Đại biểu Quốc hội có nhất thiết phải am hiểu luật?
1. Nhiều người nghĩ rằng công tác lập pháp của chúng ta chất lượng chưa cao là do nhiều đại biểu Quốc hội - những người được giao trọng trách làm luật - không am hiểu lắm về luật. Không hiểu luật thì khó mà tranh luận, đóng góp ý kiến, rút cục là nhắm mắt ấn nút, bất chấp hậu quả dự án luật vừa được thông qua đó sau này ra sao. Đã thế cơ cấu đại biểu lại thường xuyên thay đổi, vừa mới quen việc đã phải rời chỗ. Vì thế cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các vị đại biểu * để nâng cao năng lực của họ.
Điều này thoạt nghe có vẻ đúng, nhưng nghĩ kỹ thì có lẽ không phải. Bởi nếu đúng thế thì đại biểu Quốc hội phải gồm toàn các luật gia chăng? Và khi đó mọi ứng cử viên đại biểu Quốc hội cũng đều phải là luật gia nốt!? Ngoài ra, là luật gia không thôi vẫn chưa đủ để tham gia tranh luận nội dung các điều luật, vốn đòi hỏi kiến thức chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Vậy chẳng lẽ đại biểu phải là siêu nhân, am tường mọi lĩnh vực hay sao?
Vấn đề có lẽ nên xem xét như sau. Đại biểu là người được dân bầu ra. Trong xã hội có nhiều nhóm cư dân với những lợi ích khác nhau, đôi khi trái ngược nhau. Họ đề cử các đại biểu của mình, và các đại biểu này có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của họ thông qua việc ra các chính sách, làm các bộ luật và giám sát việc thực thi các bộ luật đó.
Các đại biểu Quốc hội vì thế không nhất thiết là luật gia, mà trước hết phải là chính khách. Điều quan trọng nhất họ cần nắm được, đó là tâm tư, nguyện vọng của các cử tri đã tín nhiệm cử họ làm đại diện. Còn việc biến những cái đó thành chính sách, thành luật pháp như thế nào, thì đã có các luật sư, chuyên gia giúp sức. Họ chỉ là người phát ngôn trên Quốc hội mà thôi. Chứ nghị sĩ làm sao am hiểu hết mọi chuyện được: Am hiểu một lĩnh vực đã khó muốn chết! Điều đó không thể, mà cũng không cần thiết.
Nếu họ là người đưa ra sáng kiến lập pháp, các chuyên gia sẽ giúp họ thể hiện điều đó bằng điều luật cụ thể, ta hay gọi quá trình đó là “dịch” chính sách thành luật. Nếu họ ở tư thế người phản biện, các cố vấn sẽ mách cho họ biết phải tranh cãi điều khoản nào như thế nào. Chứ tự họ làm sao nghĩ ra được. Việc của họ là phát biểu trên Quốc hội sao cho hùng hồn, thuyết phục, lọt lỗ tai cử tri và các nghị sĩ khác.
2. Quan niệm cho rằng đại biểu Quốc hội của chúng ta đại diện cho quyền lợi của toàn dân, chứ không phải từng nhóm cư dân riêng rẽ, có lẽ đã đến lúc xem lại. Bởi điều đó không phù hợp với thực tế xã hội Việt Nam ngày nay. Một đại biểu được bầu ở TP HCM không đại diện cho cử tri cả nước đã đành, mà cũng không hẳn đại diện cho toàn bộ người dân thành phố. Đại biểu đó chỉ đại diện cho những người bỏ phiếu cho anh ta thôi. Ngay những người này nhiều khi có quyền lợi khác nhau hoặc thậm chí trái ngược nhau, chẳng hạn các nhà sản xuất và các nhà nhập khẩu làm sao có chung nguyện vọng đối với việc tăng, giảm thuế nhập khẩu được. Khi đó đại biểu phải hành xử như thế nào? Nếu đại biểu không biết rõ anh ta đứng về phía ai, thì làm sao có thể làm luật một cách tích cực đây?
Như thế để công tác làm luật được hoàn thiện thì trước hết có lẽ phải cải cách cơ cấu đại biểu. Cần tăng số đại biểu chuyên trách, hay gọi là nghị sĩ chuyên nghiệp cũng được, càng cao càng tốt. Đồng thời không nên có những nghị sĩ là quan chức trong cơ quan hành pháp: ai làm việc nấy, phân công cho rõ ràng. Cứ nhập nhằng như hiện nay khó làm việc lắm. Và mỗi nghị sĩ nhất thiết phải có bộ máy giúp việc gồm các luật sư, ngoài ra có thể tham vấn các chuyên gia trong từng lĩnh vực. Điều này chúng ta đã nói nhiều, nhưng chưa làm được mấy. Bởi nó liên quan đến việc cải cách toàn bộ hệ thống chính trị, chứ không riêng một bộ máy Quốc hội.
Bốn điều cần đổi mới 1. Trước tiên phải đổi mới phương pháp lãnh đạo của Đảng đối với QH, tạo ra một hành lang pháp lý rộng hơn nữa để QH hoạt động. Theo tôi, hiện nay chúng ta thực hiện qui trình ngược. Lẽ ra Ban Bí thư, Bộ Chính trị chỉ cần đề ra những định hướng, những chủ trương lớn trong các kỳ họp QH để QH họp trước, bàn bạc cho ra lẽ những vấn đề kinh tế, xã hội... Trên cơ sở đó, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành T.Ư Đảng có nghị quyết thì phù hợp với lòng dân hơn (hiện nay, Ban chấp hành trung ương có nghị quyết trước rồi mới đưa ra QH). 2. Về tổ chức, đại biểu QH phải là chuyên trách. Trước mắt chưa chuyên trách thì nên tăng cường thành phần trí thức, các nhà hoạt động chính trị, xã hội, cán bộ MTTQ và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội khác. Giảm bớt thành phần các quan chức như bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. 3. Tăng cường bộ máy của QH đủ sức giúp Ủy ban Thường vụ QH, các ủy ban chuyên môn, kể cả việc tăng cường đại biểu QH chuyên trách, đủ sức làm hai nhiệm vụ quan trọng: soạn thảo luật và giám sát việc thi hành pháp luật, đặc biệt là giám sát hoạt động của Chính phủ và các bộ. 4. Cần có phương thức tiếp xúc cử tri thường xuyên hơn nữa, tạo điều kiện cho cử tri có thể gặp đại biểu lúc cần thiết và nhất là làm sao việc giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt hiệu quả cao hơn, trả lời cho cử tri biết cụ thể trách nhiệm thuộc về ai và hướng giải quyết như thế nào. LÊ HIẾU ĐẰNG (phó chủ tịch MTTQ TP.HCM) |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu