Ngân hàng tình yêu

07:50 SA @ Thứ Hai - 22 Tháng Mười, 2012

Không ít người tưởng rằng việc ta yêu ai hay ghét ai là do ý muốn của mình, hay nói khác đi do lý trí chúng ta quyết định. Nhưng thực ra trong chuyện này, lý trí không giải quyết được gì, vì tình cảm có quy luật riêng của nó. Tuy nhiên khi nói đến những điều này chúng ta thường cảm thấy rất mơ hồ, đôi khi rối như mớ bòng bong. Nhưng từ khi lý thuyết ngân hàng tình yêu (love bank) của Williams Harley, nhà tâm lý học hiện đại người Mỹ xuất hiện vào năm đầu của thế kỷ này, nguyên nhân yêu, ghét mới được lý giải rõ ràng, nhiều chuyên gia tâm lý đã áp dụng nó vào việc cứu vãn hôn nhân. Năm 2003 họ đã thử nghiệm với 863.700 cặp vợ chồng và đạt tỉ lệ thành công 67% mà trước đó chỉ đạt dưới 30 % .

Tại sao ta yêu người này, ghét người kia?

Tại sao bạn có hai đứa con lại yêu đứa này, ghét đứa kia, trong khi lý trí mách bảo rằng cả hai đứa đều là con bạn và phải yêu chúng như nhau? Bạn cố gắng điều chỉnh tình cảm của mình để yêu thương cả hai đứa nhưng vẫn không được. Bạn có thể ngồi thủ thỉ hàng giờ với đứa con này, còn đứa kia chỉ ba câu đã muốn nổi nóng. Tại sao lại có hiện tượng đó? Có người giải thích là tại mẹ tuổi hổ, con tuổi dê chẳng hạn nên "ăn thịt" nhau. Có người lại bảo bố “mệnh thuỷ" con "mệnh hoả" xung khắc về tử vi tướng số. Williams Harley không tin vào điều đó, ông phát hiện trong mỗi chúng ta có một ngân hàng tình yêu và những người ta giao tiếp hằng ngày, có liên kết tình cảm với ta đều có một tài khoản của họ trong ngân hàng đó. Mỗi khi gặp nhau, nếu người ấy làm cho ta hạnh phúc, họ thêm vào số dư của họ một đơn vị tình yêu (love unit), làm cho tài khoản của họ tăng lên, đến một ngưỡng nào đó, ta sẽ thích họ và nếu đó là một đối tượng khác giới có thể ta sẽ yêu họ, muốn được gần họ, không muốn rời ra vì ở bên họ ta thấy mình hạnh phúc và ta cũng muốn làm cho họ hạnh phúc. Trái lại nếu mỗi lần gặp ai đó, người ấy lại gây cho mình khó chịu, là họ đã rút đi một đơn vị tình yêu, làm cho tài khoản của họ nghèo đi, đến một ngưỡng nào đó la sẽ ghét họ. Hoá ra con người đâu có quyết định được việc mình yêu ai hay ghét ai. Nói khác đi, lý trí không điều khiển được tình cảm mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự điều chỉnh của cái mà Harley gọi là ngân hàng tình yêu.

Khi người đàn ông và đàn bà yêu nhau, những cảm xúc của họ thôi thúc họ làm cho nhau hạnh phúc, vì số dư tài khoản trong ngân hàng tình yêu của họ lúc này đạt tới ngưỡng cửa tình yêu lãng mạn.Bạn đã thực sự yêu ai thì dường như người ấy chẳng phải cố gắng gì cũng làm cho bạn hạnh phúc. Và nếu người đó yêu bạn thì bạn chỉ cần làm theo ý thích của mình, hoàn toàn có tính bản năng cũng có thể làm cho người đó sung sướng. Chính do đặc điểm này, nên sau một thời gian yêu say đắm, nhừng kẻ tình nhân trở nên lười nhác, họ tưởng rằng một khi đã có tình yêu thì cứ thế mà hưởng cho đến hết đời. Họ không biết rằng ở đời bất cứ cái gì đã có lúc lên thì cũng có lúc xuống và ngân hàng tình yêu cũng bị điều chỉnh như vậy, không có ngoại lệ. Qua khảo sát nhiều cặp vợ chồng, cảm giác của tình yêu lãng mạn dễ lụi tàn hơn là chúng ta tưởng. Nếu số dư của ngân hàng tình yêu tụt xuống dưới ngưỡng yêu lãng mạn thì vợ chồng chẳng những mất đi những cảm xúc mạnh mẽ với nhau, mà họ cũng đánh mất luôn khả năng làm cho nhau hạnh phúc. Thay vào đôi mắt đắm đuối ngày nào, giờ đây là cặp mắt hững hờ. Giọng nói gắt gỏng, khô khan, không còn âu yếm nữa. Cuộc sống chung trở nên tẻ nhạt và họ bắt đầu nghĩ đến ly dị, hoặc ít nhất sống cuộc sống không hạnh phúc. Lý thuyết ngân hàng tình yêu cho thấy rất rõ vì sao tình cảm vợ chồng suy giảm. Nếu bạn muốn những cảm xúc của bạn luôn hỗ trợ cho cuộc hôn nhân, bạn phải giữ số dư trong tài khoản lúc nào cũng đạt đến ngưỡng cần thiết và phải làm sao giữ được ở độ cao đó , đừng để số dư tụt xuống dưới ngưỡng đó.

Khi vợ chồng khủng hoảng

Khi một cặp vợ chồng khủng hoảng về tình cảm đưa nhau tới văn phòng tư vấn hôn nhân của Williams Harley ở Mỹ, ông thường tách họ ra hai phòng khác nhau và yêu cầu mỗi người trả lời trên giấy câu hỏi sau đây: "Người bạn đời của bạn có thể làm cho bạn điều gì thì bạn hạnh phúc? Câu hỏi đó xoáy vào vấn đề cốt lõi của mọi cuộc hôn nhân, nếu ta muốn cứu vãn nó. Sau đó, ông chuyển tờ giấy của người này cho người kia xem và họ thường không ngờ rằng người bạn đời của mình lại chỉ thích những điều đơn giản như vậy Nói chung, sự quan tâm chăm sóc trong hôn nhân thường có tác dụng làm ho nhau hạnh phúc nhưng rồi nó cứ mai một đi với thời gian và cùng với sự mất mát đó, chúng ta cũng đánh mất luôn niềm vui được chăm sóc nhau. Nhưng điều quan trọng hơn là khi sợi dây liên hệ tình cảm đã đứt, ta không biết người kia muốn được mình chăm sóc như thế nào? Trước đây để cứu vãn hôn nhân, người ta thường khuyên vợ chồng phải cố gắng chăm sóc nhau thật nhiều như để bù lại sự thờ ơ mà mình đã gây ra nhưng không mấy ai biết rằng chăm sóc nhau cũng phải đúng cách. Chăm sóc sao cho số dư tiền gửi ở Ngân hàng tình yêu tăng lên, chứ không phải là gây khó chịu, làm cho nó rút đi. Muốn làm được điều đó trước nhất ta phải biết lúc này người bạn đời muốn gì?

Thế nào là cảm xúc cần?

Đó là khi ta khao khát cái gì, nếu được thoả mãn thì ta hạnh phúc. Trái lại, dù người kia cố gắng chăm sóc ta nhưng không đúng cái mà ta muốn sẽ làm ta khó chịu. Trong hôn nhân có vô vàn cảm xúc cần. Một bó hoa mừng sinh nhật, một bát xôi ăn sáng, một chiếc vé xem phim hoặc tay trong tay đi dạo. Nói chung mỗi người một sở thích chẳng ai giống ai. Nếu bạn cảm thấy thích được ai làm như thế cho mình thì đó là nhu cầu cảm xúc của bạn. Có những người, cứ mỗi lần gặp họ, ta thấy vui. Bởi vì họ đáp ứng đúng nhu cầu cảm xúc của ta. Không gặp được họ thì ta nhớ. Nhiều nỗi nhớ ấy tích lại sẽ thành khao khát và vượt qua cái ngưỡng ấy là tình yêu. Cũng có người mỗi lần gặp, ta lại thêm bực mình vì họ cứ làm những cái mà ta không muốn. Nhiều nỗi bực mình ấy tích lại ta sẽ ghét họ, nhiều lần ghét quá sẽ thành căm thù.

Việc đầu tiên để khôi phục lại tình cảm vợ chồng là làm sao xác định được cái gì là nhu cầu cảm xúc quan trọng nhất của người kia, điều mà sẽ làm cho họ hài lòng và hạnh phúc. Phải luyện tập làm sao trở thành kỹ năng trong việc phát hiện những cảm xúc cần của người bạn đời, khi đó mới có thể làm tăng số dư tài khoản trong ngân hàng tình yêu. Nhưng việc này không đơn giản, Harley thú nhận lúc đầu tiếp xúc với khách hàng, ông phải hỏi hàng trăm người đàn ông và đàn bà câu hỏi: "Chồng hay vợ bạn có thể làm cho bạn điều gì thì bạn hạnh phúc nhất?". Họ viết ra những cái mà họ muốn và ông phân loại những nhu cầu cảm xúc của họ thành nhiều phạm trù. Cuối cùng, ông liệt kê được 10 nhu cầu cảm xúc sau đây:

1. Cảm phục.

2. Âu yếm.

3. Trò chuyện

4. Giúp đỡ nội trợ

5. Quan tâm đến gia đình

6. Đóng góp tiền bạc

7. Thành thật và cởi mở

8. Ngoại hình hấp dẫn

9. Tiêu khiển vui chơi

10. Quan hệ tình dục

Theo Harley, khó có nhu cầu cảm xúc nào nằm ngoài danh mục 10 thứ này. Nhưng thường thì mỗi người không giống nhau khi yêu cầu họ liệt kê ra những nhu cầu cảm xúc của họ. Trong danh mục 10 nhu cầu nói trên thì 5 là đàn ông thấy cần thiết với họ, còn 5 điều kia là của phụ nữ, cả hai đều rất cá nhân.

Làm sao để vợ chồng hiểu nhau?

Không có gì ngạc nhiên khi những đôi vợ chồng khủng hoảng lại khác nhau đến thế khi nói ra những điều họ muốn. Đơn giản vì họ thiếu đồng cảm! Thực ra những đôi vợ chồng đã chấp nhận cần phải có sự giúp đỡ của các nhà tư vấn hôn nhân là họ đều muốn cứu vãn cuộc hôn nhân sẵn sàng làm cho nhau cái mà người kia muốn nếu khả năng họ cho phép, tiếc rằng họ không nhận ra. Cái mà người này đánh giá là quan trọng nhất thì người kia lại cho là tầm thường nhất. Muốn giúp họ, phải làm sao để người này biết người kia cần gì? Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể biết những nhu cầu cảm xúc quan trọng nhất của những người đàn ông, đàn bà bình thường mà đừng hy vọng biết được cảm xúc cần có của những người đặc biệt. Ngay cả với những cuộc hôn nhân bình thường cũng có cái mà người đàn ông, đàn bà nào cũng cần thì chưa chắc đã là cái mà đôi vợ chồng này cần. Có thể nói nhu cầu cảm xúc của mỗi người phản ánh con người họ, những lối sống và quan niệm của họ về cuộc sống, về hạnh phúc, tình yêu. Nếu đôi nào trùng hợp nhau những nhu cầu cảm xúc thì họ hạnh phúc. Harley hay đặt câu hỏi với những khách hàng trong đầu chỉ nghĩ đến ly hôn: "Nếu ly hôn, sau này anh có kết hôn với ai nữa không?". Có người nói: "Nếu gặp người tôi yêu”. Lại hỏi: "Vậy trước khi cưới người vợ hiện nay, anh có yêu không?". Hầu hết khách hàng trả lời là có. Vậy tình yêu ấy đâu rồi? Phải chăng nó đã rơi vãi trong hành trình gian nan của hôn nhân. Nếu anh lấy người khác, liệu có đi vào vết xe đổ ấy không, khi chỉ thay đổi đối tượng kết hôn này bằng một đối tượng khác mà phương pháp vẫn không thay đổi. Chi bằng ta hãy thử khôi phục lại tình yêu trong cuộc hôn nhân này, tránh được bao nhiêu đổ vỡ mà kẻ thiệt thòi nhất là những đứa con. Phương pháp của Harley không nhằm vào hoà giải hay giải quyết xung đột. Ông chủ trương khôi phục tình yêu. Một khi tình yêu được khôi phục thì xung đột cũng được giải quyết một cách dễ dàng. Vậy là một mũi tên trúng hai đích. Chính vì thế ngày càng nhiều người áp dụng phương pháp cứu vãn hôn nhân của Harley và thu được những kết quả khả quan trong một lĩnh vực mà từ trước đến nay nhiều người rất bi quan.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: