Chọn bạn mà chơi
Bạn chung bàn tiệc dễ kiếm,
Bạn cùng sống chết khó tìm!
Không ít người đưa ra kết luận một cách thẳng thắn rằng, trong xã hội từ trước đến nay vốn chỉ có hai quan hệ rõ ràng nhất hoặc là bạn bè, đồng chí hoặc là đối thủ, kẻ thù! Thoạt nghe có vẻ nghiệt ngã và quá đáng, nhưng nếu bóc tách mọi bản chất quan hệ thì đúng là không thành bạn với nhau cũng khó trở thành một kiểu người trung gian được, vì hễ không ưa là dưa có dòi ngày và như thế mối quan hệ sẽ trở thành đối kháng nhau cho dù chẳng vì mục đích nào rõ rệt, đơn giản chỉ vì không thích, không hợp nhau. Ngoài chuyện thích hợp yêu ghét, mỗi con người còn bị ràng buộc, phụ thuộc, tác động của điều kiện môi trường và hoàn cảnh giáo dục cụ thể. Người xưa qua hiện tượng nhuộm tơ: Nhúng vào phẩm xanh hóa màu xanh, nhúng vào phẩm vàng hóa màu vàng thì liên tưởng đến sự ảnh hưởng, tiêm nhiễm lẫn nhau từ suy nghĩ đến hành động: Làm bạn với người hay thì hóa hay; bạn với người dở thì hóa dở, rút cuộc vinh nhục đều do những người bạn mình hay giao du. Liệt nữ truyện chép: Mẹ thầy Mạnh Tử khi dời đến ở gần khu nghĩa địa, thấy con mình còn nhỏ đã bắt chước khiêng quan tài, đào chôn, lăn khóc bèn dọn nhà đến gần chợ, lại thấy con mình bắt chước buôn bán, mánh khóe gian xảo nên tiếp tục dọn nhà đến ở cạnh trường học; thấy con mình bắt chước học sinh lễ phép, cắp sách vở thì vui vẻ nói: Chỗ này là chỗ con ta ở được đây! Về sau thầy Mạnh Tử trở thành bậc đại hiền chính là nhờ bà mẹ chọn đúng phẩm nhuộm từ thuở còn thơ. Cũng vì môi trường kết giao ảnh hưởng suốt cuộc đời nên thầy Mạnh Tử cho rằng: Làm bạn không kể sang hèn, giàu nghèo đàn anh đàn em, chỉ lấy tài đức chơi với nhau mà thôi. Từ quan điểm trên, người ta chia bóng gió thành bốn kiểu kết giao bạn bè: Kết bạn như hoa, kết bạn như cân, kết bạn như núi, kết bạn như đất.
Kết bạn như hoa là vì lúc bông hoa còn tươi tốt thì nâng niu cắm vào lọ bày trong nhà hay tặng nhau, cài lên áo, lên tóc, nhưng khi hoa héo tàn thì vứt bỏ tả tơi. Lối kết bạn này cũng chỉ lợi dụng nhau, thấy giàu sang, chức tước thì hùa theo bấu víu, nhờ vả, thậm chí bắt quàng làm bạn, khi thấy sa sút, nghèo nàn, hết địa vị thì phớt lờ coi như người xa lạ. Thế nên nghèo ở giữa chợ đông không người hỏi; giàu tận chốn non sâu lắm kẻ tìm. Kết bạn như cân là vì, nếu để trọng lượng nặng ở một đầu cân thì nó chúi xuống, còn nếu để trọng lượng nhẹ thì nó vổng ngước lên. Lối kết bạn này chỉ dựa trên cơ sở có đi có lại mới toại lòng nhau, cùng có lợi ích thì công bằng, bình đẳng, quý trọng, thân thiết nhau. Khi không còn ứng đối cân bằng với nhau được nữa thì cao ngạo, khinh rẻ, coi thường nhau. Ấy là nhân nghĩa thường mất đi vì nghèo, thế thời hay thiên kẻ có tiền. Kết bạn như núi là vì bạn bè cần tin tưởng vào nhau không thay đổi, vững chắc như quả núi. Bốn mùa thay đổi dù gió bão, hạ cháy, tuyết rơi hoặc hoa thơm trái ngọt, chúng sinh quần tụ cũng vẫn sừng sững chung một quả núi ấy cùng vui với nhau, cùng buồn với nhau, tình bạn không bao giờ suy suyển, như Gia Cát Khổng Minh nói: Kẻ sĩ quen biết nhau, khi nóng không đơm hoa, khi lạnh không đổi lá, suốt bốn mùa mà không suy giảm, trải qua những lúc bình thản hiểm nguy sẽ càng bền chặt. Kết bạn như đất là vì vạn vật đều nương vào lòng đất bao dung, nuôi dưỡng mà sinh ra, phát triển, thành tựu. Lối kết bạn này luôn lấy lòng thành để chở che đùm bọc ủng hộ bạn, thực lòng vì bạn bè, đi suốt cuộc đời ân nghĩa cùng nhau chẳng bao giờ quên, sống với nhau chân tình một khoảng, còn hơn chót lưỡi đầu môi dài dài. Thế nên: Hoa chẳng kết trái thì đừng trồng vô ích, bạn vô nghĩa thì đừng kết giao.
Người ta không thể sinh ra là có bạn ngay hoặc bạn không thể tự nhiên xuất hiện được. Người may mắn có bạn từ thuở thơ ấu, sau đó là bạn học, bạn làm ăn, bạn kết giao qua nhiều thăng trầm cuộc đời. Độ bền vững của tình bạn cũng không được đảm bảo hay bảo hiểm vì nó phụ thuộc vào kết quả tác động của hoàn cảnh vào mỗi con người. Bạn có thể sống chết cùng nhau nhưng vì lòng tham quay ra hại bạn, vì tình sẵn sàng lừa bạn. Có khi vốn là kẻ thù của nhau sau cuộc chiến máu lửa và nước mắt lại ngộ ra cái tình thấu hiểu cái lý cuộc đời mà quay ra kết bạn. Ngược lại, lắm khi rượu cũ lên men chua, bạn cũ thay lòng đổi dạ xấu hơn kẻ thù. Cho nên quan hệ bạn bè tốt xấu thế nào cũng chỉ dám kết luận tương đối mà thôi, phải thức lâu mới biết đêm dài. Duy có điều các cụ vẫn nói gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, người nào cũng phải chịu tác động dù ít nhiều, nhanh chậm, tốt xấu từ những người bạn quanh mình. Đức Khổng Tử căn dặn: Ở chung cùng người thiện như vào trong nhà có hoa lan, lâu rồi mình cũng hóa ra thơm. Ở chung cùng kẻ bất thiện như vào hàng cá ươn, lâu rồi chính mình cũng hóa hôi tanh. Nhìn hình thức bên ngoài, bạn bè tốt, xấu đều quần tụ với nhau như tổ, nhóm hội băng đều là số đông. Trong từng ấy bạn bè trông vào, ngó lên, nhìn xuống tìm hiểu chọn lựa đâu phải dễ biết hay dở tốt xấu, hoa lan hay cá ươn.
Ngày xưa, sói đội lốt bà để ăn thịt cô bé quàng khăn đỏ, bây giờ rất có thể sói quàng khăn đỏ để hại cả hai bà cháu! Vì thế cần phải nhìn vào những biểu hiện cụ thể trong cuộc sống để từ đó rút ra nhận định tình cảm bạn bè có thật không. Bạn bè có tình cảm thật sự với nhau thường: Xa nhau lâu không quên, thi thoảng vẫn giữ liên lạc qua điện thoại tin nhắn email (tuy xa mặt, không cách lòng); gặp nhau thì vui mừng (muốn ở bên nhau); có của ngon vật lạ san sẻ cho nhau cùng hưởng thụ (không tham lam); đôi khi nóng vội quá lời không chấp nể nhau (lòng bao dung); bàn nhau vui vẻ làm điều lành (cùng hướng thiện); kiên quyết can ngăn nhau làm điều bất thiện (diệt ác); giúp nhau làm việc, vượt qua khó khăn (sống vì nhau); không đem chuyện riêng của bạn nói với người khác (im lặng là vàng); gặp việc hiếu hỉ coi như của nhà nhau (trọng tình); hoạn nạn nghèo hèn cũng không rời bỏ nhau (trọng nghĩa). Bạn bè đối với nhau có năm thái độ rất xấu, đáng ghét là: ác khẩu hại nhân; gièm pha, nịnh hót, xúi giục, khích bác gây thù hằn; luôn thích thú với các mâu thuẫn, bất hòa; hay có lòng ghen ghét, tị nạnh, ác cảm; ăn không nói có, dựng chuyện, đưa tin đồn như thật khiến bạn bè chia rẽ nhau. Bạn bè sống tốt, thật lòng quý trọng nhau thể hiện qua năm đức tính: Hòa nhã, nhẫn nhịn; kính trọng nhân cách nhau và luôn giữ chữ Tín, chữ Tâm; nhanh nhẹn, làm nhiều nhưng nói ít; lời hứa đi đôi với việc làm; sống với bạn càng lâu càng hiểu nhau. Ngoài ra, bạn bè vốn sẵn không ưa nhau thường có tám biểu hiện: Trông thấy nhau liền thay đổi nét mặt (khó chịu); liếc trộm hoặc liếc xéo (mưu toan); lời nói không ôn hòa nhã nhặn (mâu thuẫn); nghe nói phải cũng cho là trái (phủ nhận); thấy bạn gặp hoạn nạn, khó khăn, sa sút thì tỏ ý vui mừng khôn xiết (tiểu nhân đắc chí); thấy bạn mình hạnh phúc, gặp may mắn, thịnh vượng thì không vui (ghen tị); luôn chê bai những thành công của bạn bè (phá ngầm); thấy những điều sai trái, lỗi lầm của bạn lại vỗ tay tán thưởng (đẩy sâu vào vũng bùn)!
Thế mới biết chọn một người bạn đích thực khó khăn hiếm hoi đến nhường nào? Ở đời giao thiệp với nhiều người, bè bạn tưởng vô số mà dễ đã được mấy người thực gọi là tri âm, tri kỷ, tri tâm. Nghĩa là người biết mình, đồng thanh, đồng khí, đồng chí, đồng tâm thân thiết bao bọc che chở cho mình. Lúc sống phúc cùng hưởng, họa cùng đau; lúc chết cùng nhau không hối tiếc. Nhưng đời nay tri kỷ ở đâu, liệu phải đốt đuốc giữa ban ngày kiếm tìm bao lâu đây?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh