Chủ nghĩa hiện sinh
Thưa tiến sĩ Adler,
Thuật ngữ “chủ nghĩa hiện sinh”làm tôi bối rối. Tôi hoàn toàn không hiểu các tác giả hiện sinh dùng từ “hiện sinh” như thế nào. Dường như nó có một ý nghĩa đặc biệt đối với họ. Và tất cả mọi loại người đều được gọi là “những người theo thuyết hiện sinh”, từ những người dễ bị tổn thương và sùng đạo nhất đến những kẻ la cà ở các quán rượu và cà phê vỉa hè. Vậy thì chủ nghĩa hiện sinh là gì? Ai là những triết gia hiện sinh hàng đầu? Loại tư tưởng này có nguồn cội từ đâu?
J.P.H.
J.P.H.thân mến,
Điều đầu tiên cần lưu ý về các triết gia hiện sinh là khi họ dùng từ “hiện sinh” họ muốn nói tới sự hiện tồn của con người.Họ không quan tâm gì đến sự tồn tại của những cái bàn và những cái ghế, những ngôi sao và các nguyên tử, hoặc nhiều vật thể khác. Chúng ta cũng phải lưu ý rằng khi đề cập đến sự hiện tồn của con người là họ muốn nói đến sự hiện hữu của từng cá thể đặc thù, chứ không phải tất cả loài người. Vấn đề của con người, trong cái nhìn của họ, là phải trở nên có ý thức đầy đủ về bản ngã chân thực của mình trong hoàn cảnh đặc thù mà hắn ta tìm thấy chính mình đang ở trong đó.
Vấn đề cơ bản này không thể giải quyết bằng tư duy thuần lý và những ý tưởng trừu tượng về bản chất con người. Những qui luật phổ quát và những khái niệm chung chung không thể minh giải nổi vấn đề của con người hoàn toàn độc đáo, cụ thể, đặc thù. Không có những tiền lệ hay cẩm nang hướng dẫn hắn trên con đường khó nhọc và đầy lo âu là trở thành chính mình. Các nhà tư tưởng hiện sinh cho rằng thông qua “công trình” này, với sự kinh hãi và khắc khoải của nó, con người có thể có được sự nhận thức sâu xa và chắc chắn về thực tại – cái mà các triết gia truyền thống gọi là “hữu thể” – hơn bất kỳ phân tích lý lẽ trừu tượng, riêng lẻ nào có thể mang lại. Chân lý chỉ có thể chiếm hữu được bởi nhà tư tưởng hiện sinh trong hoàn cảnh cá nhân của hắn, chứ không bởi tư duy khách quan tách rời với cuộc hiện sinh của nhà tư tưởng.
Sứ mệnh trở thành bản ngã của chính mình đòi hỏi sự quyết định, cam kết, “dấn thân”. Chính nhờ quyết định mà con người đạt tới sự hiện hữu tự thức, chứ không đơn thuần nhờ những lý tưởng cao vời hay những ý định tốt đẹp. Do dự là một tình trạng hư vô.
Thuyết hiện sinh hiện đại có một số những vị tiền hô xa xưa. Các lãnh tụ tôn giáo từ lâu đã nhấn mạnh sự biến đổi của hiện hữu cá nhân như là mối quan tâm hệ trọng của con người. Các triết gia như Socratesvà các nhà Khắc kỷ coi triết học chủ yếu như một lối sống hơn là một truy tầm tư biện thuần túy. Các nhà tư tưởng Cơ Đốc giáo như Augustinevà Pascalcó sự ý thức đầy băn khoăn về thân phận con người và nhấn mạnh vai trò cứu vớt của sự biến đổi và cam kết cá nhân. Sošren Kierkegaard, triết gia tôn giáo người Đan Mạch ở thế kỷ 19, là người khởi xướng thuyết hiện sinh hiện đại. Mối quan tâm chính yếu của ông thể hiện trên hai mặt: làm thế nào để trở nên bản ngã chân thực của chính mình, và làm thế nào để trở thành một tín hữu Cơ Đốc giáo. Ông cho rằng Chúa Trời được nhận biết chỉ nhờ thông qua niềm tin và sự tận hiến cá nhân Những mô tả dựa trên lý trí về Chúa Trời đều phi lý và không thích hợp. Tiêu chuẩn của chân lý là niềm đam mê mãnh liệt đến “yếu tính” của con người tìm kiếm nó. Không có chân lý khách quan, trừu tượng nào ngoài “sự chiếm hữu” của cá nhân.
Friedrich Nietzsche,triết gia Đức thế kỷ 19, là một cha đẻ khác của thuyết hiện sinh hiện đại. Ông nhìn con người hiện đại như một tạo vật suy đồi, không có tinh thần, và hao mòn sinh lực đang cố thoát ra khỏi thực tại khủng khiếp của thân phận mình bằng một thứ triết học nông cạn và một thứ tôn giáo an thần. Ông cho rằng sứ mệnh của con người là sáng tạo ra sự biến đổi của riêng mình thông qua ý chí cương quyết, khổ đau cá nhân, và sự trải nghiệm chiều sâu và đỉnh cao của cuộc nhân sinh. Ông phản đối triết học truyền thống như sự thỏa mãn hão huyền cho những nhu cầu tâm lý, và chống lại Cơ Đốc giáo như sự phủ nhận những giá trị của hiện hữu trần thế.
Hai kiểu thuyết hiện sinh này – tôn giáo và vô thần – được đạidiện bởi các nhà tư tưởng thời nay. Martin Buber(1), Gabriel Marcel, và Karl Jaspers là những người đề xướng thuyết hiện sinh lấy Thượng Đế làm trung tâm. Martin Heidegger(2), Jean Paul Sartre, và Albert Camus(3)là những nhà hiện sinh vô thần vô thần hoặc bất khả tri luận. Hai trường phái này có chỗ nhất trí là cùng quan tâm đến hiện hữu cá nhân như là phạm vi của chân lý nền tảng.
(1)Martin Buber(1878 – 1965): nhà thần học và triết gia người Do Thái sinh tại Áo. Ông là lãnh tụ tinh thần của người Do Thái sống ở Đức trước Thế Chiến II và trình bày triết học tôn giáo nhiều ảnh hưởng của ông trong tác phẩm nổi tiếng nhất I and Thou(“Ta và Ngươi”; 1922).
(2)Martin Heidegger(1889 – 1976): triết gia Đức. Ông là người có ảnh hưởng to lớn đối với hiện tượng luận và chủ nghĩa hiện sinh ở thế kỷ 20. Tác phẩm quan trọng nhất của ông là Sein und Zeit(“Hữu thể và Thời gian”; 1927).
(3)Albert Camus(1913 – 1960): tiểu thuyết gia, tiểu luận gia, kịch tác gia người Pháp sinh tại Algeria. Là tác giả của L’Étranger(“Kẻ xa lạ”; 1942) và La Peste(“Dịch hạch”; 1947), ông được trao giải Nobel văn chương vào năm 1957.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu