Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là dấu hiệu ban đầu của chiến tranh lạnh toàn diện

11:40 SA @ Thứ Ba - 16 Tháng Sáu, 2020

Hỏi:Hiện nay cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đang ngày càng dữ dội, Mỹ đã đánh mạnh vào yết hầu của Trung Quốc, cụ thể là lĩnh vực công nghệ cao. Điều này được cho là làm suy yếu các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Trung Quốc mà Huawei là điển hình. Theo ông sắp tới Mỹ sẽ hướng đến lĩnh vực nào để bắt Trung Quốc phải nhượng bộ?

Nguyễn Trần Bạt:Tôi nghĩ người Mỹ đã làm việc quan trọng nhất trong chiến lược đối phó với Trung Quốc. Trong tất cả các tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển thì khoa học và công nghệ là mặt yếu nhất của các nước đang phát triển. Chúng ta đi sau phương Tây vì phát triển chậm về khoa học và công nghệ. Bây giờ, chúng ta cứ nói ào ào là để lỡ cơ hội trong những cuộc cách mạng KHCN trước cho nên cuộc cách mạng KHCN lần thứ tư này chúng ta phải chớp lấy cơ hội. Tôi nghĩ rất có thể chúng ta lại bỏ lỡ cơ hội như mấy lần trước, vì chúng ta hiểu khoa học và công nghệ đơn giản quá, kể cả người Trung Quốc cũng vậy.

Khoa học và công nghệ là kết quả sâu nhất và quan trọng nhất của sự phát triển đầy đủ trí tuệ xã hội. Nó là động lực, là nhân tố quyết định sự phát triển cả đời sống kinh tế lẫn đời sống xã hội. Vậy cái gì tạo ra sự phát triển khoa học và công nghệ? Đó là khả năng dám đối mặt. Chính phủ và giới trí thức của các nước phương Tây dám đối mặt với các vấn đề của mình, với các khó khăn của mình cho nên khoa học và công nghệ phương Tây phát triển.

Người Mỹ với những đòn chiến tranh công nghệ như hiện nay đã đánh vào điểm yếu của các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc. Cho nên chúng ta thấy có nước ủng hộ lời kêu gọi của chính quyền Donald Trump trong việc tẩy chay Huawei, nhưng cũng có nước không ủng hộ. Sở dĩ có những quan điểm khác nhau như thế là vì các trạng thái phát triển của các quốc gia và quyền lợi của nó rất khác nhau. Cho nên, trong chuyện này không nên quan niệm vì nước này theo Mỹ, nước kia theo Trung Quốc nên họ mới làm thế. Động cơ ấy có, nhưng không phải động cơ cơ bản và không diễn ra lâu. Sớm hay muộn, các nước đều nhận ra sự thiệt thòi của mình khi theo bên này hoặc bên kia.

Tại sao người Mỹ lại muốn hạn chế Trung Quốc? Bởi vì ưu thế của Trung Quốc bao giờ cũng gắn liền với ưu thế chính trị. Nếu như yếu đi về chính trị thì sớm hay muộn cũng sẽ có sự yếu đi về kinh tế. Năm 2008 phương Tây bắt đầu suy thoái, chủ nghĩa tư bản bắt đầu bộc lộ vấn đề của nó, lúc bấy giờ phương Tây mới nhận ra là mình sai. Phương Tây tưởng rằng thuê người Trung Quốc làm thì họ sẽ vĩnh viễn là người làm của mình, không ngờ kẻ làm thuê ấy trở thành chủ công xưởng của thế giới và bắt đầu bước những bước rất căn bản để làm chủ nền kinh tế thế giới. Cho nên, khi nhìn ra vấn đề, nước Mỹ liền đánh ngay vào điểm yếu nhất mà Trung Quốc có muốn chống đỡ cũng không làm ngay được, đó là khoa học và công nghệ.

Nếu xét về mặt tranh đấu thì người Mỹ đã làm đúng. Năm ngoái, khi trả lời báo Dân Trí, tôi đã nói rằng công nghệ là điểm yếu nhất của Trung Quốc, đồng thời cũng là điểm yếu nhất của chúng ta.

Hỏi:Trong trường hợp Mỹ tiếp tục giáng những đòn trừng phạt vào khoa học và công nghệ thì Trung Quốc có yếu đi không hay họ lại tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các công trình mới của mình? Chúng ta cũng thấy Trung Quốc hiện nay phát triển được khá nhiều sản phẩm khoa học công nghệ, cả tàu vũ trụ, cả máy bay họ đều đã làm được.

Nguyễn Trần Bạt:Chẳng có lý do gì mà người Trung Quốc lại phải khoanh tay ngồi chờ người Mỹ gõ đầu mình. Người Trung Quốc sẽ kháng cự. Đầu tiên là kháng cự về chính trị, kháng cự bằng cách tận dụng các hiệp ước, các quan hệ quốc tế đã được hình thành. Người Trung Quốc có thể đấu tranh dựa trên tất cả những thỏa thuận đã có trong quá khứ. Nhưng không chỉ có đấu tranh về chính trị, người Trung Quốc sẽ đấu tranh bằng đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ và đầu tư để phát triển Trung Quốc thành một thị trường. Tức là họ sẽ phải thay thế nền kinh tế xuất khẩu bằng nền kinh tế nội địa. Tôi có một thuật ngữ là “kinh tế bản thể” hay còn gọi là kinh tế nội địa. Tất cả các quốc gia nếu không có kinh tế bản thể đều không ổn định. Trung Quốc trong khi mải mê kiếm ăn ở các thị trường quốc tế đã quên mất nhiệm vụ cải thiện điều kiện sống trong nước để hình thành thị trường nội địa.

Tôi nghĩ sự kháng cự của Trung Quốc phải dựa trên một chính sách chiến lược gồm ba vấn đề: phát triển khoa học công nghệ; phát triển Trung Quốc thành một thị trường cho chính hàng hóa Trung Quốc; cải cách hệ thống giáo dục để cung cấp cho thị trường nội địa và nền khoa học công nghệ những yếu tố có thể triển khai được. Nếu như chỉ nghiên cứu mà không triển khai được thì kết quả nghiên cứu chỉ xếp xó tủ. Nghiên cứu mà không triển khai được là bài học kinh nghiệm của khối xã hội chủ nghĩa. Người ta khoe mình giỏi, mình có thể lên vũ trụ sớm hơn thiên hạ, mình nói nhiều thuật ngữ hơn thiên hạ, có nhiều giải thưởng hơn thiên hạ…, tức là thay thế việc triển khai bằng lời nói. Trong một buổi họp của Chính phủ Anh, Thủ tướng Churchill nói về chiến tranh thế giới thứ hai và kêu gọi người Anh kháng chiến. Sau khi nghe ông Churchill nói một hồi, ông bộ trưởng ngoại giao không hiểu nên hỏi ông bộ trưởng chiến tranh ngồi kế bên: “Điều gì đang xảy ra vậy?”. Ông bộ trưởng chiến tranh trả lời: “Ngài Churchill vừa huy động 40.000 từ tiếng Anh ra trận”. Churchil nói và đã làm, còn bây giờ chúng ta nói rồi chúng ta có làm được không?

Anh đặt cho tôi câu hỏi giữa Trung Quốc và Mỹ nên chọn ai là đồng minh công nghệ của chúng ta. Tôi nghĩ, liên quan tới vấn đề đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói trong Hội nghị trung ương X về độ phức tạp của tình hình thế giới hiện nay và ông có nhắc mấy lần câu “khó lắm”. Dân trí là một tờ báo có uy tín, trong chừng mực nào đó nó có giá trị định hướng, cho nên câu trả lời của báo Dân trí với các câu hỏi mà dư luận và xã hội đặt ra là phải hết sức cẩn thận. Quan hệ quốc tế phức tạp có nghĩa là nói về các quan hệ quốc tế cũng phải nói rất cẩn thận. Thí dụ câu hỏi của anh là “Mỹ đánh vào yết hầu Trung Quốc” thì chỉ cần nói “đánh vào Trung Quốc” là đủ.

Có thể khái quát câu chuyện Mỹ đánh vào Trung Quốc như thế này: Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu cân bằng lợi ích của các quốc gia đã bắt đầu biến sự cạnh tranh thương mại giữa các công ty, các tập đoàn lợi ích thành sự cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau. Nó là tiền đề cho sự xuất hiện một cuộc chiến tranh lạnh mới, cao hơn cuộc chiến tranh lạnh cũ giữa phương Tây và Liên Xô. Cao hơn bởi vì nó toàn diện hơn. Cao hơn không chỉ ở chỗ khoe mẽ với nhau về thành tựu, mà cao hơn còn vì nó khôn hơn, khỏe hơn, thông minh hơn. Người ta gọi những sáng tạo về mặt khoa học công nghệ là sự thông minh; sự sáng tạo, khéo léo về chính trị là sự khôn ngoan; và hiệu suất cạnh tranh của nền kinh tế là tính hiệu quả của cả chính trị lẫn khoa học công nghệ.

Trả lời câu hỏi thứ nhất là người Mỹ sẽ làm gì Trung Quốc và làm đến đâu, tôi kết luận: Họ sẽ làm đến một cuộc chiến tranh lạnh sâu sắc hơn, ghê gớm hơn và cụ thể hơn so với cuộc chiến tranh lạnh thế giới từng có. Cuộc chiến tranh lạnh trước đây là cuộc chiến thuần túy về ý thức hệ. Mọi sáng tạo trước đây trong cuộc chiến tranh lạnh cũ với Liên Xô là để biểu dương ý thức hệ. Còn mọi sáng tạo bây giờ là để các quốc gia hùng mạnh hơn và thắng trong từng cuộc cạnh tranh một.Thí dụ, cạnh tranh về sản xuất điện thoại.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt trả lời phỏng vấn

.

Chúng ta phải hình dung cuộc chiến tranh lạnh mà kể cả Việt Nam cũng phải đối mặt không thể chỉ đối phó bằng lời nói mà còn bằng lao động thật sự, sáng tạo thật sự, bằng cả sự khôn ngoan về chính trị, sự thông minh về khoa học và sự cần cù trong lao động phát triển kinh tế. Nếu không hiểu điều ấy thì chúng ta sẽ không có khả năng phán đoán tương lai của bất kỳ cái gì, cả tương lai của chúng ta lẫn tương lai của cuộc chiến tranh thương mại, tương lai của thế giới.

Thế giới đang chuyển dần từ một cuộc chiến tranh lạnh cổ điển đến một cuộc chiến tranh lạnh hiện đại. Trong chiến tranh lạnh cổ điển, mọi hành động đều hướng tới mục tiêu biểu dương các hệ tư tưởng. Còn chiến tranh lạnh lần này là sự đối đầu giữa các quốc gia dựa trên ba yếu tố: sự khôn ngoan chính trị, sự thông minh về khoa học-công nghệ và sự cần cù lao động phát triển kinh tế. Mỹ đã phát động chiến tranh lạnh hiện đại bằng cách tấn công vào lĩnh vực khoa học và công nghệ, điểm yếu nhất của phương Đông và của Trung Quốc.

Chúng ta đừng nghĩ chỉ có phương Tây mới đi trước. Vào thế kỷ XV-XVI kinh tế Trung Quốc đã lãnh đạo thế giới. Tất cả các hiện tượng khoa học và công nghệ người Trung Quốc đều có trước. Toán học Trung Quốc phát triển trước, thuốc nổ Trung Quốc cũng phát triển trước…, thương mại quốc tế thì Trung Quốc đi trước thiên hạ rất xa. Con đường tơ lụa đã hình thành từ thế kỷ II, trước CN. Trung Quốc đi trước, nhưng vì thắng lợi nên tự mãn và sai lầm một cách toàn diện trong cả triết lý, tôn giáo lẫn khoa học. Kết quả là Trung Quốc trở thành kẻ đi chậm và trở thành nô lệ của các nước phương Tây vào những năm cuối thế kỷ XIX. Bằng những sai lầm của một người đàn bà thông minh nổi tiếng thế giới là Từ Hy Thái hậu, Trung Quốc tụt hậu và rơi vào cái bẫy.

Trước kia, chiến tranh lạnh cũ hình thành bằng sức mạnh quân sự. Để ngăn cản chiến tranh thật thì các chính phủ dùng sức mạnh quân sự gầm gừ đe dọa nhau. Còn chiến tranh lạnh bây giờ là cuộc chiến tranh của mọi người, cuộc chiến tranh toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học... Các chính phủ hiện nay phải chịu trách nhiệm lãnh đạo sự đối phó của các quốc gia với cuộc chiến tranh lạnh mới. Thực tế ấy đòi hỏi họ phải khôn ngoan về chính trị, phải thông minh về khoa học và phải tích cực lao động phát triển kinh tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “khó quá các đồng chí ạ”, phải nói thật là tôi rất thấm thía, chính tôi cũng cảm thấy bế tắc trong vấn đề này.

Hỏi:Mỹ tấn công Trung Quốc về công nghệ và thương mại liệu có kích thích tinh thần Đại Hán của Trung Quốc không? Ít nhất cần bao nhiêu năm để Trung Quốc bứt phá lên, thoát khỏi cuộc chiến?

Nguyễn Trần Bạt:Khi anh đánh người ta thì anh cũng mất sức, cho nên cuộc chiến tranh lạnh này đòi hỏi phải kiên trì. Liên Xô sụp đổ là vì không kiên trì, tưởng rằng nói to thì thay thế được sức mạnh kinh tế và sự phát triển thật. Sai lầm căn bản nhất dẫn Liên Xô đến sụp đổ là họ nhầm tưởng trí khôn của một vài nhà lãnh đạo có thể thay thế trí khôn của một dân tộc. Bây giờ, người Trung Quốc không như thế. Họ lặng lẽ làm nhiều việc. Đôi khi, mặc dù chúng ta là hàng xóm, thậm chí là nạn nhân của các sai lầm hay các lệch lạc trong chính sách đối ngoại của họ mà chúng ta cũng vẫn không hiểu họ làm gì.

Có phân tích gì thì chúng ta cũng phải nghĩ đến Việt Nam. Chúng ta phải khắc phục các nhược điểm có trong giai đoạn cũ, đó là dựa dẫm vào viện trợ. Việt Nam Cộng hòa đã sống bằng viện trợ của Hoa Kỳ và sụp đổ. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam chúng ta đã từng có thời kỳ sống bằng viện trợ, kết quả là chúng ta ngày một đói kém và suýt nữa thì sụp đổ. Năm 1986, chính sách Đổi mới, Mở cửa vĩ đại đã cứu đất nước chúng ta. Trước đây chúng ta từng đối mặt với các kẻ địch quân sự, bây giờ chúng ta phải đối mặt cả với các kẻ địch kinh tế.

Hỏi:Thập niên 80 của thế kỷ XX, Mỹ đã khơi mào cuộc chiến thương mại với Nhật Bản bằng nhiều biện pháp áp đặt thuế quan lên hàng của Nhật vào Mỹ, điều này đã khiến nền kinh tế Nhật điêu dứng 1 thập niên và chịu nhượng bộ. Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ không thất bại như Nhật trước đây bởi tiềm lực của họ hiện mạnh hơn? Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Nguyễn Trần Bạt:Tôi nghĩ hai việc này khác nhau, Mỹ gây chiến về kinh tế với Nhật Bản năm 1980 là vì Nhật Bản hồi đó cũng ghê lắm. Người Nhật lúc đó tưởng mình có thể mua hết nước Mỹ. Rất nhiều người Nhật bỏ tiền ra mua các đảo ở Hawai, rất nhiều công ty Nhật xâm chiếm thị trường và mua các công ty của Mỹ. Hành động lúc ấy của Mỹ là một hành động cục bộ nhằm ngăn chặn khuynh hướng tiêu cực giữa hai đồng minh, cho nên họ không đánh nhau đến chết. Sự va chạm kinh tế giữa Nhật Bản và Mỹ thập niên 1980 không phải là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh lạnh, nhưng vấn đề của Mỹ và Trung Quốc hiện nay là biểu hiện của một cuộc chiến tranh lạnh. Hai quy mô khác nhau, với tính chất khác nhau, không nên so sánh. Việc so sánh sẽ khiến chúng ta nhầm lẫn và phân tích tình thế sai.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ không thất bại như Nhật. Tôi cho rằng nước Nhật không hề thất bại. Họ nhún nhường, mềm mại lùi một số bước căn bản và giữ được mình, chấp nhận trở thành nền kinh tế đứng thứ ba thế giới. Nếu chúng ta học được những bài học vĩ đại như thế thì chúng ta sẽ khá. Người Nhật vĩ đại là bởi họ biết lùi. Sự phát triển chính trị là một quá trình buộc phải có, nhưng phải kiên nhẫn và phải chịu đựng. Không phải cứ muốn dân chủ tự do, muốn sáng tạo là có ngay được. Trong tất cả các sự nhún nhường thì sự nhún nhường chính trị đòi hỏi sự kiên nhẫn lớn nhất. Người Nhật muốn giữ được bản thân mình thì phải ổn định chính trị, mà muốn ổn định chính trị thì phải lùi bước trước người Mỹ. Người Nhật biết lùi để tồn tại và phát triển.

Tôi cũng mới làm việc với một cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản, ông ấy nói có một số người phàn nàn rằng chính phủ của ông Abe ưu ái ông Trump vì Thủ tướng Abe vừa mới đến Mỹ hồi tháng tư gặp Tổng thống Trump thì tháng 5 Tổng thống Trump lại đến Nhật Bản thăm Nhật hoàng và tháng 6 này ông Trump lại đến Nhật Bản lần nữa để dự G20. Điều ấy chứng tỏ người Nhật sẵn sàng lùi để giữ được sự ổn định của mình và giữ được sự ổn định trong quan hệ với người Mỹ. Những lúc rửng mỡ thì họ cũng đã từng mua đất đai, mua đủ thứ bên Mỹ, nhưng họ sớm nhận ra cái sai của mình.

Hỏi:Hiện khá nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt sử dụng thiết bị phần cứng do Trung Quốc sản xuất, thậm chí mạng 5G của một số doanh nghiệp mạng tại Việt Nam được cho là có sử dụng công nghệ của Huawei. Theo ông, cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây nên khó khăn gì cho Việt Nam?

Nguyễn Trần Bạt:Tôi nghĩ “sử dụng” là một chữ không rõ ràng, nói cho chính xác là chúng ta mua và chỉ mua được những thứ phù hợp với túi tiền của mình. Chúng ta liệu có tiền để mua các công nghệ thuần túy phương Tây không? Ưu thế của Huawei là giá cả phù hợp và công nghệ rất mạnh, đến mức người Mỹ sợ và phải gây chiến với nó. Cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ của Mỹ với Trung Quốc thể hiện đầy đủ sự giác ngộ của người Mỹ đối với tiến bộ khoa học và công nghệ của Trung Quốc. Làm cho thiên hạ ngại mình là cả một sự cố gắng khổng lồ.

Công nghệ của Huawei không thuần sở hữu của Trung Quốc, nó là công nghệ được biến đổi từ nhiều sự khôn khéo thương mại. Nhờ sự khôn khéo thương mại mà Huawei có được các thành tựu về công nghệ và chúng ta đến mua hàng của họ. Người Mỹ là công nghệ nguồn, Huawei là công nghệ F1, nó cũng có những sáng tạo riêng của nó để khắc phục các thiếu sót của quá trình trước. Còn chúng ta chỉ có khả năng mua công nghệ thế hệ F2.

Câu hỏi của anh có nhắc đến sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong thương mại, chúng ta không có quyền lựa chọn bởi vì chúng ta không có tiền. Cho nên chúng ta càng phải khôn ngoan. Đôi khi chúng ta phải lờ đi để các công ty làm việc vì lợi ích của nó. Nếu không đủ tiềm lực để tính toán lợi ích của quốc gia, thì ít nhất chúng ta cũng phải đủ khôn ngoan để các công ty tự lo cho quyền lợi của nó.

Vấn đề đặt ra là chúng ta có lãnh đạo nổi, chỉ huy nổi các công ty trong việc sử dụng công nghệ không? Tôi nghĩ là khó. Bởi vì sử dụng công nghệ của ai, trả bằng tiền nào, thậm chí có quan hệ chính trị nào, đó là cả một bài toán phức tạp. Chúng ta là quốc gia có lịch sử chính trị tốt, có điều kiện chính trị khá ổn định, cho nên Chính phủ có vai trò lớn trong quản trị xã hội. Chúng ta có thể lờ đi để cho các công ty làm các việc của nó nhưng vẫn đủ tiềm lực để đối phó với cái sai của nó. Khi nó sai quá thì phải thổi còi.

Hỏi:Trong thời đại cách mạng 4.0, việc tiếp cận với công nghệ nguồn được rất nhiều nhà phân tích nói là khá dễ. Doanh nghiệp Việt, thí dụ các tập đoàn lớn của Việt Nam đủ tiềm lực tài chính nhưng vẫn không tiếp cận được. Các doanh nghiệp nước ngoài coi bí mật công nghệ là một trong những thứ quan trọng nhất và họ từ chối bán cho Việt Nam. Trong bối cảnh này thì Việt Nam cần phải làm gì?

Nguyễn Trần Bạt:Ai nói tiếp cận với công nghệ nguồn dễ là sai. Vô cùng khó. Các hàng rào kỹ thuật đảm bảo lợi ích quốc gia rất ghê gớm. Thí dụ như Trump sẵn sàng áp thuế hàng hóa 5-25% đối với Mexico để trừng phạt việc chính phủ Mexico không quản lý nổi dòng người di cư từ Mexico vào Mỹ. Các hàng rào kỹ thuật được dựng lên một cách thông minh như vậy đấy. Chúng ta cũng phải cẩn thận vì chúng ta không phải là một quốc gia biệt lập. Chúng ta có biên giới, trong đó quan trọng nhất là biên giới với Trung Quốc. Vấn đề biên giới luôn phức tạp. Gần đây, trên diễn đàn Quốc hội đã có vị đại biểu nói về hiện tượng ô nhiễm của các con sông bắt nguồn từ biên giới với Trung Quốc. Vấn đề này không mới. Ủy ban sông Mê Kong đã được thành lập từ mấy chục năm nay với mục tiêu chính là để đề phòng các nguy cơ như thế.

Chúng ta phải tính hết tất cả mọi chuyện, phải có chính sách thật khôn ngoan cho các công ty, phải khuyến khích các công ty tự làm, tự đảm bảo sự cân bằng lợi ích của mình. Trong khi chúng ta quên mất điều ấy mà các công ty vừa bị yếu tố quốc tế cạnh tranh hạn chế, vừa bị yếu tố quản lý nội địa hạn chế thì các công ty sẽ chết. Cho nên Chính phủ phải luôn ý thức về vai trò của mình trong việc nâng đỡ, hỗ trợ các công ty trong quá trình cạnh tranh quốc tế.

Hỏi:Nhiều chuyên gia nói tốt nhất là không làm gì hết. Ông có bình luận gì?

Nguyễn Trần Bạt:Cũng không phải như thế! Vì trình độ của chúng ta còn nhiều hạn chế nên đôi khi có thiện chí nhưng không biết làm và trở thành phá hoại. Tất nhiên không chỉ có thế, tham lam lặt vặt, bớt xén dăm ba đồng từ các dự án cũng tạo ra những sự rối loạn về mặt quản lý.

Hỏi:Thời gian gần đây các tập đoàn của Việt Nam thí dụ như Viettel, Vingroup đã đầu tư rất mạnh vào khoa học công nghệ. Theo góc nhìn của ông thì các doanh nghiệp này có khả năng cạnh tranh hoặc đưa sản phẩm tốt ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam?

Nguyễn Trần Bạt:Hai doanh nghiệp này không giống nhau. Viettel là một lực lượng có chất lượng chính trị của nhà nước, Viettel có nghĩa vụ phải đảm bảo an ninh về công nghệ, cho nên Viettel là yếu tố có thể suy nghĩ được, còn Vin Group là một tổ chức tư nhân, họ rất khác so với Viettel. Ghép hai đối tượng này vào với nhau thành nhóm thì phải coi chừng chúng ta sai.

Nói như thế không có nghĩa là Vin Group không làm được. Tuy nhiên, các kết quả họ làm còn phải được kiểm nghiệm. Chúng ta đều biết lợi ích quốc gia là lợi ích lâu dài, mà các tập đoàn tư nhân thì không hoạt động vì lợi ích quốc gia, họ cần hiệu quả kinh doanh trước mắt.

Hỏi:Nhiều ý kiến tin rằng Vin Group đang đi đầu và sẵn sàng bước vào công nghệ, thậm chí công nghệ nguồn và có thể họ sẽ thành công, ông nghĩ sao?

Nguyễn Trần Bạt:Tôi không có bất kỳ động cơ gì để nói lời tiêu cực về chuyện này, nhưng tôi muốn nói với báo chí rằng phải thận trọng khi khen hay đưa ra các bình luận. Gần đây họ có sự kiện khánh thành nhà máy ôtô có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Để trở thành một nhà sản xuất ô tô chuyên nghiệp phải mất nhiều thời gian. Bây giờ đánh giá là hơi sớm. Làm thương mại thì người ta có quyền nói trước, chào hàng trước, đấy là quyền chính đáng của doanh nghiệp. Còn đánh giá chất lượng, hiệu quả sản xuất là việc của xã hội với tư cách người sử dụng, việc của những người quản lý nhà nước và của cả những người làm nghiên cứu nữa.

Hỏi:Dư luận thế giới cho rằng để Trung Quốc trở thành một đối trọng với Mỹ về công nghệ, thương mại như hiện nay là sai lầm của Mỹ trong 20 năm Đảng Dân chủ cầm quyền, cụ thể chủ yếu là do nhiệm kỳ của Tổng tống Barack Obama. Ở nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ muốn lấy lại vị thế siêu cường của mình. Ông có quan điểm gì về vấn đề này?

Nguyễn Trần Bạt:Tôi không thích nhận định này của báo chí quốc tế. Đấy là một câu hỏi làm rạn nứt các quan hệ chính trị trong lòng nước Mỹ và làm cho người Mỹ khó chịu. Giai đoạn trước, sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, người Mỹ ở trong thế được giải phóng ra khỏi sự ràng buộc của chiến tranh lạnh và phát triển một cách tự do. Các Tổng thống thuộc Đảng dân chủ có điều kiện thuận lợi hơn, chỉ có điều là họ hơi quá đà vào một vài nhiệm kỳ gần đây nên đã mất cảnh giác. Người ta đổ cho Tổng thống Obama, nhưng ông ấy cũng không phải là người có lỗi hoàn toàn về chuyện này. Nói cho cùng, sự lạc quan tếu của người Mỹ đã dẫn đến hậu quả như vậy.

Không phải đến thời Obama mới thế. Thời Clinton, thời Bush người Mỹ đã lạc quan tếu rồi, cho nên mới có khủng hoảng tài chính 2008. Hơn nữa, tất cả các nền chính trị lớn bao giờ cũng có quán tính, chừng nào còn chưa lăn hết năng lượng của nó thì người ta chưa thức tỉnh. Tổng thống Donald Trump là ranh giới của sự thức tỉnh của người Mỹ về sự mất cảnh giác trong quá trình toàn cầu hóa. Có thể khen Tổng thống Trump thông minh nhưng đừng chê Tổng thống Obama và các Tổng thống trước, bởi vì nói cho cùng họ đã tạo ra một nước Mỹ mà cho đến khi xuất hiện cuộc chiến tranh thương mại như thế này người ta mới hiểu hết được về sức mạnh của nó. Có thể Tổng thống Obama cũng không hiểu hết về sức mạnh của nước Mỹ, cho nên sự khiêm tốn của ông ấy làm cho người ta có cảm giác ông ấy sai.

Tôi cho rằng đến Tổng thống Donald Trump người Mỹ mới thức tỉnh, mới giật mình rằng thế giới không còn là của mình nữa. Tuy nhiên, tình hình cũng không bi quan đến mức nước Mỹ suy thoái hay yếu đi. Khi ông Trump đánh cả thế giới như thế này mà không ai làm gì được nước Mỹ thì tức là nước Mỹ mạnh thật. Sức mạnh ấy không phải do Tổng thống Trump tạo ra, mà do các Tổng thống tiền nhiệm tạo ra. Nước Mỹ vẫn vĩ đại như cũ, chỉ có điều là phải làm thế nào để giữ cho sự vĩ đại ấy đứng yên.

Hỏi:Nhiều người cho rằng ông ấy dùng luật thương mại để đáp trả các cường quốc mới nổi?

Nguyễn Trần Bạt:Tất cả các quốc gia đều dùng các bộ luật quốc tế, Tổng thống Trump cũng không đi ra ngoài chuyện ấy, chỉ có điều là ông ấy phá vỡ các thỏa thuận. Chiến tranh thương mại là một cuộc chiến tranh rất đúng luật, nó chỉ phá vỡ các thỏa thuận có sẵn. Mọi sự thỏa thuận đều được luật hóa, cho nên tồn tại một sự nhầm lẫn rằng cái gì đã thỏa thuận là thành luật. Phá vỡ các thỏa thuận một cách đúng luật chính là sự thông minh của Tổng thống Trump.

Hỏi:Nhiều người nhắc đến Tổng thống Trump thì hay nói đến bản tính của con buôn, ông nghĩ sao?

Nguyễn Trần Bạt:Tôi nghĩ nhận xét như vậy là khen đấy chứ. Tất cả các nhà kinh doanh đều vĩ đại. Phương pháp luận của một nhà kinh doanh giúp Tổng thống Trump đến gần thực tế kinh tế xã hội hơn so với nhiều nhà chính trị khác, làm cho ông ấy tự tin hơn trong các kế sách và tạo ra các bất ngờ có chất lượng thương lượng hoặc chiến tranh. Với tư cách là kẻ lãnh đạo một quốc gia trong công cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia, thì Trump là một Tổng thống xuất sắc. Ông ấy không chừa bất cứ đối tác nào, ông ấy sẵn sàng phá vỡ các cam kết có sẵn đối với người châu Âu, sẵn sàng phạt các đồng minh của mình như Mexico...

Hỏi:… và sẵn sàng rời bỏ TPP nữa?

Nguyễn Trần Bạt:Tôi không đánh giá cao TPP. Khi các nhà chính trị của chúng ta theo đuổi câu chuyện này, tôi đã nhìn thấy vĩ thanh của toàn cầu hóa rồi. TPP là hoạt động cuối cùng của toàn cầu hóa và nó sẽ không có bao nhiêu giá trị.

Hỏi:Chứng tỏ là cá nhân ông Trump đã làm thay đổi nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung?

Nguyễn Trần Bạt:Tất cả những ai có thành tựu đều có dấu hiệu cá nhân. Dấu hiệu cá nhân chính là biểu hiện của sự sáng tạo cá nhân. Mọi sự sáng tạo đều do cá nhân, làm gì có sáng tạo tập thể.

Hỏi:Có lẽ chỉ Việt Nam mới áp dụng câu ấy?

Nguyễn Trần Bạt:Việt Nam có lãnh đạo tập thể chứ không có lao động tập thể. Đừng hiểu sai làm oan cho Đảng! Không có sáng kiến, sáng tạo có chất lượng tập thể, chỉ có lãnh đạo tập thể là cách để kiểm soát quyền lực. Đảng nói lãnh đạo tập thể tức là kiểm soát quyền lực để cho quyền lực không rơi vào túi các cá nhân. Việc làm ấy là chính đáng.

Hỏi:Ông có đánh giá gì vế cá nhân ông Trump? Từ khi nhậm chức đến nay ông ấy làm thay đổi nhiều thứ, thậm chí thay đổi tất cả mối quan hệ trên thế giới?

Nguyễn Trần Bạt:Trump đang làm xiếc về chính trị. Ông ấy hiểu quá rõ và làm chủ được các cuộc đấu tranh của mình. Tiếp tục theo dõi những hành động và thành tích thắng lợi của ông ấy chúng ta sẽ hiểu và đánh giá được. Giống như đi xem ảo thuật, chúng ta không thể bắt chước người làm ảo thuật mà chỉ có thể xem và thưởng thức thôi.

Hỏi:Nhưng chúng ta có thể tìm ra quy luật để nhìn nhận nó?

Nguyễn Trần Bạt:Không dễ! Tìm ra quy luật là công việc của sử học. Không ai tìm ra quy luật ngay khi mình đang làm. Từ thế kỷ XVII Newton đã phát hiện ra các định luật vật lý, toán học mà cho đến giờ loài người vẫn đang sử dụng. Mấy trăm năm nay loài người vẫn phải dùng lại các kết luận có tính chất quy luật của những thế kỷ trước. Tôi nghĩ tìm ra quy luật là một việc khó. Lâu nay chúng ta nghiên cứu lịch sử chủ yếu trên phương diện nghiên cứu thành tích mà quên mất lịch sử còn nhiệm vụ khác là phát hiện cái có lý của quá khứ.

Hỏi:Ngày nay, quan hệ thương mại của thế giới đã thay đổi dưới thời Trump, và cả cách mạng KHCN 4.0. Ông có thể nói thêm về điều này?

Nguyễn Trần Bạt:Tôi xin lỗi, nhiệm vụ của báo chí là không nói theo người khác. Gọi là “4.0” cũng giống như người Việt gọi 300 đô la Mỹ là “3 vé”. Tôi không thích cách dùng như thế. Không phải là cái gì chúng ta không làm được trong ba cuộc cách mạng trước thì chúng ta sẽ làm được trong cuộc cách mạng này. Làm được cái gì là kết quả của sự tích lũy các kinh nghiệm, sự hiểu biết của một dân tộc, của một cộng đồng. Cho nên nếu không tích lũy thì không làm được và chúng ta vẫn sẽ tiếp tục lỡ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngày xưa phương Tây nghĩ ra gương lược, mang sang châu Mỹ la tinh, mang sang châu Á để đổi lấy vàng. Phương Tây tráng thủy ngân lên mặt sau của kính, biến nó thành gương, ai nhìn vào cũng thích và người ta mang đến tặng Từ Hy Thái Hậu, tặng các tù trưởng ở châu Mỹ. Thời ấy qua rồi, con người khôn ngoan hơn trước nhiều rồi, không dễ gì mà bị lừa. Không nên nói nhiều quá, nói dễ quá. Chắc chắn là cuộc chiến tranh lạnh hiện đại sẽ hình thành các tuyến lợi ích khác nhau trên thế giới một cách mềm dẻo và linh hoạt, không giống với cuộc chiến tranh lạnh của hai phe trước đây.

Hỏi:Thế nên các chính sách của Việt Nam phải linh hoạt, không nói cứng được?

Nguyễn Trần Bạt:Phải rất linh hoạt, không nói cứng và không nói nhiều. Với các kho dữ liệu vĩ đại trên thế giới này, người ta có thể ghi lại kể cả cái hắt xì hơi, cho nên không nói linh tinh được.

Hỏi:Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến ngày càng gay gắt, Mỹ và TQ thay nhau tuyên bố cảnh báo các thiệt hại của đối thủ. Với TQ, thị trường có cả tỷ dân song nhiều thiết bị, phần mềm của Mỹ không được chào đón, thậm chí facebook bị chặn tại quốc gia này. Với Mỹ, TQ xem đây là thị trường xuất khẩu béo bở, giá trị lớn. Vậy, trong cuộc chơi này, ai thiệt hơn ai?

Nguyễn Trần Bạt:Họ sẽ đi đến một cuộc chiến tranh thường xuyên, nhưng không dẫn nhau đến sự sụp đổ mà đến sự chừng mực. Nếu Mỹ có làm gì thì cũng là để kìm hãm Trung Quốc chứ không phải phá dỡ Trung Quốc, càng không phải để tàn phá Trung Quốc. Cả hai quốc gia này đều không đủ tiềm lực để tàn phá lẫn nhau. Cả hai bên đều cần nhau nên đến giới hạn nào đó thì họ phải dừng lại. Tôi nghĩ đã đôi lúc người ta bật tín hiệu dừng lại rồi, nhưng dừng lại để hòa bình yên ổn trở lại thì không phải, dừng lại là để thực hiện một cuộc chơi khác. Các cuộc chơi thương mại là các cuộc chơi thường xuyên và có chất lượng chiến thuật.

Hỏi:Đặt Việt Nam trong bối cảnh xung đột giữa hai quốc gia này, chúng ta sẽ phải làm gì?

Trả lời:Trên phạm vi toàn cầu, văn hóa về cư xử trong tình thế có sự va chạm giữa các nước lớn đang hình thành dần dần. Chúng ta sẽ được hưởng lợi từ những kinh nghiệm mà nhân loại có trong ứng xử. Các quy cách ứng xử trong tình thế va chạm giữa các nước lớn đều phải cân đối lợi ích rất cẩn thận. Tình thế cuộc chiến tranh thương mại này đang dạy các nhà chính trị của các quốc gia bé bài học đầu tiên về việc phải thấu hiểu lợi ích của quốc gia mình, chứ không phải chỉ thấu hiểu lợi ích chính trị của chính phủ mình.

Hỏi:Lợi ích dân tộc là quan trọng nhất?

Trả lời:Đừng dùng chữ dân tộc! Dùng chữ lợi ích quốc gia mới đúng, vì dân tộc bao gồm cả lịch sử. Trước đây, các quốc gia phải theo phe, chọn phe. Bây giờ Thủ tướng Lý Hiển Long nói đừng ép chúng tôi phải chọn phe. Bản thân ông ấy cũng không đủ thông thái để hiểu rằng với Tổng thống Trump không có phe, mà có các tuyến cụ thể. Cuộc chiến tranh của ông Trump là cuộc chiến tranh giữa các tuyến lợi ích chứ không phải giữa các phe. Do tính chất lưỡng cực của mọi cuộc đấu tranh nên nó đều hình thành các tuyến, các tuyến ấy là các phe tranh chấp khác nhau trong từng tình huống khác nhau.

Hỏi:Năm 1980, xung đột kinh tế giữa Nhật Bản và Mỹ diễn ra thì một số doanh nghiệp của Nhật và Mỹ chuyển từ Nhật Bản sang một số nước như Singapore, Thái Lan. Đó cũng là một nguyên nhân giúp cho Singapore và Thái Lan thịnh vượng. Liệu thời gian sắp tới, một số doanh nghiệp của châu Âu hoặc của Mỹ tại Trung Quốc chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thì Việt Nam có nên tận dụng xu hướng này không, và khả năng chúng ta có tận dụng được không?

Trả lời:Chắc gì thái độ bài xích Trung Quốc của Tổng thống Trump kéo dài. Liệu hiện tượng do sự xung đột với người Mỹ mà các công ty đi khỏi Trung Quốc có kéo dài không? Người Trung Quốc có ngốc đến mức không thay đổi chính sách của mình để các công ty nước ngoài chạy hết ra khỏi Trung Quốc không? Tổng thống Trump liệu có đủ gan để kéo dài hiện tượng dịch chuyển của các công ty Mỹ ra khỏi thị trường khổng lồ Trung Quốc không?

Cần phải nghiên cứu xem làm thế nào để chúng ta trở nên hấp dẫn đối với thế giới, chứ không phải để chúng ta hứng được quả rụng miễn phí từ Trung Quốc. Chúng ta phải hấp dẫn, không phải chỉ với các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc mà cả với Trung Quốc nữa. Không nên khuyến khích, truyền bá tư tưởng chuẩn bị lực lượng để hứng các quả rụng từ nền kinh tế Trung Quốc.

Hỏi:Thời gian vừa qua Bộ giao thông vận tải cho rằng dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam thì doanh nghiệp Việt không đủ sức làm, mà chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm và đủ sức làm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta không nên kéo Trung Quốc vào một đại dự án thế này bởi có nhiều dự án lớn Trung Quốc tham gia đã gây hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam như chậm tiến độ, đội vốn, phá vỡ quy hoạch… Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Trả lời:Tôi không bình luận gì. Đây là khuyết điểm của Bộ Giao thông Vận tải. Trong thông báo gần đây nhất của Ban kiểm tra trung ương thì có đến ba thứ trưởng Bộ GTVT bị đề xuất kỷ luật. Anh bất chính thì làm sao anh quản lý được nhà đầu tư. Anh nhận tiền của nó thì làm sao anh quản lý được nó. Các công ty Trung Quốc không chỉ làm dự án ở Việt Nam mà làm ở mọi nơi trên thế giới, cả ở Châu Âu, cả ở Mỹ. Có những dự án họ làm có vấn đề, nhưng cũng có những dự án họ làm trôi chảy vì họ có nền sản xuất tốt. Các công ty nhận thầu xây dựng cơ sở hạ tầng có làm tốt hay không là do quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước tồi và chính phủ tham nhũng thì đương nhiên các nhà thầu sẽ làm ẩu thôi.

Hỏi:Đã có một số dự án của Trung Quốc ở Châu Âu bị dừng, thí dụ ở Pháp đã cho dừng một dự án?

Trả lời:Như thế là chính phủ Pháp đã dừng được một dự án tiêu cực. Việc đó khiến cho các nhà thầu biết sợ. Người Trung Quốc cũng biết sợ sự chính đáng chứ. Họ là một bộ phận của loài người, họ cũng có các nỗi sợ phổ biến: sợ pháp luật, sợ sự chính đáng, sợ sự đúng đắn. Đừng nói rằng người Trung Quốc bất chấp lẽ phải. Không phải chúng ta chỉ vướng với các công ty Trung Quốc, với các công ty Nhật Bản chúng ta cũng vướng. Chúng ta vướng vì chúng ta lấy trộm nhiều quá, hở ra là lấy. Chúng ta có một nền hành chính kém, và yếu về mặt liêm chính. Chính phủ nhắc rất nhiều về liêm chính nhưng vẫn còn đang rất vất vả để đi đến trạng thái ấy.

Nguyễn Tuyền thực hiện

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thương chiến Mỹ - Trung: Đừng biến mình thành nơi hứng "quả rụng" từ Trung Quốc

    17/06/2019Nguyễn Tuyền (Thực hiện)"Tôi nhắc lại, không nên khuyến khích, truyền bá tư tưởng chuẩn bị lực lượng để hứng các quả rụng từ nền kinh tế Trung Quốc. Lịch sử chỉ được viết một lần, con đường đi của mỗi dân tộc khác nhau, chúng ta không thể rập khuôn, sẽ dẫm phải vết xe đổ và là nạn nhân của chính chúng ta."
  • Chiến tranh thương mại của Quản Trọng

    14/01/2019Nguyễn Đức ThànhThời Xuân Thu, khoảng 2.700 năm trước, Quản Trọng là một doanh nhân startup làm đủ thứ trên đời để sinh nhai. Đến năm ngoài 40 tuổi thì gặp Tề Hoàn Công, giúp cho nước Tề trong suốt 40 năm, trở thành một cường quốc...
  • Bài 3: Chống Trung Quốc đang trở thành nhận thức chung của giới chính trị Mỹ

    18/08/2018Thu ThủyNguyên nhân căn bản của cuộc xung đột Trung – Mỹ ngày càng gay gắt là bởi: dưới con mắt các công ty Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã đứng sau các công ty nước mình, chính phủ và công ty buộc chặt vào nhau, không thể tách rời...
  • Giới học giả Trung Quốc lo Trump xóa trật tự thế giới để sắp xếp lại

    07/08/2018Lê LinhVới những động thái gây hấn thương mại với Trung Quốc và các đồng minh, đe dọa rút khỏi WTO, xé bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran,... Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến giới học giả Trung Quốc lo lắng vì họ cho rằng ông có thế muốn xóa bàn cờ thế sự hiện nay để sắp xếp lại theo hướng củng cố vai trò số 1 của Mỹ...
  • Trung Quốc: Bản sao nước Mỹ của thế kỷ 19?

    08/08/2016Stephen Mihm và Jeffrey WasserstromPhải chăng Trung Quốc đang thực hiện một bước nhảy vọt chưa từng có lên đỉnh cao của hệ thống kinh tế toàn cầu?
  • Khi có những người Trung Quốc đang đi rất nhanh

    30/05/2016Nguyễn Thị ThủyNgười Việt có quyền chỉ trích, lên án những mảng tồi tệ của người hàng xóm khó chịu, và chủ đề này sẽ không bao giờ kết thúc. Nhưng thật đáng tiếc nếu chỉ có thế. Chỉ thế thôi thì dân tộc Việt cũng không tốt hơn được...
  • xem toàn bộ