Tính lạc hậu tương đối của văn hóa và tính tất yếu phải cải cách văn hoá
Văn hóa luôn mang trong mình tính lạc hậu tương đối, đó là một thuộc tính tự nhiên của văn hoá. Văn hóa là chất kết tinh sau những chu trình lịch sử khác nhau, hay nói cách khác, văn hóa chính là sản phẩm của quá khứ, là sự tích luỹ những kinh nghiệm sống của cả một cộng đồng, một dân tộc. Tất cả các thành tố của văn hoá, tức là mọi khía cạnh của cuộc sống nhân loại, mọi trạng thái hiện đại đều do quá khứ tạo ra và phụ thuộc vào quá khứ. Với đặc tính là cái được hình thành sau và luôn trong trạng thái "ngày hôm qua", văn hóa luôn mang trong mình tính lạc hậu như là một quy luật của cuộc sống. Nói cách khác, với tư cách là sản phẩm của quá khứ, văn hóa không thể tự mình tạo nên những kinh nghiệm mà con người chưa từng trải qua. Chính điều đó tạo ra tính lạc hậu của văn hóa so với sự phát triển của cuộc sống.
Hơn nữa, có thể thấy rằng, mặc dù văn hóa có khả năng phản ánh một cách trung thực các khía cạnh của đời sống, nhưng văn hóa không thể theo kịp một cách tuyệt đối các trạng thái hiện đại của cuộc sống. Điều này không khó lý giải bởi văn hóa luôn được hình thành sau những quá trình tương tác giữa các cá nhân trong một cộng đồng và giữa những cộng đồng khác nhau. Do đó, chúng ta có thể hiểu tính lạc hậu tương đối của văn hóa như là tính bảo lưu khách quan tự nhiên của các kinh nghiệm văn hoá, hình thành nên cái gọi là chủ nghĩa kinh nghiệm, khiến cho văn hóa không thể phản ánh kịp các trạng thái hiện đại hay các trạng thái có tính tiếp diễn của cuộc sống.
Vậy tính lạc hậu tương đối của văn hóa biểu hiện như thế nào? Chúng ta đều biết rằng, những cộng đồng khác nhau có những tốc độ phát triển hoàn toàn khác nhau. Tính lạc hậu tương đối của văn hóa thường bộc lộ trong quá trình tương tác giữa các cộng đồng không cùng trình độ phát triển. Hãy hình dung rằng các cộng đồng có cùng tốc độ phát triển đang đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ của ngày hôm qua, và do giống nhau về tốc độ phát triển nên các trạng thái ngày hôm qua của các cộng đồng này sẽ không quá khác nhau; do đó, họ sẽ hiểu biết lẫn nhau một cách tương đối và không gặp phải những trở ngại quá lớn trong quá trình tương tác. Ngược lại, nếu khác nhau về tốc độ phát triển, các cộng đồng sẽ dùng loại ngôn ngữ của riêng mình (mặc dù những ngôn ngữ mà các cộng đồng sử dụng trong quá trình tương tác đều là ngôn ngữ của ngày hôm qua, nhưng do khác nhau về tốc độ phát triển, nên các trạng thái ngày hôm qua của những cộng đồng sẽ rất khác nhau) và điều này sẽ khiến họ rơi vào trạng thái bất đồng ngôn ngữ, hay nói cách khác, vấp phải những mâu thuẫn nhất định. Đây chính là bằng chứng về sự thiếu kinh nghiệm đối thoại của các cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng lạc hậu, trong từng giai đoạn cụ thể.
Tính lạc hậu tương đối của văn hoá, thậm chí, còn thể hiện ngay trong quá trình tương tác giữa các cá thể trong cùng một cộng đồng. Mỗi cá nhân có nền tảng văn hóa khác nhau, hệ quả là, họ sẽ có những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm hành xử khác nhau. Trong quá trình tương tác, các cá nhân sẽ dùng những kinh nghiệm khác nhau của mình để xử lý các vấn đề của cuộc sống. Nếu giống nhau về kinh nghiệm văn hoá, các cá nhân sẽ không có sự mâu thuẫn về mặt nhận thức. Điều này sẽ giúp họ hợp tác với nhau một cách dễ dàng hơn. Ngược lại, khác nhau về kinh nghiệm văn hoá, giữa các cá nhân sẽ có trạng thái vênh về mặt nhận thức. Con người, khi không thể gần nhau về mặt nhận thức, sẽ tự mình tạo ra những khác biệt rất lớn, và do đó, không thể hợp tác với nhau. Xuất phát từ luận điểm này, chúng tôi cho rằng tính lạc hậu tương đối của văn hóa thể hiện rất rõ qua năng lực hợp tác của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Biểu hiện thứ ba của tính lạc hậu tương đối về văn hóa chính là nhu cầu hay sự khác biệt về chất lượng phát triển. ở các quốc gia phát triển, con người luôn đòi hỏi dân chủ trong khi ở các nước đang và kém phát triển, con người mới chỉ dừng lại ở việc đòi hỏi thỏa mãn các nhu cầu căn bản nhất. Tại sao lại có sự khác biệt rõ rệt như vậy? Câu trả lời là, chính văn hóa đã tạo ra khoảng chênh lệch về chất lượng của nhu cầu, chất lượng của sự phát triển cũng như chất lượng của cuộc sống. Từ các biểu hiện trên có thể khẳng định, tính lạc hậu tương đối của văn hóa không chỉ thể hiện trên một đường thẳng, tức quá trình tương tác và phát triển diễn ra bên trong mỗi cộng đồng, mà còn thể hiện trong cả mặt phẳng, được hiểu là quá trình tương tác và phát triển giữa các cộng đồng.
Tính lạc hậu tương đối của văn hóa là một trong những thuộc tính tự nhiên của văn hoá, tuy nhiên, nó cũng có giới hạn. Vậy, đâu là giới hạn của tính lạc hậu tương đối của văn hoá? Chúng tôi cho rằng, giới hạn của tính lạc hậu tương đối của văn hóa chính là khi các kinh nghiệm văn hóa đã từng được tích luỹ trong quá khứ không còn khả năng ứng dụng trong hiện tại. Đó cũng chính là thời điểm con người nhận ra sự thiệt thòi, mất mát quyền lợi cả về vật chất lẫn tinh thần do việc duy trì thái quá các thái độ cực đoan về văn hóa hay áp dụng các kinh nghiệm văn hóa lỗi thời. Do đó, nhận ra giới hạn của tính lạc hậu tương đối văn hóa mang một ý nghĩa rất quan trọng. Nó không chỉ giúp con người giảm thiểu nguy cơ biến các giá trị văn hóa đương đại thành các giá trị văn hóa lỗi thời, tức là làm cho chúng mất dần giá trị sử dụng, mà còn khiến họ đủ dũng cảm chia tay với chúng. Chính điều này sẽ làm giảm sự khác biệt, tăng cường năng lực hợp tác giữa các cộng đồng, hạn chế khả năng xảy ra những xung đột về mặt văn hóa và hỗ trợ tích cực tiến trình phát triển và toàn cầu hoá.
Từ nhiều năm nay, không ý thức được giới hạn của tính lạc hậu tương đối của văn hoá, các nước kém phát triển chỉ đề cao việc bảo tồn và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc mà quên mất nhiệm vụ phát huy vai trò phát triển của văn hoá. Sự khép kín của văn hóa là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất kìm hãm sự phát triển của các quốc gia này. Hầu hết các nhà chính trị của các nước thế giới thứ ba đều không nhận thức được vai trò phát triển cũng như khía cạnh phản động của văn hoá, tức là không nhận thức được văn hóa tham gia vào quá trình cản trở hay phát triển xã hội. Nói cách khác, các nước thế giới thứ ba không nhận thức được tính phản động tương đối của văn hóa đối với sự phát triển của toàn xã hội, do đó chưa có ý thức cải cách văn hoá. Cải cách văn hóa chính là làm cho tính cũ tự nhiên, tính lạc hậu tương đối của văn hóa không cản trở quá trình phát triển.
Cải cách văn hóa đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển vì một nền văn hóa tiên tiến là chất xúc tác của mọi hoạt động diễn ra trong đời sống. Vai trò phát triển của văn hóa bị kìm hãm chính là do con người không có thái độ triết học đúng đắn đối với sự tham gia của các yếu tố văn hóa trong đời sống. Văn hóa như môi trường tinh thần của con người, của đời sống nên phải cải cách nó thường xuyên để cho nó trong sạch. Cải cách văn hóa là việc chống sự lạc hậu của môi trường xã hội cũng giống như đảm bảo môi sinh. Môi sinh có hai loại là loại vật chất và loại tinh thần. Nếu chúng ta bảo vệ môi sinh bằng chống tiếng ồn, chống rác thải thì chúng ta cũng bảo vệ môi trường tinh thần bằng các cuộc cải cách văn hóa thường xuyên, liên tục để giữ cho môi trường đó trong sạch và chỉ trong môi trường tinh thần trong sạch thì mọi sự lựa chọn, mọi công nghệ lựa chọn mới đúng đắn được. Trong thời đại toàn cầu hoá, cải cách văn hóa phải tạo tính mở cho văn hóa để văn hóa trở thành một hệ thống mở, vừa có khả năng loại bỏ những giá trị đã lỗi thời, vừa có khả năng tiếp biến những tinh hoa văn hóa từ các cộng đồng khác trên thế giới.
Trong mối quan hệ giữa cải cách kinh tế, cải cách chính trị và cải cách văn hóa thì cải cách văn hóa đóng vai trò quan trọng hơn cả. Văn hóa là môi trường tinh thần, là lá phổi của đời sống. Do đó, muốn phát triển, các nước thế giới thứ ba cần phải giữ cho lá phổi đó trong sạch bằng các cuộc cải cách văn hóa thường xuyên và liên tục. Sự lạc hậu của môi trường tinh thần sẽ là vật cản đối với tiến độ cũng như sự thành công và triệt để của cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Nói cách khác, nếu không được cải cách, văn hóa sẽ trở thành yếu tố níu kéo chính trị và kìm hãm sự phát triển kinh tế. Do đó, các nước thế giới thứ ba phải cải cách văn hóa đồng bộ với cải cách kinh tế và cải cách chính trị, nhằm tạo sự bảo trợ tinh thần cho sự thành công của hai cuộc cải cách này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý