người cụ thể, nếu năng lực và thái độ sống của anh ta chỉ ở mức làng nhàng, anh ta luôn luôn lệ thuộc vào một đối tượng khác. Đối tượng ấy có thể là quyền lực, là truyền thống, là đám đông, kể cả… thần thánh.
Trong tâm thế lệ thuộc, con người mất niềm tin vào chính mình, mất động lực vươn tới, phó thác tương lai cho sự run rủi của số phận và sẵn sàng đánh đổi nhân cách – miễn rằng sự đánh đổi ấy mang lại cho họ một đảm bảo về quyền lợi. Khi những cá thể lệ thuộc, bị động chiếm thành phần đa số, họ sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội. Sự lan toả sức ì chắc chắn sẽ diễn ra, ảnh hưởng tiêu cực đến tính năng động xã hội của bộ phận còn lại, biến sức ì thành đặc tính trội của cộng đồng.
Trong một xã hội lệ thuộc, điều lo ngại nhất là nó không tự quyết được vận mệnh mà thường phụ thuộc và do đó, thường hứng chịu những rủi ro, bất trắc từ thế giới bên ngoài.
3. Muốn hội nhập thành công với thế giới bên ngoài, muốn nâng cao vị thế dân tộc trong cộng đồng nhân loại, người Việt dứt khoát phải bứt khỏi tình thế làng nhàng hiện nay. Thu nhập trung bình là một cái bẫy trong phát triển, nhưng chỉ là cái bẫy thứ yếu, là rào cản vô hình ngăn trở quá trình đi lên của dân tộc.
Dù “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, vẫn cứ phải nhắc lại rằng: cải cách thể chế, đặc biệt là cải cách hệ thống giáo dục là con đường tất yếu, cơ bản để khắc phục tình trạng làng nhàng của xã hội. Nhưng đổi mới thể chế không phải là con đường duy nhất. Nhấn mạnh tầm quan trong của thể chế không có nghĩa là xem nhẹ vai trò năng động của mỗi cá nhân trong quá trình đổi mới xã hội. Thực tế này càng được củng cố hơn bao giờ hết trong kỷ nguyên công nghệ và thông tin.
Ngày nay, Internet đã mở ra những khả năng vô tận cho sự phát triển, khẳng định các giá trị cá nhân, cũng như sự đóng góp của yếu tố cá nhân vào sinh hoạt cộng đồng. Trên một thập niên trở lại đây, nhờ sự kích của Internet, ở Việt Nam đã hình thành nên một lớp người mới, một thế hệ mới mà ta tạm gọi là “thế hệ Internet”. Với họ, Internet là một thành tựu công nghệ đặc biệt, một công cụ phát triển có khả năng thúc đẩy sự trưởng thành của từng cá nhân và xã hội.
Thông qua Internet, họ đã khám phá, tiếp nhận, lĩnh hội những giá trị mới mẻ, phong phú mà môi trường xã hội chưa thể mang lại cho họ và nhờ vậy, tự giải phóng mình ra khỏi khuôn khổ trật hẹp, đơn điệu của sự làng nhàng. Các giá trị phong phú mà họ có được đang góp phần mở rộng tính phong phú, đa dạng lên đời sống xã hội.
Còn bạn, bạn đã thực sự gia nhập vào thế hệ ấy chưa?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh