Chủ nghĩa duy lý

03:52 CH @ Thứ Năm - 17 Tháng Chín, 2009

Nhà toán học, khoa học và triết học René Descartes là một người Công giáo, ít nhiều tham dự vào cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm giữa Công giáo và Tin lành tại Châu Âu vào đầu thế kỷ 17. Từ kinh nghiệm đau thương đó, ông hiểu được rằng sự khác biệt trong niềm tin tôn giáo đã gây tác hại chia rẽ con người đến mức nào. Qua cảm nhận và nhờ lối suy nghĩ khoa học, Descartes đi đến kết luận rằng chỉ có khả năng lý luận mới giúp được con người vượt qua và chấp nhận những khác biệt. [1]

Tất nhiên, những suy nghĩ của Descartes không mới mẻ gì, bởi cách đây hàng ngàn năm, nhiều nhà hiền triết hay lãnh đạo tôn giáo cũng đề cao sự giác ngộ, tỉnh thức khỏi cái mê muội, u tối của đầu óc. Nghĩa là, lý trí sẽ là lời giải, còn tràn ngập cảm xúc sẽ nhận chìm chứ không thể giải thoát nỗi đau của con người. Điểm khác biệt ở đây là Descartes tin tưởng gần như tuyệt đối vào sức mạnh của lý luận đối với sự giải thoát, và chính niềm tin vào lý luận như một phương tiện cốt yếu đạt đến mục đích đã thật sự giúp Descartes thành công trong những khám phá mang tính khoa học và triết học. Ngày nay, Descartes và Kant được xem là những người trụ cột tiên phong của trường phái duy lý (rationalism), xem lý luận là lời giải cho hầu hết mọi vấn đề, kể cả việc đi tìm sự thật, chân lý. Thí dụ, đối với Descartes, sự thật về toán học, về nhận thức luận (epistemology, tức triết học về nền tảng kiến thức), về bản thể luận (ontology, tức triết học về bản chất sự thật) và về vũ trụ luận (cosmology, tức triết học về nguồn gốc vũ trụ) có thể đạt được bằng (phương pháp) lý luận.

Những gì Descartes đạt được, tuy mang tính khai phá và nền tảng lúc đó, thật ra cũng chỉ lót những viên gạch đầu tiên cho sự hình thành chủ nghĩa duy lý sau này. Các nhà duy lý đưa lý luận lên một bậc nữa, cho rằng sự thật chỉ có thể đạt được bằng phương pháp duy lý, nghĩa là, muốn tìm sự thật thì phải ưu tiên hóa lý lẽ như là mục đích chứ không chỉ là phương tiện thôi.

Hiệp Ước Münster 1648, chấm dứt "chiến tranh 30 năm".

Chủ nghĩa duy lý bắt đầu như một hiện tượng trí thức, trong đó, giới ưu tú tích cực tham dự vào bài toán triết học, đi tìm sự thật về con người và vũ trụ, đi tìm những tư tưởng giải phóng con người khỏi sự u mê của chính trị và tôn giáo v.v… Nó chính là kết quả của cuộc chiến tranh 30 năm nói trên, tuy nguồn gốc của nó manh nha từ ngàn xưa. Nói cách khác, khát vọng tự do và sự thật đã hiện hữu từ khi con người biết vận dụng đầu óc để suy nghĩ. Tuy hai bên Công giáo và Tin lành đều muốn thương lượng và chấm dứt chiến tranh, cả hai phía đều không đồng ý với nhau về loại ngôn ngữ đầy tính tín ngưỡng đang được dùng. Sau cùng, họ đã tìm ra một loại siêu ngôn ngữ (meta-language) để nói chuyện với nhau, gọi là diễn ngôn trần tục (của) duy lý luận (the secular discourse of rationalism). Ở đây, ngôn ngữ là phương tiện diễn đạt tư tưởng, và lý luận là cách thức chuyển tải tư tưởng. Qua thời gian và vì thích hợp, và phần lớn nhờ sự thành công của khoa học, kỹ thuật và công nghiệp do tư tưởng và phương pháp luận mà nó góp phần hình thành, giáo sư Ralph Pettman cho rằng chủ nghĩa duy lý đã trở thành thứ diễn ngôn được toàn cầu hóa với các quyền lực và tính phổ quát thật hiếm thấy. [2]

Chính tư tưởng của Hobbes (cùng thời với Descartes), Locke cho đến các triết gia từ thế kỷ 18 trở đi như Montesquieu, Voltaire, Rousseau, Kant, Hegel, JS Mill…, thể hiện qua các tác phẩm triết lý, và nhất là cách diễn ngôn và lý luận của họ, đã đưa chủ nghĩa duy lý thành một nếp văn hóa tại Âu-Mỹ. Hầu hết các tác phẩm triết lý của họ là sự thể hiện thứ diễn ngôn nói trên. Sau này, nhiều quốc gia cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng của người Âu-Mỹ khi họ đi khắp nơi chiếm làm thuộc địa. Ngày nay, nó có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới, đặc biệt về kinh tế và chính trị. Ước đoán rằng hiện nay một phần ba thế giới thuộc văn hóa duy lý (rationalist culture), trong khi đó, hai phần ba còn lại vẫn chủ yếu thuộc văn hóa trung đại (premodern), tức vẫn chưa đề cao lý luận bao nhiêu, và nếu có thì cũng chỉ xem lý luận như là phương tiện chứ chưa phải mục đích. Sự suy nghĩ và hành động của con người trong văn hóa bất duy lý (non-rationlist culture) chịu ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo, của các đấng thiêng liêng, thần quyền, huyền bí… hơn tính trần tục. Trong khi đó, người ta vẫn tin vào tôn giáo hay thần quyền ở văn hóa duy lý (tuy ngày càng gia giảm) nhưng cân bằng lại và có khi áp đảo bằng cách vận dụng lý luận để bảo đảm tính hợp lý của mọi vấn đề. Xin nhớ rằng văn hóa duy lý không phải một sớm một chiều đến mà nó thật sự trải qua 300 đến 400 năm mới có hình dạng như ngày hôm nay. Nó thường được gọi là công trình hiện đại (modernist project), và tiến trình đưa đến kết quả này gọi là sự hình thành tính chất hiện đại (making modernity). Theo Pettman, chúng ta đang ở giữa công trình hiện đại này, chưa phải ở đoạn cuối, và sẽ còn nhiều khám phá trong vài trăm năm tới cũng như nhiều hệ luận mà nó gây ra bởi ông nhận ra được nhiều ưu điểm và nhược điểm (khiếm khuyết) của nền văn hóa này.

Chủ nghĩa duy lý thế kỷ 18 đã làm nền tảng cho thế giới hiện đại.

Cũng cần biết rằng, vào thời trung đại và trước đó, lý luận vẫn chỉ được xem là phương tiện mà thôi. Còn thời nay, tại các quốc gia tiên tiến (Âu-Mỹ), chủ nghĩa hiện đại - một thời bao nhiêu chủ nghĩa và lý thuyết được hình thành mà tất cả đều muốn tranh đua nhau để được nhìn nhận là phản ảnh chân lý - lại bị chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) phê bình, nhất là sự giới hạn của lý luận và các tham vọng đại tự sự (grand narratives) của nó. [3] Tuy nhiên, trong thời hiện đại (từ thế kỷ 18 đến 20 tại Âu Mỹ), lý luận đã trở thành không những phương tiện mà còn được xem là mục đích. Đây không phải là điều khó hiểu, bởi chính việc đề cao lý luận như mục đích đã đưa đến những thành quả vĩ đại mà những ai sống trong thế kỷ 18, 19 và cả nửa thế kỷ 20 chưa chắc đã hình dung nổi, thế nhưng ngày nay chúng ta đã tận mắt nhìn thấy trong mọi địa hạt. Nào là công nghiệp, khoa học kỹ thuật cũng như kho tàng kiến thức khả tín, đồ sộ và tối ưu về con người, y khoa, viễn thông, môi trường sống v.v... Nhiều lý thuyết hay tư tưởng về tự do trong lãnh vực chính trị, kinh tế từ Thời đại Khai sáng đến nay đã giúp giải phóng con người ra khỏi sự nô lệ, áp bức, kiềm kẹp của độc tài, phát xít, cộng sản, giáo điều hay mê tín dị đoan. Các nhà nước hiện đại, nền kinh tế thị trường, bao nhiêu triết học chính trị nảy sinh từ đây (Mác-xít, vô chính phủ, quốc gia, cộng sản, phát-xít, chủ nghĩa xã hội, nữ quyền luận, sinh thái học hay lý thuyết chính trị xanh…). Dân chủ đa nguyên, Liên hiệp quốc, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền v.v… cũng từ các tư tưởng (chính trị) giải phóng này mà ra. [4]

Trong khoa học chính trị, nghiên cứu, phân tích và phê bình các tư tưởng hay lý thuyết (triết học chính trị) là then chốt, bởi nếu không hiểu được các quan niệm nền tảng này, hay chỉ hiểu một chủ thuyết mà kết luận là sự thật tuyệt đối, hay chỉ hiểu một chủ thuyết mà gạt bỏ các tư tưởng khác vì thành kiến hay vì lười biếng, thì người ta chỉ có thể nhìn thấy một khía cạnh của vấn đề hay một phần của “sự thật” chứ không thể nhìn thấy toàn cảnh. Thêm vào đó, một mặt, tư tưởng và hành động của các lãnh đạo chính trị Âu-Mỹ chịu ảnh hưởng sâu sắc của các triết gia và triết học chính trị, mặt khác, các lý thuyết chính trị sau này cũng dựa vào thực tiễn chính trị để hình thành lý thuyết mới. Nói cách khác, lý thuyết, tư tưởng và hành động chính trị của Âu-Mỹ đi song hành với nhau cho nên lý thuyết được xem là phần quan yếu trong chính trị. Thế nhưng phần lớn các lý thuyết hay các loại diễn ngôn nào cũng cho rằng chỉ có nó mới phản ảnh sự thật hoàn toàn, tuy không nói thẳng ra như thế. Lý do là vì triết học (tức là học thuyết đi tìm sự thật, chân lý, hay nói về sự thông thái của chân thiện mỹ bằng phương pháp lý luận) thường được hiểu là không có và không thể đưa ra giả định nào cả, bởi giả định không bảo đảm sự khả tín của kiến thức. Do đó, các triết gia hiếm khi nào đưa ra giả định mà chủ yếu dùng phương pháp luận và dữ liệu nghiên cứu hay rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn để biện luận. Nó đã trở thành nền tảng chuẩn mực tại môi trường đại học, nhất là trong lãnh vực nhân văn, đặc biệt là với sinh viên đang làm luận án cao học hay tiến sĩ. Tuy thế, với cách suy nghĩ mang tính phê phán (critical thinking) của các trường phái hậu hiện đạihậu cấu trúc luận (poststructuralism), người ta đã nhận ra được nhiều giả định tiềm ẩn trong tất cả các văn bản triết học và người ta phê bình cả sự khả tín, khách quan và tham vọng của ngôn ngữ và đại tự sự của nền văn học và tư tưởng chính trị từ trước đến nay.

Nói cách khác, triết học hay lý thuyết (văn học, chính trị v.v…) là những loại diễn ngôn được khách quan hóa, không phải là diễn ngôn khách quan hoàn toàn phản ảnh sự thật như được nhìn nhận một thời trước đây. Thí dụ, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (10/12/1948) là sản phẩm của chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism), mà nền tảng của chủ nghĩa phóng khoáng, ngoài hai giá trị cốt lõi là tự do và bình đẳng, là chủ nghĩa cá nhân (individualism). Chủ nghĩa phóng khoáng và chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm của chủ nghĩa duy lý, tuy không nhất thiết đến từ Descartes, nhưng đưa lý luận thành mục đích, hơn cả phương tiện, như đã nói trên. Tựu chung, chủ nghĩa phóng khoáng dựa trên nhân tính (human nature, tức bản chất con người), [5] không coi nặng nhân dưỡng (human nurture, tức môi trường xã hội và cách nuôi dưỡng con người). Chủ nghĩa phóng khoáng khẳng định (dù không thể chứng minh) rằng mỗi cá nhân đều có quyền tự do và có quyền bình đẳng (equality of opportunity) trên thế gian này. Quan niệm về con người của trường phái phóng khoáng là một thực thể riêng biệt và tự do, biết lý luận và biết chọn lựa một cách hợp lý, muốn đạt được những gì tốt nhất cho mình, và hành động một cách độc lập đối với những ràng buộc xã hội (cựu Thủ tướng Anh Maggaret Thatcher từng phát biểu một câu nổi tiếng: không có cái gọi là xã hội). Hơn nữa, bản tính cá nhân không phải là hoàn toàn tốt, cũng không phải là xấu, chủ yếu là (biết) tính toán. Loại siêu ngôn ngữ hay diễn ngôn trần tục duy lý luận hay diễn ngôn khách quan hóa (objectifying discourse)của chủ nghĩa phóng khoáng và chủ nghĩa cá nhân được thể hiện khá rõ trong hầu hết 30 điều khoản của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền này. Hơn nữa, tự do, công bằng, dân chủ, đa nguyên, pháp trị và nhân quyền, các giá trị phổ quát hiện nay của nhân loại, cũng chính là giá trị nền tảng của chủ nghĩa phóng khoáng. Mặc dầu đạt được nhiều thành tựu đáng kể và đáng tự hào đối với nền văn minh nhân loại, không phải vì thế mà chủ nghĩa phóng khoáng hoàn toàn khách quan và chỉ nói hoàn toàn sự thật. Nó coi thường và, hơn nữa, đối nghịch với nhà nước, là điều chưa hẳn hoàn toàn tiêu cực, nhưng nếu đi đến một xã hội đầy những cá nhân chỉ lo nghĩ đến quyền và lợi của mình trước, để rồi trở thành tính toán, ích kỷ hay cực đoan thì không thể là điều tích cực được. Hơn nữa, cá nhân là gì nếu không được sự nuôi dưỡng, nâng đỡ, đùm bọc và hướng dẫn bởi gia đình, cộng đồng, xã hội hay môi trường sống chung quanh. Một môi trường sống lành mạnh, văn minh, tích cực và nhân bản thì sẽ giúp cho mọi cá nhân đó được hưởng những hoa thơm quả ngọt của môi trường đó. Còn nếu cá nhân nào đó không may mắn sinh ra trong một môi trường mà hoàn cảnh vật chất thì nghèo túng, không thể cắp sách đến trường, còn xã hội thì bất an, bất lực, bất tình và bất xứng đến độ cha mẹ phải bán con cho các ổ dâm hay chính trẻ em vị thành niên lại bị kẻ buôn bán người đưa vào các chỗ đó, thì coi như cả cuộc đời cá nhân đó bị tan nát. Cho nên chủ nghĩa phóng khoáng bị phê phán nặng nề ở chỗ đề cao cá nhân hơn là cộng đồng, xã hội.

Bên cạnh các chủ thuyết chính trị có nền tảng dựa trên giả định về nhân tính thì các chủ thuyết dựa trên giả định về nhân dưỡng cũng có tầm ảnh hưởng chính trị toàn cầu vào thế kỷ 19, đặc biệt là sau cách mạng tháng 10 Nga, và nhất là trong thời kỳ chiến tranh lạnh (đối đầu với chủ nghĩa phóng khoáng), thí dụ như chủ thuyết cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản dựa trên chủ nghĩa Mác-xít, được đóng góp bởi Ăng-ghen, được bổ sung đáng kể bởi Lênin, có thêm thắc tư tưởng của Stalin và Mao nhưng không thật sự đáng kể (Hồ Chí Minh thì xem như không có tư tưởng gì bổ túc vào chủ thuyết này tuy các lý thuyết gia của Đảng Cộng sản Việt Nam cố xây dựng cho ông một thứ tư tưởng riêng). Có thời người ta tin một cách tuyệt đối vào triết học chính trị này hay loại diễn ngôn của nó. Trong Tuyên ngôn Cộng sản (the Communist Manifesto, 1848),[6] Mác và Ăng-ghen cho rằng chế độ tư bản là sự tiếp nối của chế độ phong kiến, cho dù nó tiến bộ (và cách mạng) rất nhiều so với chế độ phong kiến, nhưng vẫn chưa rũ bỏ được tính phân biệt giai cấp. Các nhà Mác-xít nhìn chính trị thế giới vào lúc đó (cũng như bây giờ) chủ yếu là tư bản qua hình thức sản xuất (mode of production) mà nó chiếm ưu thế. Thêm vào đó, chủ nghĩa duy vật, nền tảng tư tưởng của Mác, nhấn mạnh rằng hành động của con người là do môi trường vật chất uốn nắn. Họ quan niệm rằng các phương tiện sản xuất của tư bản khai thác kỹ thuật hiện đại và thị trường toàn cầu để thâu tóm quyền lợi vào trong tay một thiểu số nên nó mang đầy tích bóc lột. Nghĩa là phương tiện sản xuất trở thành tài sản sở hữu của một nhóm thiểu số. Do đó, tuyên ngôn cộng sản quả quyết rằng cuộc chiến đấu quyết liệt giữa những người sở hữu và quản lý các phương tiện sản xuất (giai cấp tư sản) và những người bán sức lao động của mình để đổi lấy đồng lương (giai cấp vô sản) là tất yếu, mà kết quả sau cùng, Mác và Ăng-ghen khẳng định rằng giai cấp vô sản sẽ toàn thắng. Nói cách khác, các nhà Mác-xít cổ điển quan niệm về hoạt động và quan hệ chính trị chủ yếu là do ảnh hưởng của vật chất, trong đó phương tiện và kỹ thuật sản xuất không chỉ là yếu tố quyết định mà còn là kết quả đưa đến những thay đổi quan trọng trong quan hệ xã hội. [7]

Nói tóm lại, chủ nghĩa Mác-xít quan niệm rằng môi trường vật chất quyết định tính cách hành động của con người trong xã hội, kinh tế và chính trị. Vì thế cho nên con người hành động chủ yếu do môi trường sống ảnh hưởng và định đoạt, trong đó, yếu tố vật chất là then chốt. Tuy nhiên, không phải trường phái nhân dưỡng nào cũng tán thành duy vật biện chứng của Mác. Ngược lại trường phái Mác-xít, chủ nghĩa tinh thần (mentalism) thì nhấn mạnh rằng con người hành xử do ảnh hưởng bởi tính chất tinh thần của môi trường xung quanh, thí dụ như ý tưởng, giá trị và ước vọng là nền tảng của các hoạt động chính trị hay tranh chấp quyền lực hiện nay. Xu hướng này còn được gọi là Cấu trúc luận (Constructivism) trong chính trị thế giới hiện tại. Gần đây, các nhà tân Mác-xít hay siêu Mác-xít quan niệm rằng cách hành xử của con người chịu ảnh hưởng bởi cả hai mặt: tinh thần và vật chất.

Eleanor Roosevelt xem một ấn bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, đầu năm 1949.

Trên thực tế, tư tưởng và hành động chính trị của con người chịu ảnh hưởng bởi cả hai yếu tố: nhân tính và nhân dưỡng; không phải chỉ một, và không phải là vấn đề nhân tính đối (nghịch hay thuận) với nhân dưỡng. Hơn nữa, con người còn chịu ảnh hưởng bởi niềm tin tôn giáo, các quyền lực huyền bí, các thế lực vô hình hay siêu hình, mà các giá trị này tiềm ẩn cả hàng ngàn năm trước đây, đặc biệt trong các nền văn hóa bất duy lý. Do đó, sự thật (the truth) mang tính triết học trong chính trị, cho đến nay, vẫn là một nghi vấn rất lớn. Như có nói ở trên, tất cả các trường phái, khuynh hướng chính trị đều tự tin cho mình là chỉ nói lên sự thật, nhưng một số lý thuyết phê bình chính trị (và văn học) thời nay đều bác bỏ các giả định này. Nói tóm lại, con người phức tạp hơn tất cả các triết học chính trị đã hình thành. Điều đáng để ý là trên thế gian này có gần 6.5 tỷ người hiện nay, nhưng rất khó tìm được hai người hoàn toàn giống nhau, từ thể xác đến suy nghĩ và hành động, kể cả anh em song sinh, kể cả môi trường sống giống nhau gần như hoàn toàn. Cho nên một số chủ thuyết chính trị (hay kinh tế, xã hội, tâm lý v.v…) có thể thích hợp hay là chân lý của người này nhưng chưa hẳn đã là thích hợp hay chân lý cho người khác. Do đó, tính đa dạng của con người nên được xem là sự phong phú và giá trị cho đời sống thay vì chỉ là phức tạp hay tiêu cực. Tuy nhiên, các lý thuyết gia và nhất là các chính trị gia không muốn đối phó với những vấn đề quá phức tạp nên họ thường đơn giản hóa hoặc loại bỏ những yếu tố dù hệ trọng nhưng chỉ ảnh hưởng đến phần nhỏ dân số. Đây là cái giá phải trả cho hầu hết mọi chính sách chính trị hiện tại, ngay cả đối với các nước tiền tiến, còn người dân trong các chính thể độc tài thì phải trả giá đắt gấp nhiều lần.

Các nhà kinh tế gia Adam Smith, John Meynard Keynes và Milton Friedman.

Trở lại chủ nghĩa duy lý, thành quả nó đem lại, riêng về mặt chính trị, là các tư tưởng mang tính giải phóng nở rộ vào thế kỷ 18 đến nay, biến các khát vọng về tự do, công bằng, dân chủ, dân quyền, nhân quyền, công lý, đa nguyên, pháp trị v.v… thành hiện thực. Tất nhiên, về mặt tiêu cực thì cũng không thiếu, nào là chủ nghĩa cộng sản Mác-Lê, phát-xít, đưa đến chiến tranh thế giới huỷ diệt bao nhiêu người và sự thù nghịch quá lớn giữa con người với nhau. Về mặt kinh tế, các quốc gia có nền tảng chính trị dựa vào chủ nghĩa phóng khoáng nói riêng (tức dân chủ phóng khoáng), chủ nghĩa duy lý nói chung, có phẩm chất sống (từ vật chất đến tinh thần đến văn hóa) cao nhất thế giới. Trên địa hạt chính trị - kinh tế, hiện thân của chủ nghĩa (tân) phóng khoáng hiện nay là kinh tế thị trường, là GATT, WTO, là sự thực hiện các tư tưởng của Adam Smith, John Maynard Keynes, Milton Friedman v.v… Những thành quả mà chủ nghĩa duy lý đạt được cho đến nay đã áp đảo nền kinh tế và chính trị thế giới, đưa nó vào trung tâm điểm, và đẩy những ai không muốn hay không biết luật chơi của nó ra ngoài vòng biên. Việt Nam, sau bao nhiêu năm đóng cửa hay bế quan tỏa cảng, rốt cuộc cũng phải hội nhập nền kinh tế thế giới, và sau bao nhiêu nỗ lực thì cũng đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào đầu năm nay. Các thành quả về mặt khoa học kỹ thuật, nhân văn, và có lẽ về mọi mặt đời sống, nhất là của Âu-Mỹ và Nhật đã luôn đi hàng đầu, đem lại những kết quả khai phóng, và lại được củng cố, tăng cường nhờ sức mạnh kinh tế, chính trị, văn hóa… Nhưng trên hết, nhờ sức mạnh tư tưởng. Chính nhờ đầu óc tính toán một cách duy lý như thế nên người ta có tầm nhìn sâu sắc bởi các sách lược hay chiến lược luôn tính những bước đi lâu dài, tránh những hậu quả ngắn hạn hay thiển cận… Các chính sách chính trị hiện nay, nhất là tại quốc gia tiên tiến hàng đầu, được hình thành chủ yếu dựa trên nền tảng duy lý luận.

Một cách tổng quát, hầu hết các lý thuyết chính trị xuất hiện ở Âu-Mỹ từ thế kỷ 17 đến nay đều dựa trên nền tảng hay nguồn gốc của chủ nghĩa duy lý. Nhưng không có nghĩa là nó hoàn toàn tốt và không có khuyết điểm. Gần 250 năm qua, chủ nghĩa phóng khoáng chiếm vị thế áp đảo, đến khi cách mạng tháng 10 Nga thành công thì chủ nghĩa cộng sản trở thành đối thủ, và trở thành đối thủ nặng ký nhất trong chiến tranh lạnh mãi cho đến khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ năm 1991. Các chủ thuyết một thời bị đẩy ra vòng biên như lý thuyết chính trị xanh, nữ quyền luận và chủ nghĩa hậu thực dân, ngày nay trở thành điểm nóng trong chính trị thế giới. Đặc biệt vấn đề giải thực đã chứng minh là vô cùng nhức nhối bởi những hậu quả thực dân gây ra tại các nước thuộc địa cho thấy rất là khốc liệt; nữ quyền ở nhiều nơi vẫn chưa có, vấn đề buôn bán phụ nữ làm mãi dâm, vấn đề hành hung và bạo hành trong gia đình, và sự phân biệt đối xử trong xã hội v.v… chỉ được giải quyết phần lớn trong các thể chế dân chủ nhưng vẫn còn tồn đọng trên thế giới. Môi trường sống đã bị hủy hoại trầm trọng, tại các nước nghèo lẫn các nước giàu. Nền kỹ nghệ hiện đại chưa hẳn đã là lời giải cho nhân loại bởi khi lạm dụng nó quá mức thì vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần vào việc làm nóng toàn cầu (global warming).Thay đổi khí hậu (climate change) đã trở thành một vấn đề quan tâm không những của khoa học gia mà còn là vấn đề quan yếu của giới chính trị, nhất là đối với các chính sách quốc gia. Quả thật, nếu không có một môi trường sống bền vững để cho nhân loại và con cháu của chúng ta thụ hưởng thì mọi chủ thuyết chính trị hay sức mạnh kinh tế, quân sự nào cũng không còn ý nghĩa bao nhiêu. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên bắt đầu đối xử với thiên nhiên và những người chung quanh một cách tử tế hơn và công bằng hơn.

Chủ nghĩa duy lý đã trở thành nền tảng của triết học chính trị tại Âu-Mỹ từ đầu thế kỷ 17 đến nay và ngày nay đã đượctoàn cầu hóa,trở thành thứ diễn ngôn trần tục duy lý luận. Nó là nền tảng của chủ nghĩa hiện đại, do đó, chủ trương “hiện đại hóa” mà chúng ta nghe thấy quen chính là tinh thần và linh hồn của nó. Với những thành tựu vĩ đại mà nó đạt được, ai mà không muốn học hỏi cái tinh thần này. Nhật Bản đã học hỏi rất kỹ lưỡng phương pháp của Âu-Mỹ, tức chủ nghĩa duy lý, và chỉ mất 30 năm để từ một nước thuần nông nghiệp trở thành một cường quốc công nghiệp (xin mở ngoặc ở đây để nhấn mạnh rằng văn hóa và truyền thống Nhật vốn rất hữu lý – “rational” cho nên Nhật tiếp thu văn hóa và cách thức của Âu-Mỹ rất nhanh. Nhật đã đánh thắng hai cường quốc lớn hơn mình nhiều lần là Trung Hoa vào năm 1894-1895, Nga vào năm 1904-1905, làm nức lòng các chí sĩ cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.)

Theo giáo sư Ralph Pettman, “chủ nghĩa duy lý là một cách đặc biệt để biết và hiểu, và đòi hỏi một cách đặc biệt để trở thành”. Nghĩa là, muốn thẩm thấu và khai dụng nó đòi hỏi một lối suy nghĩ và một cung cách đặc biệt. Một cách tóm gọn, đây là một phương pháp được khách quan hóa mà trên hết đòi chính xã hội (văn hóa) đó phải chấp nhận và cấu tạo ra những con người cảm nhận rõ về cái tôi của mình. Nói cách khác, chỉ có người nào không còn bị dính liền với bối cảnh xã hội, và suy nghĩ của họ không còn bị quyết định chủ yếu bởi hoàn cảnh xã hội, thì mới đạt được một khoảng cách tinh thần (mental distance) cần thiết để duy trì được tính cách vô tư (độc lập, tách rời) thuần duy lý được. Điều này không dễ bởi hầu hết chúng ta đều chịu ảnh hưởng bởi xã hội chung quanh. Muốn đạt được khoảng cách tinh thần như thế thì phải luyện tập được khả năng nhìn sự việc ở khoảng cách tinh thần bằng cách tách rời xã hội và đứng từ trên cao nhìn xuống xã hội để không bị những cảm xúc chi phối và để nhìn sự việc cho đúng nó diễn ra. [8]

Binh sỹ Nga đầu hàng quân đội Nhật tại Port Arthur, 1905.

Chủ nghĩa duy lý cũng tạo sự nhị phân, căn bản nhất là sự phân tách giữa trí óc và thể xác, lý luận và cảm xúc. Nhờ khả năng phân chia hay tách rời này mà học thuyết nhân quyền (Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền) trở thành diễn ngôn được chấp nhận khắp nơi (dù nhiều nơi vẫn chà đạp lên nó). Bởi khi chúng ta có thể tách rời trí óc khỏi thể xác (Mind and Body)để từ đó có thể nhìn thế giới, và nhìn lại mình, từ một khoảng cách tinh thần. Điều này có thể dễ cho những ai sống trong nền văn hóa Âu-Mỹ được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa duy lý, được giáo dục một cách có hệ thống về sự tách rời, cách biệt, khả năng tự quyết, hay nói chung là những chủ thể được khách quan hóa. Làm được như thế, chúng ta có thể để đầu óc tự do tách khỏi thân thể mình, để tầm nhìn của chúng ta vượt xa, vượt khỏi khuôn khổ gia đình, cộng đồng, đất nước, và như thế mới nhìn thấy được những con người khác, tuy khác bản sắc văn hóa với mình, nhưng vẫn là những con người đúng nghĩa và xứng đáng được đối xử một cách nhân bản. Và khi nào chúng ta làm được như thế thì rất dễ nhận diện ra được chính bản thân mình từ chủ điểm khách quan. Từ đó chúng ta dễ suy luận về vấn đề nhân quyền hơn.

Tuy nhiên, nhờ những thành tựu to lớn mà nó đã (đang và sẽ tiếp tục) đạt được như đã nói trên, và qua thời gian, chủ nghĩa duy lý trở thành nếp sống, nếp suy nghĩ, hay nói chung là nếp văn hóa của Âu-Mỹ trước đây và nhiều nơi khác sau này. Các triết gia trong văn học, chính trị tại các viện nghiên cứu hay các trường đại học lý luận, tranh luận hay phê bình nhau bằng các loại siêu diễn ngôn duy lý luận, tạo thành một thứ siêu xã hội của loại trí óc như thế. Chính nhờ khả năng của văn hóa Âu-Mỹ nên mới cấu tạo hay uốn nắn được toàn thể các cá nhân xã hội (social individuals) thành những chủ thể được cá nhân hoá, và qua đó, tiến trình khách quan hóa trở thành hiện thực.

Tiến trình này đã được hướng dẫn từ nhỏ, tức từ khi đứa bé mới lọt lòng mẹ (kể cả những giả định của nó, thí dụ như về con người, được xem là sự thật). Một đứa bé sau khi sinh ra và được vệ sinh sạch sẽ, nếu ở Châu Á như Việt Nam chẳng hạn, thì hiển nhiên sẽ được nằm bên mẹ hay nằm trong một cái nôi bên cạnh giường mẹ, và khi khóc thì thường được mẹ ẵm hay ôm vào lòng dỗ ngọt. Tuy nhiên, đối với văn hóa Âu-Mỹ, đứa bé sẽ được đưa vào phòng riêng, và những tiếng khóc đầu tiên sẽ không được vỗ về giống như kiểu Á Đông, và qua thời gian, đứa bé sẽ tự biết rằng nó phải học cách sống độc lập. Khi lên năm lên sáu cho đến tuổi 18, đứa bé cắp sách đến trường, và ở trong lớp, những gì không hiểu nó được quyền hỏi; những điều suy nghĩ nó được quyền phát biểu; và cũng có những lúc, nó phản đối thầy cô về các vấn đề xã hội hay chính trị… mà không bị trừng phạt vì nó biết nó có quyền và quyền đó được bảo đảm. Trong khi đó, đối với Á Đông nói chung, học sinh dưới 18 tuổi (và có khi lớn hơn) dễ dàng bị trừng phạt chỉ vì đặt câu hỏi, có khi rất bình thường chứ không hẳn mang tính thách đố, đối với thầy cô.

Trong vòng nửa thế kỷ qua, quyền của trẻ em nói riêng, và quyền của con người nói chung (Nhân quyền và Dân quyền) được hầu hết các quốc gia và Liên hiệp quốc công nhận (nhưng chỉ có một số tôn trọng), và được các nước tiên tiến biến thành luật quốc gia hẳn hoi để thi hành. Nếu có bạo hành hay hành vi bất chính (không phải là giáo dục) trong gia đình thì đứa bé sẽ được chính quyền và luật pháp bảo vệ. Đến tuổi 18 hay 21 tuổi, đa số lứa tuổi thanh niên này được khuyến khích là bắt đầu cuộc sống độc lập, dù lúc đó chưa lập gia đình. Trên 18 tuổi, cha mẹ hầu như không còn quyền hành gì với con cái, nếu có chủ yếu là về mặt tinh thần hay tự nguyện mà thôi. Cũng vì thế nên càng đưa chủ nghĩa duy lý đi xa thì các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền, dân quyền v.v… sẽ đạt được ở nơi đó, nhưng đồng thời, tính cá nhân tiêu cực cùng lúc nảy nở, phát huy; giá trị gia đình thì bị coi nhẹ và gia đình thì bị phân mảnh; sự gắn bó, đùm bọc trong xã hội cũng bị suy giảm.

Cho nên, câu hỏi cần đặt ra là: làm sao khai dụng chủ nghĩa duy lý, tức mức độ áp dụng vào đời sống phải như thế nào, để phục vụ tối hảo cho con người, để hiện đại hóa đất nước, để xây dựng tự do, dân chủ và nhân quyền đúng nghĩa cho Việt Nam? Đặc biệt đối với Việt Nam, một nền văn hóa hình như chưa bao giờ đề cao lý luận và tính (chủ nghĩa) cá nhân mà luôn xem tập thể hay cộng đồng là cao nhất (nhưng rồi luôn có một vài cá nhân lại đứng trên cộng đồng hay xã hội nhân danh tập thể đó), thì triết học chính trị nào sẽ thích hợp?

Ralph Pettman - Giáo sư chính trị học của đại học Melbourne

Đây là một câu hỏi lớn và quan trọng, cần sự động não và động tâm, như nhiều người đã đề cập mới đây. 100 năm về trước, cụ Phan Chu Trinh đã nhìn ra được rất nhiều vấn đề nhức nhối của dân tộc, nhưng tư tưởng của cụ đi trước xã hội Việt Nam quá xa, nhất là dân trí Việt Nam còn quá thấp kém để công cuộc duy tân thành công. Dù sao, điểm khởi động quan trọng cho tiến trình “hiện đại hoá” này là sự đề cao lý luận, không cần phải giống Âu-Mỹ đề cao lý luận như là mục đích, mà cần phải đề cao lý luận như là phương tiện để tìm sự đồng thuận, và dù không đồng thuận cũng đồng ý là không thể đồng ý với nhau (agree to disagree). Nếu các thành phần trí thức Việt Nam không làm được như thế thì chẳng thể nào chúng ta xây dựng được một văn hóa có khả năng khai dụng sức mạnh của lý luận cho mọi mặt đời sống. Đụng đến cái gì cũng bị cho là cấm kỵ, rồi lạm dụng các mớ từ “truyền thống, văn hóa dân tộc”, dù đó là thứ truyền thống hay văn hóa hủ lậu, phản khoa học, đa phần chỉ làm cho con người ta suy nghĩ giáo điều, nô lệ, cứng nhắc mà thôi. Vào thời đại này, không có tư tưởng hay hiểu biết về triết học chính trị thì giới lãnh đạo chính trị cũng giải quyết được những vấn đề ở tầm thấp và gần, và sẽ chỉ loay hoay để rồi đụng phải các bức tường chung quanh đối với các vấn đề ở tầm cao và xa.

Trần Trọng Kim (1883-1953), thủ tướng của Đế quốc Việt Nam (1945).

Phải hiểu rằng chủ nghĩa duy lý là sự nâng cao lý luận không chỉ là phương tiện mà còn là mục đích. Do đó, trong chính trị và có lẽ trong mọi mặt xã hội, nhất là xã hội Âu-Mỹ, những gì được xem là có lý, hợp lý hay khoa học, khách quan cũng tương đương gần như sự thật, tức là giá trị cần phải cố gắng đạt được. Với quan niệm như thế, lý luận trở thành nền tảng của mọi cuộc tranh luận hay phê bình chính trị. Do đó, trong quốc hội hay trong “chính trường”, người Âu-Mỹ tranh luận có khi rất gay gắt và hùng hổ, nhưng hơn thua nhau ở chỗ lý luận nào sắc bén nhất hay thuyết phục nhất chứ không phải vì người nào dễ thương, hiền lành, vai vế hay tuổi tác lớn hơn v.v… Trong chính trị, mọi đối thủ nên được đứng trên sân chơi bình đẳng, và tư tưởng, tầm nhìn, khả năng hùng biện, lãnh đạo v.v… nên được xem là yếu tố quan trọng. Hơn nữa, trong chính trị không hề có sự thật hoàn toàn, chỉ có loại sự thật tương đối. Nhưng ngay cả đối với sự thật tương đối, nó chỉ có thể đạt được nếu con người có quyền tự do tư tưởng, thông tin và ngôn luận và các quyền công dân khác để trình bày, phản bác và bảo vệ ý tưởng hay sự kiện nào đó. Tranh luận công khai, minh bạch và thẳng thắn sẽ giúp cho các phía tranh luận sáng tỏ thêm vấn đề, và cũng giúp cho người dân nhìn rõ hơn, chứ không phải rõ hoàn toàn, về lý luận và động cơ chính trị của các khuynh hướng khác nhau. Rất tiếc, hầu hết các cuộc tranh cãi chính trị của Việt Nam từ lâu nay có thể nói rất là tèm nhem, vừa thiếu lý luận lại vừa thiếu dữ kiện, nhưng dư thừa các luận điệu vu khống, bôi nhọ, chụp mũ và chủ yếu tấn công vào cá nhân. Do đó, qua bao nhiêu cuộc tranh luận chính trị, hầu như chẳng có bao nhiêu được làm sáng tỏ hơn mà có khi còn làm thêm vẩn đục và rối mù.

Cụ Phan Châu Trinh

Là những người đi sau, chúng ta may mắn học hỏi được những thành công cũng như thất bại của bao nhiêu dân tộc đi trước, nhất là của người Âu-Mỹ và Nhật Bản. Để bắt đầu hành trình duy tân, chúng ta cần nỗ lực xây dựng cho được văn hóa tranh luận (và chấp nhận khác biệt), nếu không thì không thể xây dựng dân chủ. 100 năm trước đây, cụ Phan Chu Trinh lúc đi diễn thuyết đã tranh luận rất thẳng thắn với các nhà cách mạng khác, nhờ đó mà tạo được sự đồng thuận lớn trong phong trào duy tân. Thời cuối thập niên 1920, đầu 1930, cụ Phan Khôi tranh luận cũng rất gay gắt với cụ Trần Trọng Kim hay cụ Phạm Quỳnh nhưng cũng ở mức độ chừng mực và tương kính. Hiện nay, các cuộc tranh luận đã bớt đi rất nhiều, có lẽ vì không khí tranh luận đã bị vẩn đục quá nên chẳng còn mấy ai muốn hay dám tham gia nữa. Vì thiếu tranh luận chính trị nên thường được tưởng là đã đồng ý hay chấp nhận nhau nhưng thật ra khi đi sâu vào từng vấn đề thì mới vỡ lẽ là không đồng ý hoặc cần thời gian vì chưa bao giờ nghĩ đến. Hơn nữa, nếu không có tranh luận chính trị thì sự đồng thuận không thể nào đạt được, nếu có cũng chỉ ở tầm nhỏ mang tích cục bộ, do đó sự áp đặt là điều tất yếu xảy ra. Khi xảy ra thì sự đụng chạm sẽ rất lớn, không còn là tranh luận mà chủ yếu là tranh thắng, chưa kể những sự quá khích hay cực đoan có thể đưa đến những hậu quả tai hại khó lường.

Cũng vì thế nên các phong trào dân chủ cần nỗ lực xây dựng văn hóa tranh luận, [9] đặc biệt phải xem lý luận là quan yếu, vì nếu chưa thể tranh luận nhau thẳng thắn và minh bạch về mọi vấn đề cũng có nghĩa là chưa tôn trọng quyền tự do thông tin ngôn luận của nhau, thì làm sao có thể xây dựng dân chủ tại Việt Nam? Đây là bước căn bản nhưng vô cùng cần thiết để xây dựng nền tảng cho việc vận dụng chủ nghĩa duy lý vào công cuộc canh tân chính trị, kinh tế, giáo dục nói riêng và mọi mặt xã hội và văn hóa Việt Nam nói chung. Tất nhiên, chúng ta cũng nên học hỏi từ người Nhật rằng mọi tín ngưỡng, triết học, chính trị, lý luận v.v… cũng chỉ là phương tiện để phục vụ con người, không phải là mục đích tối hậu.

Melbourne 12/7/2007


[1] Ralph Pettman, Commonsense constructivism, or the making of world affairs, Nhà xuất bản M E Sharpe, New York, 2000, Chương 2, “Making modernity”, trang 86.

[2] Xin đọc bài của giáo sư Ralph Pettman, “World Politics: an overview”, (Unpub.), 2007, trang 15.

[3] Xin đọc các tác phẩm của Nguyễn Hưng Quốc, nhà phê bình văn học duy nhất đi sâu vào lý thuyết phê bình và lý luận văn học một cách hệ thống và sâu rộng. Nguyễn Hưng Quốc (2000), Văn học Việt Nam từ điểm nhìn hậu hiện đại, Nhà xuất bản Văn Nghệ; Nguyễn Hưng Quốc (2001), ‘Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại và Văn Học Việt Nam’, tập san văn học Việt, số 7, trang 240-263; Nguyễn Hưng Quốc (2007), Mấy vấn đề lý thuyết và phê bình văn học, nhà xuất bản Văn Mới, trang 283-318.

[4] Tất nhiên, như chúng ta đã thấy, không hẳn thành tựu nào của chủ nghĩa duy lý cũng tốt cho nhân loại, cho nên hoà bình hay mang lại hạnh phúc cho con người. Nhiều lý thuyết phê bình chính trị thế giới hiện nay đã phê bình nặng nề những giới hạn và tác hại của chủ nghĩa duy lý, nhưng không phải là trọng tâm của bài này. Hy vọng sẽ có dịp trở lại đề tài này trong tương lai gần.

[5]“Nhân chi sơ tính bản thiện” của Khổng giáo có thể được xem là quan niệm của một trường phái quan trọng trong chính trị học thuộc phái nhân tính.

[6] Xin đọc “The Communist Manifesto” của Karl Marx và Frederick Engels, Selected Works, nhà xuất bản Progess Publishers, Moscow, 1970, trang 35-63.

[7] Ralph Pettman, “World Politics: an overview”, (Unpub.), 2007, trang 10-15.

[8] Tuy nhiên, những gì được xem là sự thật qua cách này chẳng qua là một sự thật được khách quan hoá. Không có gì là khách quan hoàn toàn bởi rằng không ai, ngoại trừ các vị thánh, có thể tách rời để đứng hoàn toàn độc lập với xã hội được. Nói cách khác, tiến trình tách rời hay cá nhân hóa chỉ có thể đạt được một cách tương đối mà thôi.

[9] Bàn về “Cần có văn hóa tranh luận”, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc viết: “Trong phần lớn các cuộc gọi là tranh luận, ngay cả tranh luận về văn học, trên các tờ báo Việt ngữ, người ta thường sử dụng hầu như đủ mọi thứ “võ”, kể cả các loại “võ” thuộc loại “tà đạo” như xuyên tạc, vu khống, chửi đổng, bôi nhọ, khích bác, chụp mũ hay giả vờ nhảy ra can gián để lén thụi người này một quả, đạp người kia một đạp, v.v… Đứng giữa một trận địa như thế, nhiều lúc tôi cảm thấy nghẹn ngào…” Ở bậc thềm thế kỷ 21, ông cho rằng vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là “phải xây dựng cho được một thứ văn hóa tranh luận, tức những nguyên tắc trí thức và đạo đức căn bản để dựa vào đó người ta tiến hành tranh luận cũng như đánh giá các cuộc tranh luận.”Nguyễn Hưng Quốc (2000), Văn học Việt Nam từ điểm nhìn hậu hiện đại, Văn Nghệ, trang 347-357.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Triết học nước Pháp

    08/11/2014Henri Bergson - Phạm Quỳnh dịchCái tính hiếu triết học đó thực là tiêu biểu cho tính tình cao thượng của người Pháp, chỉ ưa những nghĩa lý công minh chính đại ở đời. Như vậy thì hồn nước Pháp với hồn triết học tất có thanh khí với nhau, không phải không.
  • Triết lý tôn giáo

    15/08/2009William S. Sahakan & Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchCông việc của các triết gia là đánh giá mọi sự kiện kinh nghiệm. Theo đó, triết lý tôn giáo quan tâm đánh giá mọi sự kiện liên quan đến kinh nghiệm tín ngưỡng, trong đó chủ yếu phải kể đến các vấn đề về : Thượng Đế, linh hồn, sự bất tử và bản chất của Thiện và Ác...

  • Vị thế và ảnh hưởng của triết học Đêcáctơ trong lịch sử triết học

    07/11/2006Lê Thanh SinhMuốn hiểu rõ giá trị của triết học Đêcáctơ không gì bằng đem học thuyết ấy đặt vào trong tiến trình chung của lịch sử triết học. Khi so sánh nó với những hệ thống triết học khác trong sự phát triển của tư tưởng nhân loại, chúng ta sẽ thấy rõ những đóng góp và hạn chế của nó.
  • Khoa học hiện đại và triết học

    24/09/2006Nguyễn Văn DũngThế giới ngày nay hiện ra như một tấm thảm rộng mênh mông làm bằng nhiều mảnh bị tung toé ra, không sao ghép lại một cáchkhoa họcđược,- điều không giốngnhư người ta nghĩ trước đây. Đầu thế kỷ chúng ta, khoa học đi chậm lại vì đường đi trước mắt không còn tỏ tường. Triết học đã làmcho con đường đó sáng lên. Khoa học đã nhìn thấy gốc của mình ở siêu hình học và từ đó nó vươn vai đứng lên mạnh mẽ như ngày hôm nay...
  • Từ góc độ triết học, bàn về một số vấn đề cơ bản của văn học - nghệ thuật phương Tây hiện đại

    16/06/2006Nguyễn Hoàng Tuệ AnhTừ thế kỷ XVII - XVIII những lý tưởng, những chuẩn mực và nguyên tắc của khoa học đã được xác lập trên nền tảng triết học bị thống trị bởi những ý tưởng của chủ nghĩa cơ giới. Từ đó chúng thâm nhập vào mọi lĩnh vực của xã hội. Lý trí được coi là tối thượng. Một quan niệm về chủ nghĩa tiến bộ được chiếu sáng bằng hào quang của lý trí, của trí tuệ và tri thức..
  • Các giới hạn khoa học

    09/01/2006Đặng Xuân Lạng (dịch)...tác giả bào chữa cho việc khoa học hoàn toàn không trả lời được các câu hỏi cuối cùng – Mọi vật đã bắt đầu ra sao? Chúng ta ở đây nhằm mục đích gì? Ý nghĩa của cuộc sống là gì?, những câu hỏi là vượt ra ngoài năng lực giải thích của khoa học. Dầu vậy, khoa học là một hoạt động vĩ đại và vinh quang – hoạt động thành công nhất từ xưa đến nay và mãi mãi về sau mà con người đã tham dự...
  • Tâm linh – bản thể con người

    09/07/2005Nguyễn KiênTrong đời sống con người, thiêng liêng là một trong những cái không thể nhận biết bằng lý trí và tất cả những gì là thiêng liêng, là cao cả bao giờ cũng vẫy gọi con người, là cho nó luôn luôn tự vượt mình, hướng tới cái cao hơn (hướng thượng), hướng tới cái siêu việt, tới trạng thái chân hơn, mỹ hơn, thiện hơn. Xu hướng ấy của con người tạo ra một mặt cơ bản của đời sống con người: đời sống tâm linh.
  • xem toàn bộ