33 thợ mỏ và 9 ngư dân

08:51 SA @ Thứ Năm - 14 Tháng Mười, 2010
33 - đó là số thợ mỏ ở Chile bị mắc kẹt dưới lòng đất kể từ vụ sập hầm mỏ vàng và đồng ở San Jose hơn hai tháng qua! Không ai dám tin họ sẽ sống sót khi bị vùi lấp ở độ sâu 700m. Nhưng hôm qua, những thợ mỏ đầu tiên đã trở về từ cõi chết trong vòng tay yêu thương của gia đình và tiếng hò reo mừng rỡ của hàng triệu người dân đất nước Chile!

Càng xúc động hơn khi trong số những công nhân ấy, dù chỉ duy nhất một thợ mỏ có quốc tịch Bolivia, nhưng chính tổng thống nước này cũng bay tới San Jose để chờ đón công dân của mình!

Hôm qua, hàng triệu người trên thế giới đã ngồi trước màn hình để xem trực tiếp cuộc giải cứu chưa từng có trong lịch sử từ các kênh truyền hình lớn. Một cuộc giải cứu khiến người ta xúc động và ấn tượng hơn bất cứ thước phim hành động nào của Hollywood!

Đối diện với cái chết không phải là một điều gì quá lạ lẫm. Nhưng với những câu chuyện như sập hầm lò, khi những số phận người đối mặt với cái chết đến từng phút bằng đói, bằng khát, bằng thiếu không khí và hơn cả là sự hoảng loạn, suy sụp tinh thần...nó luôn khiến người ta xúc động mãnh liệt.

Hơn hai tháng qua, từ đáy “địa ngục”, những thợ mỏ Chile đã sống với niềm tin vào điều kỳ diệu hơn cả phép mầu. Và rồi điều ấy đã xảy ra! Niềm vui ấy không phải chỉ có ở thân nhân của người thợ, không chỉ với người dân Chile mà còn dành cho tất cả những ai trên hành tinh này đang theo dõi câu chuyện bi tráng ở Chile với một niềm tin mãnh liệt.


Pablo Rojas, 45 tuổi, vui mừng khi là thợ mở thứ 19 được đưa lên mặt đất
Ảnh: AFP


Nhưng cũng hôm qua, khi hàng triệu người trong chúng ta dán mắt vào các kênh truyền hình để dõi theo từng công nhân Chile bên kia bán cầu bước ra khỏi chiếc lồng cứu hộ Phượng Hoàng trong tiếng vỗ tay reo mừng thì ở một bến cá trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), vợ con của chín ngư dân trên tàu cá QNg-66478 đang mòn mỏi ngóng trông chồng trở về từ biển sau khi có quyết định thả chín ngư dân và phương tiện của họ sau một tháng bị giam giữ.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, tàu và các ngư dân Lý Sơn được thả vào chiều 11-10. Nhưng đến tận tối 13-10, đất liền vẫn bặt vô âm tín với các ngư dân, dù liên lạc từ máy ICOM hay điện thoại di động, trong khi dự báo thời tiết cho biết vùng biển Hoàng Sa đang có sóng to gió lớn. Con thuyền nhỏ thiếu cả phương tiện liên lạc của những ngư dân nghèo liệu có đủ sức vượt qua mưa bão để may mắn trở về cùng vợ con họ đang ngóng chờ? Không một ai biết giờ này họ đang ở đâu giữa mênh mông biển cả.

Vâng, không một ai hay biết! Chỉ có hi vọng khôn nguôi rằng họ sẽ trở về trong ánh mắt chờ đợi đến thất thần của vợ con trên cầu cảng Lý Sơn!

Câu chuyện những thợ mỏ Chile hôm qua khiến chúng ta xúc động bao nhiêu thì càng khiến chúng ta đau xót bấy nhiêu khi nghĩ đến những ngư dân của chúng ta đang đơn độc giữa biển cả. Bởi cuộc cứu hộ kỳ diệu tận Chile xa xôi thêm một lần nữa nói với chúng ta về giá trị vĩnh hằng của tình yêu thương và trách nhiệm với cộng đồng, với cuộc sống và sinh mạng con người! Đó cũng là lời nhắc nhở cho tất cả, không riêng ai, không riêng quốc gia nào!

Câu chuyện về những nỗ lực của đất nước Chile để cứu sống những thợ mỏ - những con dân của đất nước mình - vì thế thật sự là một câu chuyện đẹp và đầy tình người. Giá trị nhân văn của “câu chuyện Chile” những ngày này vì thế sẽ là bất tử, sẽ luôn thao thức và nhắc nhở mọi người!


Sơ đồ giải cứu 33 thợ mỏ


9 ngư dân Lý Sơn đang ở đâu?
(Tuổi trẻ, Tân Vũ - Đoàn Cường)

Đến chiều tối 13-10, mọi thông tin liên lạc giữa đất liền với chín ngư dân trên tàu QNg-66478 TS của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (40 tuổi, thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) mà Trung Quốc thông báo đã trả về từ 11-10, vẫn chưa được kết nối.


Những người phụ nữ đảo Lý Sơn dõi mắt chờ chồng - Ảnh: Tấn Vũ

Chính quyền huyện Lý Sơn, thông qua máy liên lạc ICOM, nhờ các tàu cá Quảng Ngãi đang đánh bắt trên khu vực biển Hoàng Sa tìm kiếm, cứu hộ tàu QNg-66478 TS nhưng vẫn chưa tìm thấy.

Quá sức chính quyền huyện

Ông Nguyễn Văn Lê, trưởng Phòng kinh tế hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết mấy ngày nay cán bộ phòng liên tục liên lạc với các gia đình người thân để nắm thông tin nhưng chính quyền chưa có chính sách gì hỗ trợ gia đình các ngư dân này và đang chờ ý kiến của tỉnh. Theo ông Lê, hiện có bốn máy ICOM trên đảo phát sóng lúc 7g và 19g để nắm thông tin, tình hình các tàu cá trên biển.

Ông Võ Xuân Huyện, chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết: “Lâu nay nếu ngư dân được thả về bằng đường bộ hoặc đường hàng không thì mình có người ra đón. Còn nếu ngư dân được thả về bằng đường biển thì khi tàu về đến cảng, ngư dân làm việc với biên phòng rồi tự về nhà”. Cũng theo ông Huyện, chính quyền huyện không thể cử và không có phương tiện, tàu thuyền đi qua tận nơi các ngư dân bị bắt để đón họ về vì không có chi phí. Hơn nữa đấy là vùng biển có tranh chấp nên mọi việc quá sức của chính quyền huyện mà phải nằm ở cấp Chính phủ.


Nhiều ngày qua, bà Phạm Thị Lan vẫn thấp thỏm ra biển ngóng tin. Chiều tối 13-10, dù trời mưa to bà Lan vẫn đội áo mưa ra biển đợi chồng - Ảnh: Đoàn Cường

Nỗi đau khi bị bắt

Tìm gặp các ngư dân từng bị bắt và thả về tại đảo Lý Sơn, chúng tôi thấy hầu hết họ đều rất ngao ngán chuyện bị Trung Quốc bắt giữ. Ngư dân Dương Hưởng, đi trên tàu QNg-6597 TS, bị bắt ngày 16-6-2009, chưa hết bàng hoàng khi nhớ về những ngày tháng bị giam cầm. Ông Hưởng kể lại: “Nhà giam là căn nhà bịt bùng chỉ có một lỗ nhỏ thông gió. Có quạt điện nhưng không có phòng vệ sinh và phòng tắm. Điện được thắp sáng suốt ngày đêm, chúng tôi không thấy mặt trời”.

Ngư dân Dương Thành Vinh (thôn Tây, An Hải), chủ tàu QNg-6364TS bị bắt tháng 6-2009, là người bị giam chung với ông Hưởng, nhớ lại: “Mỗi ngày họ cho ăn hai chén cơm, ăn với bún xào đu đủ, mỗi tuần một bữa canh rau”.

Ông Hưởng cho biết khi thả tàu QNg-6597 TS về, phía Trung Quốc hút hết dầu máy, chỉ chừa đủ lượng dầu và thức ăn để các ngư dân chạy về Việt Nam. Tất cả ngư cụ, ICOM, điện đàm, định vị, bình hơi, dây lặn... đều bị tịch thu hoặc phá hỏng. “Họ chỉ cho chúng tôi cái la bàn để định hướng mà đi về Việt Nam. Nếu không phải là ngư dân kỳ cựu, không nhìn bọt nước, nhìn sóng, dễ đi lạc như chơi” - ông Hưởng nói.

Ông Hưởng còn cho biết hiện khoản nợ hơn 250 triệu đồng của gia đình ông trong lần bị bắt vẫn chưa thể trả được.

Từ ngày được tin tàu cá của ông Mai Phụng Lưu được thả, nhiều người dân trên đảo Lý Sơn, hàng xóm của ông Lưu vẫn chờ đợi tàu của ông trở về từ biển khơi - Ảnh: Đoàn Cường



Trung tướng Trần Quang Khuê: Lo lắng cho sinh mạng 9 ngư dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 13-10, trung tướng Trần Quang Khuê - phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn - cho biết vẫn chưa liên lạc được với tàu cá QNg-66478 TS và chín ngư dân Việt Nam được phía Trung Quốc thông báo trả tự do chiều 11-10.

Trung tướng Khuê cho biết bản thân ông “cũng đang sốt ruột và đề nghị bộ đội biên phòng tìm mọi cách liên lạc nắm thông tin về tàu cá trên”. Theo ông Khuê, phía Trung Quốc thông báo thả chín ngư dân trên tàu cá QNg-66478 TS nhưng không bàn giao cho Việt Nam.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao thông báo sang Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng chỉ cho biết là đã thả chín ngư dân trên, không có thông tin cụ thể về máy thông tin liên lạc, tình trạng dầu, nước trên tàu của ngư dân. Trung tướng Khuê cho rằng việc thả ngư dân trên biển nhưng không bảo đảm về mặt thông tin là rất nguy hiểm cho sinh mạng của các ngư dân.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 13-10 cho hay cũng đang tìm mọi cách để nắm bắt tình hình của chín ngư dân Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc bắt ngày 11-9, thả ngày 11-10.

Ông Nguyễn Tấn Trung, trưởng phòng quan hệ lãnh sự (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), cho biết phía Trung Quốc khẳng định đã thả tàu cùng chín ngư dân, đồng thời cung cấp đầy đủ lương thực, thuốc men cho tàu về. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Không phải trường hợp nào phía Việt Nam cũng có thể đưa người sang đón ngư dân. Trong trường hợp này, phía Trung Quốc bắt giữ tàu và ngư dân tại Hoàng Sa, sau đó lại thả từ Hoàng Sa”.

Tối 13-10, ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho Tuổi Trẻ biết hội đã nắm được thông tin về việc chín ngư dân Quảng Ngãi được phía Trung Quốc thả từ ngày 11-10 nhưng đến nay vẫn chưa nắm được tin tức gì vế số phận của họ.

Theo ông Thắng, trong các trường hợp ngư dân bị bắt giữ khi hoạt động hợp pháp trên vùng biển Việt Nam, trách nhiệm của Hội Nghề cá là đấu tranh, kiến nghị các cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân. Đối với vụ việc lần này, hội đã đấu tranh và cùng với sự can thiệp của các cơ quan chức năng Việt Nam, chín ngư dân Việt Nam đã được thả vô điều kiện.

Sau khi thả, việc tiếp nhận và giúp đỡ ngư dân trở về địa phương thuộc trách nhiệm của Bộ Ngoại giao và chính quyền địa phương.

T.PHÙNG - H.GIANG - Đ.BÌNH
Nguồn:Tuổi trẻ
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa truyền thống Đông Á: có hay không các giá trị nhân quyền?

    18/08/2018Vũ Công GiaoBực tức trước việc các quốc gia Châu Á đề cao và khẳng định các giá trị nhân quyền trong truyền thống văn hoá của châu lục, gần đây, một số người phương Tây đã chỉ trích rằng, văn hoá truyền thống ở phương Đông nói chung, ở Đông Á nói riêng chủ yếu bao hàm những tư tưởng độc tài, phi dân chủ, tàn bạo mà không hoặc chứa đựng rất ít những giá trị nhân quyền...
  • Nhân quyền và thời đại

    10/12/2018Hà Văn ThịnhTrong các vấn đề “xung đột giữa những nền văn minh”, vấn đề nhân quyền luôn tạo nên sự bất đồng và khác biệt sâu sắc. Nguyên nhân chỉ có một: Cách hiểu và cách giải thích của mỗi cá nhân, mỗi nền văn hóa, mỗi chế độ Nhà nước hoàn toàn không giống nhau. Để hướng đến sự đồng nhất về Nhân quyền, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 10-12 hằng năm để tôn vinh và nhắc nhở các giá trị của Nhân quyền.
  • Quan niệm của Phan Bội Châu về dân quyền (*)

    29/10/2015Nguyễn Văn HòaBài viết trình bày và phân tích tư tưởng của Phan Bội Châu về dân quyền, cũng như ý nghĩa của tư tưởng dân quyền đó đôi với việc thực hiện quốc quyền , tức là quyền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Tiếp đó, bài viết trình bày và phân tích tư tưởng của Phan Bội Châu cho rằng: muốn thực hiện được quốc quyền, chế độ chính trị của Việt Nam khi đó phải chuyển từ quân quyền sang dân quyền theo xu thế phát triển tất yếu của thời đại, với việc nâng cao dân trí thông qua giáo dục.
  • Tuyên ngôn Nhân quyền Liên hợp quốc (10-12-1948)

    10/12/2010Công bố bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thỗ bị giám hộ.
  • Dân chủ và Nhân quyền và sự mở rộng khái niệm Dân chủ

    03/11/2010Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupDân chủ là một phương thức quan hệ, phương thức sử dụng quyền lực trong nội bộ các quốc gia. Về bản chất, dân chủ là sự xác lập những quyền cơ bản của công dân. Đó là phương thức để các công dân có những quyền cấu trúc nên đời sống cá nhân và đời sống chính trị của mình. Từ đó cộng đồng các cá nhân cấu tạo nên quyền lực chính trị của mình...
  • Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp Quốc (*)

    08/12/2008Ngày 10 – 12 – 1948, Liên Hợp quốc công bố bản Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền. Bản Tuyên Ngôn thể hiện các khát vọng và mục tiêu hướng tới của toàn nhân loại đã được nhà nước Việt Nam long trọng cam kết thực hiện.
  • Ngẫm nhân ngày nhân quyền thế giới

    14/04/2008Nguyễn Tất ThịnhĐời sống và Dân trí ngày càng cao hơn nhưng Tam Dân (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc) luôn là thách đố, là mục tiêu, là thước đo về trình độ phát triển xã hội...
  • xem toàn bộ