“Đương nhân bất nhượng ư sư”
Luận ngữ là cuốn sách số một, “sách cái” của đạo Nho. Trong đoạn 35 của chương Vệ Linh Công, học trò từng ghi lại một lời dạy của Khổng Tử: Đương nhân bất nhượng ư sư (làm điều nhân thì dẫu thầy mình, mình cũng không nhường).
Đạo Nho thường được miêu tả là hay đưa ra những lễ nghi nghiêm khắc, những ràng buộc tuyệt đối. Sư - thầy dạy học - là một trong ba ngôi bề trên (quân sư phụ) mà người ta phải phục tùng vô điều kiện. Vậy mà ở đây, Khổng Tử lại giả định cho người ta một khả năng “nổi loạn” với nghĩa có những việc không nhường thầy. Tại sao vậy?
Để hiểu điều này, trước tiên cần nói qua về khái niệm nhân (không phải chữ nhân là người mà chữ nhân này trong ký tự gồm chữ nhân đứng và chữ nhị, để chỉ quan hệ hai người, và mở rộng là quan hệ giữa người với người nói chung).
Thông thường ở ta, các bậc trí giả chỉ xem nhân như nhân từ nhân ái, tức yêu người thương người. Còn theo cách giải thích của các nhà nghiên cứu Nho giáo Trung Quốc hiện nay, nhân trong câu trên nghĩa là “cái đạo lý khiến cho con người trở thành người”. (Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê khi dịch Luận ngữ đã chú thích “nhân là điều ai cũng nên làm, hết sức mà làm”, tức những việc lớn ở đời, cũng đã khá gần với cách hiểu hiện đại nói trên).
Nhưng hãy trở lại với cái ý tổng quát trong câu Đương nhân bất nhượng ư sư. Ở đây có ẩn một quan niệm về giáo dục cũng như về lễ nghĩa. Tự nó giáo dục không phải là mục đích.
Và những khái niệm như thầy trò không phải là những vị thế xã hội ép chặt người ta một chỗ, cũng như hiểu biết không phải là những giới hạn không thể vượt qua. Nay là thời mọi chuyện chỉ nên được xem như có ý nghĩa tương đối. Ngoài trời lại có trời.
Tôi không khỏi liên hệ tới hoàn cảnh Việt Nam. Được tiếng là theo Nho giáo, nhưng một quan niệm về chữ nhân như trên với ta không được phổ biến.
Khi bàn về giáo dục và ông thầy, câu đầu tiên mà người ta nhắc nhau là Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Đằng sau nghĩa đen “nửa chữ cũng là thầy”, người nói ngầm đe người nghe rằng ở đây có những giới hạn và giới hạn này là tuyệt đối. Tôi đã là thầy anh một lần thì mãi mãi là thầy anh, không bao giờ anh vượt được tôi cả. Rộng ra mà nói, phải biết yên phận trong những gì quá khứ đã vất vả chiếm lĩnh. Và sẽ vĩnh viễn là cái trật tự đã hình thành, người đi sau cứ phải theo đó mà đi, đừng tính chuyện làm khác.
Từ góc độ của một người từng đi học và khi ra đời sống với những người làm nghề chữ nghĩa, tôi đọc được ở đây cái lời ngầm như vậy. Phải nói thẳng rằng đây là một quan niệm cổ lỗ, nó chỉ có ý nghĩa vụn vặt. Có thể nó cần thiết cho những học trò lười biếng ngỗ ngược. Thế nhưng đối với lớp hậu sinh có chí khí, có nghị lực thì đó là cả một bước ngăn trở.
Điều đáng nói là cái tinh thần nệ cổ này, từ ngành giáo dục đang trở thành một kiểu tư duy của người mình, một nguyên lý chi phối cả xã hội. Người ta viện dẫn nó để bằng lòng với những trì trệ kéo dài. Nhân danh lễ nghĩa, người ta hạn chế tính tích cực hoạt động của lớp trẻ. Đáng lẽ phải đào tạo cho được một lớp trẻ ngày một khá hơn - con hơn cha là nhà có phúc - thì người ta lấy lớp người đi trước ra làm chân trời của họ. Đáng lẽ phải lo trung thành với tương lai thì người ta chỉ biết trung thành thụ động với quá khứ.
Riêng về giáo dục, có thể hiểu được điều này nếu nhìn thẳng vào thực trạng non kém của ngành suốt thời trung đại và còn kéo đến tận ngày nay. Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục (1915) đã nói tới tình trạng “mấy ông đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ mạch sách, văn chương chưa thuộc đủ lề lối, mà đã đi về các vùng quê tìm nơi thiết trường, gõ đầu năm ba đứa trẻ để hộ khẩu” (từ cổ có nghĩa kiếm sống). Đám thầy này rất hay vòi vĩnh “nào khi nhà thầy có giỗ, nào khi thầy lấy vợ” việc gì cũng lôi đồng môn (tức đám phụ huynh) ra mà bắt gánh vác.
Đã có tình trạng ăn bám (được Phan Kế Bính gọi là cái mọt của thiên hạ), thì tự nhiên có sự huênh hoang lên mặt. Người ta thích nhắc đi nhắc lại rằng mình là khuôn vàng thước ngọc. Chữ lễ theo nghĩa tốt đẹp của đạo Nho bị tầm thường hóa, biến thành sợi dây ràng buộc và che giấu cho sự trì trệ.
Một nền giáo dục tốt đẹp thường có những ông thầy lớn, niềm tự hào chủ yếu của họ là đào tạo được những học trò tài giỏi hơn mình. Chính là ở chỗ vượt thầy mà người đi sau thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với thầy, và tiến bộ xã hội nhờ đó mà được đẩy tới. Nhưng ở ta, khi vào dịp thân tình, tôi hỏi một vài giáo sư đầu ngành khoa học xã hội rằng ông có đào tạo được người học trò nào hơn mình không thì các ông đều lúng túng.
Thông thường các ông cho rằng đòi hỏi như thế là quá cao, trước mắt phải chấp nhận hoàn cảnh Việt Nam đã. Câu chuyện khi tới chỗ ấy tôi đành lảng và lạy trời tha lỗi, mạo muội đoán thêm rằng trong thâm tâm, hình như vấn đề này không có trong đầu óc các vị nữa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh