Dân Nhật đọc sách tốt, nên mới như ngày nay
"Tôi muốn học theo cách của vua Minh Trị của nước Nhật. Ông ta cho dịch hết các sách hay ra tiếng Nhật để người dân đọc, nên mới có một nước Nhật ngày nay"...
Sau những thực trạng ghi nhận về sự bùng nổ và ảnh hưởng của sách ngôn tình với người đọc, đặc biệt là độc giả trẻ Việt Nam, báo VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Trang Hạ, dịch giả Lệ Chi - đồng thời là người làm sách, tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh - chuyên nghiên cứu phê bình văn học nữ Trung Quốc.
Trong chia sẻ, cả 3 khách mời (thuộc nhóm đối tượng chuyên gia khác nhau) đều cho thấy hệ quả của việc có quá nhiều sách ngôn tình trong tủ sách người đọc và tại các nhà sách. Đặc biệt tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh đưa ra cảnh báo về việc hạ thấp thị hiếu đọc trong xã hội và sự lệch lạc về chất lượng ("thượng vàng thì ít, hạ cám thì nhiều") trong dịch thuật tại Việt Nam hiện nay.
Để kết thúc chuyên đề và mở rộng góc nhìn, Vietnamnet đặt ra những câu hỏi khác về điều tiết thị trường và cân đối sách với những người đứng đầu các đơn vị không làm sách ngôn tình là ông Nguyễn Cảnh Bình (giám đốc Alphabooks) và Nguyễn Mạnh Hùng (giám đốc Thaihabooks).
GĐ Nguyễn Mạnh Hùng
Nhà nước có nên sử dụng các công cụ kinh tế để điều tiết thị trường sách? Ví dụ như: giảm thuế với các đối tượng sách khoa học, quản trị, kỹ năng, sách giải thưởng ... tăng thuế với các đầu sách giải trí?
- Nguyễn Cảnh Bình: Về mặt lý thuyết thì được như vậy, nhưng thực tế thì khó, không làm nổi. Tôi chưa thấy giải pháp. Như thế nào là sách kém giá trị? Nếu tách biệt một cách rõ ràng thì có đấy, nhưng tôi không biết người ta sẽ phân biệt nó như thế nào. Một số quyển sách, có thể thấy rõ chủ đề của nó hữu ích cho giới trẻ VN hay người VN, một số quyển thì trái ngược, nhưng ranh giới giữa 2 loại này lại khó xác định, thiên về cảm tính.
Cá nhân tôi cho rằng, Nhà nước chỉ nên bỏ tiền ra đi mua thêm những đầu sách có giá trị cung cấp cho người dân và các đối tượng học tập để tăng số lượng phát hành, tiêu thụ của thể loại này, giảm khoảng cách giữa chúng và các đầu sách giải trí.
- Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay ngành xuất bản đã có thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%. Điều này chứng tỏ Nhà nước có quan tâm đến ngành sách, để những người làm sách chân chính thấy thoải mái. Tuy nhiên các cơ quan tài chính và luật pháp không thể đi sâu để tính thuế riêng cho từng loại sách được. Vấn đề là ý thức của các nhà xuất bản, các công ty sách thôi. Giống như đồ chơi cũng vậy, có loại bạo lực, có loại trí tuệ. Hoặc là cho làm hoặc cấm thôi.
Nói thật trong những lúc mà nhiều doanh nghiệp chạy theo thị hiếu như thế này, những doanh nghiệp và NXB nghiêm túc... không dễ phát triển mạnh. Sách hay và chất lượng, kinh điển và quản trị,... rất kén độc giả. Không cẩn thận làm là lỗ.
Vậy làm thế nào để tăng cường số lượng sách tốt trên thị trường?
- Nguyễn Cảnh Bình: Bằng cách khuyến khích thôi. Vừa rồi tôi thấy có dự án về Quỹ xuất bản 300 tỷ, họ có thể dùng số tiền đó để mua sách cho sinh viên, các trường đại học, thư viện nghiên cứu. Các đơn vị như vậy thường dành một khoản ngân sách nào đó để mua sách, họ sẽ mua những sách có giá trị để nghiên cứu, phát triển chứ không mua những quyển ngôn tình kia.
- Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu có Quỹ của nhà nước hay các tổ chức hỗ trợ 1 phần thì sẽ tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị. Tôi muốn học theo cách của vua Minh Trị của nước Nhật. Ông ta cho dịch hết các sách hay ra tiếng Nhật để người dân đọc, nên mới có một nước Nhật ngày nay. [Đọc thêm: Nhật Bản: mặt trời mọc từ những trang sách]
Như vậy giải pháp nói chung là thiên về phía tăng cường sách tốt chứ chưa có phương án giảm tiêu thụ sách vô bổ?
GĐ Nguyễn Cảnh Bình
- Nguyễn Cảnh Bình: Nó sẽ chuyển dịch nếu việc giáo dục, học tập đi vào đòi hỏi năng lực thực chất hơn, người dân, các bạn trẻ sẽ phải đọc thêm các loại sách để tăng cường khả năng của mình. Còn như hiện nay, tôi thấy chẳng cần phải đọc thêm sách cũng tốt nghiệp như bình thường. Một số bạn có thể nghĩ mình phải đọc thêm cái này cái kia thì mới có tư duy tốt, xin được việc làm tốt, trở thành nhân viên/quản lý tốt.... nhưng số này ít.
Nói chung, sự hỗ trợ của Nhà nước với ngành xuất bản vẫn thấp. Vụ Quỹ xuất bản 300 tỷ đã nói từ lâu nhưng chưa thấy có dấu hiệu gì. Tôi nghĩ một năm Nhà nước chỉ cần hỗ trợ cho ngành xuất bản một vài trăm tỉ là bộ mặt sẽ rất khác, nhưng chưa làm được gì cả!
Anh có hy vọng gì mới từ Luật xuất bản sắp ra?
- Nguyễn Cảnh Bình: Tôi chưa đọc kỹ hết nhưng từ góc độ cá nhân tôi cho rằng tương đối tốt. Nhiều người có thể e ngại này kia, nhưng tự xã hội sẽ phải điều chỉnh thôi. Có thể nó chưa hoàn hảo, nhưng tôi thấy những người soạn thảo luật ở Cục xuất bản đã có một tư duy cởi mở, tiến bộ, dám làm. Tôi không đòi hỏi hơn.
Xin cảm ơn hai giám đốc!
Theo nguồn tin từ Cục xuất bản, "Quỹ hỗ trợ xuất bản" hiện nay chưa được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015