“Cơn đau đầu” của nhà báo Nga Dmitry Kosyrev

06:14 CH @ Thứ Sáu - 23 Tháng Năm, 2014

Ngày 19-5, Hãng thông tấn Nga RIA-Novosti đã cho đăng bài bình luận có tựa đề “Các thỏa thuận Nga - Trung tốt hơn tất cả mọi tuyên bố”...

Bài báo đưa ra những luận điểm sai trái về câu chuyện hiện nay ở biển Đông nên lập tức nhận những phản ứng gay gắt từ độc giả.

Tại Việt Nam, nhà báo Nguyễn Đăng Phát - tổng biên tập tạp chí Bạch Dương, tạp chí của Hội Hữu nghị Việt-Nga - đã bức xúc gửi cho Tuổi Trẻ bài báo chỉ ra những sai sót của bình luận viên chính trị Dmitry Kosyrev.

Không phải quan điểm của lãnh đạo Nga

Chiều 22-5, ông Evgeny Belov - tùy viên báo chí Đại sứ quán Nga tại Việt Nam - cho Tuổi Trẻ biết ông đã báo cáo cho đại sứ Andrey G. Kovtun về bài báo bình luận của RIA-Novosti. Sau khi xem xét nội dung, đại sứ cho biết mọi thông tin và bình luận trong bài báo thể hiện quan điểm cá nhân của người viết, hoàn toàn không phải là quan điểm chính thức của lãnh đạo nước Nga.
H.GIANG

Chuyến công du Trung Quốc hai ngày (20 và 21-5) của Tổng thống Nga Vladimir Putin thật sự thu hút sự quan tâm sâu rộng của dư luận quốc tế, kể cả ở Việt Nam.

Báo chí Nga và thế giới đăng tải hàng loạt bài phân tích ngay trước, trong và sau chuyến thăm mà cả Trung Quốc và Nga đều cho là “lịch sử” này.

Trong số đó, tôi chú ý đến bài của Dmitry Kosyrev, bình luận viên chính trị Hãng tin quốc tế Rossiya Segodnya (Nước Nga ngày nay) mà trước đây gọi là Hãng tin RIA-Novosti, được cập nhật lên website của hãng vào trưa 19-5.

Bình luận viên Dmitry Kosyrev làm báo đã khá lâu (từ năm 1979), từng là phóng viên thường trú ở Đông Nam Á, bình luận viên ngoại giao, trưởng ban quốc tế của mấy tờ báo lớn ở Nga và từ năm 2001 đến nay là bình luận viên chính trị của RIA, sau đó là Nước Nga ngày nay.

Chính mấy câu mào đầu bài báo của Dmitry Kosyrev đã khiến tôi lập tức chú ý khi lướt trên trang mạng của hãng tin quốc gia này.

Dmitry Kosyrev phỏng đoán liệu chủ đề “khủng hoảng Ukraine” sẽ được bàn thảo dưới góc độ nào trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin.

Với công việc của mình, thú thật là tôi cũng rất “khát” những phân tích của giới truyền thông quốc tế về tình hình Ukraine và hiển nhiên là không thể bỏ qua chuyến công du của nhà lãnh đạo Nga.

Ở đây tôi không bàn đến quan điểm của đồng nghiệp Dmitry Kosyrev về những vấn đề quốc tế chung, về quan hệ Nga - Mỹ, Nga - Trung hay về những diễn biến chính trị ở Ukraine.

Nhưng việc Dmitry Kosyrev dùng Việt Nam và Philippines để so sánh với Ukraine rồi coi đây là trường hợp “hầu như giống nhau” trong hai cặp quan hệ chẳng dính dáng gì với nhau là Nga - Ukraine, Trung Quốc - Việt Nam (Philippines), thậm chí rộng hơn nữa là quan hệ Nga - Mỹ, phương Tây và quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây đã khiến tôi từ chỗ ngạc nhiên, khó hiểu đã nổi giận, hết sức công phẫn trước những nhận xét định kiến, cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật của nhà báo Nga này.

Tác giả Dmitry Kosyrev cho rằng Mỹ và phương Tây muốn có một Ukraine láng giềng “làm khó” cho Liên bang Nga và tương tự như vậy, Mỹ và phương Tây muốn đẩy Việt Nam, Philippines đi đến chỗ “quấy phá” Trung Quốc.

Và dưới cái luận điểm chung đó, khi đi vào chi tiết, Dmitry Kosyrev cho rằng trường hợp Việt Nam đối với Trung Quốc cũng có những chuyện rất giống như Ukraine đối với Nga.


Bài báo của Dmitry Kosyrev bị nhiều bạn đọc phản ứng - Ảnh: Chụp lại từ trang web của ria.ru

Nhà báo này viện dẫn chuyện lãnh thổ thời xưa vốn của Nga, vốn của Trung Quốc mà giờ đây là ở hai nước láng giềng, chuyện ngôn ngữ, văn hóa...

Rất thô bạo, khi đề cập những diễn biến căng thẳng, nguy hiểm mới trên biển Đông mà ai cũng biết là do việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam gây ra, thì nhà bình luận Dmitry Kosyrev lại tung ra những lời lẽ không thể chấp nhận được rằng vị trí đặt giàn khoan chỉ cách bờ biển Trung Quốc 27km và cách bờ biển Việt Nam 241km!

Tôi thật sự không muốn nêu lại ở đây nhiều chi tiết sai trái từ bài báo của người đồng nghiệp ở Hãng tin quốc tế Nước Nga ngày nay (thực tế là gần đây hãng này đã được cải tổ từ RIA-Novosti để đảm đương nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại nặng nề hơn của Nhà nước Nga trong tình hình mới).

