Bát nháo học... thuê
Một ngày cuối tháng 10 vừa qua, tôi nhận được nội dung cuộc gọi của Nguyễn Hồng Q.: “8 giờ mày sang lớp tại chức trường T. học hộ tao nhá. Hôm nay ở bên trường X, tao phải kiểm tra giữa kỳ. Chiều nay tao mời mày đi uống bia”.
Những “diễn viên đóng thế”
Lớp tại chức trường T. ngồn ngộn gần 100 người theo học đủ các thành phần, tuổi tác. Ngay khi vào lớp, thầy giáo đi phát cho mỗi học viên một mảnh giấy, đề nghị viết tên vào đó, nộp cho thầy để… điểm danh! Theo phản xạ, suýt nữa tôi viết tên thật của mình, thay vì tên thằng bạn nhờ học hộ.
Giờ ra chơi, khi tiếp xúc với các học viên lớp tại chức, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Một học viên tên Hoạt cho biết: “Trong lớp này có không ít học viên trong lớp học là “diễn viên đóng thế”. Tức là những người đi học hộ. Thậm chí, theo tôi biết có hẳn một nhóm người được thuê đi học một cách chuyên nghiệp”.
Hoạt kể: như trường hợp chị Lan là chỗ quen biết của Hoạt. Sau khi tốt nghiệp một trường ĐH, Lan được vào làm ở một tòa án của quận và buộc phải theo học để lấy thêm bằng chuyên ngành để có thể tiếp tục phát triển sự nghiệp. Lan đã lập gia đình và có 2 con nhỏ. Thời gian dành cho công việc, cho gia đình đã không đủ, lấy đâu ra để “mài đũng quần” trên lớp nữa? Lan được bạn bè “mách mối” đã thuê hẳn một sinh viên “thừa thời gian nhưng thiếu tiền” để đến đây học hộ cho mình.
Học trọn cả kì, Lan trả cho cô sinh viên kia 900 ngàn đồng (tương đương với một kì học phí). Đến kì thi, Lan đi thi bình thường nhưng nhờ cô sinh viên đó đứng ngoài làm bài rồi quẳng vào với giá 100 ngàn đồng/đề thi 2 câu. Công việc, gia đình và cả “việc học” của Lan xuôi chèo mát mái gần 2 năm.
Do tính đặc thù của lớp học tại chức: lớp đông, nhiều người với độ tuổi chênh lệch học vào buổi tối, giảng viên điểm danh bằng phiếu… nên tình trạng học hộ, học thuê càng có điều kiện phát triển mạnh. Đa phần những người học tại chức đều đã đi làm, thậm chí đã có thâm niên trong công việc, nhưng nay bắt buộc phải có thêm tấm bằng chuyên ngành để “đủ điều kiện” phát triển sự nghiệp. Một học viên học lớp tại chức báo chí tâm sự: “Tôi chỉ cần lấy tấm bằng là được. Ngoài ra, chỉ cần biết... tên môn học là đủ!”.
Ngay cả các lớp học chính quy, văn bằng 2 tình trạng học hộ, học thuê cũng khá phổ biến. Nhiều người chẳng còn ngạc nhiên khi thấy mỗi buổi học, lớp mình lại xuất hiện một gương mặt lạ hoắc. Những “diễn viên đóng thế” này hồn nhiên trà trộn vào tốp “quán nhà lá” ở cuối lớp. Khi thầy giáo điểm danh, chỉ việc “có” là đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Quyền lợi, giá cả cho một chữ “có” thường là 20- 30 ngàn đồng.
Học thuê: Ai thuê, ai học?
Với một lịch học dày đặc theo kiểu “chạy sô” ở 2 hoặc 3 trường, rất nhiều học viên xoay xở mọi cách để tìm một người học thuê. Họ nghĩ ngay đến việc nhờ người quen học ở những trường bên cạnh, nhờ bạn bè cùng lớp, và thậm chí thuê cả những… người chưa từng học đại học.
Hoài N - trưởng phòng một Cty xây dựng, đăng kí thi vào lớp tại chức X. và không ngần ngại khi thuê một sinh viên đến lớp để học hộ mình, mặc dù anh ta có thể xin Cty cho nghỉ một số thời gian nhất định để đi học. Giá trọn gói cho mỗi kì học là 1 triệu đồng. Không một sinh viên nào khi mà dư dả thời gian nhưng lại thiếu tiền lại từ chối những khoản “hợp đồng ngon ăn” như thế.
Không phải ai thuê người học cũng là những người quá bận rộn với gia đình, công việc. Xin nêu ra đây ví dụ về một nhóm nữ sinh mà lâu nay đã nổi tiếng là “ngũ long công chúa” ở Hà Nội. Nhóm nữ sinh này đều thuộc con nhà khá giả, tiền tiêu thoải mái và họ lúc nào cũng có thú vui tiêu tiền!
“Bận rộn” với các sàn nhảy, các cuộc vui liên tỉnh… nhóm nữ sinh này không ngần ngại thuê người học hộ, điểm danh hộ với mức thù lao xứng đáng để “công việc” học tập xuôi chèo mát mái. Cái mà họ cần sau này khi ra trường chỉ là cái bằng đại học, còn không cần quan tâm đến kiến thức.
Đối với những người được thuê đi học hộ, họ “tam tứ tiện” nhiều mặt. Họ “học giả” mà được tiền thật, nếu chịu khó ngồi nghe giảng thực sự, họ còn được cả “kiến thức thật”. “Họ có sợ kỉ luật khi bị phát hiện?” Câu trả lời là: Lớp học quá đông, chỉ có trời biết, đất biết, mình biết và “gia chủ” mình biết, thì sợ gì?!
Bất kỳ người nào cũng đều có những lý do để… ngụy biện cho việc học thuê. Cả những người học thuê và người thuê học đều đang ý thức rõ được họ đang làm gì và hệ lụy của việc đó ra sao. Tuy nhiên, người ta vẫn cứ làm sau một cái chậc lưỡi: “Người khác làm được, tại sao tôi lại không? Hơn nữa, có sao đâu!”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu