Về bản lĩnh thanh niên thời nay
Thế nào là bản lĩnh của thanh niên?
- Theo tôi, đó là một tập hợp nhiều đức tính, nhưng có lẽ quan trọng nhất là mấy đức tính sau đây:
1) Dám nghĩ, dám nói, dám làm theo quan niệm mà mình tin là đúng, không bị bất cứ áp lực nào làm nhụt chí, và dám chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
2) Có tính độc lập cao, không ỷ lại không dựa dẫm vào người khác.
3) Không cầu an, không ngại khó, không chùn bước trước những trở lực.
4) Có chí lớn, dám chấp nhận mạo hiểm để đạt tới mục tiêu đã chọn.
5) Đầu óc khoáng đạt, cởi mở với cái mới, không bảo thủ cố chấp, cũng không tủn mủn hẹp hòi. Chung quy là ý thức tự khẳng định, góp sức với đời để lại một dấu ấn, dù nhỏ nhưng đặc sắc, không bằng lòng dễ dãi với kiểu sống mờ nhạt, vô thưởng vô phạt, có trên đời cũng như không.
Trong chiến tranh bản lĩnh thanh niên bắt nguồn từ lòng yêu nước và chí căm thù giặc. Trong xây dựng kinh tế bản lĩnh thanh niên bắt nguồn từ đâu?
- Trong xây dựng hoà bình, bản lĩnh thanh niên phải thể hiện trước hết ở ý thức biết nhục sâu sắc trước cảnh nghèo nàn, lạc hậu của quê hương, từ đó quyết tâm làm chủ nghề nghiệp, ra sức nắm lấy khoa học, kỹ thuật, vươn lên những đỉnh cao của trí tuệ để xây dựng cho bản thân mình một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời qua đó góp phần xây dựng đất nước tiến lên giàu mạnh. ở thời đại văn minh trí tuệ đi đôi với toàn cầu hoá này, muốn có được một vị thế xứng đáng trong cộng đồng nhân loại phải có ý thức cạnh tranh quyết liệt và không để mình bị nhận chìm trong cuộc cạnh tranh này. Cho nên phải có những công dân biết kinh doanh giỏi, lao động tinh thông và có một đội ngũ khoa học kỹ thuật tài năng. Thanh niên có bản lĩnh phải biết tuỳ theo khả năng của mình vươn lên lập nghiệp xuất sắc theo một trong các hướng đó. Chủ nghĩa trung bình, cái gì cũng tạm được, cứ tà tà đi theo mọi người - không thể tiêu biểu cho lớp thanh niên thời nay. Người Nhật và người Đức ở tuổi tôi kể lại những hồi mới chấm dứt chiến tranh, hai nước ấy thua trận, lớp thanh niên như họ thời kỳ đó cảm thấy rất nhục, do đó họ nung nấu ý chí rửa nhục, và từ đó đã dấy lên phong trào thanh niên đứng lên xây dựng lại đất nước thành cường quốc kinh tế. Chính nhờ vậy mà Nhật và Đức mới được như ngày nay. Đó cũng là các bản lĩnh cần có của thanh niên ta hiện nay.
Nhiều người thuộc các thế hệ trước thường chê rằng thanh niên ngày nay chạy theo vật chất, sống thiếu lý tưởng, không có bản lĩnh. Điều ấy có đúng không?
- Qủa có một số như vậy, nhưng rất may, họ không phải là tiêu biểu. Bất cứ xã hội nào, bất cứ thời nào cũng có những người muốn hưởng thụ ích kỷ, chạy theo vật chất một cách mù quáng. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu ở ta có một số người (không phải chỉ thanh niên) coi vật chất và cá nhân quan trọng trên hết. Phần nào đó cũng là phản ứng tự nhiên đối với xu hướng thời chiến trước đây do hoàn cảnh bắt buộc luôn luôn phải nêu cao tinh thần tập thể để tồn tại. Tôi nghĩ như thế cũng hợp quy luật thôi. Không nên vì vậy mà chê trách tranh niên bây giờ kém phẩm chất hơn thời trước. Một giai đoạn dài mấy chục năm mọi người phải tập trung cho mục tiêu cao nhất là chiến thắng, tạm gác lại tất cả những gì riêng tư của cá nhân, rồi dần dần cách nghĩ ấy, cộng thêm tư tưởng cực đoan, máy móc, làm cho con người sống không thật. Sau đó, chuyện qua thời bình, xu hướng khó tránh là nhảy sang cực đoan khác, tôn thờ vật chất và cá nhân quá đáng mà hiện tượng này, rất đáng tiếc, lại diễn ra trước hết và trầm trọng nhất ở một số không ít những người nay đã trở thành cha chú, thế thì làm sao khỏi ảnh hưởng đến thanh niên. Do đó theo tôi nghĩ, nên bình tĩnh xem xét lại cơ chế quản lý xã hội của ta, có gì chưa thuận, chưa thích hợp cần sửa đổi. Đáng trách không phải là thanh niên, mà là cái cơ chế không thuận, đã dần dần hình thành trong xã hội một thang giá trị sai lệch, khiến cho cái đáng trọng bị ruồng bỏ, cái không đáng trọng lại lên ngôi (tôi không nói lý thuyết mà chỉ nói thực tế). Đáng trách là những người ở vai cha chú của thanh niên nhưng không gương mẫu, lại cố tình bảo vệ một cơ chế giá trị hoàn toàn không phù hợp yêu cầu tiến lên của xã hội.
Mặt khác cũng cần có cái nhìn rộng lượng, không nên khắt khe, hẹp hòi, vì thanh niên có những nhu cầu riêng của tuổi trẻ. Thời chúng tôi còn trẻ, không được đi đây đi đó, ít liên hệ với bên ngoài, còn bây giờ quan hệ quốc tế rộng mở, thanh niên có nhiều tiếp xúc với bạn bè các nước, họ phải sống thoải mái chứ không thể gò bó như các thế hệ trước. Họ phải sống thật, dù cái thật ấy cần có giới hạn. Họ phải quan tâm đến đời sống vật chất, họ phải thấy rõ hơn chúng tôi là "nghèo" dễ đi đôi với "hèn", họ phải có gan, có chí muốn làm giàu, muốn giỏi muốn nổi tiếng, họ phải "chịu chơi", phải mạo hiểm, chứ không'thể rụt rè, phải lạnh lợi chứ không thể hiền lành đến mức khù khờ để cho thiên hạ lợi dụng. Ranh giới phải trái ở đây không phải lúc nào cũng rõ ràng, cho nên quá đi một chút về phía này hay phía kia cũng là thường tình, có gì mà lo. Còn nếu có một bộ phận nhỏ hư hỏng thì cũng coi như cái giá phải trả, vì có bao giờ sản xuất mà không có phế phạm, chỉ có vấn đề là phải hạn chế phế phẩm, và hơn nữa biết sử dụng phế phẩm vào việc thích hợp.
Cần nhìn thẳng vào các vấn đề của thanh niên, vậy đó là những vấn đề gì?
- Trả lời câu hỏi này cho trúng, thật không đơn giản. Không đi vào chi tiết, tôi thử nêu lên vài vấn đề mà tôi cho là về mặt xã hội cần suy nghĩ nhất, đó là những nguyện vọng tha thiết mà cũng là quyền lợi chính đáng nhất của thanh niên: học tập và làm việc, để cống hiến và hưởng thụ, sống một cuộc sống phong phú để có thể sống hết mình, một cuộc sống cân đối hài hoà giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa vật chất và tinh thần, giữa cá nhân và xã hội, giữa truyền thống và hiện đại, v.v. Nói thế để thấy hai yêu cầu cấp bách của xã hội; phát triển giáo dục, để cho mọi thanh niên đều có điều kiện học tập tốt, đầy đủ, thường xuyên, đồng thời phát triển kinh tế để mỗi thanh niên có việc làm thích hợp với khả năng và sở thích của mình. Thất học và thất nghiệp là hai mối lo lớn nhất của thanh niên. Giải quyết được hai vấn đề đó thì mới giải phóng được khả năng to lớn của thanh niên và có điều kiện giải quyết các vấn đề khác mà ở đây tôi không có điều kiện bàn chi tiết.
Thanh niên VN còn yếu hoặc thiếu những đức tính gì để bước vào thời đại mới, vào kinh tế tri thức?
- Thanh niên Việt Nam có rất nhiều ưu điểm như: thông minh, cần cù, chịu khó, ham học, tiếp thu cái mới nhanh, v.v... Những đức tính ấy là cơ sở rất thuận lợi để xây dựng đất nước. Song ngay cả về những đức tính ấy cũng phải thấy rằng thanh niên nhiều nước khác đâu có chịu nhường bước ta, họ còn có ưu thế là có hoàn cảnh thuận lợi để phát huy các ưu điểm ấy. Hơn nữa, về từng ưu điểm ta đều có mặt hạn chế: ví như thông minh nhưng ít kiên trì; ham học nhưng mục đích học không đúng hoặc không rõ ràng; cần cù nhưng kém kỷ luật, chỉ thích làm việc tự do thoải mái, một mình một chiếu, không thích hợp tác, không quen làm việc có tổ chức, có đồng đội v. v... Khi bước vào thời đại mới, trong đó cạnh tranh là điều kiện sinh tồn theo nghĩa đầy đủ của từ này, quan trọng nhất là phải thấy những nhược điểm đó của thanh niên ta. Bao trùm lên trên hết, như tôi đã có dịp nói đến nhiều lần, là đầu óc sáng tạo, trí tưởng tượng phóng khoáng, đi đôi với tính nhẫn nại kiên trì theo đuổi đến cùng một mục đích, một sự nghiệp. Muốn vậy phải có ước mơ, hoài bão và say mê.
Bản lĩnh, khát vọng của thanh niên hiện nay có trùng với bản lĩnh, khát vọng người Việt Nam nói chung không?
- Theo tôi, gần như là một, vì thanh niên là tầng lớp đông đảo nhất, năng động nhất, là tầng lớp hội tụ tất cả khả năng, tài trí của dân tộc, và cũng mang trong mình những ước vọng sâu xa thầm kín nhất của dân tộc - một dân tộc tuy đã có hàng nghìn năm lịch sử nhưng vẫn còn rất trẻ trong thế giới và thời đại này, và đang cần huy động tất cả sức lực của tuổi thanh xuân để vươn lên giành một chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng nhân loại. Kết thúc tôi muốn nhắn nhủ với thanh niên điều này: gần đây hai tổng thống rất thông minh của hai đại cường quốc khi đến Việt Nam đều đã đến thăm Văn Miếu. Họ muốn nói gì với chúng ta? Mong rằng cái tinh thần Văn Miếu ấy sẽ động viên thế hệ thanh niên ngày nay vững bước tiến vào thế kỷ trí tuệ để biến những khát vọng ngàn đời của dân Việt thành hiện thực.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn