Tình bạn 'Chung Kỳ, Bá Nha' của Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu

04:33 SA @ Thứ Năm - 25 Tháng Ba, 2021

Phan Châu Trinh (1872-1926), Phan Bội Châu (1867-1940) - hai trong số sĩ phu yêu nước nổi tiếng nhất Việt Nam, đại diện cho thế hệ trí thức sinh nửa sau thế kỷ 19, rất khác xa về tư tưởng và đường lối nhưng có chung tình bạn đẹp...

Phan Bội Châu thuộc nhóm “ám xã” (chủ trương bạo động), trong Phan Bội Châu niên biểu ông viết “sinh bình tôi vốn ôm chủ nghĩa cấp khích” (tr. 150), là người giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong việc thức tỉnh hồn nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đầu thế kỷ 20. Phan Bội Châu cho rằng kẻ thù của địch là bạn ta, vì vậy cụ ngỏ ý cầu viện các nước mà cụ cho rằng có sự xung đột quyền lợi với thực dân Pháp - các nước đồng văn đồng chủng ở Đông Á là Nhật Bản và Trung Quốc, kể cả Đức và Nga. Phan Bội Châu lấy câu nói của nhà cách mạng người Ý Giuseppe Mazzini (1805-1872) làm chủ thuyết: “Giáo dục dữ bạo động đồng thời tịnh hành” (Giáo dục và bạo động cùng tiến hành song song) (Phan Bội Châu niên biểu, tr.53).


Khoảng thời gian sang Nhật xin viện trợ quân sự, Phan Bội Châu kết giao với nhà cải cách Trung Quốc Lương Khải Siêu (1873-1929), qua bút đàm Lương khuyên cụ: “Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập… Thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí, và nhân tài.” (Phan Bội Châu niên biểu, tr.53). Phan Bội Châu không hết lòng tin tưởng vào vai trò của giáo dục, lại hết lòng tin vào bạo động và bỏ qua cơ hội, không có ý định tìm hiểu kẻ thù - con người và nước Pháp.


Phan Bội Châu xứng đáng là người đại diện cho tập tánh của người Việt?


Nhận xét về chủ trương của cụ Phan Bội Châu sau giai đoạn bị Nhật trục xuất rồi về Quảng Đông thành lập Việt Nam Quang Phục hội (1912), giáo sư Vĩnh Sính cho rằng: “Phan [Bội Châu] chủ trương ‘bạo động kịch liệt’ nhằm ‘tìm cái sống trong muôn vạn cái chết’ và những mong bạo động sẽ là ‘môi giới để cải lương giáo dục’ ”. (Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa, tr.262)


Phan Châu Trinh thuộc nhóm “minh xã” theo chủ trương ôn hòa, duy tân tự cường, tạm thời chấp nhận chính quyền thuộc địa để mở mang dân trí, từng bước đấu tranh phục hồi nền độc lập nước nhà. Châm ngôn của Phan Châu Trinh là “Vọng ngoại tắc ngu, bạo động tắc tử” (“Không nên cậy vào nước ngoài, cậy vào nước ngoài là ngu; không nên bạo động, bạo động là chết”) và “ỷ Pháp cầu tiến bộ”. Phan Châu Trinh cho rằng: “Chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy sức nước ngoài chỉ diễn cái trò ‘đổi chủ làm đầy tớ lần thứ hai’, không ích gì… mình không tự lập, ai cũng là kẻ thù của mình, Triều Tiên, Đài Loan, cái gương rõ ràng, người Nhật chắc gì hơn người Pháp.” (Thi tù tùng thoại, tr. 105).

Phan Châu Trinh theo chủ trương duy tân “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” và tự lực khai hóa. Với cụ, dân trí còn thấp thì có giành được độc lập cũng không phải là điều hạnh phúc cho dân. Mạnh dạn đưa ra chủ thuyết khác hầu hết mọi người lúc bấy giờ, có thể nói Phan Châu Trinh là một nhà cách mạng can đảm, nhà dân quyền tiên phong.

Bìa sách Quốc gia huyết lệcủa Phan Châu Trinh

Nhận xét về Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cho rằng ông xứng đáng là người đại diện cho tập tánh của người Việt. Trong “vị định cảo” (bản thảo chưa được sửa chữa và nhuận sắc trọn vẹn) Tân Việt Nam được viết trước khi sang Pháp, Phan Châu Trinh bảo cá tính Phan Bội Châu biểu hiện “những quán tính lâu đời của người Việt Nam, gồm những mặt tốt đẹp nhất cho tới những mặt thiếu sót, kém cỏi nhất.” (tr.36 theo nguyên bản chữ Hán, Vĩnh Sính dịch, trích từ Ý nghĩa tác phẩm Tân Việt Nam của Phan Châu Trinh). Phan Bội Châu là “người đại biểu cho những tập quán có từ ngàn xưa trong lịch sử của dân tộc nước Nam. Không biết chân tướng của người nước Nam, xem ông ấy thì biết được. Người dân nước Nam rất giàu tính bài ngoại, ông ấy bài ngoại đến chỗ cực đoan. Người nước Nam rất thích ỷ lại vào người nước ngoài thì ông ấy ỷ lại đến chỗ cực đoan. Người dân nước Nam rất thiếu tính tự lập thì ông ấy lại càng thiếu cùng cực. Tính cách và trình độ của ông ấy nhất nhất đều tương hợp với tính cách và trình độ của quốc dân, bởi vậy, ông nhân ưu điểm và khuyết điểm của quốc dân mà lợi dụng”. (Tân Việt Nam, tr.18).


Dù có những đánh giá thẳng thừng về Phan Bội Châu như vậy, dù khác về chủ trương đường lối, nhưng Phan Châu Trinh cũng thẳng thắn thừa nhận điểm yếu của mình so với Phan Bội Châu: “Tôi tự biết những lý do mà chủ nghĩa của ông ấy đưa ra thì rất yếu, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của dân nước Nam thì rất mạnh. Chủ nghĩa của tôi, lý do đưa ra thì rất mạnh, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của người nước Nam trong tình thế hiện tại thì rất yếu. Chủ nghĩa của ông ấy rất hợp với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ mạnh mà lợi dụng và vì ở hải ngoại nên ngôn luận tự do, dễ có người theo, do đó chủ nghĩa ông ấy sẽ tất thắng. Chủ nghĩa của tôi tương phản với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ yếu mà cứu và vì ở trong nước nên bị các thế lực chèn ép và nghi kỵ tập trung vào, các hoạt động và ngôn luận đều không được tự do nên người theo cũng khó, do đó chủ nghĩa của tôi tất bại.” (Tân Việt Nam, tr.21).

Phan Bội Châu (phải) và Kỳ Ngoại hầu Cường Để ở Nhật

Sinh thời, hai nhà cách mạng gặp nhau ba lần trong giai đoạn 1903-1906, những ưu điểm nổi trội của Phan Bội Châu đọng lại trong mắt Phan Châu Trinh là “người rất giàu chí khí, nhiều nghị lực, chịu nhẫn nhục và dám làm. Một khi ông đã tin vào điều gì rồi thì quyết không bỏ, cho dù sấm sét cũng không thay đổi,” bấy giờ trong nước “không ai có thể sánh với ông ấy.” (Tân Việt Nam, tr.17) Về mối quan hệ với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh viết: “Lịch sử cuộc đời của Phan Bội Châu là một trang sử u sầu ảm đạm, một lịch sử đầy gian truân vất vả. Lịch sử của ông cũng là lịch sử đời tôi. Tính chất giống nhau, chí khí giống nhau, cảnh ngộ giống nhau, nhưng ý kiến không giống nhau và chủ nghĩa thì khác hẳn. Bởi vậy ban đầu thì thương nhau mà cuối cùng thì xa nhau…”. (Tân Việt Nam, tr.27)


Sau nhiều năm hoạt động ở mẫu quốc, Phan Châu Trinh trở về Sài Gòn tháng 6.1925, cụ kịp đăng đàn diễn thuyết hai lần trước khi qua đời ngày 24.3.1926. Tiếc thương chí sĩ, Phan Bội Châu viết câu điếu: “Thương hải vi điền, Tinh Vệ hàm thạch?/Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền” (Biển xanh biến thành ruộng, chim Tinh Vệ còn ngậm đá?/Chung Kỳ thôi đã mất, Bá Nha cắt dây đàn).

Mấy vần thi cảm của cụ Phan Bội Châu công bố trên tờ ‘Văn-học tuần-san’ cũng vào dịp giỗ này năm 1936, ngõ hầu để chúng ta cùng tưởng nhớ tới hai bậc vĩ nhân nước Việt !Đa tạ !!!
Nguồn:Thanh Niên
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phan Bội Châu - người thức tỉnh hồn nước

    06/03/2021Vĩnh KhánhThông minh chí khí hơn người, Phan Bội Châu đã dành trọn cuộc đời vì sự nghiệp cứu nước...
  • Cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh và những trớ trêu lịch sử

    27/03/2019GS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc LanhHôm nay: ngày giỗ - hơn nữa, ngày giỗ thứ 90 - cụ Phan Châu Trinh. Nhớ tới tổ tiên, con cháu biết đâu kể đấy, mong tái hiện ngày càng đầy đủ về bậc tiền bối. Dịp này, tôi xin điểm lại vắn tắt đôi điều tôi thu nhận được - và tỉnh ngộ ra - trong quá trình tìm hiểu di sản của Cụ...
  • Bước chuyển tư tưởng của Phan Bội Châu từ bạo động cách mạng sang đấu tranh ôn hòa

    26/12/2017Đỗ Minh Tứ (*), Hoàng Thị Thu Huyền (**)Phan Bội Châu đã có quá trình chuyển biến tư tưởng từ cách mạng bạo động sang đấu tranh ôn hòa của Phan Bội Châu. Tác giả cũng đề cập tới hai khuynh hướng ủng hộ và phê phán - trong thái độ của người đương thời trước bước chuyển tư tưởng của Phan Bội Châu, nêu ra một số ý nghĩa trong bước chuyển tư tưởng của Phan Bội Châu...
  • Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong hành trình dân tộc vào thế kỷ XX

    26/12/2017Vĩnh Sính“Khi Pháp mới đến Đông Dương, nước An Nam đã chín muồi trong tình cảnh nô lệ”! Trong hoàn cảnh đất nước bi đát như thế, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là hai sĩ phu, hai bậc đại hào kiệt đi hàng đầu trong vận động giành lại độc lập dân tộc vào giai đoạn giao thời 25 năm đầu thế kỷ XX. Tuy cùng chung hoài bão cứu nước, lập trường của hai nhà chí sĩ họ Phan trên một số vấn đề căn bản của đất nước lại rất khác nhau, thậm chí có khi tương phản...
  • Tư tưởng Phan Châu Trinh và các giá trị khai sáng

    01/06/2017Trần Đăng Dương & Sea MDThông qua việc phân tích các triết lý của Bậc tiền bối Phan Châu Trinh và so sánh chúng với các giá trị Khai Sáng – những giá trị mà cho tới ngày nay vẫn được ghi nhận là tiến bộ và là nhân tố chính tạo lập nên sự văn minh của thế giới hiện đại, tiểu luận muốn cụ thể hóa và làm rõ sự “tương đồng” hay “tương thích” của tư tưởng Phan Châu Trinh và các giá trị Khai Sáng...
  • Phan Châu Trinh với tư tưởng canh tân đất nước

    21/03/2017Lê Thị HươngChí sĩ Phan Châu Trinh lựa chọn một con đường, một hướng đi mới chưa từng có trong lịch sử dân tộc, đó là con đường cách mạng theo ngọn cờ dân chủ tư sản, để làm được điều đó, trước tiên nhà cách mạng hô hào, cổ động quốc dân mở mang dân trí, chấn hưng công thương nghiệp, nhằm làm cho thương gia người Việt giành ưu thế trên chính mảnh đất quê hương mình...
  • Tỉnh quốc hồn ca và ngữ khí phê phán của Phan Châu Trinh

    10/02/2016Nguyễn Huệ ChiTỉnh quốc hồn ca gồm hai phần: Phần I gồm 467 câu thơ và Phần II gồm 500 câu thơ, đều bằng thể song thất lục bát. Hình thức thể loại thống nhất, tiếng nói nghệ thuật giữa hai phần cũng thống nhất - là tiếng nói phê phán, cảnh tỉnh. Duy đối tượng phê phán thì không phải là một. Một bên hướng vào nội bộ dân tộc, một bên đối thoại với Chính quyền chính quốc và Chính quyền thực dân..
  • Tân Việt Nam - Phan Bội Châu

    15/04/2015Võ Văn Sạch dịch và chú thíchTân Việt Nam, tác phẩm còn ít được biết đến của Phan Bội Châu, viết có thể vào khoảng năm 1906-1907 ở Nhật Bản, là một cuốn sách mỏng trình bày quan niệm của tác giả về một nước Việt Nam mới, với mô hình chính trị dân chủ và mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa – hiểu theo thuật ngữ hiện đại...
  • Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh

    07/06/2014Nguyễn Đức SựSự thực, chủ nghĩa cải lương của Phan Châu Trinh là một hiện tượng nổi bật trong xã hội Việt nam vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Nó chứng tỏ Phan Châu Trinh rất quan tâm đến sự tiến bộ và tương lai của nước nhà. Chính vì vậy mà ông muốn cải tạo xã hội Việt Nam lúc đương thời theo con đường cải lương...
  • xem toàn bộ