Trị liệu tâm linh

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
04:12 CH @ Thứ Tư - 29 Tháng Giêng, 2014

Trị liệu tâm linh là bất cứ phương pháp điều trị nào không dùng các tác nhân vật chất. Nó có nhiều tên gọi khác nhau: trị liệu tâm linh, trị liệu tinh thần, trị liệu niềm tin, trị liệu dị thường, trị liệu (đặt) bàn tay... Khí công, nhân điện, yoga, khí công Bùi Long Thành, dưỡng sinh tâm thể, chữa bệnh qua truyền hình của Kaspirovski hay liệu pháp Dzhuna (Liên Xô) đều có thể xếp vào loại hình này...


Bác sĩ Hungari George Egly, người không vượt qua được James Randi để nhận giải thưởng 1 triệu USD

Đầu tiên cần nhấn mạnh vai trò của tinh thần người bệnh. Ai không tin thì hầu như không giảm bệnh khi dùng các trị liệu tâm linh. Vì thế đặt tên trị liệu niềm tin là rất chính xác. Và đó là lí do người ít hiểu biết dễ giảm hay khỏi bệnh hơn một nhà khoa học nhiều kiến thức.

Căn nguyên giảm bệnh

Hiệu ứng mẹ Tereza: Nhà tâm lý McClelland tại Harvard phát hiện, sau khi xem phim về vị nữ tu đoạt giải Nobel hòa bình, thấy glubolin miễn dịch trong nước bọt ở hầu hết sinh viên đều tăng, kể cả người không thích bộ phim và nhân vật. Charnetski, ĐH Wilkis (Mỹ) cũng thấy sau 30 phút nghe nhạc Mozart, glubolin miễn dịch tăng 14%.

Điều đó chứng tỏ, câu chuyện về lòng tốt, bản nhạc hay, bức tranh đẹp, sự xúc động, tự hào... đều có thể tăng sức đề kháng của cơ thể, tức làm cho con người khỏe mạnh hơn cả về thể chất và tâm hồn.

Tác dụng placebo: Trong tiếng Latin, placebo là “tôi sẽ hài lòng”. Đó là giả dược, có tác dụng trên 40% bệnh nhân do tác động tâm lý lên niềm tin người bệnh. Nhiều yếu tố làm tăng tác dụng của placebo, như môi trường chữa bệnh thân thiện, sự ân cần của thầy thuốc, sự lạc quan của người bệnh...

Vai trò vô thức: Nhiều trị liệu tâm linh chỉ đơn giản là kỹ thuật dùng vô thức tác động lên sự tự chữa bệnh của cơ thể. Đó là lý do tại sao một trị liệu lại có thể tác động ở mức độ nào đó lên nhiều mặt bệnh có cơ chế bệnh sinh ra trái ngược nhau. Nếu không hiểu điều đó, rất dễ nghĩ tới một tác động vạn năng, như “trường sinh học” hay “năng lượng vũ trụ”.

Các trường vật lý từ cơ thể: Như một bộ máy điện hóa phức tạp, cơ thể luôn phát ra nhiều điện từ trường ở nhiều dải tần. Nghiên cứu tại Trung Quốc, Nhật, Mỹ hay Hồng Kông thấy rằng, khi phát công, khí công phát các bức xạ vùng hồng ngoại gần và vùng tần số cực thấp. Các tín hiệu này có thể tác động cơ thể người bệnh, gây tác dụng chữa bệnh.

Về một số trị liệu

Thôi miên, thôi miên tập thể, ám thị và tự kỉ ám thị: Chúng đều dùng vô thức để chữa bệnh. Phương pháp Kaspirovski thuộc loại này, khi ông chữa bệnh trĩ bằng cách khuyên người bệnh áp chỗ bị bệnh vào màn hình! Sau khi phát triển rầm rộ đầu những năm 1990, liệu pháp này đã bị cấm, vì như bất cứ một phương pháp nào khác, nó có chỉ định và phản chỉ định cụ thể, nên không thể dùng đại trà cho tất cả các loại bệnh như thế được.

Trị liệu (đặt) bàn tay: Khi áp bàn tay lên vùng bệnh lí, nhà trị liệu phát trường điện từ (phát công) để chữa bệnh. Khí công hay nhân điện là như vậy. Và kết quả điều trị là tổng hợp của điện từ trường sinh học và tâm lý liệu pháp.


Phẫu thuật tâm linh bằng tay không tại Philippines
chỉ là trò ảo thuật dễ thực hiện

Khí công Bùi Long Thành: Từng lên truyền hình những năm 1990, đây là phương pháp điển hình cho sự dùng vô thức một cách cực này dễ bị tâm thần (tẩu hỏa nhập ma), vì vô thức là trạng thái cách ly cảm giác, mà nếu lạm dụng, hoạt động tinh thần sẽ bị rối loạn. Đó là lý do “tuyệt tích giang hồ” của trường phái này.

Một số phương pháp khác: Những môn như dưỡng sinh tâm thể của bà Nguyễn Thị Hương (báo chí nửa cuối những năm 1990 gọi là má Hai Bình Định) và nhiều người khác chủ yếu dựa trên hiệu ứng mẹ Teresa. Khi người bệnh tĩnh tâm, được khuyên tu tâm dưỡng tính, chăm làm việc thiện... hệ miễn dịch của họ được tăng cường, dẫn tới sự tự chữa bệnh.

Có thể còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, nhưng nhìn chung các trị liệu tâm linh đều chủ yếu dựa trên khả năng tự chữa bệnh của cơ thể. Nói cách khác, khi đó người bệnh tự chữa bệnh hơn là được chữa bệnh, với kĩ thuật điều trị đóng vai trò chất xúc tác. Vì thế theo Howard Gordon trong cuốn Con người kì diệu, chính bệnh nhân, chứ không phải nhà trị liệu, đã thực hiện điều kì diệu; và trong trường hợp tốt nhất thì nhà trị liệu cũng chỉ đóng vai trò tạo thuận lợi cho những gì sẵn có trong cơ thể người bệnh mà thôi.

Cuối cùng cần phải nhấn mạnh rằng, đa số các trị liệu tâm linh dùng các kĩ thuật hướng tới vô thức để chữa bệnh. Đó là con dao hai lưỡi nếu không kiểm soát được mặt trái của vấn đề, như môn khí công Bùi Long Thành đã chứng tỏ. Ngoài ra, việc lạm dụng các trị liệu này do thiếu hiểu biết hay do mê tín có thể khiến bệnh nhân mất cơ hội nhanh chóng tiếp cận các cơ sở y tế có thẩm quyền để được chẩn trị kịp thời và đúng đắn. Đó là một nguy cơ cần được cảnh báo rộng rãi.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các hiện tượng dị thường là gì?

    28/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngCác hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology)...
  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...