Viết cho đứa trẻ bên trong mình

10:06 SA @ Thứ Sáu - 11 Tháng Chín, 2009

Người lớn nào cũng đều có trong mình tâm hồn trẻ thơ, nhưng rất ít người biết cách làm cho “đứa bé” ấy sống dậy. Cái nghệ thuật nói bằng giọng trẻ con tưởng như đơn giản nhưng thực chất trong lịch sử văn chương cũng chỉ một số tác giả nhất định có thành công lớn, mà tiêu biểu là nhà văn Thụy Điển Astrid Lindgren.

Khi bà mất vào năm 2002, Pippi tất dài, ra đời hồi thập niên 1940, đã bán được bộ truyện khoảng 80 triệu bản trên toàn thế giới. Ngày nay, mỗi năm ở Thụy Điển có khoảng 2 triệu lần Pippi tất dài được mượn từ các thư viện.

Ba trong số các tác phẩm lừng danh nhất của Lindgren đã có bản dịch tiếng Việt: ngoài Pippi tất dàiLại thằng bé EmilKarlsson trên mái nhà. Ngoài ra còn có Mio con trai ta, một cuốn truyện không thuộc dòng hài hước vui nhộn mà cảm động, sâu lắng.

Karlsson sống tại thủ đô Stockholm, Emil ở làng quê, còn Pippi thì ở một thị trấn nhỏ. Như vậy là với ba nhân vật chính của mình, Lindgren đã vẽ nên một bức tranh phong cảnh và phong tục Thụy Điển khá đầy đủ. Bản thân Lindgren cũng sinh ra tại một nơi khá hẻo lánh: thị trấn Vimmerby, miền Nam Thụy Điển (bà cũng được chôn cất tại đó, ngày nay ở Vimmerby có nhiều công trình tưởng niệm Lindgren). Năm 19 tuổi, Lindgren gây sốc cho cả thị trấn vì mang thai mà không có chồng. Bà bỏ lên thủ đô Stockholm sinh sống, viết báo, trở thành nhà văn và một biên tập viên nổi tiếng. Sau khi Lindgren qua đời ở tuổi 94, đã có một giải thưởng mang tên bà dành cho các tác phẩm văn học thiếu nhi được lập ra. Tên bà cũng được đặt cho nhiều trường học tại Thụy Điển và thậm chí cho cả một tiểu hành tinh trong vũ trụ.

Ngộ nghĩnh

Trong đời mình, Lindgren đã viết hàng chục quyển sách cho thiếu nhi. Các nhân vật nhí của bà lúc nào cũng sống động và hấp dẫn vô cùng với toàn bộ sự ngộ nghĩnh của chúng.

Karlsson có cái cánh quạt trên lưng nên có thể bay được. Chỉ riêng chi tiết ấy đã làm người đọc thích mê. Cách vào truyện của Karlsson trên mái nhà cũng thật tuyệt vời ở tính chất hài hước đậm tính trẻ thơ: “Thủ đô Stockholm có một con phố cực kỳ bình thường, ở đó có một ngôi nhà cực kỳ bình thường, nơi một gia đình cực kỳ bình thường sinh sống - đó là nhà Svantesson. Nhà này gồm ông bố cực kỳ bình thường và bà mẹ cực kỳ bình thường, cũng như ba đứa trẻ cực kỳ bình thường tên là Birger, Betty và Nhóc con... Trong nhà chỉ có mỗi một người không bình thường, đó là Karlsson trên mái nhà”. Karlsson là một chú bé nhưng lại được miêu tả như một người đàn ông đã trưởng thành, luôn miệng nhận mình là nhất thế giới trong mọi sự, và lúc nào cũng nhấn mạnh rằng cậu là “người đàn ông đẹp trai, thông thái vô hạn và béo vừa xoẳn ở tầm tuổi phong độ nhất”. Karlsson chuyên “ăn dỗ” kẹo của trẻ con bằng các lập luận không hề logic nhưng lại “tin được” đối với những đứa trẻ.

Yếu tố ngộ nghĩnh cũng được Lindgren khai thác triệt để ở các tác phẩm khác. Chẳng hạn khi Pippi vừa dọn đến ở biệt thự Bát Nháo, muốn bảo hai người bạn mới Thomas và Annika đi về nhà, cô bé nói: “Giờ các cậu về được rồi đấy, có thế mai các cậu mới lại có thể sang được chứ. Vì nếu các cậu không về, các cậu cũng không thể sang lại nữa. Mà như thế thì tiếc lắm”. Không có sự ra lệnh trong thế giới trẻ thơ của Lindgren.

Can đảm

Nhà văn Astrid Lindgren

Căn phòng trên mái nhà của Karlsson bao giờ cũng bày bừa tứ tung, ngôi nhà của Pippi thì chưa bao giờ ngăn nắp. Năm 1945, Lindgren tạo ra nhân vật thiếu nhi thuộc hàng thành công nhất trong lịch sử, Pippi tất dài, từ một câu nói ngộ nghĩnh của đứa con gái nhỏ. Pippi mạnh mẽ cả về thể chất và tinh thần, là hiện thân của câu ngạn ngữ “Một tinh thần khỏe mạnh ở bên trong một cơ thể khỏe mạnh”. Pippi làm đảo lộn rất nhiều các chuẩn mực về nuôi dạy con cái theo truyền thống, nhưng Pippi thực sự đáng được ngưỡng mộ ở sự can đảm của cô bé.

Tuổi còn nhỏ như vậy mà Pippi đã không sợ hãi sống một mình, tự lo cho bản thân (dù cách tự lo của cô bé cũng vụng về lắm: Pippi có thể nhào bột làm bánh ngay trên sàn bếp và khi ngủ thì nằm ngược chiều cái giường!). Tự lập là một phẩm chất mà Lindgren luôn muốn truyền cho các độc giả nhí của bà.

