Top 50 công ty châu Á xuất sắc nhất
Trong thời giá dầu thô tăng cao như hiện nay, chẳng lạ khi những doanh nghiệp chiếm vị trí cao trên danh sách Top 50 công ty châu Á kinh doanh thành công nhất lần đầu tiên được tiến hành điều tra và bầu chọn bởi tuần báo kinh tế BusinessWeek của Mỹ (BW50) đều là những công ty kinh doanh dầu khí.
Đó là PTT của Thái Lan ở vị trí hạng nhất; PetroChina của Trung Quốc, hạng 2; Oil and Natural Gas của Ấn Độ - hạng 3 và S-Oil của Hàn Quốc - hạng 4. Nhưng nếu tính cả những công ty kinh doanh mọi sản phẩm có xuất xứ từ vàng đen thì trong Top 50 này còn có thêm 7 doanh nghiệp nữa.
Nhìn chung, hầu hết những doanh nghiệp được xếp vào danh sách BW50 là những công ty hoạt động trong các lãnh vực dầu khí; sắt thép; hàng hải, xây dựng và điện tử tiêu dùng. Hàn Quốc chiếm ưu thế vì có đến 5 doanh nghiệp lọt vào 10 vị trí hàng đầu BW50 (gồm S-Oil; tập đoàn sắt thép POSCO; tập đoàn hoá và công nghiệp LG Corp.; tập đoàn tài chính-ngân hàng Shinhan Financial Group và công ty điện-điện tử tiêu dùng Samsung Electronics).
Nhưng Nhật vẫn có nhiều công ty lớn, hoạt động thành công hơn với 11 doanh nghiệp được chọn vào danh sách này. Tuy nhiên, nhiều công ty Nhật lâu nay có danh thơm ở thương trường khu vực và quốc tế nay đã bị các đối thủ Hàn Quốc đánh bật ra khỏi bục cao danh dự. Chẳng hạn như Sony không có mặt trong BW50 trong khi Samsung Electronics xếp hạng 9; LG Electronics: 21; LG.Philips LCD: 40.
Ngoài ra, mẫu số chung của các công ty BW50 là có niêm yết ở các thị trường chứng khoán có uy tín ở trong từng khu vực. Một điều đáng chú ý khác là hầu hết các công ty làm ăn khấm khá đem cổ tức cao về cho các cổ đông, tạo được uy tín nơi các nhà đầu tư quốc tế là nhờ đã có nhiều mối bán hàng cung cấp cho "đầu máy kinh tế khổng lồ” hiện nay là Trung Quốc.
Cuối cùng, BusinessWeek nhận định, “tất cả những doanh nghiệp thành công lớn trong thời kinh tế khủng hoảng vì giá dầu tăng cao là nhờ đã có được những nhà lãnh đạo tài giỏi biết cắt giảm chi phí hoạt động thật hiệu quả, cùng lúc với việc tiến hành mua trọn hoặc sáp nhập với những công ty từng là đối thủ cùng lĩnh vực”.
Chẳng hạn như ông Prasert Bunumpun, 53 tuổi, chỉ sau 2 năm rưỡi lãnh đạo PTT (tên tắt của Petroleum Authority of Thailand) đã biến tập đoàn dầu khí hiện diện từ thượng nguồn (khai thác, sản xuất, lọc) đến hạ nguồn (kinh doanh các thành phẩm từ dầu khí) này thành gã khổng lồ số một BW50.
Doanh thu của PTT năm 2004 là 15,7 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2003, còn lãi ròng là 1,5 tỷ USD, tăng 59% so với năm 2003.
PTT đã được tư nhân hoá cách nay 4 năm và hiện là công ty có thị giá lớn nhất ở thị trường chứng khoán Thái Lan (chiếm 28% tổng giá trị thị trường). PTT là gã khổng lồ số một về xuất-nhập khẩu dầu khí, lọc dầu, hoá dầu và kinh doanh bán lẻ xăng dầu ở Thái Lan. PTT được như thế là vì TGĐ Prasert Bunsumpun, tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh Đại học Utah, Mỹ, đã biết cắt giảm khâu hành chính bàn giấy, hiện đại hoá nó với công nghệ IT, đồng thời phát triển hoạt động của tập đoàn sang 3 quốc gia ASEAN và các nước Iran, Oman, Algeria. “Chúng tôi nhắm đến mục tiêu trong 5 năm nữa phải đạt ít nhất 20% lợi nhuận của toàn công ty từ các hoạt động ở hải ngoại,” chủ tịch Prasert nói.
Ông Chen Geng, 58 tuổi, cũng chẳng phải là một nhà quản trị tầm thường. Năm ngoái khi ông về lãnh đạo PetroChina thì tập đoàn này vừa trải qua nhiều biến cố (nổ giếng khí khiến 243 công nhân chết thảm). Một năm trôi qua, PetroChina đã vững vàng trở lại và mạnh hơn bao giờ hết với doanh thu tăng 28% trong năm 2004, đạt 47,1 tỷ USD, lợi nhuận đã tăng đến 47,9%, đạt 12,5 tỷ USD. Giá cổ phiếu của PetroChina vì vậy đã tăng 46% trong năm qua, thu hút được cả chuyên gia điều hành vốn đầu tư khổng lồ từ bên kia bờ Thái Bình Dương là tỷ phú Mỹ Warren Buffett.
Hiện nay PetroChina cung ứng đến 2/3 tổng lượng dầu và khí của Trung Quốc, sở hữu hơn 15.000 trạm xăng. Riêng trong năm qua, công ty đã xây dựng hoàn tất hệ thống ống dẫn khí Tây-Đông dài 4.200 km. “Trong năm năm nữa, chúng tôi sẽ có một mạng lưới ống dẫn khí bao phủ gần hết Trung Quốc,” ông Chen Geng cho biết. Đại công trình này có kinh phí lên đến 12 tỷ USD.
Ông còn là chủ tịch tập đoàn China National Petroleum (CNPC). Thông qua một liên doanh với CNPC, PetroChina đang tìm kiếm cơ hội sở hữu các mỏ dầu khí ở Kazakhstan, Peru, Venezuela và Indonesia.
Top 10 trong BW50
1. PTT (Thái Lan)
2. PetroChina (Trung Quốc)
3. Oil and Natural Gas (Ấn Độ)
4. S-Oil (Hàn Quốc)
5. Tata Steel (Ấn Độ)
6. POSCO (Hàn Quốc)
7. Shinhan Financial Group (Hàn Quốc)
8. LG Corp. (Hàn Quốc)
9. Samsung Electronics (Hàn Quốc)
10. Malaysia Int’l. Shipping (Malaysia)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt