Tình không biên giới

02:01 CH @ Thứ Tư - 18 Tháng Hai, 2009

Ngày nay, cùng với trào lưu hội nhập của thế giới, người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng đông, người Việt Nam sang học tập, sinh sống ở nước ngoài cũng ngày càng nhiều, những cuộc hôn nhân "ta lấy Tây" không còn là chuyện lạ. Nhưng xung quanh những mối lương duyên dị tộc ấy cũng lắm chuyện đáng bàn. Người cho đó là những cô gái tham giàu, muốn sau một đêm mở mắt ra đã lấy mình được sống ở một nước phát triển. Kẻ lại cho rằng họ không tham cái sự giàu có đó, mà đàn ông xứ người đối xử với phụ nữ lịch sự, văn minh hơn đàn ông Việt Nam, vì thế họ yêu cái cung cách cư xử đó, chứ không phải yêu tiền.

Theo nhận xét của các chuyên gia nghiên cứu về hôn nhân gia đình ở phương Tây, thì cùng với việc thành lập khối liên minh châu Âu, việc khánh thành đường hầm xuyên qua eo biển Manche và sử dụng đồng tiền chung Euro, các cuộc hôn nhân dị chủng ngày nay đã trở thành phổ biến, nhưng những con số thống kê lại đưa ra một kết quả đáng buồn: tỷ lệ ly hôn giữa những cặp vợ chồng khác quốc tịch cao hơn hẳn những cặp đồng chủng. Qua thăm dò những người trong cuộc, các nhà nghiên cứu thấy rõ một sự thực hiển nhiên là khi sức hấp dẫn của hoa thơm cỏ lạ xứ người nhạt phai dần, những nhân tố thoái hoá tiềm ẩn trong các cuộc hôn nhân dị tộc có nguy cơ "tóe lửa". Những tia lửa ấy bắt vào những mảnh vụn tưởng chừng chẳng đáng kể gì nhưng có khi lại gây ra hoả hoạn thiêu rụi cả hôn nhân. Bởi vì mỗi cộng đồng người đều có những tập quán được hình thành từ hàng nghìn năm, truyền từ đời này sang đời khác, thành nếp sống, nếp nghĩ vững chắc khó có thể thay đổi được, nhất là trong mấy năm đầu chung sống. Phải là những người có biệt tài giao tiếp, khéo thương lượng và rất mềm mỏng, năng động mới tương thích được. Chúng ta không phản đối những cuộc hôn nhân với người nước ngoài, trái lại ở những thành phố lớn, Nhà nước ta còn có những văn phòng dành cho người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam được thuận tiện. Song, bao giờ cùng thế, một cuộc hôn nhân có đạt được mục tiêu muôn thuở của nó là hạnh phúc hay không, điều quyết định không phải là lấy người nước ngoài hay người trong nước, mà là cuộc hôn nhân ấy có xuất phát từ tình yêu hay không?

Nếu vì tham tiền, muốn thoát ra khỏi cảnh lao động nhọc nhằn, mơ tưởng hôn nhân sẽ đem lại cho mình tất cả, được sống sung sướng nhàn hạ, để đến lúc lên xe hoa mới biết mặt chú rể thì hạnh phúc là rất mong manh. Hay vì chạy theo "mốt", vì nghĩ rằng mình phải hơn người nên mới lấy được “chồng ngoại” thì cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc viển vông đó đã mang mầm mống thất bại ngay từ bước khởi đầu. Những người như thế kết hôn với bất kỳ ai cũng khó có thể hạnh phúc, chẳng phải vì lấy người nước ngoài.

Làn sóng các cô gái Nga xinh đẹp một dạo đua nhau lên mạng tìm chồng ở những nước giàu có như Ý, Đức, Pháp… thì người ta cho là không khó hiểu vì những anh chàng này có xe đẹp, nhà đẹp, điều kiện sống cao hơn hàng chục lần. Đàn ông những nước đó cũng nói thẳng con gái Nga nghèo nên ngoan và dễ bảo hơn. Trong khi những cô gái nước họ giàu có và kênh kiệu, lắm cô đã không xinh lại khó chiều. Vì thế họ bất chấp những cách trở về ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau. Chẳng hạn, người Anh có thói quen thích ăn vào bất cứ lúc nào nếu họ cảm thấy đói. Họ không hiểu nổi tại sao người Pháp cứ phải ăn vào giờ nhất định trong ngày? Nhưng ông chồng Pháp lại hỏi các bà vợ Đức vì sao họ lại không khoái khẩu món ốc sên nấu tỏi? Chị Florence người Ý khi quyết định lấy chồng người Ai-len có để ý gì đến chuyện anh ta dạy nấu đậu với dấm, trong khi từ bé chị đã được cha mẹ dạy nấu đậu thì phải cho đường. Thế là hai thứ gia vị khác nhau cứ xung khắc như hai môn phái của hai thứ tà đạo. Đến nỗi giải pháp khiến cho cả hai có thể hoà hoãn được là mỗi người một xoong hầm đậu riêng theo sở thích, còn các thứ khác có thể ăn chung.

Đó chỉ là những chuyện hết sức vặt vãnh mà khi đã yêu vì quyết định ăn đời ở kiếp với nhau, người ta có xá kể gì. Thế nhưng các nhà tâm lý học lại cho rằng chính những chuyện tương tự có thể là những yếu tố phá vỡ sự hoà hợp lứa đôi. Và trở ngại lớn nhất là vấn đề ngôn ngữ. Với vốn liếng tiếng nước ngoài chỉ đủ để giao tiếp sinh hoạt, làm sao có thể gọi là tri âm tri kỷ, vợ chồng đàm đạo hoặc bông đùa chuyện trên trời dưới biển như những đôi vợ chồng hạnh phúc khác. Khối người vừa nói vừa ra hiệu bằng tay mãi chồng mới biết mình muốn gì thì làm sao có đủ lời ăn tiếng nói tinh tế để đi vào ngõ ngách tâm tư tình cảm của nhau. Có thể nói, họ đã phải hy sinh rất nhiều cái mà những cặp vợ chồng cùng nói tiếng mẹ đẻ với nhau dễ dàng có được.

Tôi quen một cặp vợ chồng, cô gái Hà Nội lấy chàng trai người Anh sang nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Anh chồng hàng ngày đi học tiếng Việt ở trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Tối về lại có vợ kèm thêm nên luôn đứng đầu lớp. Thế mà có hôm, anh bảo vợ: "Lần sau, em đừng mua gà trai nữa, cử mua gà gái ăn ngon hơn". Vợ cười ngặt nghẽo, còn chồng cứ ngớ ra, không hiểu mình nói tiếng Việt “chuẩn” thế, còn cười cái gì? Nói chung, anh rất chiều vợ, hay khen: "Con gái Việt Nam đẹp lắm. "Bà xã nhà tôi" rất ngoan!". Nhiều hôm, vợ đi làm ca đêm đến hai giờ sáng, anh cũng phóng xe máy đến đón vợ. Tuy nhiên, người vợ Việt chẳng thể thoả mãn với cách trò chuyện của anh chồng Ăng-lê. Thỉnh thoảng chị lại rủ bạn đến nhà chơi có dịp "buôn dưa lê" liến thoắng một hồi cho khuây khỏa, đó chỉ là chuyện về ngôn ngữ cuộc sống có bao điều phải đối nhân, xử thế. Có những trường hợp chồng Việt, vợ Tây bà mẹ chồng văn minh còn đỡ, chứ mẹ chồng chít khăn mỏ quạ thì con dâu làm sao mà hòa nhập được với mẹ chồng về cách ăn, nếp ở khi sống trong cùng một mái nhà.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Suy cho cùng cũng tùy người. Có người ra nước ngoài chưa được một tháng dù lên xe xuống ngựa ăn uống tiệc tùng vẫn nằng nặc đòi về vì thèm nghe tiếng mẹ đẻ, nhớ những gương mặt thân quen, nhớ cả bầu trời đất nước. Có người chỉ cần một anh Tây có những cử chỉ yêu thương chân tình là đủ, cho dù vừa nói vừa ra hiệu cũng chẳng sao. Miễn là có cuộc sống nhàn hạ, kinh tế chẳng phải lo, vài ba năm chồng lại cho về nước thăm cha mẹ, họ hàng thế là mãn nguyện. Và đã là chuyện riêng của họ có lẽ cũng chỉ nên bàn đến thế thôi.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phụ nữ hiện đại làm chủ duyên phận

    19/10/2013Vệ GiangTừ ngàn xưa, quan niệm rằng hôn nhân của người phụ nữ là một bí mật của định mệnh, được sắp sẵn cho mỗi người con gái. Và họ cũng giống như “ hạt mưa sa” mà đấng tối cao nhắm mắt tung vào trần thế. May mắn gặp được người chồng tử tế giỏi giang thì nhờ, còn nếu lỡ gặp một gã đàn ông vũ phu, độc đoán hoặc nghèo khổ, thất nghiệp quanh năm…
  • Kết hôn sớm và định dạng gia đình kiểu mới

    21/09/2008Có vẻ như đang có một xu hướng kết hôn sớm trong giới trẻ hiện nay. đây là một trào lưu nhất thời, hay là kết quả của một quá trình “chín sớm” trong con đường trưởng thành của người trẻ?
  • Tình yêu thời @

    28/05/2008Trịnh Trung HòaThời @ người ta liên hệ với nhau bằng internet và điện thoại di động vừa nhanh chóng vừa đơn giản hơn ngày trước các cụ gửi thư nhiều. Đã mất công soạn một tin nhắn mùi mẫn, tội gì không gửi đi hai, ba nơi. Thời nay, tìm được chàng trai, cô gái chỉ yêu duy nhất có một người và khước từ các tình yêu khác có lẽ hơi bị hiếm.
  • Tình yêu, hôn nhân và tiền bạc

    20/04/2006Bội Bội1. Anh không mua được tình yêu. Nhưng anh phải trả giả đắt cho nó.
    2. Nếu anh không muốn đọc để hiểu biết về tình yêu và hôn nhân, anh phải đọc hai cuốn sách hoàn toàn khác nhau.
    3. Anh không thể gắn giá cả vào tình yêu, nhưng anh có thể gắn tất cả trang sức bao quanh nó...