“Nghề” học thuê
Chuyện đi học điểm danh tưởng như không ai có thể làm hộ được vậy mà nó lại đang trở nên khá phổ biến ở nhiều trường đại học. “Nghề” học thuê cũng đang trở thành một nghề “ngồi mát ăn bát vàng” đối với nhiều sinh viên.
Nhất cử lưỡng tiện
Đã có công việc ổn định và khá bận rộn, T. muốn có thêm bằng đại học nên đã theo học một lớp tại chức ở trường Đại học T.M. Nhưng vì công việc bận rộn, không có thời gian đến lớp mà thầy giáo lại điểm danh gắt gao, có ngày điểm danh đến 2 lần. Để vừa đảm bảo công việc vừa muốn có được tấm bằng, T. tìm đến ký túc xá sinh viên và thuê một sinh viên đến lớp học thuê, điểm danh tên mình với giá 10.000 đồng/buổi. Vậy là T. yên tâm đi làm mà không phải lo đến chuyện đèn sách. Đến kỳ thi T. lại thuê chính sinh viên đó đứng ngoài làm hộ đề thi rồi vứt vào lớp. Giá cho một đề thi 2 câu hỏi là 100.000 đồng/đề... Cứ như vậy, chuyện học của T. khá thuận buồm xuôi gió. T. cho biết: lớp T. có 60 sinh viên thì đã có tới 10 người thuê học hộ. Câu chuyện trên đã trở thành cực kỳ phổ biến ở rất nhiều trường đại học tại Hà Nội. Phổ biến nhất vẫn thường xảy ra ở các lớp học tại chức. Những lớp học này, sinh viên đến lớp hầu hết đều là những người có công việc ổn định, muốn kiếm thêm một tấm bằng đại học nữa. Thời gian dành cho việc học không có nên họ chống đối bằng cách thuê người học hộ. Có tới một ngàn lẻ một lý do để người ta thuê người đi học thay: bận đi công tác dài ngày, có bầu, sinh con, quá bận rộn với công việc... Có cầu ắt có cung. Và không có gì dễ bằng việc đi tìm một người học thuê. Tôi đã thử làm cuộc khảo sát, tìm gặp bất cứ một sinh viên nào mà tôi nhìn thấy trong sân của 3 trường đại học: KTQD, TM, TH với cùng một đề nghị: đi học thuê với giá 10.000 đến 15.000 đồng/buổi và tất cả những sinh viên được đề nghị học thuê, không một sinh viên nào từ chối. Sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngoại tỉnh, luôn phải đối mặt với chuyện cơm áo gạo tiền, nên họ không dễ dàng bỏ qua một “hợp đồng kinh tế” hời đến như vậy. Học thuê vừa được tiền, lại có thêm kiến thức - nhất cử lưỡng tiện - đó là lời sinh viên tên K., người đã theo “nghề” học thuê hai năm nay. Khi được hỏi: “Em học thuê thế không sợ bị nhà trường kỷ luật sao?”; K. chỉ cười: lớp học đông thế thầy biết ai vào với ai mà kỷ luật...
Hiện tại, ở các trường đại học, số sinh viên trong mỗi lớp học ít nhất cũng là 60 sinh viên/lớp, còn phổ biến là 80 đến 120 sinh viên/lớp học. Vì số sinh viên trong một lớp học quá đông như vậy, chưa nói đến chất lượng học tập nhưng thầy giáo không thể nhớ hết mặt sinh viên của mình. Và nhà trường chỉ biết quản lý sinh viên của mình theo một cách duy nhất là điểm danh. Để tránh việc sinh viên bỏ học giữa chừng, có thầy giáo điểm danh tới 3 lần trong một buổi học - điểm danh tiết đầu, điểm danh tiết giữa, đến trước khi ra về thầy lại điểm danh lần nữa. Với số sinh viên đông như vậy, mỗi lần thầy điểm danh cũng phải mất nửa tiết. Một buổi học thầy điểm danh tới 3 lần, như vậy là đã mất tới gần 1/3 thời gian dành cho việc giảng dạy.
Chuyện học thuê tưởng chừng như hết sức vô lý này lại đang trở lên khá phổ biến ở nhiều trường đại học. Không chỉ xảy ra ở các lớp học tại chức, văn bằng hai mà còn có chuyện học thuê ở những lớp học chính quy, đặc biệt là những lớp học năm cuối, khi sinh viên đã bắt đầu bận rộn với công việc kiếm thêm tiền bên ngoài, không còn thời gian dành cho việc học. Điều đáng nói là ở các trường đại học, chuyện học thuê dù đã trở lên khá phổ biến như vậy nhưng trong quy chế học tập của các trường đại học không có một quy định xử phạt nào đối với hành vi học thuê của sinh viên.
Dịch vụ tận răng
Đó là chuyện học, còn đến kỳ thi cũng có vô vàn chuyện để nói. Hiện đang là mùa thi của sinh viên, tôi dạo thử một vòng quanh trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ vừa đi xe tà tà đến gần dẫy hàng photocopy đã có tới 3, 4 đứa trẻ lao ra túm lấy đầu xe mời mua tài liệu, tiểu luận... nhiệt tình giống như người ta vẫn lôi kéo khách vào ăn trên phố ẩm thực mà báo chí một dạo vẫn kêu ca. Cứ đến mùa thi, khu vực dãy hàng photocopy ở cổng trường Kinh tế Quốc dân, đoạn đối diện với ký túc xá sinh viên lại tấp nập người mua kẻ bán. Sinh viên thi môn nào đều có thể tìm mua một bộ ruột mèo được đánh máy cẩn thận và nhỏ li ti rất thuận tiện cho việc quay cóp khi thi cử chỉ với giá 3.000 đồng/bộ. Còn nếu phải nộp tiểu luận cũng chỉ cần mất 25.000 đồng, sinh viên sẽ có tiểu luận nộp cho thầy chấm. Mọi thứ dịch vụ ở đây sẵn đến nỗi thậm chí nếu phải làm luận văn tốt nghiệp cũng chỉ phải mua với giá 80.000 đến 120.000đ/luận văn. Giá cả cao thấp không phụ thuộc vào chất lượng bài luận văn, chỉ tùy thuộc vào số trang dầy hay mỏng.
Ở các lớp tại chức người ta vẫn kháo nhau, đến kỳ thi sẽ biết thu nhập của mỗi người trong lớp. Người có thu nhập cao thì thuê sinh viên đứng ngoài cửa lớp làm bài rồi vứt vào lớp cho với giá 50.000 đồng/câu hỏi, còn những người thu nhập ít hơn thì mua bộ ruột mèo với giá 3.000 đồng/bộ...
Bức tranh về chuyện học hành, thi cử của sinh viên các trường đại học ở Hà Nội hiện nay đã có quá nhiều mảng tối. Vấn nạn học thuê đang trở nên tràn lan và dường như nhà trường không thể kiểm soát được. Trong Nghị định số 49/2005/NĐ-CP của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Chính phủ ban hành ngày 11-4-2005 có quy định rõ những hành vi: thi thay người khác hoặc thi kèm để trợ giúp người khác, chuyển tài liệu, thông tin, đồ dùng trái phép vào phòng thi cho thí sinh đang dự thi... sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên cũng không có một dòng nào dành cho việc xử phạt đối với việc thuê người khác đi học thay. Trong quy chế của các trường lại cũng không hề nhắc nhở đến chuyện cấm sinh viên có hành vi học thuê, học hộ... Vậy nên sinh viên các trường có vẻ khá yên tâm với nghề học thuê vừa nhàn vừa dễ kiếm tiền của mình.
Ở cổng trường Kinh tế Quốc dân một dạo người ta đã tìm cách dẹp những hàng photocopy chuyên bán phao thi, ruột mèo. Tuy nhiên vì làm chưa triệt để nên giống như đem ếch bỏ vào đĩa, đâu lại vào đó... Đã đến lúc phải vẽ lại bức tranh về chuyện học hành thi cử của sinh viên hiện nay, để dần xóa đi những mảng tối. Việc này không chỉ phụ thuộc vào nhà quản lý giáo dục mà còn cần đến ý thức của chính những sinh viên đang góp phần tô lên những mảng tối trong bức tranh giáo dục đó.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900