Đạo Phật giúp giới trẻ tiến thân có nhân cách

02:28 CH @ Thứ Hai - 31 Tháng Năm, 2010
Tiến sĩ Thái Kim Lan là một Phật tử, chuyên dạy so sánh triết học Đông - Tây, từng dấn thân trong cuộc vận động mùa Phật Đản 1963. Đã hơn 40 năm, mỗi khi có việc có thể làm Phật sự chị đều tự nguyện góp sức. Và lần này, trong chương trình của 'Tuần Văn hóa Phật giáo' có một cuộc đối thoại với thế hệ trẻ, chị đã nhận lời chủ trì. Sau buổi tọa đàm, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Thái Kim Lan.

Khi dự tọa đàm tôi thấy có nhiều bạn trẻ tỏ ra am hiểu kinh sách, giáo lý. Điều này có nằm ngoài dự kiến của người chủ trì?

Đó cũng là điều bất ngờ. Thật thú vị khi được nghe các bạn trẻ tranh luận sôi nổi về những câu hỏi của chính các bạn cùng lứa tuổi đưa ra. Đôi khi chúng tôi đã nhường lời cho các bạn trẻ, lấy câu trả lời của chính các bạn làm đáp án.

Tôi đã không cần phải thuyết giảng nhiều, tôi trở về vị trí của một người “phụ sinh” theo đúng quan điểm của tiền nhân: không giết chết ý tưởng của người tham luận bằng quyền uy lý thuyết, mà giúp nảy sinh ý tưởng, điều chỉnh ngộ nhận các khái niệm Phật giáo.

Đạo Phật chủ trương đưa ra cái nhìn toàn diện về một vấn đề, hay về một khái niệm. Bao dung cần đến sự giảm thiểu ngã mạn; từ bi, đức độ không thể thiếu trí tuệ, khoa học. Ngũ giới có nền tảng tự nguyện hơn là áp đặt, đạo đức trên thương trường không phải cạnh tranh mà là kiểm soát nhu cầu của cả bên bán và bên mua.

Phật giáo trong tương quan với các tôn giáo khác không đặt nặng số lượng mà coi trọng phẩm chất của niềm tin tôn giáo. Niềm tin này đặt nền tảng trên sự nuôi dưỡng hòa bình nội tâm và hòa bình giữa người và người.

Trước những nguy cơ xung đột tôn giáo cực đoan, đạo Phật đóng vai trò toàn cầu thật quan trọng. Phương pháp giáo dục của Đức Phật dựa trên phân tích khoa học đi từ kinh nghiệm và trải nghiệm của mỗi người, không có tính áp đặt và cưỡng bức, không giáo điều.

Có phải vì thế mà Phật giáo du nhập khắp thế giới một cách hòa bình, êm ái. Tuổi trẻ tự nguyện đến với Phật giáo là lựa chọn cho mình một lối sống chứ không phải là để tiến thân?

GS Bửu Ý (một trong năm thành viên chủ trì buổi tọa đàm – PV) có nêu lên rõ đặc tính bao dung nữa của Đạo Phật. Bàn thờ trong mỗi gia đình là nơi dạy ta bài học của sự khiêm tốn, lễ độ với tiền nhân qua những việc tưởng rất nhỏ như thắp cây hương. Đạo Phật là đạo sống chứ ít mang màu sắc tôn giáo, sống sao để chính mình bình an và mang bình an đến cho người khác.

Nhưng cũng cần hiểu rõ rằng, lựa chọn đến với Đạo Phật không có nghĩa là dứt bỏ con đường tiến thân của giới trẻ, ngược lại nếu sống đúng tinh thần Đạo Phật, sự tiến thân có giá trị gấp đôi: tiến thân bằng nâng cao trí tuệ và tiến thân có nhân cách.

Từ các ý kiến thảo luận có thể đúc kết ra hai vấn đề:

Nền tảng gia đình, nền tảng xã hội cần thiết cho giới trẻ trong việc phát triển nhân cách và đời sống đạo đức, tâm linh. Chính tiếng chuông chùa, lời mẹ ru, tiếng niệm Phật, sinh hoạt Gia đình Phật tử, thói quen ăn chay hàng ngày... là mảnh đất thân thiện nẩy sinh tình cảm, bồi bổ niềm tin và hi vọng cho giới trẻ.

Ngày nay Đạo Phật đã được truy nhận trên hoàn vũ là một “đạo sống” với tinh thần khoa học. Đến với Đạo Phật bằng trí tuệ, dựa trên nghiên cứu, tìm hiểu, cũng là một con đường, một sự lựa chọn của giới trẻ hôm nay. Cả hai con đường đều rất cần thiết. Chung quy lại là để tìm một nếp sống đạo đức hợp với thời đại.

Xin được nói thêm một điều thay cho lời kết: Trong Đạo Phật những người đạt đạo trở thành những nhà thơ, những họa sĩ. Họ là những nghệ sĩ của đời sống. Đạo Phật như là con người sáng tạo, tự do, tự tại. Tôi có cảm giác như chính mình cũng đang bắt đầu (dù đã bắt đầu nhiều lần) tra vấn lại gia sản Phật giáo với sự thôi thúc tìm kiếm một phương hướng để Đạo Phật đi vào cuộc đời trong thời đại khoa học, trong sự đe dọa của lối sống suy thoái đạo đức và mất mát niềm tin của một bộ phận tuổi trẻ hôm nay.

Chúng ta phải có trách nhiệm làm mới tính hiện đại đã nằm sẵn trong giáo lý Đức Phật, tìm phương pháp giáo dục với tinh thần khoa học để giới trẻ có cơ hội phát triển tinh thần độc lập, tự trọng, tự chủ, xây dựng cho mình lối sống khoan hòa, bao dung.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Buổi cơm trong gia đình

    09/08/2019Thái Kim LanDù kinh tế ngày nay có thừa cho thịt bổ rượu ngon, nhưng bỏ đi phẩm chất nuôi dưỡng con người sống “ngon”, sống lành mạnh trong tình thương, có thể làm cho con cái èo ọp hư hao trong tuổi lớn khôn. Chúng ta có thể sắp xếp thì giờ trong ngày cho một buổi ăn chung, thay vì mất nhiều thì giờ ngồi trong phòng đợi khám bệnh xin thuốc chữa dạ dày. Chọn lựa nào là khôn ngoan và có nghĩa cho cuộc sống gia đình?
  • Mỗi ngày nơi đây

    02/12/2009Thái Kim LanMỗi ngày tôi chọn một niềm vui - Trịnh Công Sơn đã hát như thế về từng niềm Vui mà anh lượm được trong những lúc gian nan nhất của cuộc đời. Anh “nhặt những bông hoa và những nụ cười, … nhặt gió trời mời em giữ lấy, để mắt em cười tựa lá bay…”. Và khi anh nằm xuống, những đóa hoa muôn hương đã phủ lên người anh…
  • Truyền thống và hiện đại

    21/09/2009Thái Kim LanMâu thuẫn “truyền thống và hiện đại” phát sinh, một khi tính chính thống đưa đến bảo thủ. Ngược lại nếu hiện đại không đưa ra được một nội dung có ý nghĩa cho cuộc sống văn hóa hiện tiền, nếu hiện đại làm nghèo nội dung nhân bản của con người, hiện đại sẽ bị đào thải và loại bỏ ra ngoài tính liên tục, không thể trở nên “truyền thống” cho tương lai.
  • Một số vấn đề về tôn giáo và nhu cầu tôn giáo hiện nay

    07/11/2008Lê Tuấn ĐạtNgày 16/10/1999, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24 về Công tác Tôn giáo trong tình hình mới, xác định: "Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới".
  • Tạ Thị Ngọc Thảo và triết lý của doanh nhân Phật tử

    03/04/2008Tiếp tục những trăn trở của một người đi trước dành cho giới trẻ, chị Tạ Thị Ngọc Thảo chia sẻ với bạn đọc một cách sống và làm việc theo triết lý nhà Phật trong thời đại cạnh tranh ý tưởng...