Về Uri Geller, nhà tâm linh “lừng danh thế giới”!

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
12:23 CH @ Thứ Bảy - 29 Tháng Ba, 2014

Tại sao Uri Geller trở thành nhà tâm linh nổi danh nhất lịch sử là một vấn đề thú vị cần được giải thích rõ ràng trong lĩnh vực dị thường học. Trong 40 năm qua, đây là chủ đề thu hút sự chú ý chưa từng có của dư luận.

Nhân thân

Uri Geller sinh ngày 20/12/1946 tại Tel Aviv, Israel, bố mẹ là người Do Thái gốc Áo - Hung. Ông được đặt tên theo người dì chết do tai nạn. Geller tự nhận có họ với nhà phân tâm học lừng danh Sigmund Freud về đằng mẹ, một thông tin không được xác nhận. Năm 11 tuổi, ông theo gia đình chuyển tới đảo Síp và theo học một trường trung học Cơ đốc nhưng chưa tốt nghiệp. Năm 17 tuổi Geller nhập ngũ và bị thương năm 1967. Năm 1968-1969, Geller làm người mẫu ảnh và bắt đầu trình diễn trên một sân khấu nhỏ.

Sau khi xem ảo thuật gia người Anh David Berglas trình diễn, Geller bắt đầu “bẻ cong thìa” theo kỹ thuật học được từ Berglas. Những năm 1970, ông nổi danh tại Mỹ và châu Âu vì khả năng tâm linh và trở thành người biểu diễn toàn thời gian trên truyền hình. Ông tuyên bố có khả năng thần giao cách cảm, viễn di sinh học và cảm xạ học (bẻ cong thìa, mô tả bức tranh giấu kín, điều khiển đồng hồ ngừng chạy, chạy nhanh hay chậm hơn... bằng “sức mạnh ý chí”). Theo lời kể thì khả năng của Geller huyền diệu đến mức, ngay tại nhà khán giả xem truyền hình, thìa nĩa và vật dụng kim loại cũng cong tít!


Uri Geller biểu diễn trước sự chứng kiến của đám đông hiếu kỳ

Trong khi được sùng bái tại Mỹ thì tại Israel, Geller bị tố cáo trước pháp luật về việc dùng ảo thuật để “bẻ cong thìa bằng ý nghĩ”. Tòa án Israel từng phạt Geller phải trả lại tiền cho khán giả. Năm 1968, một tạp chí ảo thuật Israel đăng tải cách thức làm cong thìa hoàn toàn giống màn trình diễn của Geller.

Khẳng định khả năng tâm linh là sự thật, từ 1974, Geller đi vòng quanh thế giới với câu chuyện, ông nhận được khả năng từ hành tinh Hoova thuộc hệ mặt trời khác và từ đĩa bay có tên Trí tuệ bầu trời. Chính câu chuyện hấp dẫn này, cùng sự cả tin của công chúng Mỹ, đã giúp Geller trở thành “nhà tâm linh nổi tiếng nhất lịch sử”.

Hiệu ứng Geller


Uri Geller bên cạnh người bạn thân - ngôi sao nhạc Pop Michael Jackson

Giới ảo thuật nhanh chóng nhập cuộc. Năm 1982, James Randi, nhà ảo thuật lừng danh, đồng sáng lập Ủy ban yêu cầu nghi ngờ CSI được thành lập tại Mỹ năm 1976 nhằm ngăn chặn sự mê tín mới đã xuất bản cuốn Sự thật về Uri Geller, trong đó bóc trần mọi khả năng tâm linh của Geller. Năm 1985, ảo thuật gia Ben Harris xuất bản cuốn sách chuyên khảo về các kỹ thuật bẻ cong thìa. Các sách tương tự cũng xuất hiện tại nhiều nước châu Âu. Trong một cuốn sách về lịch sử ảo thuật, Christer Nilsson nhận xét gay gắt: “Chúng ta biết Uri Geller chỉ là người tạo ảo giác không hơn không kém”.

Tuy nhiên điều mà Nilsson và những người như ông không thấy là khả năng dị thường của Geller trong việc thu hút dư luận. Giới khoa học phải đưa ra thuật ngữ “hiệu ứng Geller” để mô tả khả năng của một người, vốn không hơn ai về ảo thuật, trong việc tạo ra ảnh hưởng to lớn lên thế giới hiện đại và trong việc lôi cuốn công chúng đủ mọi trình độ tin vào “thiên tài” của mình. Uri Geller cũng tuyên bố kiếm được nhiều triệu đô la Mỹ từ các công ty dầu mỏ do dùng cảm xạ phát hiện vàng và dầu sâu trong lòng đất, đôi khi chỉ bằng cách vẫy tay trên bản đồ(!). Khi được yêu cầu, ông từ chối nêu tên các công ty vì “những lý do tế nhị”.

Một số tuyên bố của Geller hay của những người si mê ông còn khó tin hơn nữa. Năm 1989, ông nói tiếp xúc với Ủy. ban Liên Xô về phát triển và sử dụng công nghệ vũ trụ trong khoa học và kinh tế và đề nghị dùng sức mạnh tâm linh sửa chữa các vệ tinh trên quỹ đạo. Lời đề nghị bị từ chối. Cũng theo lời ông, Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ NASA nhờ ông thu hồi ăng ten bị mất trên Galileo, con tàu thám hiểm hệ mặt trời. NASA phủ nhận thông tin này. Geller cũng đề nghị dùng viễn di sinh học để thu hồi máy quay phim bị bỏ quên trên mặt trăng trong chiến dịch thám hiểm Apollo; đến nay nó vẫn trong tay chị Hằng vì NASA bỏ ngoài tai lời đề nghị. Geller cũng được gán cho nhiều khả năng “phi thường” như biến kim loại thành vàng, phát hiện vị trí thuyền Nô-ê mất tích sau cơn Đại hồng thủy, làm các đồ vật biến mất rồi lại hiện ra...

Nổi tiếng tại Tòa án

Uri Geller còn nổi tiếng vì “thành tích” tại tòa án, điển hình là cuộc chiến pháp lý dai dẳng với James Randi, kẻ thù không đội trời chung của Geller và các nhà tâm linh giả hiệu khác. Là nhà ảo thuật lừng danh, Randi thực hiện được mọi “khả năng tâm linh” của Geller chỉ đơn giản bằng sự khéo léo của bàn tay.

Năm 1990, Geller kiện Randi ở tòa án Nhật vì những nhận xét của ông trên báo chí xứ Phù Tang. Vì Randi không tiến hành các thủ tục bảo vệ nên ông bị phạt 500 ngàn yên (4.400 USD). Randi không nộp phạt và tuyên bố, sẽ không trả một đô la, thậm chí một xu cho bất cứ ai kiện ông, do ông hành động chỉ vì chân lý khoa học.

Năm 1991, Geller kiện Randi cùng Ủy ban yêu cầu nghi ngờ CSI và đòi bồi thường 15 triệu đô la vì những nhận xét gay gắt của Randi trong bài phỏng vấn trên tờ Diễn đàn thông tin quốc tế. Ngày 27/7/1993, tòa án Washington bác bỏ cáo buộc và phạt Geller 149.000 USD cho phí tổn của CSI trong vụ kiện. Geller kháng án và ngày 9/12/1994, tòa thượng thẩm Columbia giữ nguyên án sơ thẩm với nhận xét: “Xét lịch sử thích kiện cáo của bên nguyên, tòa không thấy sự tùy tiện nào trong án phạt”.

Từ đó Randi luôn đối mặt với các vụ kiện của Geller, khiến một quỹ tư nhân được thành lập để quyên tiền giúp Randi hầu kiện. Đồng thời Randi cũng góp 10.000 USD lập một giải thưởng nay lên tới một triệu USD để trao cho bất cứ nhà ngoại cảm hay tâm linh nào thực hiện được một màn trình diễn với sự kiểm soát của ông. Gần 1.000 người đã tới thử sức nhưng chưa một ai nhận được tiền.

Lịch sử kiện cáo của Geller còn kéo dài khá ly ky, với sự kiện tháng 11/2000, ông kiện công ty chuyên sản xuất trò chơi video Nitendo, vì nhân vật Pokemon “mang các đặc trưng riêng” của ông. Cụ thể là Pokemon có các khả năng tâm linh và biết bẻ cong thìa bằng ý nghĩ! Ông đòi bồi thường 60 triệu bảng Anh (100 triệu USD) nhưng không được chấp nhận.

Đến đây chúng ta đã có thể tìm ra nguyên nhân giúp Uri Geller trở thành nhà tâm linh vĩ đại nhất trong lịch sử. Đó là sự kết hợp thú vị và khôn khéo giữa ước vọng muốn tin các hiện tượng dị thường của con người, mà theo nhà tâm lý Susan Blackmore thì nó lớn hơn mọi chứng cớ phản bác, và hiệu ứng Geller, là khả năng thu hút dư luận lạ thường của một người có khả năng ảo thuật không hề nổi trội. Nói cách khác, Geller trở nên nổi tiếng chỉ vì... chúng ta muốn như vậy!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các hiện tượng dị thường là gì?

    28/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngCác hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology)...