Xây nhà trên cát
Tỉnh Z. mấy năm nay khởi sắc trông thấy. Khắp nơi trong tỉnh chỗ nào cũng sôi lên như một công xưởng lớn… Một hôm, ông Ph.- hiện đang là Phó Chủ tịch thường trực tỉnh trực tiếp mời tôi đến nhà và nói: Ông là dân chuyên nghiên cứu, viết lách nên nhờ ông đi khảo sát tình hình thực tế của tỉnh để viết báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ mới.
Đúng hẹn, tôi đem sản phẩm đến, Ph. ngạc nhiên vì không phải một mà là hai bản báo cáo. Tôi nói, một bản là để ông lên bục trình bày cho hay, cho đẹp, có nhiều lời khen nức lòng. Còn một bản là của thằng bạn “ruột ngựa” của ông, hơi gai gai đấy, ông dùng thì dùng nếu không bỏ đi cũng chưa chết ai ngay. Được hai hôm, Ph. sùng sục kêu tôi tới rồi nói: thực lòng khi đọc bản thứ hai của ông với cái tít Tỉnh Z đang “xây nhà trên cát”, tôi cũng hơi nóng gáy, đề nghị ông giải thích cái lý sự xây nhà trên cát ấy. Không vòng vo, tôi liền phân tích. Đúng là tỉnh ta đang tăng trưởng, nhưng thiếu bền vững, thiếu cơ sở khoa học, thậm chí phá vỡ môi sinh, môi trường và mất cân bằng xã hội:
Thứ nhất,đó là việc ta “hăng hái” cho ra đời khu công nghiệp lớn gấp hai lần của tỉnh lân cận có hoàn cảnh giống ta. Cũng dày công sức lắm, từ giải phóng mặt bằng, đền bù hoa màu, đến lo dự án, mời gọi đầu tư, v.v., nhưng cái cốt chính thì lại vô cùng thiếu. Ban đầu là các thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền phức khiến nhiều doanh nghiệp đến rồi lại bỏ đi; tiếp đến là hệ thống hạ tầng cơ sở như cấp điện, cấp thoát nước, rồi đường giao thông để đến khu công nghiệp rất kém, nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ rất mong manh; đặc biệt là nguồn lực lao động có tới trên 70% là phổ thông chưa hề qua đào tạo nghề cơ bản, cứ vá víu “giật gấu vá vai” ai dám giao cho ông thợ “cai quản” cái máy bạc tỉ để mà phá à. Đấy là tôi chưa nói đến việc cạnh tranh sản phẩm, mặc dù là bài toán của doanh nghiệp nhưng ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của tỉnh… Vì vậy, cho đến nay đã khánh thành ba năm rưỡi rồi mà khu công nghiệp tỉnh ta mới thu hút chưa nổi 30%. Như vậy làm ngược bài toán kinh tế rồi: ta sản xuất ra cái gì ta có chứ chưa phải sản xuất ra cái thì thị trường cần. Bởi vậy, khu công nghiệp rơi vào tình cảnh đóng băng, ế ẩm, vì đã “trải chiếu gai” nên người ta không vào được.
Thứ hai, là vấn đề giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Ông đã đi thị sát chưa? Chất thải công nghiệp của các nhà máy, xí nghiệp trước đây, cùng với khu công nghiệp mới, do không xử lý tốt vấn đề môi trường nên nước đen đặc trên dòng sông H. của tỉnh ta, cái chết nổi trắng xóa. Không khí của chúng ta đang thở, đất chúng ta đang canh tác, nước chúng ta đang sinh hoạt… tất cả đang bị ô nhiễm ngày càng nặng bởi chất thải công nghiệp và sinh hoạt. Môi trường sống của chúng ta đang bị xâm hại, hủy hoại. Sự hủy hoại này sẽ biến những thành tựu của sự phát triển trở nên vô nghĩa. Xét về dài hạn, những chi phí phải bỏ ra để cải thiện môi trường, chăm sóc sức khỏe và phòng chống thiên tai có thể lớn hơn bất kỳ một sự gia tăng nào của GDP. Chúng ta đang “đẻ ra” hàng loạt các hoạt động để phát triển kinh tế, nhưng không kiểm soát được vấn đề môi trường, chúng ta đang lấy từ thiên nhiên, môi trường tất cả những chất liệu cần thiết cho cuộc sống, đồng thời trả lại cho môi trường những phế thải. Không ai khác, chính chúng ta đang hủy hoại môi trường sống của bản thân và của con cháu mình. Cái giá đó thật khôn lường và như các cụ vẫn nói “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”…
Thứ ba, đó là vấn đề chênh lệch giàu nghèo. Theo thống kê, chênh lệch thu nhập giữa đô thị với nông thôn, miền núi của tỉnh ta chênh lệch tới trên 20 lần. Người nông dân, khu vực nông nghiệp, nông thôn vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn; sự tăng trưởng chậm chạp đã khiến cho áp lực của cuộc sống đè nặng trên vai họ. Đến một lúc nào đó, họ lại trút “sự giận dữ” và gánh nặng đó cho lãnh đạo tỉnh thôi.
Đấy là ba cái “đụn cát” mà chúng ta đang xây nhà trên nó, còn chưa đề cập đến những vấn đề nhức nhối khác… có lẽ thấy tôi phản biện một lèo lại hơi gắt, Ph. đấu lại: nói như ông thì cứ ngồi im như cũ là xây lâu đài vững chắc nhất chứ gì? Ông nói thiếu sáng sủa, thiếu động viên. Có làm sẽ có khuyết điểm, nhưng với tinh thần cầu thị, sai đâu sửa đó thì có sao đâu. Tôi liền nói, ông trả “lương” tôi một, tôi làm sản phẩm gấp đôi, ông dùng thế nào là việc của ông, tôi phản biện là để tránh chứ không phải để dừng hay lùi. Chúng ta có bài học nhãn tiền, một số nước phát triển quá “nóng”, không hài hòa với xã hội, với thiên nhiên đã phải trả giá đắt, chứ không phải bây giờ. Tôi chỉ mong con, cháu chúng ta sau này không ca thán, oán trách rằng các đời trước đã xây cho nó cái nhà trên cát mà thôi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)