Ứng xử nửa vời và “nỗi lo ba gác”

01:48 CH @ Thứ Bảy - 13 Tháng Bảy, 2019

Gần đến thời điểm kết thúc việc gia hạn lệnh cấm lưu hành xe ba gác, hàng chục ngàn người sinh sống bằng phương tiện ấy ở TP.HCM vẫn thấp thỏm chờ giải pháp của nhà chức trách đối với bài toán chuyển đổi nghề nghiệp.

Theo tình hình này thì, về mặt lý thuyết, sắp có hàng chục ngàn người sẽ bị coi là phạm pháp, nếu cứ tiếp tục dùng phương tiện bị cấm lưu hành để kiếm sống.

Về phần mình, nhà chức trách cứ loay hoay tìm cách tháo gỡ mớ bòng bong của cơ chế lẩn quẩn do chính mình đặt ra. Chẳng hạn, muốn được hỗ trợ thì phải có mã số hộ nghèo, muốn có mã số hộ nghèo thì phải có hộ khẩu; muốn có hộ khẩu thì phải có chỗ ở, việc làm ổn định; muốn có việc làm, chỗ ở ổn định thì phải được hỗ trợ;…

Có một vấn đề mà thực ra đến nay đâu đã có ai đặt ra và trả lời một cách chính thức: cho đến ngày bị cấm, việc hành nghề lái xe ba gác là đúng hay trái luật? Nếu “trái”, thì không có gì phải bàn cãi: cứ để các “đương sự” hưởng cho hết thời hạn ân huệ; sau đó thì cấm một cách tuyệt đối; ai vi phạm, thì xử phạt nghiêm; còn chuyện chuyển đổi nghề nghiệp là chuyện họ phải tự lo. Ngược lại, nếu “đúng”, thì xã hội, cụ thể là nhà chức trách, phải có trách nhiệm pháp lý đối với việc tổ chức lại cuộc sống của họ và phải thực hiện trách nhiệm của mình với thái độ nghiêm túc, mẫn cán.

Rõ hơn, nếu thừa nhận rằng những người lái xe ba gác đã dùng chiếc xe đó để kiếm sống một cách đường hoàng, minh bạch, lương thiện và đã làm tròn các nghĩa vụ pháp lý của mình đối với nhà chức trách, xã hội, thì họ phải có quyền đòi hỏi. Cụ thể, họ được quyền yêu cầu bồi hoàn những thiệt hại, bù đắp những mất mát mà họ phải chịu khi phải tôn trọng lệnh cấm. Họ nghèo hay không nghèo, có hay không có hộ khẩu không thành vấn đề, bởi trước hết, họ là chủ thể của quan hệ pháp lý trong cuộc sống dân sự và được pháp luật thừa nhận có các quyền dân sự phát sinh từ quan hệ đó.

Do không dứt khoát nói “đúng”, cũng không khẳng định là “trái”, thái độ ứng xử của nhà chức trách, xuất phát từ một quan điểm nhìn nhận không rõ ràng, trở nên rất lúng túng và thiếu nhất quán: có người được hỗ trợ, người khác thì tự “bơi”; người này được hỗ trợ cách này, người khác được hỗ trợ cách khác; quận không dám quyết, chờ thành phố, còn thành phố thì yêu cầu quận phải khẩn trương;… Bây giờ thì không ai dám đoán trước liệu lần hoãn lệnh cấm này sẽ là lần chót hay… lại cũng chỉ là lần kế chót.

Cho đến bây giờ, các chính sách vĩ mô được hoạch định và các chuẩn mực pháp lý được xây dựng, trong hầu hết trường hợp, căn cứ chủ yếu vào nhu cầu quản lý của người cầm quyền đối với xã hội. Đáng lý ra, căn cứ ấy phải là sự kết hợp hài hoà giữa nhu cầu đó với những đòi hỏi tích cực của cuộc sống.

Nói cách khác, chính sách, luật pháp tốt phải có kết quả giải quyết thấu đáo sự xung đột giữa các lợi ích chính đáng tồn tại trong xã hội có tổ chức. Xe ba gác đã xuất hiện như là sự đáp ứng thích hợp đối với một loại nhu cầu vận tải đặc trưng cho xã hội ở một trình độ phát triển nào đó. Tốt nhất là để cho xã hội tự mình khai tử loại hình vận tải đó bằng cách tự làm biến mất nhu cầu của mình, cụ thể, bằng cách thúc đẩy sự phát triển kinh tế, phát triển đô thị, xoá những con hẻm nhỏ ô tô không vào được với những căn hộ tồi tàn, vốn là nơi nương thân của những người chỉ đủ khả năng trả phí vận tải đồ đạc bằng xe ba gác…

Còn nếu nhà chức trách chủ động cấm, thì phải chủ động giải quyết hậu quả, nhất là về phần liên quan đến những thành phần xã hội chịu sự tác động bất lợi của lệnh cấm. Cứ cấm xong, đợi xã hội phản ứng tiêu cực rồi mới tìm cách đối phó, thì uy tín của nhà chức trách đối với xã hội cũng bị giảm sút, vì thái độ ứng xử do dự, nửa vời trong mối quan hệ nhà nước – công dân.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay, mâu thuẫn và phương pháp giải quyết

    09/08/2019Nguyễn Tấn HùngThực hiện công bằng xã hội đòi hỏi phải nhận thức và giải quyết đúng đắn, hài hoà các mối quan hệ lợi ích. Song, ở đây lại thường nảy sinh những mâu thuẫn đòi hỏi phải được nghiên cứa và giải quyết. Đó là các vấn đề: 1) Mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, 2) Mâu thuẫn giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội của Nhà nước, 3) Mâu thuẫn giữa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích người lao động, 4) Mâu thuẫn trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
  • Khắc phục chủ nghĩa chủ quan, duy ý chí

    03/11/2010Nguyễn Thế NghĩaĐể thực hiện sự nghiệp đổi mới, một nguyên tắc hết sức quan trọng - nguyên tắc nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật và rút ra bài học kinh nghiệm bổ ích "xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan"...
  • Kinh tế học và chính sách kinh tế

    11/11/2005Lê Văn CườngTrong bất kỳ một quốc gia nào, mọi công dân, từ những nhà lãnh đạo đến người dân bình thường, đều mong muốn kinh tế học phục vụ tốt để phát triển kinh tế cho nước mình. Đó là một đòi hỏi chính đáng. Là một người lãnh đạo, theo tôi cần phải nhận thức được những hạn chế sau đây của kinh tế học...e
  • Bàn về kỹ thuật làm luật

    19/07/2005Phạm Duy NghĩaNhiều người chê luật nước ta phần nhiều là luật khung, chỉ gồm những định nghĩa và qui phạm chung, khó cho việc thi hành. Dựa vào cái khung chồng chềnh đó, vô số văn bản dưới luật được ban hành, từ tài liệu tập huấn, công văn hướng dẫn, thông tư, quyết định của các bộ, ngành cho tới các nghị định của Chính phủ.