Cái ta đang cố gắng luôn có giá trị

10:58 SA @ Thứ Ba - 27 Tháng Tám, 2019

Gần gũi, sâu sắc, thân thiện, cách giáo sư Ngô Bảo Châu chuyện trò cho ta cảm giác như giáo sư đang nói chuyện với một người thân, một người bạn, một đồng nghiệp.

Tôi cố gắng hoàn thành việc mình phải làm

* Ngoài sự nỗ lực của bản thân, xin GS chia sẻ điều cần và đủ trước khi bắt đầu một nghiên cứu là gì? (Trần Minh Điền, 25 tuổi)

- Rất khó bắt đầu nghiên cứu khoa học nếu không có một môi trường nghiên cứu khoa học. Có nhiều thứ chỉ học được ở thầy, nhưng có nhiều thứ học ở bạn bè thì dễ hơn. Không khí nghiên cứu xung quanh là một sự cổ vũ rất lớn. Nó giữ vững niềm tin của ta, khi thành công chưa đến, rằng cái ta đang cố gắng có giá trị, có ý nghĩa.

* Xin hỏi động lực nào thúc đẩy anh đến với thành công ngày hôm nay (Hồ Hải Đăng, 18 tuổi)

- Cá nhân tôi không thấy mình có động lực gì đặc biệt, ngoài ý thức cố gắng hoàn thành tốt việc mình phải làm.

Sự trong sáng là một nỗ lực rèn luyện

* Học sinh A0 giờ khổ lắm anh ạ. Suy nghĩ chả còn được trong trẻo như các anh ngày xưa. Cũng có thời cả lũ mơ thành nhà toán học, nói ngông với nhau rồi sẽ thành Lobachevski, Euler của Việt Nam... Đến bao giờ mới có một nơi để dân toán vẫy vùng hả anh? (a0_k42, 18 tuổi)

- Các anh ngày xưa cũng khổ không kém các em bây giờ đâu. Giữ gìn sự trong sáng trong suy nghĩ là kết quả của một quá trình luyện tập đều đặn. Anh nghĩ, các em bây giờ có nhiều hơn cơ hội đi học nước ngoài. Anh hy vọng việc giảng dạy toán ở các trường đại học lớn ở Việt Nam cũng sẽ tốt dần lên. Còn các ngành khác thì quả thật là anh không được biết rõ lắm.

* Xin chúc mừng GS! Cho em được hỏi: Làm thế nào để có một bộ óc tuy duy thật tốt? Những lúc làm việc căng thẳng thì giáo sư thường làm gì để giảm stress? Những lúc nghiên cứu thất bại GS có chán nản không? Đâu là động lực để giáo sư tiếp tục nghiên cứu? Để sống trong môi trường học tập nước ngoài thì cần những hành trang gì? Xin cảm ơn GS. Chúc GS dồi dào sức khỏe và thành công trong cuộc sống. (Lê Phan Thanh Duy, 20 tuổi)

- Tôi cho rằng cách giảm stress tốt nhất là trò chuyện với những người thân trong gia đình. Nhưng cũng có nhiều lúc, khi làm toán căng thẳng quá, tôi đóng cửa phòng làm việc, không nói chuyện với ai nữa. May mà vợ con tôi còn thông cảm.

Để có thể hòa nhập nhanh với cuộc sống ở nước ngoài, có lẽ bạn nên chịu khó đọc sách. Có đọc sách bạn mới thấm được cách đùa của người có văn hóa khác. Khi mình chưa biết đùa, chưa hiểu khi người ta nói đùa thì khó tạo nên những mối tương giao thân thiết. Có nhiều chuyện tầm thường hơn nhiều, ví dụ như trong bữa ăn, người ăn xong trước vẫn ở lại bàn ăn để trò chuyện chứ không ra xa lông xỉa răng.

* Chắc chắn với giải thưởng danh giá này anh cũng sẽ chịu rất nhiều áp lực. Vậy anh đã có những kế hoạch gì để mang những kiến thức mà anh đã có được để giúp đỡ ngành toán học Việt Nam và đất nước Việt Nam?(Lê Vương Thịnh, 27 tuổi)

- Với sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ thông qua chương trình trọng điểm quốc gia về toán, chúng tôi có một số kế hoạch để trong năm, mười năm nữa, sẽ có nhiều nhà toán học Việt Nam trẻ, sung sức, sẽ có nhiều giảng viên đại học ở mọi miền của đất nước có công trình nghiên cứu khoa học thật sự.

* Xin GS cho biết liệu trong tương lai toán học Việt Nam có thể đạt được nhiều thành công hơn không?(Việt, 18 tuổi)

- Tôi thực sự hy vọng cục diện của toán học Việt Nam sẽ thay đổi với chương trình trọng điểm. Nếu trong hội nghị toán học thế giới năm 2018, tức là trong lần sau nữa, có một, hai nhà toán học Việt Nam làm việc ở Việt Nam được mời làm báo cáo chuyên ngành, thì có thể coi như mảng nghiên cứu của chương trình trọng điểm thành công.

GS Ngô Bảo Châu ký tặng cuốn sách in toàn văn công trình nghiên cứu lời giải “Bổ đề cơ bản” tại hội nghị toán học thế giới - Ảnh: Nguyễn Việt Dũng


Tất nhiên đây là một chỉ tiêu rất phiến diện, nhưng nếu cần một chỉ tiêu để đánh giá một cách nhanh gọn, thì tôi sẽ chọn chỉ tiêu này. Để đạt được mục tiếu đó, các nhà toán học sẽ phải nỗ lực nhiều. Hàn Quốc đầu tư rất mạnh vào toán và khoa học cơ bản từ đầu năm 90, sau hơn 15 năm, vào hội nghị lần trước (2006), họ đã có hai người Hàn Quốc, làm việc ở Hàn Quốc. Lần này thì họ còn một. Nhưng tôi đánh giá là họ đã khá thành công.

* Nếu có thể thì chú sẽ thay đổi điều gì đầu tiên trong nền giáo dục Việt Nam để nước ta sẽ ngày càng có nhiều "Ngô Bảo Châu" hơn? (Phạm Anh Duy, 17 tuổi)

- Ý thức về sự cần thiết của nghiên cứu khoa học nghiêm túc trong các trường đại học.

* Lời đầu tiên tôi xin chúc mừng Việt Nam chúng ta có một vĩ nhân về toán học, GS Ngô Bảo Châu. GS nghĩ sao về sự phát triển của toán học Việt Nam, hơn thế nữa là sự ứng dụng toán học để phát triển đất nước Việt Nam chúng ta! (Lê Nguyễn Đình Khương, 22 tuổi)

- Bạn có vẻ hơi nghi ngờ về "cái tích sự" của toán học cho cuộc sống xã hội. Ở Mỹ, chỉ có 1/4 số người có bằng PhD về toán, tiếp tục làm việc hàn lâm tức là dạy và nghiên cứu toán. 3/4 còn lại, không những có việc làm, mà thường là việc làm có thu nhập khá cao: trong các nhà băng, quĩ đầu tư, hãng bảo hiểm và cái mà tôi ngạc nhiên nhất là con số khá lớn những người đi làm cho cơ quan an ninh quốc phòng.

Ở Việt Nam hiện nay, kiến thức toán học không cần bằng khả năng giao tiếp xã hội, khả năng "quan hệ". Nhưng ngay cái này có thể cũng sẽ thay đổi, nếu xã hội dần dần được tổ chức tốt hơn.

* GS cho tôi hỏi, tại sao GS sau khi đạt được danh hiệu cao quý đó lại không trở về Việt Nam làm việc hẳn thay vì chỉ dừng lại là "tham vấn" như GS đã từng nêu? Chúc GS có được sức khỏe dồi dào! (Phan Thị Mỹ Bình, 29 tuổi)

- Đối với tôi, việc tìm hiểu, khám phá khoa học cũng quan trọng không kém việc góp sức xây dựng nền khoa học và giáo dục Việt Nam. Để làm tốt cả hai việc này, đối với tôi, về Việt Nam làm việc hẳn vào thời điểm này không phải là lựa chọn tốt nhất. Như tôi đã có lời tâm sự, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hiểu rất rõ việc này.

Tôi rất mong muốn các nhà khoa học đang làm việc ở Việt Nam có nhiều điều kiện, cơ hội hơn để phát huy khả năng của mình. Các nhà khoa học cần những chính sách đúng đắn của chính phủ.

Khi ngã, hãy đứng lên đi tiếp

* Chú Châu thân mến, theo chú thế nào là một người thành công và thế nào là một người thất bại? Chú đã bao giờ vấp ngã trong cuộc sống chưa ạ? (Đặng Quốc Trung, 17 tuổi)

- Ai cũng từng vấp ngã. Có một người bạn đã cho chú một lời khuyên như thế này trong một thời điểm khủng hoảng: "Thất bại của cậu không có gì là đặc sắc, rất nhiều người đã ở trong hoàn cảnh như cậu và họ đều đứng lên đi tiếp, tại sao cậu không làm như thế?".

* Ở một vị trí như GS, có lẽ GS có một cái nhìn toàn cảnh về nền khoa học kỹ thuật nước nhà. GS có thể cho biết khó khăn lớn nhất làm trì trệ nền khoa học nước nhà nói chung và nên toán học nói riêng? Và theo GS thì các nhà lãnh đạo (có chất lượng) và giới trẻ Việt Nam nên làm gì để cải thiện điều đó? (Nguyễn Phúc Kỳ Nam, 22 tuổi)

- Chỉ cần nhìn vào thống kê công bố khoa học là có thể hiểu tình hình chung của nghiên cứu khoa học trong nước. Theo tôi, những người có trách nhiệm ở các trường đại học, từ trưởng khoa đến hiệu trưởng nên có ý thức đi tìm những các bộ khoa học sung sức, có năng lực về làm cho mình, và tìm cách đãi ngộ họ tốt nhất có thể. Trường đại học quốc tế TP.HCM làm rất tốt việc này.

Ở các nơi khác, tôi vẫn chỉ nghe thấy nói "có ai giỏi về bọn mình nhận ngay". Có một đội ngũ nhà khoa học trẻ, sung sức, có năng lực là chuyện sống còn của một trường đại học. Chủ động đi tìm không có nghĩa là tự hạ mình. Các trường "to đầu" như Harvard, Princeton thường tự đi tìm người về làm cho mình, chứ họ không ngồi đợi.

* Tôi từng nghe nhắc đến 7 bài toán của thiên niên kỷ (một bài đã được giáo sư Perelman người Nga giải quyết những năm gần đây). Thưa GS, có bao giờ GS quan tâm đến những bài toán đó chưa? GS có còn đam mê và động lực để theo đuổi một trong các bài toán này không? Kiến thức và chuyên ngành của GS có liên quan đến một trong những bài toán đó không?

Việc GS chuyển tới đại học Chicago, như GS nói, là để cùng các đồng nghiệp giải quyết các lĩnh vực liên quan. Tôi muốn hỏi: môi trường và công việc sắp tới ở ĐH Chicago có quá bận khiến GS không còn thì giờ để nuôi ý tưởng cho một trong những bài toán thiên niên kỷ trên không? (Lê Văn Dũng, 25 tuổi)

- Những bài toán được viện Clay đặt tên là thiên niên kỷ đúng là những vấn đề rất quan trọng. Nhưng những vấn đề tôi chọn để nghiên cứu trong thời gian tới đây không liên quan nhiều đến 7 bài toán của viện Clay.

Giải thưởng Fields mang đến nhiều trách nhiệm và lấy đi nhiều thời gian cho việc nghiên cứu. Nhưng cả ở Chicago và ở Hà Nội, mọi người đều rất cố gắng để tôi có nhiều thời gian nhất cho việc làm toán.

Tôi tiếp tục với những dự định

* Hiện nay, GS đang ở trên đỉnh vinh quang nhất trong sự nghiệp mà các nhà toán học muốn vươn tới. Sau khi nhận được giải thưởng có làm GS mất đi động lực nghiên cứu không? Dự định của GS sắp tới là gì? (Bùi Hữu Nghĩa, 19 tuổi)

- Giải thưởng không làm thay đổi công tác khoa học của tôi. Tôi vẫn tiếp tục những dự định tôi đã có từ trước. Dự định khoa học rất khó giải thích đơn giản cho bạn hiểu. Khi giải thích được mọi thứ đơn giản gãy gọn, thì vấn đề coi như đã giải quyết xong một nửa, không còn là dự định nữa.

* Thưa GS, sau khi đoạt giải, GS có kế hoạch gì để cống hiến cho đất nước không? Và GS có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ không? Xin cảm ơn GS! (dang dinh dong, 28 tuổi)

- Tôi sẽ tham gia công việc của Viện đào tạo nghiên cứu cao cấp về toán. Chúng tôi sẽ cố gắng chắp nối các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, để toán học Viêt Nam tiếp cận với nhiều hướng nghiên cứu mới. Viện có trách nhiệm làm vườn ươm cho nòng cốt của toán học Việt Nam tương lai và ủng hộ công tác nghiên khoa học trong các trường đại học. Chúng tôi cũng sẽ rất chú trọng đến những hướng nghiên cứu liên ngành, phối hợp toán học với khoa học máy tính, vật lý, sinh học, kinh tế...

*Thưa GS, trong thời gian tới, ông có dự định sẽ cho dịch các công trình khoa học của mình ra tiếng Việt và xuất bản rộng rãi không? Xin cám ơn. (Lê Anh Tú, 21 tuổi)

- Các công trình khoa học của tôi phần nhiều có tính chuyên sâu, dịch ra tiếng Việt thực ra không có mấy tác dụng. Nhưng tôi rất ủng hộ việc dịch những sách toán, sách khoa học kinh điển ra tiếng Việt. Bản thân tôi cũng sẽ cố gắng viết một số sách phổ biến khoa học dành cho đối tượng là sinh viên đại học.

* Thưa GS, theo ông, phẩm chất nào ở người nghiên cứu khoa học là cần thiết nhất? Có phải là sự can đảm, dám dấn thân không? Xin cám ơn giáo sư! (Lê Anh Tú, 21 tuổi)

- Trung thực, can đảm, tự do trong tư tưởng và học thuật là những phẩm chất không thể thiếu của một nhà khoa học. Dấn thân theo nghĩa xã hội thì phụ thuộc vào cá tính từng người. Nhà khoa học giỏi không nhất thiết phải là người dấn thân vào các công tác xã hội.

* Xin anh cho biết làm thế nào để khoa học Việt Nam thực sự phát triển đột phá trong những năm tới? Liệu chúng ta có cần phải thành lập những trung tâm xuất sắc (Centers of Exellence) như các nước Nhật, Hàn đang làm không? (Đông A, 40 tuổi)

- Những trung tâm nghiên cứu xuất sắc có vai trò rất lớn trong việc kéo mặt bằng chung của giáo dục đại học đi lên. Tất nhiên, muốn được như thế, nó phải có sự gắn bó hữu cơ với các trường đại học.

* Tôi là một luật sư. Khi biết thông tin GS được giải Fields toán học, tôi cảm thấy vô cùng tự hào về những gì GS đã làm. Tôi xin có một câu hỏi: với thành công này, GS có thể cho ý kiến và đóng góp thực tại của Toán học Việt Nam? Và nếu được mời Viện trưởng của Toán học Việt Nam. GS có suy nghĩ như thế nào? (Ngô Minh Thành, 34 tuổi)

- Bạn có thể đọc những câu trả lời của tôi về dự định của Viện nghiên cứu và đào tạo cao cấp về Toán mà chúng tôi rất hy vọng sẽ được nhà nước ủng hộ.

* Xin GS cho biết công trình của GS (chứng minh bổ đề cơ bản Langlands) hoàn thành trong thời gian bao lâu (kể từ lúc bắt đầu bắt tay vào chứng minh cho đến lúc hoàn thành và công bố công trình) và có những trở ngại nào trong quá trình chứng minh? (Nguyễn Anh Lương, 39 tuổi)

- Tôi mất sáu năm để hoàn thành công trình này. Nếu xem thời gian trước đó như một quá trình chuẩn bị, thì chắc sẽ còn nhiều hơn như thế.

* Anh Bảo Châu ơi nếu như về Việt Nam công tác, trong chương trình làm việc, anh có thể giúp cho các em học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa tiếp cận được nguồn tài liệu toán học quí giá ở các quốc gia trên thế giới không? (Nguyễn Toàn Vẹn, 36 tuổi)

- Chương trình trọng điểm quốc gia của ngành toán có một mảng chú trọng đến giáo dục phổ thông chuyên toán. Bản thân tôi không có vai trò chủ đạo trong mảng này. Tài liệu toán thực ra bây giờ khá sẵn ở trên mạng. Cái khó là hướng dẫn học sinh như thế nào để khỏi lạc trong đại dương kiến thức.

Gần gũi cuộc đời

* Đằng sau sự thành công của một nguời đàn ông có bóng dáng của một người phụ nữ. GS có thể cho biết đôi điều về người phụ nữ đó không?(le van trinh, 25 tuổi)

- Vợ tôi không muốn được thông tin đại chúng nhắc đến. Tôi hoàn toàn hiểu và tôn trọng cô ấy.

* Xin chúc mừng thành công vang dội của GS, xin phép được hỏi: GS có định hướng cho ba cô con gái của mình theo con đường của GS không? Nếu có cháu không theo cha, anh sẽ nghĩ sao? Xin trân trọng cảm ơn GS! (Bùi Thị Thúy, 38 tuổi)

- Chúng tôi cố gắng định hướng cho con mình theo khả năng và sở thích của các cháu. Nhưng thực ra chuyện này không dễ chút nào.

* Thưa GS! Theo ông thì một môi trường tốt để học tập và nghiên cứu phải như thế nào? Và làm sao để có thể học trong những môi trường như thế? Một học sinh muốn theo con đường khoa học thì cần phải làm việc gì trước, việc gì sau? (Võ phi long, 17 tuổi)

- Môi trường khoa học là nơi việc tìm hiểu kho tàng tri thức của nhân loại và làm giàu cho nó được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Đó là nơi tập hợp những người hết mình trong công tác truyền đạt tri thức đã biết, và tìm tòi những tri thức mới.

* Thưa GS, hiện GS đã trở thành "sao" trong mắt giới trẻ chúng tôi, GS có cảm thấy bị áp lực không khi đời tư, từng thái độ của GS được báo chí đưa tin? (Ngọc Minh)

- Tôi không thích chuyện riêng tư của mình phơi lên mặt báo. Nhưng tôi tin là cơn sốt này sẽ dịu xuống nhanh. Chưa có ai được huy chương Fields hai lần.

* Thưa GS, tôi có một cháu nhỏ đang học lớp 1, cháu rất thích học một toán, tôi muốn hỏi GS làm thế nào để có thể nuôi dưỡng niềm đam mê toán học từ nhỏ cho cháu? (Nguyễn Thị Hồng Linh, 32 tuổi)

- Theo tôi, nên cho trẻ thử sức với những bài toán khó hơn khă năng một chút. Trẻ con, và thực ra cả người lớn, đều có thích thú vượt lên chính mình. Ngoài ra, chị có thể tìm mua một số sách toán học thưởng thức, tiểu sử các nhà toán học lớn... Lúc nào có thời gian, tôi sẽ xây dựng hộ chị một danh sách.


Giáo sư Ngô Bảo Châu: 'Được đi học là hạnh phúc'
(TTXVN)

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn của TTXVN với giáo sư Ngô Bảo Châu tại Ấn Độ, sau khi anh nhận Huy chương Fields.

Người lớn có trách nhiệm trong việc khuyến khích trẻ em cảm thấy được đi học là một điều hạnh phúc, giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ ngay sau khi nhận giải thưởng cao quý về toán học của thế giới.

Giây phút Tổng thống Ấn Độ (trái) trao Huy chương Fields cho Ngô Bảo Châu. Ảnh: AFP.


- Thưa giáo sư, xin phép được gọi là anh cho thân tình, anh có thể chia sẻ với lớp thanh, thiếu niên bí quyết thành công của mình trên con đường khó khăn như nghiên cứu khoa học không?

- Cần dành thêm thời gian cho thanh niên. Tôi có cảm giác một bộ phận thanh niên hiện nay có tư tưởng nóng vội, muốn có thành công nhanh chóng. Trong khi đó, để thành công trong khoa học cần có sự say mê, bền bỉ phấn đấu để có thể vượt qua những khó khăn trên con đường nghiên cứu khoa học vốn luôn đầy chông gai và khó khăn.

- Giờ đây, khi đạt tới đỉnh cao của vinh quang trong lĩnh vực Toán học, anh có thể nói gì về những người thầy đã truyền cho anh ngọn lửa tình yêu đối với Toán học, chắp cánh cho anh bay cao và xa trong khoa học như hiện nay?

- Để tôi trưởng thành như ngày hôm nay, có công lao của rất nhiều thầy. Người thầy đầu tiên mà tôi muốn nói tới là thầy Hồ Ngọc Đại, mặc dù ông không dạy tôi môn Toán, song ông đã có ảnh hưởng tới cách tiếp cận cuộc sống và hình thành nhân cách của tôi.

