Đếm bốn bậc, luận “tam đa”
1. Các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng khi thiết kế cầu thang nhà ở thường phải tính số bậc thang theo cách đếm bốn cung Sinh - Lão - Bệnh - Tử, sao cho bậc đầu tiên và bậc cuối cùng rơi đúng vào cung Sinh để đem lại điềm lành, niềm tin cho chủ nhà. Ở đây không bàn đến cái mơ hồ hay đúng đắn của thuyết Phong thủy, chỉ muốn nói rằng với cả bốn cung đoạn ấy của một đời người, nào có ai mong chúng được chia đều như những bậc cầu thang!
Sinh ra rồi trưởng thành, phấn đấu bươn chải trong đời sống với những thuận lợi, khó khăn, hoặc cho dù đời có là bể khổ như quan niệm của nhà Phật, thì tâm lý ai ai cũng mong tránh được càng lâu càng tốt các phần Lão - Bệnh - Tử đang chờ phía trước. Đến như bên Tây, có ông lão tiều phu trong truyện ngụ ngôn La Fontaine phải kiếm sống mệt mỏi đến nỗi ông thốt nên lời, ước được chết ngay đi cho khỏe xác, thế nhưng khi thần chết hiện ra tính giúp ông toại nguyện thì ông lại giẫy nẩy! Còn ở Á Đông, từ xa xưa con người đã nuôi những giấc mơ “trường sinh bất tử”, “cải lão hoàn đồng” hay thiết thực hơn, “lương y bất đáo gia” (xã hội bấy giờ chưa xây bệnh viện, người bệnh nặng phải mời thầy thuốc đến nhà).
Thời hiện đại, cho dù văn minh nhân loại phát triển đến đâu, tiện nghi vật chất cung ứng đầy đủ cỡ nào, người ta cũng không quên trao nhau lời chúc sức khỏe. Muốn khỏe để sống và làm việc, để tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc vốn không dễ có. Muốn khỏe để đẩy xa bệnh tật, lúc về già không trở thành gánh nặng cho con cháu trong nhà và cho xã hội, chưa nói đến tiếp tục sáng tạo hay cống hiến gì cao xa.
“Ước chi người trẻ nghĩ được, người già làm được!”, có một câu ngạn ngữ như thế. Tuổi trẻ thiên về hành động, tuổi già thiên về đúc kết. Nên người ta ước ao bổ sung hai chiều cho nhau, giữa thời sung sức mà nông nổi với thời đã từng trải chín chắn. Oái oăm thay, trong một đời người thì cung Sinh và cung Lão lại nằm ở hai bậc thang, hai thời đoạn khác nhau!
Nghĩ ra được những điều hay ho mà không đủ khả năng biến chúng thành hiện thực - nỗi khổ tâm, nỗi bất hạnh ấy, thiết nghĩ không riêng của người già.
Một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể tráng kiện”, ở phương Đông cũng như phương Tây ai chẳng mong được sống sung túc cả về thể chất lẫn tinh thần, góp mình trong một xã hội thịnh vượng, yên ổn, trong sạch môi trường tự nhiên. Ảnh: KINH LUÂN
2. Hồi ở ngoài quê, đôi lúc nghe mấy cụ già than thở: “Đa thọ đa nhục”, người viết hiểu láng máng là càng sống lâu càng thấy nhục. Chắc bởi vì cuộc đời các cụ phải trải qua lắm thăng trầm thời thế. Trời làm một trận lăng nhăng/Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông (ca dao), không nhục sao được! Về sau mới hay rằng đó chỉ là một phần trong bộ “tam đa” truyền lại từ sách xưa: “Đa nam đa ưu, đa thọ đa nhục, đa phú đa oán”.
Có nhiều con trai thì mang nhiều mối lo, hưởng nhiều tuổi thọ thì chịu nhiều nỗi nhục, được nhiều của cải thì chuốc nhiều oán ghét. Mới nghe, tưởng như ba sự vô lý, ngược đời. Nhưng đó là trải nghiệm qua ngàn năm phong kiến.
Nhiều con trai, nhiều mối lo là sự hiển nhiên trong một xã hội trọng nam khinh nữ và kinh tế nặng về tự cung tự cấp. Lo con học hành, lập thân lập nghiệp. Lo con hư hỏng chẳng nên người, ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình, dòng họ. Ở nông thôn, lo việc hỏi vợ, cưới vợ, cho một đàn con trai “ra riêng”…, thật không ít vất vả, phiền hà, tốn kém.
Càng sống lâu càng thấy nhục, thì như đã nói. Song, cái nhục từ thời thế rồi cũng có lúc được nguôi ngoai. Thế sự xoay vần, ông hay thằng chỉ là định danh tương đối trong thời điểm nhất định. Còn phải kể những nhục nhằn vô danh khác, âm thầm trong cuộc duy trì sự sống hàng ngày. Ta thấy không ít người khi về già, ốm yếu không tự phục vụ nổi, phải lâm cảnh sống nhờ, ăn theo. Gặp con cháu hiếu thảo tận tình chăm nuôi còn đỡ. Nếu họ “mắc eo” lại nghèo tiền bạc nữa, càng thấm thía.
Bàn đến sự giàu, tự dưng nhớ về học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984). Hơn ba mươi năm trước, ông ghi hồi ký: “...Quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút đừng giàu”. Ông nói rõ hơn về sự “đừng giàu”: “Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không”(*).
Nguyễn Hiến Lê không muốn giàu chẳng phải vì ông sợ “đa phú đa oán”, và - như nhiều người nhận xét ngưỡng mộ ông - với phẩm cách của mình, ông đã đi trọn đường đời giữa hai làn đạn. Song, cái xã hội mà ông từng trải qua, thì đã nhiều thập niên rồi vẫn chưa lành dịu hẳn những chấn thương. Lòng căm ghét người giàu và nhận thức sự giàu có chỉ là do bóc lột, nếu được kích lên một cách vô độ, có khi vô lối, sẽ không tránh khỏi vô nhân.
3. Khác với bộ “tam đa” nhuốm màu tiêu cực, có một bộ Tam Đa (viết hoa, gồm Phúc - Lộc - Thọ) luôn là ước mơ mang tính truyền thống của số đông trong xã hội. Mỗi dịp đầu xuân, ba chữ ấy luôn được nhiều người “xin” các nhà thư pháp. Hình tượng ba ông Phúc - Lộc - Thọ đề huề luôn được trân trọng tôn thờ. Tên gọi Thương xá Tam Đa của Sài Gòn xưa còn theo chân người Việt sang tận nửa bên kia trái đất, chính là theo nghĩa tích cực này. Và không phải ngẫu nhiên, trong bộ “tam đa tích cực” thì yếu tố tuổi thọ được xếp về sau, như là hệ quả của cuộc sống có đủ phúc lộc?
“Một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể tráng kiện”, ở phương Đông cũng như phương Tây ai chẳng mong được sống sung túc cả về thể chất lẫn tinh thần, góp mình trong một xã hội thịnh vượng, yên ổn, trong sạch môi trường tự nhiên. Và khi được như thế, ai chẳng ao ước trường thọ, sống lâu. Một sự sống lâu thật tích cực!
Vâng, Sự sống lâu tích cực cũng là nhan đề cuốn sách của A. A. Mikulin - viện sĩ hàn lâm thời Liên bang Xô viết, công trình sư nổi tiếng về động cơ máy bay(**). Tác giả từng có quãng đời sung mãn, làm việc không đếm xỉa gì đến sức khỏe lẫn thời gian. Đến lúc phải trả giá, ông quyết tâm tìm hiểu bệnh tật của mình, phân tích những nguyên nhân gây nên sự già cho cơ thể con người, để tìm ra một hệ thống đấu tranh tích cực chống lại nó. Mikulin nghiên cứu thêm về sinh lý học, tham khảo nhiều chuyên gia, đọc nhiều sách, tiến hành nhiều thí nghiệm mà cuộc thí nghiệm quan trọng nhất - và đem lại thành công tốt đẹp cho ông đến tuổi ngoài chín mươi - chính là trên bản thân ông.
Nhưng nội dung cuốn sách đó sẽ dành cho một chủ đề khác. Tâm đắc với Sự sống lâu tích cực chỉ vì trên thực tế, trong lịch sử, có những sự sống lâu… không tích cực, gây bi kịch thậm chí cho cả cộng đồng.
(*) Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - NXB Văn học (Hà Nội), bản in 1993; trang 553, 555.
(**) Sách dịch từ tiếng Nga, NXB Thể dục thể thao (Hà Nội), tái bản lần thứ ba năm 2000.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn