“Trí tưởng tượng ảo”

Nguyễn Huy Hoàng dịch.
10:02 SA @ Thứ Hai - 22 Tháng Hai, 2016

Umberto Eco (1932–2016) là cố triết gia, nhà văn người Ý, và giáo sư hưu trí ngành ngôn ngữ học tại Đại học Bologna. Tiểu luận “The Virtual Imagination” được đăng trên Project Syndicate ngày 7 tháng 11, 2000. Nguyễn Huy Hoàng dịch...

Trí tưởng tượng ảo

Liệu sách, thông qua sức mạnh của máy tính và internet, có bị biến đổi thành “các cấu trúc siêu văn bản” vô hạn mà trong đó độc giả cũng là tác giả?

Ngày nay, tồn tại hai dạng sách: những cuốn để đọc và những cuốn để tham khảo. Với sách để đọc, bạn bắt đầu từ trang 1, ví dụ là nơi tác giả nói cho bạn biết về một tội phạm được thực hiện. Bạn theo dõi cho đến cuối, khi phát hiện ra ai là người có tội. Kết thúc cuốn sách; kết thúc trải nghiệm đọc. Điều tương tự cũng diễn ra ngay cả khi bạn đọc triết học, ví dụ, của Husserl. Tác giả khai cuộc ở trang đầu, và đi theo một chuỗi các câu hỏi để cho bạn thấy cách ông ta đi đến các kết luận.

Bách khoa toàn thư, dĩ nhiên, chưa bao giờ được làm ra để được đọc từ bìa trước đến bìa sau. Nếu muốn biết có khả năng nào Napoleon từng gặp Kant hay không, tôi lấy hai quyển, K và N, và phát hiện ra Napoleon sinh năm 1769 và qua đời năm 1821, và Kant sinh năm 1724 và qua đời năm 1804. Có khả năng hai người đã gặp nhau. Để biết chính xác, tôi tham khảo một cuốn tiểu sử về Kant. Tiểu sử về Napoleon, ông vốn đã gặp nhiều người, có thể bỏ qua cuộc gặp gỡ với Kant; tiểu sử về Kant thì không.

Máy tính đang bắt đầu làm thay đổi quá trình đọc. Ví dụ, với một siêu văn bản, tôi có thể truy vấn mọi trường hợp mà tên của Napoleon được liên kết với Kant. Tôi có thể làm việc này chỉ trong vài giây. Siêu văn bản sẽ khiến bách khoa toàn thư sách in lỗi thời. Nhưng dù đang truyền bá một hình thức đọc viết mới, máy tính vẫn không thể thoả mãn mọi nhu cầu trí tuệ mà chúng kích thích.

Có hai sáng chế đang ngấp nghé được khai thác có thể giúp máy tính bắt đầu thoả mãn những nhu cầu này. Thứ nhất là máy photocopy mà qua nó bạn quét được các danh mục thư viện và sách của các nhà xuất bản. Bạn chọn cuốn mình cần, bấm nút, và chiếc máy đó sẽ in và đóng thành cuốn cho bạn. Điều này sẽ thay đổi toàn bộ ngành xuất bản; có thể nó sẽ xoá bỏ các nhà sách nhưng sẽ không xoá bỏ được sách. Sách sẽ được điều chỉnh theo mong muốn của người mua, như đã diễn ra với các bản thảo cổ.

Sáng chế thứ hai là e-book [sách điện tử]: bằng cách chèn micro cassette vào gáy sách hoặc bằng cách nối kết nó với Internet, bạn sẽ có cuốn sách của mình. Nhưng cuốn sách này sẽ khác như bản in đầu tiên của Shakespeare khác với ấn bản Penguin mới nhất. Một số người nói họ chưa bao giờ đọc sách in giờ đây đang đọc, chẳng hạn, Kafka, bằng e-book. Trên trang giấy hay trên trang điện tử, Kafka là một đối với độc giả, nếu không nói từ quan điểm của bác sĩ nhãn khoa.

Sách sẽ sống vì giá trị vị lợi của chúng, nhưng quá trình sáng tạo mà trong đó chúng trỗi dậy thì có thể không. Để hiểu tại sao, chúng ta phải vạch ra sự khác biệt giữa hệ thống và văn bản. Một hệ thống là mọi khả năng được thể hiện bằng một ngôn ngữ tự nhiên cho trước. Một tập quy tắc ngữ pháp hữu hạn cho phép ta tạo ra một số lượng câu vô hạn và mọi thứ mang tính ngôn ngữ đều có thể được diễn giải bằng những thứ mang tính ngôn ngữ khác, một từ theo một định nghĩa, một sự kiện theo một ví dụ, vân vân.

Tuy nhiên, văn bản làm giảm số khả năng vô hạn của một hệ thống trong việc hình thành một vũ trụ đóng. Thử xem xét “Cô bé quàng khăn đỏ.” Văn bản này bắt đầu từ một tập hợp các nhân vật và tình huống cho trước (một cô bé, một bà mẹ, một người bà, một con sói, một khu rừng) và thông qua một chuỗi các bước đến một giải pháp. Ta có thể đọc truyện cổ tích này như một ngụ ngôn và quy những đạo lý khác nhau cho các sự kiện và nhân vật trong truyện, nhưng ta không thể biến “Cô bé quàng khăn đỏ” thành “Cô bé lọ lem.”

Nhưng nhiều chương trình internet lại cho thấy một câu chuyện được làm phong phú nhờ các đóng góp liên tục. Hãy xem xét “Cô bé quàng khăn đỏ” lần nữa. Tác giả đầu tiên đề xuất một tình huống khai cuộc (cô bé đi vào rừng) và những người đóng góp khác phát triển câu chuyện này – cô bé không gặp con sói mà thay vào đó là gặp Pinocchio. Cả hai cùng đi vào một toà lâu đài mê hoặc. Họ có thể đương đầu với một con cá sấu ma thuật. Và cứ thế. Khái niệm về quyền tác giả bị ném vào ngờ vực.

Điều này đôi khi đã diễn ra trong quá khứ mà không gây phiền toái cho quyền tác giả. Với Commedia dell’arte[hài kịch ứng tác], mọi màn trình diễn đều khác nhau. Chúng ta không thể xác định một tác phẩm đơn nhất theo một tác giả đơn nhất. Một ví dụ khác là một màn ứng tấu jazz. Chúng ta có thể tin có một màn trình diễn độc quyền bản “Basin Street Blues” do có một bản ghi âm còn sót lại. Nhưng cũng từng có nhiều bản Basin Street Blues như có nhiều màn trình diễn bản nhạc ấy.

Nhưng có một sự khác biệt giữa những văn bản vô hạn, không bị giới hạn với những văn bản có thể được diễn giải theo vô số cách nhưng bị giới hạn về mặt vật lý. Thử xem xétChiến tranh và hoà bình của Tolstoy: bạn ước gì Natasha cự tuyệt Kuryakin; bạn mong Hoàng tử Andrzej còn sống để Natasha và anh có thể ở bên nhau. Biến Chiến tranh và hoà bình thành một siêu văn bản và bạn có thể viết lại câu chuyện: Pierre giết Napoleon hoặc Napoleon đánh bại Tướng Kutuzov. Tự do làm sao! Ai cũng là Tolstoy!

Trong Những người khốn khổ, Victor Hugo cho chúng ta một bản mô tả đẹp đẽ về Waterloo. Hugo không chỉ biết chuyện gì đã diễn ra mà còn biết chuyện gì có thể đã diễn ra và chuyện gì đã không diễn ra. Với một chương trình siêu văn bản ta có thể viết lại Waterloo cho Napoleon thắng trận, nhưng vẻ đẹp bi thảm của Waterloo của Hugo là mọi chuyện diễn ra độc lập với ước muốn của độc giả. Sự quyến rũ của văn học bi thảm là chúng ta có cảm giác những nhân vật chính của nó đáng lẽ đã trốn thoát được Số phận của họ nhưng lại không thể trốn thoát do sự yếu đuối, lòng kiêu hãnh, hay sự mù quáng.

Bên cạnh đó, Hugo nói với chúng ta rằng “Sự sa đoạ gây kinh ngạc cho toàn bộ Lịch sử như vậy, liệu nó có là thứ gì đó không có nguyên nhân? Không… Một người nào đó, người mà không ai có thể phản đối, đã chăm lo cho sự kiện đó, Chúa đã đi qua đó.” Đó là điều mà mọi cuốn sách vĩ đại nói cho chúng ta biết, rằng Chúa đã đi qua. Có những cuốn chúng ta không thể viết lại vì chức năng của chúng là dạy cho chúng ta biết về Sự tất yếu, và chỉ khi được tôn trọng đúng mức chúng mới có thể mang đến cho chúng ta sự thông thái như vậy. Bài học mang tính đàn áp của chúng là thứ không thể thay thế được để vươn tới một trạng thái cao hơn của tự do trí tuệ và tự do đạo đức.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: