Chỉ có thể hy vọng khi biết sợ!

08:53 CH @ Thứ Sáu - 03 Tháng Sáu, 2016

“Nhân loại có được phép tự sát tập thể hay không?” – đây không phải là một câu hỏi vớ vẩn hay để gây “sốc” cho vui. Nó đang trở thành một tra vấn hết sức nghiêm chỉnh và nghiêm trọng ở cấp độ đạo đức học và triết học.

Nếu về mặt kỹ thuật, từ mấy thập kỷ trước, con người đã hoàn toàn có thể tự sát, thì cho đến nay, triết học vẫn chưa thực sự tìm được câu trả lời thích đáng cho câu hỏi trên và các câu hỏi có liên quan trong kỷ nguyên khoa học – công nghệ.

Một thế giới “trật đường rầy”

Con tàu thường trật đường rầy vì chạy quá nhanh trên một… đường rầy không vững chắc. Tương tự như thế, nền kinh tế thế giới – bất kể theo mô hình nào – đã phát triển nhanh chóng dựa chủ yếu vào việc khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, bản chất của hành động con người không theo kịp tình hình ấy. Bản chất của hành động nói ở đây là thói quen đã trở thành nguyên tắc đạo đức hướng dẫn hành động. Nguyên tắc đạo đức trước nay tập trung vào phạm vi trách nhiệm gần gũi của con người, với bản thân, gia đình, làng mạc, địa phương, quốc gia, dân tộc (ở phương Tây, thể hiện ở châm ngôn “Yêu thương người sát bên cạnh mình”). Trong xã hội cổ truyền, không phải người ta không nghĩ đến những phạm vi rộng lớn hơn: nhân loại, chúng sinh, hậu thế, vũ trụ nhất thể v.v... nhưng trong nền công nghiệp tiền – hiện đại và lạc hậu, tầm hoạt động của con người chưa thực sự được mở rộng. Trách nhiệm cụ thể đối với các thế hệ đã qua và các thế hệ tương lai, trách nhiệm đối với môi trường khu vực và toàn cầu, trách nhiệm đối với sự đa dạng của các giống loài cũng như đối với các nền văn hoá xa lạ và xa xôi chưa trở thành những vấn đề thời sự thiết thân. Với sự tiến bộ vượt bực của khoa học–công nghệ và nền truyền thông toàn cầu, nền đạo đức dựa trên “trách nhiệm hữu hạn” ấy nhất thiết phải được thay đổi. Nền đạo đức theo châm ngôn “yêu người sát bên cạnh mình” cần trở thành nền đạo đức “yêu người ở nơi xa nhất”! Đó là ý tưởng rất nghiêm chỉnh và thật đáng suy nghĩ của Hans Jonas (1903 – 1993) trong tác phẩm Nguyên tắc trách nhiệm. Phác thảo một đạo đức học cho nền văn minh công nghệ (1979).

Nguyên tắc trách nhiệm

Hans Jonas xuất phát từ sự kiện hiển nhiên: nghĩa vụ của con người đối với sự tồn tại của bản thân và vạn vật. Lý do thật giản dị: con người là sinh vật duy nhất chịu trách nhiệm về hành động của mình, do đó cũng phải có trách nhiệm giữ cho loại sinh vật có năng lực “đặc biệt” ấy được trường tồn. Một sự tự sát tập thể của nhân loại là một nghịch lý, phải bị bác bỏ về mặt đạo đức. Ông đề nghị “cải biên” mệnh lệnh đạo đức nổi tiếng của Immanuel Kant: “Hãy hành động sao cho châm ngôn hành động của bạn lúc nào cũng có thể trở thành một quy luật phổ biến” thành “Hãy hành động sao cho những hậu quả của hành động của bạn phù hợp với sự trường tồn của sự sống đích thực của con người trên mặt đất”. Ta cần lưu ý chữ “đích thực”. Jonas muốn nói đến cái biết hiện thực và cái biết lý tưởng của bất kỳ một nền đạo đức nào trong tương lai:

- Kant muốn đặt cơ sở cho đạo đức học trên sự thoả thuận giữa những cá nhân tự trị. Jonas đề nghị mở rộng cơ sở ấy: có rất nhiều những thực thể không có năng lực tự trị lẫn lý tính trên thế gian này, đó là thế giới mênh mông của động vật và thực vật. Chúng vẫn phải được dành cho vị thế của những chủ thể có nhiều quyền hạn; đó là quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ mà mô hình quen thuộc ở đây là quyền và trách nhiệm giữa cha mẹ và con cái.

- Bên cạnh thế giới hữu sinh, cần vượt bỏ quan niệm dửng dưng đối với thế giới vô cơ. Không thể có một triết lý hay một chính sách bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường đúng đắn, nếu cứ thẳng tay bóc lột thiên nhiên vô độ, nhân danh lợi ích kinh tế thiển cận và tham lam. Nỗ lực đặt cơ sở “bản thể học” cho một giá trị nội tại của thế giới hữu cơ lẫn vô cơ của Jonas không khỏi gây nhiều tranh cãi, nhưng tác phẩm của Jonas quả thật có tác dụng cảnh tỉnh và buộc mọi người phải xét lại nếp nghĩ và cách làm đầy bạo lực của mình.

Nguyên tắc hy vọng?

Vì con người có quyền sinh sát đối với vạn vật, nên cũng phải có trách nhiệm đạo đức trong việc bảo vệ chúng.

Nguyên tắc trách nhiệm” của Hans Jonas thực ra là để đáp lại “Nguyên tắc hy vọng” nổi tiếng không kém trong tác phẩm cùng tên của triết gia tân – Mácxít Ernst Bloch (1885 – 1977). Bloch cũng lo âu về nguy cơ của nền công nghệ hiện đại, của lối “tư duy – hàng hoá”, chỉ muốn nhìn mọi việc bằng con mắt định lượng đơn thuần. Bloch hiểu con người là kẻ sáng tạo nên giá trị, và cũng hiểu tự nhiên là cái gì có năng lực sáng tạo. Ông tin vào một sự “liên minh” trong tương lai giữa hai bên; nhờ đó cái không tưởng của công nghệ cũng trở thành cái “không tưởng cụ thể”, và đó sẽ là cơ sở vật chất hiện thực để cái không tưởng xã hội cũng sẽ trở thành “cụ thể”. Vì thế, khẩu hiệu của Bloch là: “Hãy biết hy vọng!”

Hans Jonas đặt vấn đề kiểu khác. Vì lẽ rất khó đạt được sự an toàn trong việc đánh giá những hậu quả phức tạp của khoa học công nghệ, nên cần ưu tiên xem trọng và xuất phát từ những kịch bản, những tình huống xấu nhất, những dự báo khôn lường về tác hại (thậm chí có thể dẫn đến sự tiêu huỷ một bộ phận lớn con người và cả loài người). Lòng tin mơ hồ về “những con người ngày càng tốt lành hơn”, niềm hy vọng về một “liên minh hài hoà” giữa con người và tự nhiên không khéo chỉ tiếp tục tạo nên tác động lừa mị và sẽ dẫn con người xuống hố. Do đó, khẩu hiệu của Hans Jonas là: “Hãy biết sợ!” trước những viễn cảnh đen tối và nguy hiểm, vì chỉ có như thế ta mới thấm thía gánh nặng trách nhiệm đang đặt trên vai để biết phải bảo vệ những gì và phải từ bỏ những gì.

Ta có thể “dung hoà” hai ông chăng: chỉ có thể hy vọng khi biết sợ!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cần có anh hùng?

    10/06/2016Bùi Văn Nam Sơn“Đối với người hoạt động tinh thần, lòng say mê chân lý là lòng say mê mạnh mẽ nhất (…) Thế nhưng, hãy thử hình dung cảnh tượng một vị lão trượng đáng kính, lừng danh vì suốt đời đã hiến mình cho việc duy nhất là nghiên cứu tự nhiên, phải quỳ gối thề bỏ những bằng chứng của chính lương tâm mình về chân lý mà mình đã chứng minh một cách thuyết phục” .
  • Kẻ đại náo cũng cần một trật tự

    12/09/2014Bùi Văn Nam SơnMột nắm cát, một đoá hoa và… một nồi nước khác nhau chỗ nào? Nắm cát vẫn chỉ là nắm cát rời, dù ta xáo trộn hay thêm bớt. Trái lại, đoá hoa là một hệ thống, vì nó gồm nhiều bộ phận. Vậy, bát cơm cũng là một hệ thống? Thưa không, vì nó thiếu đặc điểm thứ hai của đoá hoa: các bộ phận phải được kết nối thành một mạng lưới, theo một cấu trúc nhất định nào đó.
  • Hệ thống: coi chừng đứt tay!

    26/11/2010Bùi Văn Nam SơnKhông ai có thể sống bên ngoài những hệ thống. Chúng dày đặc, bao phủ và chi phối cuộc sống của ta, từ hệ thống sinh học, hệ thống tự nhiên đến hệ thống xã hội… Tư duy hệ thống giúp ta biết tuân thủ những quy tắc hệ thống, cải thiện những hệ thống sẵn có, phát triển các hệ thống mới và phòng tránh những lỗi hệ thống tiêu biểu. Ta dễ mắc lỗi hệ thống, vì bản thân hệ thống là một con dao hai lưỡi.
  • Aristoteles và sự quản trị tri thức

    04/08/2010Bùi Văn Nam SơnTrong lịch sử cổ kim, không có ai tích luỹ nhiều tri thức trong thời đại mình bằng Aristoteles (384-322 tr. CN). Không chỉ tích luỹ, ông còn góp phần quyết định trong việc khai sinh ra chúng. Tri thức nhiều quá dẫn tới việc làm sao quản trị nó. Ngày nay, việc quản trị tri thức càng quan trọng và không chỉ đặt ra cho các công ty, xí nghiệp mà cho từng cá nhân và cả xã hội.
  • Hãy dám biết! (hay tư duy nguyên tắc)

    02/08/2010Bùi Văn Nam Sơn“Khẩu hiệu” của sự khai minh là gì? Immanuel Kant (1724 – 1804) hô lên bằng… tiếng Latinh: “Sapere aude!”, “Hãy dám biết!” Phải có gan như thế mới thoát ra được vòng tù hãm của đời thường. Phải “dám” như thế mới thoát ra khỏi sự không trưởng thành vì lười và nhát. Lười vì ngại nhức đầu và nhát vì e sợ quyền uy của người khác, của người đi trước. Trẻ con đương nhiên là chưa trưởng thành, nhưng chính trẻ con là kẻ… dám biết hơn ai hết.
  • Những bậc thầy của muôn đời

    29/07/2010GS.BS Nguyễn Chấn HùngBị nhà cầm quyền thành phố Athens kết tội chối bỏ các vị thần, dạy dỗ làm hư hỏng lớp trẻ, Socrates phải chọn lựa hoặc từ bỏ những niềm tin của mình hoặc bị xử lưu đày hay là chết. Ông chọn cái chết bằng thuốc độc.
  • Protagoras và khai minh Hy Lạp

    01/01/1900Bùi Văn Nam SơnProtagoras (490 – 420 trước Công nguyên) – sinh trước Socrates 20 năm – ký hợp đồng… thương mại hoá giáo dục với cậu học trò Euathlus: trả trước một nửa học phí, nửa còn lại sau khi cậu cãi thành công trước toà. Euathlus rút cục thất bại, nên không chịu… thanh lý hợp đồng.
  • Khung cửa hẹp hay con đường vương giả?

    08/07/2010Bùi Văn Nam SơnTriết học có thể là một sự mạo hiểm, nhưng óc mạo hiểm không thôi chưa phải là động lực chủ yếu. Người xưa bảo rằng triết học bắt đầu với sự kinh ngạc. Triết học hiện đại lại cho rằng nó bắt đầu với những kinh nghiệm khổ đau, nghi ngờ, tuyệt vọng, sợ hãi.
  • Platon và việc thực hiện ý tưởng

    04/07/2010Bùi Văn Nam SơnVới Platon, ý niệm mạnh hơn thực tại, vì nó định hình thực tại. Phẩm chất đích thực và viễn kiến có căn cứ là bảo bối cho mọi sự ứng xử. Đó là thông điệp then chốt nhất mà ông dành cho hậu thế.
  • Cần biết và cần nghĩ

    24/06/2010Bùi Văn Nam SơnMôn gì cũng cần giải lao huống hồ triết học! Xin bạn đọc tham dự giờ ra chơi của “người kể chuyện” Bùi Văn Nam Sơn, nhân tiện ông sẽ có đôi lời trao đổi cùng “người hâm mộ” về những ý kiến đã nhận được.
  • Gai nhọn hay hoa hồng?

    21/06/2010Bùi Văn Nam SơnTa đã thử làm quen với một trong nhiều khái niệm cơ bản của triết học: bản chất và bản thể, nhưng chưa chi đã thấy… rối mù! Mỗi người trả lời một phách, mà toàn là những đầu óc thượng đẳng cả! Ta kinh ngạc tự hỏi: triết học bàn những chuyện gì thế và tại sao bàn mãi không xong? Triết học không thể bỏ qua thắc mắc này được để cứ ung dung tiếp tục… xốc tới.
  • Chỉ bán phở mới là quán phở?

    15/06/2010Bùi Văn Nam SơnHai cha con ông chủ một quán phở gia truyền nổi tiếng không đồng ý với nhau: người cha muốn chỉ tiếp tục bán phở thôi; người con, có óc năng động, muốn bổ sung thêm mấy món điểm tâm nữa. Nhưng, “bổ sung” tới mức độ nào thì quán phở vẫn còn là quán phở?
  • Tư tưởng đổi thay số phận

    14/06/2010Bùi Văn Nam Sơn (Theo “Tư tưởng của chúng ta là số phận của chúng ta”)Có lẽ bạn ngán triết học vì nó khô khan, khó hiểu? Bạn ngại triết học vì nó thường tỏ ra áp đặt, giáo điều? Bạn xem thường triết học vì nó mông lung, vô bổ? Xin bạn hãy bình tâm một chút! Họp nhân viên lại, liệu kiến thức chuyên môn đơn thuần có đủ để giúp bạn “động viên” được họ? Bạn vẫn thường phải dùng đến những lời có cánh đó thôi! Giải quyết việc lương bổng hay… đền bù giải toả, chẳng lẽ người ta không một phút thoáng nghĩ đến khái niệm “công bằng”?
  • Socrates và nghệ thuật đối thoại

    10/06/2010Bùi Văn Nam SơnÔng là người thầy của phương pháp làm triết học và khoa học. Hơn thế, ông là tượng đài lẫm liệt của nhân cách: nhân cách của người trí thức đích thực. Vậy là, ngay từ buổi bình minh của triết học, phương Tây đã được thừa hưởng hai bảo vật vô giá: cách làm triết học và cách sống triết học
  • xem toàn bộ