Những bậc đàn anh như Lê Thiếu Hoa, Vũ Hữu Hòa, Phạm Ngọc Hùng cũng như những bạn đồng học đã truyền thêm cho tôi niềm say mê đối với môn Toán.

Ngoài ra, tôi còn có những thầy người nước ngoài, trong đó người có ảnh hưởng đặc biệt là giáo sư G. Laumon. Không chỉ quan tâm giúp đỡ tôi trong lĩnh vực Toán học, ông còn quan tâm tới cuộc sống tinh thần và vật chất của tôi.

- Theo anh làm thế nào để khuyến khích lớp trẻ hiện nay say mê học và nghiên cứu khoa học, như anh từng nhắc câu nói của thầy Hồ Ngọc Đại “đi học là hạnh phúc”?

- Để làm điều này phải có lẽ phải thay đổi cách giáo dục. Mặt khác, người lớn cũng có trách nhiệm trong việc khuyến khích trẻ em cảm thấy được đi học là một điều hạnh phúc. Trong thế giới hiện đại, trẻ em có nhiều điều kiện tiếp cận nhiều loại thông tin khác nhau, do đó cũng dễ bị sao nhãng việc học tập hơn.

- Anh có thể nói gì về sự quan tâm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam nói chung đối với những trí thức tài năng như anh?

- Tôi rất cảm động trước sự quan tâm của Chính phủ cũng như cá nhân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm gia đình anh ngày 8/8 vừa qua và mời anh về nước làm việc, đồng thời hứa tạo mọi điều kiện cần thiết để anh có thể góp phần hiệu quả vào việc phát triển nền khoa học nước nhà, anh có cảm thấy sức ép khi được mời về nước làm việc không?

- Tôi không cảm thấy có sức ép như vậy. Thực ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ yêu cầu tôi cần đóng góp nhiều hơn cho nền Toán học và khoa học nước nhà và tôi đồng ý với ý kiến đó.

Tôi đã đề nghị Chính phủ cho thành lập viện nghiên cứu khoa học cấp cao, nơi các nhà nghiên cứu có thể toàn tâm toàn ý với công tác nghiên cứu mà không phải lo lắng về cuộc sống vật chất giống như các viện nghiên cứu ở Hàn Quốc, Nhật Bản..., nhờ vậy có thể thúc đẩy nền khoa học nước nhà.


Giáo sư G.Laumon: Ngô Bảo Châu đang ở trên đỉnh cao trong nửa đầu sự nghiệp
(Vũ Công Lập thực hiện, Tuổi Trẻ)

Sau đây là bài phỏng vấn của cộng tác viên Tuổi Trẻ với GS Laumon - thầy giáo cũ của GS Ngô Bảo Châu.

Giáo sư Ngô Bảo Châu (phải) và thầy Laumon (Pháp). Xung quanh họ có nhiều nhân vật liên quan thú vị đến nền toán học VN - Ảnh tư liệu


* GS có nhớ lần gặp gỡ đầu tiên với Ngô Bảo Châu? Ấn tượng của GS như thế nào? Vì sao GS đã nhận Ngô Bảo Châu làm nghiên cứu sinh của mình?

- G.Laumon: Tôi nhớ rõ buổi trình bày tuyệt vời bản luận án thạc sĩ của Ngô Bảo Châu năm 1993. Vào lúc đó, tôi thực sự không có một đề tài nào có thể gọi là tốt cho luận án tiến sĩ, và tôi rất lưỡng lự khi nhận nghiên cứu sinh mới. Nhưng Michel Broue, người chịu trách nhiệm về dạy và học toán tại Trường Ecole Normale Superieuere, đã có ấn tượng rất mạnh về Ngô Bảo Châu và đã thuyết phục tôi nhận anh ấy làm nghiên cứu sinh. Cuối cùng, tôi đã đề nghị Ngô Bảo Châu đề tài mà tôi có kế hoạch dành cho chính mình.

Anh ấy hiện nay là người dẫn đầu, nhà lãnh đạo của toàn thế giới, trong một lĩnh vực rộng lớn của toán học.


Đề tài này quả thật rất khó, và mặc dù đã rất nỗ lực, Ngô Bảo Châu đã không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong suốt hai năm. Đấy là khoảng thời gian rất khó khăn cho cả hai chúng tôi. Vào một ngày trong năm 1996, anh ấy đến phòng làm việc của tôi với một ý tưởng hết sức đơn giản và thông thái. Vài tháng sau anh ấy nhận học vị tiến sĩ. Lời chứng minh hình học cho Bổ đề cơ bản Jacquet - Ye là thành tích lớn lao đầu tiên của Ngô Bảo Châu.

* GS đánh giá thế nào về Ngô Bảo Châu và thành quả nghiên cứu của anh ấy hiện nay?

- G. Laumon: Ngô Bảo Châu hiện đã đạt được đỉnh cao trong nửa đầu sự nghiệp của anh ấy. Anh ấy hiện nay là người dẫn đầu, nhà lãnh đạo của toàn thế giới, trong một lĩnh vực rộng lớn của toán học.

* GS có thể nói về một số kỷ niệm không quên trong thời gian làm việc với Ngô Bảo Châu?

- G. Laumon: Năm 2003, ở IHES (la Institut de Hautes Etudes Scientifiques - Viện nghiên cứu toán học cao cấp), Laurent Lafforgue và Ngô Bảo Châu đã lập ra một “nhóm công tác” để thực hiện một trong những dự định của tôi nhằm chứng minh những trường hợp mới của Bổ đề cơ bản Langlands- Shelstad.

Tại một trong các phiên họp, trong giờ nghỉ, Ngô Bảo Châu nói với tôi rằng, thớ Hitchin có thể là một công cụ tốt để giải bài toán này. Ngay lập tức, tôi không nhận ra hết tầm quan trọng trong nhận xét của anh ấy, nhưng anh ấy phấn khích đến mức tôi tin điều anh ấy đã nói. Vài tháng sau, khi tôi đến thăm Hà Nội, chúng tôi cùng nhau bắt tay vào giải quyết một trường hợp riêng của Bổ đề cơ bản Langlands - Sheltad và chúng tôi kết thúc công việc này ở Orsay năm 2004.

* Có thể rằng Viện Nghiên cứu toán học cao cấp sẽ sớm được thành lập ở Việt Nam, và ở đây Ngô Bảo Châu sẽ đóng một vai trò quan trọng. GS có thể cân nhắc để tham gia vào hoạt động của Viện này?

- G. Laumon: Tôi có lời chúc tốt đẹp nhất cho thành công của Viện nghiên cứu toán học cao cấp Việt Nam và tôi sẽ rất vui lòng đóng góp vào hoạt động của Viện.

* Chúng tôi xin chúc Ngài những điều tốt đẹp nhất, đặc biệt là nhiều thành công trong việc đào tạo các tài năng trẻ như Ngô Bảo Châu. Xin cám ơn rất nhiều vì bài phỏng vấn này.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • GS Ngô Bảo Châu: “Nỗi lo lớn đã trở thành niềm vui lớn”

    22/08/2010Trên blog của mình, giáo sư Ngô Bảo Châu đã chia sẻ quan điểm của mình về trách nhiệm của người nhận giải, về giáo dục. SGTT đăng nguyên văn bài viết từ blog của "hoà thượng" Thích Học Toán...
  • Nức lòng sự kiện GS Châu, tĩnh tâm ngẫm về vận nước

    21/08/2010Nguyễn TrungTin GS Ngô Bảo Châu được tặng Huy chương Fields cho thành quả khoa học của mình là tin vui lớn của "làng toán học thế giới" nói chung và là vinh dự lớn của GS Ngô Bảo Châu nói riêng. Tin vui lớn này mang lại cho trí tuệ Việt Nam niềm tự hào xứng đáng. Càng tự hào bao nhiêu tôi càng cảm thấy đau lòng bấy nhiêu về thực trạng hiện nay của nền giáo dục nước nhà
  • Niềm tự hào mang tên Ngô Bảo Châu

    20/08/2010Trần Đình LýNhững ngày này, ở đâu cũng xốn xang với cảm xúc tự hào, niềm vui khôn xiết về một con người đã, đang và sẽ tiếp tục làm rạng danh dân tộc Việt Nam: Người đặc biệt Ngô Bảo Châu!
  • Ngô Bảo Châu là người hùng mới của Việt Nam

    19/08/2010Ngay thời khắc thế giới xướng tên Ngô Bảo Châu tại Ấn Độ, giới trí thức trong nước cũng vỡ òa theo niềm vui của người đồng nghiệp trẻ. Sau một khoảng thời gian dài chờ đợi, bản lề mới của toán học Việt Nam đã được vinh danh trên trường quốc tế...