Pippi cũng như Karlsson nghịch ngợm và nhiều khi nghịch dại, nhưng cả hai đều không chấp nhận giương mắt nhìn điều xấu xảy ra: Chúng từng trừng trị những tên trộm có vũ khí đầy nguy hiểm. Pippi và Karlsson cũng đều biết cách làm những người bạn của mình được vui vẻ. Pippi còn sẵn sàng lao vào đám cháy để cứu một đứa trẻ bị mắc kẹt trong đó. Và chúng làm những chuyện ấy với một sự thản nhiên đáng nể trọng, như là việc bình thường, không thể khác được.

Chân thực

Cậu bé Emil không thể sống qua một ngày mà không nghĩ ra trò lộn xộn nào đó. Có đứa trẻ nào không như vậy? Pippi đến trường học vì tò mò nhưng không thể chịu đựng nổi không khí gò bó ở đó. Có đứa trẻ nào không từng khóc lóc, vờ ốm vào buổi sáng để được ở nhà không phải đến trường? Emil ở làng Loenneberga nhất định phải chui đầu vào một cái liễn để rồi sau đó không thể rút ra được, và với cậu bé này, sẽ là rất vui nếu treo em gái mình lên cột cờ trước nhà. Có đứa trẻ nào không từng tưởng tượng ra đủ thứ trò nghịch dớ dẩn như vậy?

Điều rất đáng kể trong cả ba câu chuyện nói đến ở đây là người lớn trong các tác phẩm của Lindgren đều chấp nhận lũ trẻ như chúng vốn có. Đó cũng chính là triết lý về giáo dục trẻ em của Lindgren. Bố mẹ Thomas và Annika cũng có lo lắng về cô bé Pippi kỳ lạ, nhưng họ đều chấp nhận.

Bảo vệ trẻ em là một trong các sự nghiệp lớn của cuộc đời Lindgren. Năm 1978, nhân dịp được trao Giải Hòa bình tại một hội chợ sách ở Đức, Lindgren đã có bài phát biểu quan trọng về việc bảo vệ quyền trẻ em. Sau đó, có hai đứa trẻ Đức đã trốn khỏi trại mồ côi sang tận cửa nhà Lindgren. Bà lo việc đưa chúng về lại Đức và trông nom sao cho chúng được đối xử tốt về sau. Ảnh hưởng của Lindgren cũng dẫn đến việc Thụy Điển trở thành nước đầu tiên trên thế giới đưa ra luật cấm đánh đập trẻ em (năm 1979).

Trong các tranh đấu vì công bằng của mình, Lindgren còn đặc biệt thành công ở lời kêu gọi bảo vệ động vật. Dần dần, báo chí Thụy Điển hỏi ý kiến bà ở tất cả các lĩnh vực, người dân nước này tin tưởng vào ý thức công bằng và lòng nhân ái của Lindgren. Cho đến giờ, người ta vẫn còn nhắc đến một sự kiện rất lớn của chính trường Thụy Điển có liên quan đến bà. Năm 1976, Lindgren lên tiếng mạnh mẽ chống lại hệ thống thuế vô lý của Thụy Điển khiến bà phải nộp nhiều tiền hơn cả thu nhập của mình. Lindgren cũng viết một tác phẩm (cho người lớn) mang tên Pomperipossa ở Monismania. Cuộc tranh luận lớn bùng nổ dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ Dân chủ-Xã hội từng nắm quyền ở Thụy Điển suốt 44 năm.

Dù vậy, Lindgren trước hết vẫn là một nhà văn có tài năng lôi cuốn cả thế giới. Chính Lindgren từng phát biểu về quan điểm văn chương của bà như sau: “Tôi viết cho đứa trẻ bên trong mình”. Có lẽ đó là bí quyết quan trọng nhất của các nhà văn viết truyện cho thiếu nhi: làm sao để thuyết phục được đứa trẻ vẫn đang tồn tại chính trong con người mình.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Yêu thương những gì không giống mình

    27/08/2015Nguyễn Vĩnh NguyênRằng, ở đâu đó trên mặt đất này, có một con mèo đực và một con mèo cái đã hợp tác với một anh chàng thi sĩ làm cho một chú hải âu con biết bay. Và quan trọng hơn, “họ” đã làm cho một con chim nhớ mình là chim, chứ không phải là… mèo!
  • Cha và con

    01/08/2009Thế kỷ 21 của con gái bạn là một thế kỷ nhân loại chứng kiến nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật vượt bậc hơn thời cha mẹ nó. Dù vậy, "đàn ông sao Hỏa đàn bà sao Kim" vẫn là chuyện có thực, hai giới sẽ còn chưa hiểu hết nhau. Hãy bảo với con gái rằng chìa khóa để con hiểu về quan hệ với người khác phái chính là mối quan hệ với bố. Nên gần gũi với bố sẽ mở toang một thế giới kinh nghiệm mà con gái không thể tìm thấy ở mối quan hệ nào khác. Nói với con rằng hãy kính trọng, yêu thương bố, kiên nhẫn với bố khi bố ngày một già đi; và tận hưởng niềm vui có bố trong đời...
  • Văn học thiếu nhi: Nhìn đâu cũng trống vắng

    01/06/2008Hồng MinhThiếu một đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp và tâm huyết, quá ít những tác phẩm hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi, thiếu cả một công nghệ quảng bá sách hay đến với các em… đó là những khoảng trống trong mảng sách văn học trong nước dành cho thiếu nhi...