Đi tìm căn tính

05:49 CH @ Thứ Sáu - 08 Tháng Hai, 2019

"Em không thể hiểu nổi người nào không thích sôcôla. Có lần em đi chơi với một gã, anh chàng Robert em vừa kể, em chưa bao giờ thấy thoải mái với anh ta, nhưng em không lý giải được tại sao"...

“... Rồi một ngày mọi thứ trở nên rõ ràng: anh ta không thích sôcôla. Ý em là anh ta không chỉ không thích, mà còn ghét nó. Cứ thử đặt một thanh trước mặt anh ta mà xem, anh ta sẽ không bao giờ đụng vào.

Trước nay, em không bao giờ dính dáng với những ai có kiểu suy nghĩ cực đoan như thế. Tất nhiên sau đó, anh thấy đấy, rõ ràng bọn em phải chia tay” - Alain de Botton viết chuyện này trong cuốn Luận về yêu.

Căn tính giới tính được xã hội quy ước

Nhân vật nữ Chloe trong cuốn sách của tác giả nổi tiếng về triết lý đời sống người Anh - Thụy Sĩ này có một định kiến rằng đàn ông phải thích sôcôla, cho rằng nếu người yêu cô không thể thích sôcôla thì chắc chắn anh ta có kiểu suy nghĩ cực đoan và là nguyên nhân của cuộc chia tay.

Tôi có một anh bạn, một giáo sư khả kính nhưng lại thích mặc áo hồng, anh nói: “Đàn ông đích thực phải mặc đồ màu hồng”.

Chúng ta có thể thấy trong sự giễu nhại ấy là thái độ chống lại hình thức, quan điểm cho rằng người đàn ông cần thể hiện nam tính của mình mọi lúc, mọi nơi và nhất là không mặc loại màu được quan niệm là dành cho giới nữ. Thật ra, không có một lý do hợp lý nào cấm đàn ông cần mặc màu hồng, ngoài những quy ước xã hội.

Trong thời kỳ sản xuất nông nghiệp, cách mạng công nghiệp và chiến tranh, khi cần đến sức khỏe cho các hoạt động chân tay, nam giới được đề cao hơn phụ nữ. Thời kỳ nào cũng vậy, người làm chủ kinh tế sẽ có vai trò quyết định trong phần lớn những lĩnh vực khác.

Đây không hẳn là sự bất bình đẳng nam nữ, mà đơn thuần là sự phân công lao động khá cơ học và chỉ mang tính tương đối, nhưng lâu dần đã trở thành truyền thống: người đàn ông có sức khỏe, làm ra tiền và sẽ làm chủ gia đình, cai quản các đế chế và đất nước. Người ta bắt đầu đồng hóa những phẩm tính sức mạnh, quyết đoán, can đảm cho người đàn ông.

Không phải chỉ ở Á Đông, nơi mà việc phân biệt nam nữ khá nặng nề, kiểu “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”, ngay chính nhà tâm lý học người Áo Sigmund Freud cũng cho rằng chỉ có nam giới mới mang tính người đầy đủ, còn nữ giới là một con người lệch lạc do không có dương vật! Ngày nay, phụ nữ có thể sống đơn thân, nhận con nuôi và tập trung phát triển sự nghiệp.

Phụ nữ ngày càng cần đến nam giới ít hơn, ít nhất trên phương diện tài chính. Những người đàn ông tôn trọng phụ nữ sẵn sàng để họ gánh vác trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Xã hội Việt Nam không còn thuần truyền thống để người đàn ông gánh vác sơn hà và thể hiện sức mạnh cá nhân như thời trước. Song cũng chưa đạt đến mức văn minh như các nước phát triển, đạt đến cái mức mà người đàn ông ở nhà nội trợ và bế con không còn bị coi là không đáng mặt đàn ông.


Căn tính số

Đấy là mới chỉ nói về căn tính nói chung, căn tính đàn ông nói riêng thuần túy sinh học. Ngày nay, với sự tiến bộ kỹ thuật, còn một khái niệm mới phát triển: “căn tính số” (digital identity) hoặc “cái tôi số”. Phải chăng “căn tính số” cũng hiện hữu, nhiều như chúng ta ở ngoài đời thực (cái gì thực vẫn còn phải bàn)?

Sự khác biệt duy nhất là chúng ta dường như không có mặt ở đó và đang sử dụng sức mạnh kỳ diệu để gửi mình đến những nơi xa xôi với tốc độ ánh sáng, thông qua đường truyền dẫn, vệ tinh hoặc sóng điện từ. Sự khác biệt là phương tiện chuyển tải.

“Căn tính số” và “căn tính truyền thống” có thể nhất quán nhưng không luôn thế. Hình ảnh “Căn tính số” có khi lung linh, rực rỡ hơn “căn tính truyền thống”, đôi khi nhiều mặc cảm và ẩn ức. Người ta cũng chăm lo bản sắc trên không gian điện tử (cyberspace) không kém ngoài đời.

Thời đại kỹ thuật số đã làm cho chúng ta trở thành một thực thể kép, một sinh vật tương tác với môi trường vật lý bằng các cơ quan sinh học và một thực thể số với các thiết bị số có bộ phận kỹ thuật số, cho phép nó tương tác với thế giới số.

Nhưng bởi vì chúng ta không nghĩ mình là một thực thể kép. Dù chúng ta coi một sinh vật có trong đầu hoặc cổ họng một thiết bị máy tính là một cyborg, một người cầm điện thoại trong tay, suốt ngày dán mắt vào đó, thì lại không phải.

Quan điểm của Elon Musk là điều làm cho một cyborg là một cyborg là khả năng sử dụng các thiết bị hỗ trợ tư duy. Theo định nghĩa đó, chúng ta đã là một cyborg rồi, và chúng ta đã dành phần lớn cuộc đời mình trong thế giới số. Khi nghĩ như thế, chúng ta sẽ nhận ra mình muốn nâng cấp phương tiện kết nối chúng ta với thế giới đó ra sao.

Căn tính truyền thống đã khó nhận diện vì thay đổi thường trực, nay thêm một căn tính số nữa thì việc nhận diện hai thực thể hay một thực thể kép khó hơn rất nhiều. Chúng ta là ai là một câu hỏi nan giải mãi chưa có lời đáp chung cuộc.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sự tha hóa của cái Tôi

    16/06/2019Nguyễn Trần BạtỞ một bộ phận lớn của thế giới là khu vực chậm phát triển, hiện tượng cái Tôi tha hóa xảy ra rất phổ biến. Vậy có mối liên quan nào giữa sự tha hóa này với trạng thiếu tự do không? Theo quan điểm của tôi, chính sự thiếu tự do đã khiến cho đời sống tinh thần của con người trở nên mất cân bằng và do đó tạo ra sự tha hóa của cái Tôi...
  • Người dùng Facebook Việt Nam đang 'tự nguyện' cung cấp dữ liệu cá nhân

    21/03/2018Anh QuânCác thông tin cá nhân đang được mạng xã hội Facebook và các công ty có liên quan thu thập qua các ứng dụng trá hình trên nền tảng này.
  • Vài suy nghĩ về cái Tôi trong thơ từ cách nhìn Phật Giáo

    16/11/2017Nguyễn Điệp HoaTưởng rằng có cái TÔI tuyệt đối, cái tôi đích thực, đó là một trong những ảo tưởng lớn nhất của loài người. Nhưng xem ra, căn bệnh này ở những người làm nghệ thuật và các nhà thơ còn nặng hơn nhiều so với những người khác...
  • Gồng mình với “cái tôi”, vì trống rỗng và bất tài?

    11/06/2017Nhà phê bình Nguyễn HòaNgười ta khó có thể phân biệt giữa bạt ngàn các nghệ sĩ được quảng bá và tự quảng bá trên hệ thống thông tin đại chúng thì đâu đích thực là “ngôi sao” tài năng, và đâu chỉ là “ngôi sao băng” lóe ngang qua “bầu trời nghệ thuật” rồi tắt ngóm?
  • Cái tôi to tướng và cái tập thể nhạt nhẽo

    10/04/2017Họa sỹ Phan Cẩm ThượngCái chủ nghĩa cá nhân vô lối này cũng đầy rẫy trong nghệ thuật, vì là một thứ không chết ai, nên cũng chẳng có một sự phê bình nào, và nhất là những cơ quan quản lý văn nghệ chỉ lo những gì sai đường lối. Thế là có vô số thứ nghệ thuật không sai đường lối nhưng tầm thường vô cùng trở thành thời thượng
  • Cách tân: đi tìm cái mới hay cái tôi?

    17/01/2017TS Chu Văn SơnTrong giai đoạn có tính bước ngoặt để sáng tạo nên thành tựu mới cho văn chương như hiện nay, các khái niệm “cách tân”, “cái mới”… đã được nhiều tác giả đặt ra và thảo luận để đi tìm sự thống nhất (dù tương đối).
  • Egoism = Chủ Nghĩa Cái Tôi

    25/11/2016Cuộc đời có giới hạn, vậy thì tại sao chúng ta phải mang vác "cái tôi" nặng nề mà không cởi bỏ nó, để làm một người tự do, ung dung, tự tại và được là chính mình trong cuộc đời này?
  • xem toàn bộ