Có thể nói gì về những bình luận “độc đáo” của nhà báo này, vốn được đào tạo chính quy là một nhà sử học, nhà phương Đông học tại lò đào tạo của Đại học Tổng hợp Lomonosov?

Dường như Dmitry Kosyrev chỉ “nghiên cứu” tài liệu của một phía và có sẵn định kiến một chiều để “trình làng” những đánh giá nhầm lẫn, chủ quan của mình.

Ở phần đầu bài báo, có lẽ để tăng phần “hấp dẫn”, Dmitry Kosyrev đã dự báo rằng chủ đề Ukraine trong cuộc hội đàm tại Thượng Hải là một “bài toán đau đầu”.

Nhưng với những phân tích chủ quan, những so sánh khiên cưỡng, sai lệch của mình, có lẽ Dmitry Kosyrev đã khiến cho người đọc Nga đau đầu, rối trí hơn nữa.

Cũng may, theo quan sát của tôi, ở Nga có ít nhà bình luận như Dmitry Kosyrev.

Nguồn:Tuổi Trẻ
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Số phận tiêu biểu "soi gương" lịch sử Nga

    07/11/2010Olga Berggholz là một trong số những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của văn học Nga thế kỉ XX. Bên cạnh những vần thơ công dân, những trang thơ tình của bà có được sức sống lâu bền hơn cả. Thơ bà là tiếng nói của một tâm hồn phụ nữ nhạy cảm với trái tim nồng nàn yêu thương nhưng cũng luôn khắc khoải, lo âu trăn trở...
  • Nước Nga, 21 năm sau và một chàng kị sỹ đứng dậy

    06/11/2019Nguyễn Quang ThiềuNước Nga đã thay đổi như một giấc mộng. Ngày hệ thống các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, đã có không ít người Việt Nam ở lứa tuổi cha tôi khóc. Với họ, Liên Xô ngày ấy như một người anh em thăng trầm có nhau, như một chỗ dựa tinh thần vững chắc, như một niềm tin và như nơi chứa đựng những ký ức đẹp cho dù rất nhiều người trong số họ chưa hề đặt chân đến đất nước này.
  • Ghi chép về giàn khoan 981

    23/05/2014Chuyên gia Đỗ Thái BìnhCâu hỏi về tàu thuyền này nọ được đặt ra vào lúc chúng ta ngày càng phải giải quyết nhiều vấn đề từ biển cả...
  • Yêu nước có cần "ra điều kiện"

    21/05/2014Đặng Hoàng GiangYêu nước kiểu mới là xây dựng nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường và công nhận các hội đoàn dân sự: Trong thế giới văn minh ngày nay, lẽ phải và chân lý không còn là “sáng tạo” tùy tiện của kẻ mạnh, mà thuộc về các giá trị, các chuẩn mực, các mô hình lấy sự phát triển của con người làm trung tâm...
  • Những điều Lãnh đạo Việt Nam cần làm ngay

    12/05/2014Nguyễn Tất ThịnhTình hình trước sự việc Trung Quốc chủ động kế hoạch và lực lược hùng hậu cùng các âm mưu thâm hiểm, lâu dài toan tính trọn chiếm Biển Đông, đưa giàn khoan HD 981 vào sâu lãnh hải Việt Nam, hơn nữa có cả sự hiện diện của mãy bay quân sự và tàu chiến, không thể nói khác được, đó đã chính là hành vi xâm lược vào lãnh tổ một nước khác có chủ quyền được Luật pháp Quốc tế công nhận!
  • Khủng hoảng Ukraina, phản ứng của Nga và bài học chính trị cho các nước

    22/03/2014Nguyễn Tất ThịnhKhoảng hơn 5 năm gần đây, Thế giới chứng kiến những khủng hoảng chính trị ở nhiều quốc gia rải rác trên các châu lục. Hậu quả, sau những thiệt hại về người và của do tình trạng bạo động, bạo loạn nhất thời, thường dẫn đến những thay đổi tương đối căn bản về thể chế và Chính quyền ở những nước đó...
  • Nhà tiên tri Vanga dự đoán về thảm họa năm 2014

    15/03/2014Năm 2014, cả thế giới đối mặt với những căn bệnh mới khó chữa, nhân loại dần đối mặt với thảm họa tuyệt chủng là lời tiên tri khủng khiếp từ bà Vanga...
  • Những kịch bản tiếp theo cho cuộc can thiệp của Nga vào Ukraine

    04/03/2014Thanh TùngCăng thẳng trên bán đảo Crimea của Ukraine vẫn đang tăng nhiệt khi các binh sỹ Nga đã tiến vào đây, kiểm soát khu vực này. Theo các nhà phân tích, kịch bản Nga can thiệp vào Ukraine có thể cũng giống những gì từng xảy ra tại Gruzia...
  • Nước Nga giữa quá khứ và tương lai

    29/09/2010Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, người ta đã thấy rõ những mâu
    thuẫn trong tất cả các lĩnh vực đời sống XH Liên Xô. Trong mươi
    mười lăm năm cuối cùng, điều kiện bên trong và bên ngoài thay đổi từng
    giờ chứ không phải từng ngày nữa, nhu cầu bức thiết là phải đánh giá
    đúng tình hình và tìm phương pháp tiếp cận mới nhanh chóng. Nhưng giới lãnh đạo Liên Xô lúc đó lại có thái độ bảo thủ, tránh né
  • xem toàn bộ