Đại học để... làm gì?
Tôi thường vẩn vơ suy nghĩ về nền giáo dục thời xưa, cái thời mà ta gọi là thời phong kiến cũ kỹ và nhất quyết đinh ninh là nó thật nhiều xấu xa, đặc biệt hết sức giáo điều, đi học cả đời chỉ biết tụng đi tụng lại có bấy nhiêu sách vở tứ thư ngũ kinh cũ mèm. Mà đúng vậy thật, nào có sai... Song, nghĩ đi rồi lại nghĩ lại. Thử xem chẳng hạn một thời kỳ vào loại tàn tạ nhất của phong kiến VN, thời Nguyễn.
Nền giáo dục đại học nào đã tạo nên từ những Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Duy Hiệu, Trương Định, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch..., cho đến Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thái Thân, Ngô Đức Kế, Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền..., đó là chỉ thử kể qua một cách không có hệ thống gì và không theo bất cứ trật tự sắp xếp nào.
Nền giáo dục đại học nào đã tạo nên những con người đó, những nhân cách lừng lững đó? Và không chỉ từng cá thể riêng lẻ, mà là cả một tầng lớp xã hội, mà ta vẫn gọi là tầng lớp sĩ phu của dân tộc. Một tầng lớp sĩ phu chẳng hề xoàng xĩnh tí nào, đã làm nên cả một thời kỳ lịch sử oanh liệt tuy thật bi tráng, mà công cuộc cách mạng vô sản sau đó là một tiếp diễn biện chứng?
Chính là nền đại học mà ta vừa nói trên đó. Vậy nó không hoàn toàn là một nền đại học chẳng ra gì, quá ư tệ hại, và có lẽ rồi ta cũng nên có lúc cần bỏ công tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích, đánh giá lại nó cho thật rõ ràng và công bằng. Bây giờ chưa phải là lúc và cũng chưa có đầy đủ điều kiện để thật bình tĩnh làm công việc đó.
Song, qua cái ví dụ thử kể ra một cách cũng gần như là ngẫu nhiên đó thôi, có thể trả lời mức nào câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn nêu lên từ đầu bài này: Đại học để làm gì? Vì sao một đất nước nhất thiết phải có một nền đại học thật sự là đại học?
Một đất nước nhất thiết phải có nền đại học thật sự là đại học không phải chỉ là để có những con người có kiến thức và kỹ năng mà ta gọi là kiến thức, kỹ năng đại học, thậm chí bác học đi nữa, mà là để xây dựng nên tầng lớp trí thức của xã hội và dân tộc, cái tầng lớp mà không có nó thì một dân tộc thật ra không hoàn toàn xứng đáng là một dân tộc trưởng thành.
Một đất nước bao giờ cũng vậy, là do những nhà chính trị cai trị, không thể nào và cũng không ở đâu khác được. Nhưng dắt dẫn đời sống tinh thần sâu xa, bền vững của đất nước là nhiệm vụ thiêng liêng của trí thức dân tộc, không phải những người trí thức cá lẻ, mà là tầng lớp trí thức dân tộc, của đất nước ấy. Có đại học là chính để làm ra điều kiện sống còn, bền vững đó.
Và chính từ đó mà nảy sinh câu hỏi tiếp theo: Vậy thì thế nào là đại học thật sự đại học?
Thế nào là đại học?
Câu hỏi lại cũng có thể có vẻ thật ngớ ngẩn. Nước ta bây giờ đại học đầy ra đấy, ai mà chẳng trả lời được. Nhưng lại thử trở lại cái ví dụ với những tên tuổi vừa nêu ra trên kia. Có một điều chung rất đáng chú ý ở tất cả những con người ấy, vốn là sản phẩm của nền đại học ấy: tất cả họ đều được coi là những nhà nho uyên thâm, thậm chí uyên thâm nhất trong thời của họ. Họ thuộc làu kinh sử.
Nhưng hầu như tất cả học xong họ đều vứt bỏ hết những điều đã được dạy cho tụng niệm ở trường, ở lớp, làm ngược lại tất cả những “giáo điều” được áp đặt đó (hay có lẽ đúng hơn, làm đúng theo cái cốt lõi tinh túy, uyên thâm nhất tiềm ẩn trong chiều sâu của những tri thức tích lũy hàng nhiều nghìn năm ấy của một phần nhân loại).
Nghĩa là họ học để tự tạo nên được cho mình một tư duy độc lập, một nhân cách độc lập, học để dám và biết độc lập suy nghĩ bất chấp tất cả áp lực mọi kiểu, kể cả áp lực ghê gớm của những giáo điều được dạy ra rả trong sách và từ thầy, học để làm một con người biết và dám tự mình độc lập và tự do đi tìm ra chân lý cho chính mình và cho đất nước, dân tộc, trong một tình thế ngày ấy tăm tối, khó khăn biết chừng nào.
Tôi nghĩ đó chính là tiêu chí hàng đầu để đánh giá xem một đất nước đã có một nền đại học thật sự là đại học hay chưa, và nếu chưa thật sự có thì phải ra sức xây dựng cho kỳ được, vì đấy là vì sự phát triển và sống còn của dân tộc.
Đi học tất nhiên là để có kiến thức, không ai chối cãi điều đó. Nhưng kiến thức thì vô tận. Một anh bạn tôi hiện đang dạy đại học ở Bỉ có lần nêu lên một con số sau đây: từ năm 0 (sau Công nguyên) đến năm 1500, trong 1.500 năm, kiến thức của nhân loại đã tăng lên gấp đôi.
Ngày nay tốc độ đó là 18 tháng, cứ 18 tháng tổng số kiến thức nhân loại lại được nhân đôi. Vậy nên không có cách gì học thuộc cho hết kiến thức ấy. Vấn đề là cần có một số kiến thức cơ bản tối thiểu làm nền tảng, và trên cơ sở đó học được cách suy nghĩ độc lập, tạo được cho mình khả năng khi cần kiến thức gì thì biết tìm nó ở đâu, cách tìm như thế nào, và quan trọng hơn nữa, sử dụng nó như thế nào.
Nói cách khác, có kiến thức nhưng độc lập với kiến thức, không bị phụ thuộc, không nô lệ vào nó, tự mình tạo ra kiến thức mới cho chính mình, để hành động ở đời và dám chịu trách nhiệm về hành động đó của mình.
Cũng chính anh bạn ấy, tuy sống ở nước ngoài khá lâu năm nhưng chơi chữ Việt rất giỏi: anh bảo người trí thức khác với người có kiến thức ở chỗ cái trí của anh là cái “tri” (biết) luôn luôn “thức”, chứ không phải những cái biết ngủ mê, cái biết “chết”! Người có cái tri luôn thức chính là người trí thức! Xã hội cần có tầng lớp người đó, do một nền đại học chân chính tạo nên.
Vấn đề của chúng ta hiện nay chính là cần xem xét lại tất cả các trường đại học của chúng ta theo tiêu chí quan trọng hàng đầu này, để xem thử chúng có đúng là đại học thật không, hay chỉ là “phổ thông cấp bốn” như có người gọi cũng đã lâu rồi! (Sự thật thì ở các nước tiên tiến ngày nay, ngay ở cấp phổ thông người ta cũng đã không còn lối “thầy đọc trò chép” như vẫn phổ biến ở đại học ta. Ngay từ cấp I, trẻ em đã được khuyến khích độc lập suy nghĩ đến tối đa).
Câu chuyện đại học, như vậy, thật sự là câu chuyện vô cùng nghiêm túc. Bởi nó liên quan trực tiếp đến câu hỏi cơ bản: Chúng ta muốn đào tạo nên con người như thế nào đây cho xã hội đang phát triển của chúng ta?
Những con người được nhét đầy kiến thức thuộc lòng đến mụ mẫm đi (ngay từ phổ thông) vì gánh nặng ngày càng chất còng lưng (và còng óc), con người không dám và biết tự mình suy nghĩ; hay đào tạo nên con người thật sự tự do từ chính bên trong mình, cho một xã hội tự do?
Tôi nghĩ đã đến lúc phải đặt ra một cách thật rạch ròi câu hỏi đó, câu hỏi gốc của tất cả các câu hỏi khác, cho nền giáo dục của chúng ta, trước hết là giáo dục đại học. Không trả lời dứt khoát, sòng phẳng câu hỏi đó thì tất cả những sửa chữa khác chỉ là uổng công, đơn giản vì chúng chỉ nhằm một mục tiêu đã sai ngay từ đầu.
Phần 2:Tự chủ đại học
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu