Thuyết Oan Thân Trái Chủ của Tịnh Không Pháp sư

12:11 CH @ Thứ Hai - 25 Tháng Ba, 2019

Trong tiếng Việt, “Pháp sư” thường được hiểu tương tự “thầy pháp”, nhưng thật ra trong Phật giáo, đây là danh từ dịch từ tiếng Phạn “dharma-bhāṇaka”, dùng gọi bậc cao tăng có khả năng diễn giảng kinh Phật. Tịnh Không là nhà sư Đài Loan, chuyên nghề thuyết pháp, nên được đệ tử tôn xưng Pháp sư.

Tịnh Không 淨空 tinh thông Phật pháp, mặc tình tự tác, dùng tài hùng biện xuyên tạc giáo lý nhà Phật. Một trong những thuyết độc đáo của pháp sư là “oan thân trái chủ”, giúp nâng tầm vóc ngài lên ngang hàng Đạo sư, để ngang nhiên làm cả các công việc của thầy cúng, và không chỉ thao túng dương gian, sư còn đủ thẩm quyền can thiệp cả âm giới.

THUYẾT “OAN THÂN TRÁI CHỦ” 怨親債主 CỦA TỊNH KHÔNG[1]

Theo Tịnh Không, Phật từng nhiều lần công nhận có oan thân (hoặc oan gia) trái chủ. Như trong “Ngũ khổ chương cú kinh”[2], Phật dạy: “Cha con, vợ chồng, anh em trong nhà, bạn bè, đầy tớ đều có năm nhân duyên: 1 là oan gia, 2 là trái chủ, 3 là mắc nợ, 4 là nguyện cũ, 5 là thân thiết”. Trong bộ “Đại hoán đính thần chú kinh”[3], Quyển 1 và Quyển 12 có dạy cách hóa giải oan thân trái chủ. “Đại bảo tích kinh[4], Quyển 14 ghi: “mọi tiền của đều không phải phước báu thực sự, mà đều là hạt giống ác của nước lửa trộm cắp, oan thân trái chủ[5].

Ở đây, Tịnh Không cố tình không chú trọng thực nghĩa những chỗ trích dẫn trên: toàn bộ những chỗ nhắc tới oan gia trái chủ trong các kinh đó, đều là xét về các mối quan hệ thân thuộc của những người đang cùng sống trong một gia đình. Hiểu theo nghĩa phổ biến, “oan gia” là kẻ thù, “trái chủ” là chủ nợ; ta mắc nợ nhau nên mới phải chung sống với nhau. Chính theo nghĩa đó, các đôi tình nhân Trung Hoa thường âu yếm gọi nhau “oan gia”, như trong “Tây sương ký” 西廂記, Chương 4, Trương Quân Thụy lén nhìn Thôi Oanh Oanh, thầm than: “Vọng đắc nhân nhãn dục xuyên, đa quản thị oan gia bất tự tại” 望得人眼欲穿, 多管是冤家不自在 (Ngóng trông người muốn mòn con mắt, Lòng oan gia chắc cũng bồn chồn)[6]. Nhưng Tịnh Không đã triển thần thông, biến oan thân trái chủ thành khái niệm chỉ hiện tượng “vong nhập”.

Hãy nghe Tịnh Không định nghĩa: “Oan” 冤, còn gọi là “oán” 怨, nghĩa là lòng oán hận, phần lớn do các kiếp trước làm tổn hại người gây nên thù hận; trái chủ là chủ nợ, do nhiều kiếp trước mình vay nợ người không trả, khiến kiếp này phải thành quyến thuộc. Nhưng đó chỉ là hiểu theo nghĩa hẹp, oan thân trái chủ có nghĩa rộng hơn nhiều, bao gồm nhiều hiềm khích oán hờn tích tụ từ vô lượng kiếp, oán khí chủ nợ ùa về hóa thành ma quỷ nhập vào thân ta để đòi nợ.

Vẫn theo lời pháp sư: Đừng tưởng Phật không tin có vong hồn tồn tại. Kinh Lăng Nghiêm từng nói có 50 âm ma nhập vào người ta[7]. “Quán tự tại Bồ tát tùy tâm chú kinh” cũng nói có “95 loại ma và quỷ thần nhập vào trong thân người, hoặc nhiếp tâm thần của người, chẳng cho niệm Phật tụng kinh; khiến người vui nói không đâu, khiến người cống cao ngã mạn, khen mình chê người; lúc bàn luận nghĩa lý chỉ tìm điều hơn người, muốn được lợi dưỡng và muốn được làm thầy của người, làm pháp chủ, khinh mạn kinh tượng; tham, sân, ngu si, nằm nhiều, ngủ nhiều hoặc vui, hoặc giận thất thường[8]. Qua đó sư khẳng định Phật từng công nhận hiện tượng vong nhập.

Theo đà đó, Tịnh Không hù dọa tín chủ: Oan gia trái chủ có thể ngăn trở, phá hoại gia cang sự nghiệp, thậm chí làm chết người. Khi phúc báu con nợ còn dày, vong linh tạm thời chưa làm gì được; một khi phúc báu đã cạn, vong linh lập tức nhập vô đòi mạng.

Về nguồn gốc oan gia trái chủ, Tịnh Không giảng rằng có 4 loại: do tự mình vay nợ; do thụ dụng tài vật của người nhưng trở mặt phản bội lại họ; do cướp đoạt của người; hoặc do những khoản nợ lớn nhỏ khác (mọi nợ nần này đều là gây nên từ nhiều kiếp trước, chẳng cách nào kiểm chứng được, chỉ có thể nghe lời thầy giảng mà biết).

Về phương pháp giải quyết các khoản nợ không đâu từ nhiều kiếp kia, tín chủ phải thành tâm tuân theo chỉ dẫn của Tịnh Không:

- Thỉnh chư tăng tụng kinh siêu độ (như kinh Vu lan, Địa tạng) để tạo phúc cho vong linh được yên lòng đầu thai chuyển kiếp, không theo ám mình nữa.
- Làm việc phước thiện để chuộc lại lỗi lầm đã phạm từ nhiều kiếp.
- Cúng lễ cho vong linh.
- Niệm chú (do Tịnh Không bí truyền) siêu độ cho vong linh.
- Phải cúng dường bằng tài vật tương xứng để yên ủi vong linh.

Tín chủ cần tâm niệm là: việc hóa giải nợ nần này là cuộc hiệp thương giữa chủ nợ và con nợ, chư Phật và Bồ tát (cũng như Tịnh Không pháp sư), chỉ đóng vai trò trung gian hòa giải, chẳng hề xơ múi gì. Sau khi thỏa thuận xong xuôi, đôi bên sẽ lập khế ước: con nợ bồi hoàn một khoản tiền, chủ nợ dứt khoát rời đi, không quấy phá người ta nữa.

.

Điều quan trọng là tuy Tịnh Không tự nhận mình chỉ đóng vai trọng tài, nhưng thực ra pháp sư lại đại diện cho vong linh để đàm phán với tín chủ, qua đó ông kể vanh vách những món nợ từ nhiều kiếp, chứng tỏ thầy đã tu luyện đạt “Túc mệnh thông”, có thể biết được nhiều kiếp quá khứ vị lai.

Bậc trí huệ có năng lực dường ấy hẳn là kẻ phi phàm, vậy Tịnh Không pháp sư là ai?

LÝ LỊCH VÀ THÀNH TÍCH CỦA TỊNH KHÔNG

Tịnh Không tên thật Từ Nghiệp Hồng 徐業鴻, sinh năm 1927, tại huyện Lư Giang, tỉnh Chiết Giang.

Người này lý lịch lắt léo. Năm 1947, Hồng tham gia Quốc dân đảng. Năm 1949, được điều tới Đài Loan, phục vụ trong Thực Tiễn học xã 實踐學社. Tiếng là học xã, tức cơ quan giáo dục, nhưng thật ra đây là tổ chức gián điệp quốc tế trá hình, do đoàn cố vấn quân phiệt Nhật thành lập. Tới năm 1959 thì Hồng xuất gia, tại Đài Bắc.

Từ thập kỷ 80 thế kỷ trước, nhà sư Tịnh Không bắt đầu nổi tiếng với các hoạt động chống Cộng ở Đài Loan, Malaysia, Hong Kong. Vì tư tưởng cực đoan, lại thêm xuyên tạc Phật pháp gạt người, sư dần bị xa lánh.

Từ năm 1984, pháp sư định cư ở Mỹ, bắt đầu truyền bá tư tưởng kỳ khôi của mình ra Âu Mỹ. Công việc không phát triển được như ý muốn, nên từ năm 2001, Tịnh Không chuyển hướng, sang hoạt động khu vực Đông Nam Á. Năm 2003, sư đổi quốc tịch Australia.

Hiện thời, tuy đã 92 tuổi, sư vẫn khang kiện minh mẫn, thuyết pháp đều đều; và tổng cộng đã thành lập khoảng 150 hiệp hội, chuyên nghiên cứu Phật pháp theo đường lối Tịnh Không, ở các nước Đông Nam Á.

Tịnh Không vốn xuất thân Tịnh Độ tông, tông phái chủ trương tín tâm niệm Phật A Đi Đà. Nhưng pháp sư tiến xa hơn, phản lại toàn bộ giáo lý nhà Phật, thậm chí xuyên tạc Phật pháp, để hù dọa khủng bố tinh thần tín đồ. Các bài giảng của sư luôn nhắc tới thời kỳ mạt pháp với ma quỷ tràn lan trong cõi người.

Từ thập kỷ 90 thế kỷ trước, Tịnh Không bắt đầu thâm nhập đại lục. Bằng cách đút lót mua chuộc các quan chức Trung cộng, sư thành lập được hơn 30 hiệp hội trên các tỉnh thành Trung quốc.

Sư cho in ấn xuất bản các tài liệu giảng về oan gia trái chủ, đem phát khắp nơi kèm với quà từ thiện, để lấy lòng dân chúng. Cạnh đó, sư còn tìm cách len lách vào hệ thống để thao túng Phật giáo quốc doanh Trung cộng. Chỉ tính từ năm 1989 tới 1995, hiệp hội của Tịnh Không đã chi cho các tự viện lớn trên toàn Trung quốc khoản tiền hơn chục triệu đô-la. Ngoài ra, sư còn hào phóng cấp học bổng cho sinh viên các đại học Bắc Kinh, Phúc Đán, Liêu Ninh, Nam Kinh sang du học các “Tịnh Không học viện” ở Australia, Singapore. Tính từ 1990 tới 2004, đã có hơn 3.500 sinh viên xuất dương du học theo chương trình học bổng của Tịnh Không học viện.

Có qua thì có lại, các dự án quy mô của Tịnh Không luôn được phê duyệt nhanh chóng, với những ưu đãi bất thường. Cụ thể, năm 2004, Tịnh Không xây dựng Trung tâm Văn hóa Giáo dục Lư Giang tại cố hương của sư, dự án trị giá 14.800.000 Mỹ kim, được phê duyệt 83ha, do nhà cầm quyền địa phương đích thân cưỡng chế mặt bằng.

Tung hoành đại lục suốt 20 năm, danh vang pháp sư lừng lẫy thế giới, Tịnh Không tha hồ thuyết giảng tà đạo mà không ai dám động tới, vì sau lưng sư là những ô dù cấp Trung ương[9].

Bề ngoài tuy rao giảng trục vong linh miễn phí, nhưng bên trong là những hợp đồng giữa tín chủ với vong linh, giá chót cũng chục ngàn đô-la. Nên chùa viện của Tịnh Không xây cất tới đâu, tín đồ tan cửa nát nhà, điên điên khùng khùng tới đó. Sư ngày càng lộng hành quá quắt, khiến dân oan đâm đơn khiếu kiện khắp nơi. Cuối cùng, tháng 12-2008, chính quyền Trung cộng đã thu hồi Chứng nhận tạm cư Trung quốc của Tịnh Không, toàn bộ hoạt động của các hiệp hội do Tịnh Không thành lập buộc phải đóng cửa để điều tra. Sau đó, hầu hết đều bị quốc hữu hóa.

Từ đó, tuy vẫn còn các hiệp hội Tịnh Không khác ở Đông Nam Á và Australia, nhưng mất đi mảnh đất màu mỡ Trung quốc, chúng chỉ còn hoạt động thoi thóp.

_________

[1]Các lời giảng của Tịnh Không trong phần này là trích từ trang blog Miaoyin (秒音 – Diệu âm):
http://blog.sina.com.cn/puremind

[2]Kinh “Ngũ khổ chương cú” 五苦章句經, do Trúc Đàm Vô Lan 竺曇無蘭 (Dharmaraksla), người Tây Vực, sống vào thời Đông Tấn (317~420) dịch ra Hán ngữ. Ở ta, hiện chỉ có bản Việt ngữ dịch lại từ bản chữ Hán của Vô Lan, có thể đọc ở đây:
https://tangthuphathoc.net/kinh-ngu-kho-chuong-cu/

[3]“Đại hoán đính thần chú kinh” 大灌頂神咒經, còn gọi “Kinh Hoán đính”, giảng về tam quy ngũ giới, do Bạch Thi Lê Mật Đa La 帛屍梨蜜多羅 (Po-Śrīmitra), người Tây Vực, sống vào thời Đông Tấn, dịch ra Hán ngữ. Bộ kinh lớn này gồm 12 kinh nhỏ hợp thành, trong đó không chỉ ảnh hưởng lớn bởi tư tưởng Đạo giáo, còn mang đậm vết tích tín ngưỡng dân gian thời Lục triều (222-589), nên bị đa số học giả cho là ngụy tác. Hiện chưa có bản dịch Việt ngữ. Bản Hán ngữ ở đây:
http://buddhism.lib.ntu.edu.tw/…/chi_p…/sutra10/T21n1331.pdf

[4] “Đại bảo tích kinh” 大寶積經 (Mahā ratnakūṭa sūtra), do Bồ Đề Lưu Chi 菩提流志 (Bodhiruci), người Nam Thiên Trúc (tức Ấn Độ), dịch ra Hán ngữ vào thời Võ Tắc Thiên (624-705). Là một trong năm bộ kinh có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Trung Hoa. Bản Việt dịch từ Hán văn của Thích Trí Tịnh ở đây:
https://hoavouu.com/a26252/kinh-dai-bao-tich

[5] Trích dẫn theo lối tầm chương trích cú, vậy mà từ kho tàng Phật kinh đồ sộ chỉ trưng ra được vài ba chỗ, chứng tỏ Tịnh Không lười biếng lắm. Người gõ bài chỉ mới tra Google thôi, trong vòng 10 phút, cũng ra được 12 chỗ kinh Phật nhắc tới “oan thân (oan gia) trái chủ”.

[6] Người Việt cũng hay nói “con là nợ, vợ là oan gia”.

[7] Lăng nghiêm kinh 楞嚴經 (Śūraṃgama-sūtra), Quyển 9 - “Ngũ thập âm ma”, là giảng về các trạng thái tâm lý của hành giả khi tu tập, đã bị Tịnh Không hô biến thành vong nhập.
Có thể đọc chỗ nói về 50 âm ma này trong Lăng nghiêm: https://thienphatgiao.wordpress.com/…/nam-muoi-hien-tuong-…/

[8] Quán tự tại Bồ tát tùy tâm chú kinh 觀自在菩薩隨心咒經, gọi tắt “Đa lỵ Tâm kinh” 多唎心經. Do Thích Trí Thông đời Đường dịch ra Hán ngữ. Quyển kinh này thuộc Mật tông, dạy các cách bắt ấn niệm chú, nghi là ngụy kinh. Đoạn trích trên thuộc Chú thứ 50 (Tổng nhiếp ấn chú). Xem thêm:
https://tangthuphathoc.net/kinh-quan-tu-tai-tuy-tam-chu/

[9] Tịnh Không có cả bài thuyết pháp ca tụng Tập Cận Bình là Bồ tát hóa thân cứu độ thế gian, nhưng clip này trên mạng Weibo đã bị xóa bỏ, nay tìm không ra nữa.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đạo Phật giúp gì cho tình yêu lứa đôi?

    29/11/2015Đào Văn BìnhTheo Lý Duyên Sinh của nhà Phật, tình yêu khởi đầu từ Thụ. Vì nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy hoặc tưởng tượng tới một người nào đó - dĩ nhiên tòan hương vị ngọt ngào, tòan những êm ái, tốt lành, mộng mơ, quyến rũ, đáng yêu, quý giá - mà sinh Ái (ham muốn)...
  • Những hiểu lầm về đạo Phật

    10/02/2020Minh Đức Triều Tâm ẢnhĐạo Phật ngày càng suy đồi, tha hoá, “mạt pháp”, nguyên nhân thì nhiều, nhưng đôi khi vì trong giới tu sĩ và cư sĩ không trang bị đủ kiến thức của giáo pháp như thực - tức là giáo pháp cội rễ - mà chỉ chạy theo cành, nhánh, ngọn lắm hoa và nhiều trái. Từ đấy, khó phân biệt đâu là đạo Phật chơn chánh, đâu là đạo Phật đã bị biến chất, chạy theo thị hiếu dung thường của thế gian...
  • Đạo Phật & cuộc đời

    11/05/2019PGS. TS. Hà Vĩnh TânĐạo Phật dạy rằng, không phải khi con người đạt được mọi thứ mình mong muốn là ta đã có sự thành đạt hạnh phúc. Hạnh phúc chân thực chỉ đạt được khi ta được giải thoát khỏi mọi sự đau khổ phiền não trong tâm trí. Và chỉ khi thấy được sự thật và chân lý của cuộc đời, tức là giác ngộ, ta mới đạt được giải thoát hoàn toàn...
  • 7 sự hiểu lầm phổ biến về đạo Phật ở Việt Nam

    14/01/2019Chu Ngọc CườngLà một quốc gia có truyền thống Phật giáo, nhưng nhiều người Việt Nam không có hiểu biết về đạo Phật hoặc biết một cách rất mơ hồ, và dưới đây là vài điều hiểu lầm rất phổ biến hiện nay...
  • Đạo Phật trong quan niệm của Nietzsche (phần 1)

    18/11/2018Nietzsche và đạo Phật - Robert G. MorrisonTôi nghĩ là làm một việc có lý khi bác bỏ tuyên bố của Nietzsche rằng đạo Phật là một dạng của ‘thuyết hư vô thụ động,’ rằng đạo Phật truyền dạy một mục tiêu chung cuộc của con người hoàn toàn tịch diệt khi nhập niết-bàn (parinirvāṇa)...
  • Từ đạo Phật nghĩ về cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa

    13/05/2018Thái Nam ThắngKể từ khi khái niệm "toàn cầu hóa" ra đời, thế giới đã chuyển sự chú ý vào văn hoá. Và chỉ trong một thời gian ngắn, văn hóa truyền thống đã trở thành nền tảng cho mọi sự phát triển bền vững, toàn diện, trong khi trước đó không xa, người ta chỉ xem nó như một nét viền mờ nhạt của kinh tế. Lẽ ra thế giới phải nhận thức về vai trò quan trọng của văn hoá truyền thống từ lâu rồi mới phải. Nhưng vì sao lại có sự chậm trễ này?
  • Đi lễ chùa, nhiều người chưa hiểu gì về đạo Phật

    22/02/2018Thạc sĩ Trần Văn PhươngĐến chùa cầu tiền tài địa vị, thậm chí còn phân biệt Đức Phật ở chùa nào thiêng hơn…
  • Đề phòng khả năng tự suy thoái của đạo Phật

    31/01/2014Trần Văn ChánhHiện nay, trước tình trạng khủng hoảng môi sinh toàn cầu, thế giới cũng đang đứng trước mối đe dọa bị hủy diệt. Phật giáo cũng chỉ là một thiết chế xã hội, không thể ngoại lệ. Giả định, đến một lúc nào đó thế giới quả thật bị hủy diệt, tức đến hồi mạt pháp, thì chuyện tu hành không còn, kinh sách cũng sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa...
  • Áp dụng triết lý đạo phật để thành công trong công việc và luôn an lạc hạnh phúc

    06/07/2010Hòa thượng Thích Thánh NghiêmHơn 2.500 đã trôi qua, những chân lý mà Đức Phật đã giác ngộ vẫn đang ngày càng được nhiều người biết đến và áp dụng vào cuộc sống của mình. Triết lý của đạo Phật là BI (lòng từ bi, khoan dung, độ lượng) và MẪN (trí tuệ sáng suốt). Con người không thể sống tốt trong cuộc đời nếu không có lòng từ bi hỉ xả, nhưng cũng không thể “vô minh” chìm trong màn đêm u tối, phải hiểu biết, phải nhìn nhận đúng bản chất thực sự của mọi việc xung quanh, con người mới có được an lạc thảnh thơi.
  • Đạo Phật giúp giới trẻ tiến thân có nhân cách

    31/05/2010Thanh Tùng (Thực hiện)Tiến sĩ Thái Kim Lan là một Phật tử, chuyên dạy so sánh triết học Đông
    - Tây, từng dấn thân trong cuộc vận động mùa Phật Đản 1963. Đã hơn 40
    năm, mỗi khi có việc có thể làm Phật sự chị đều tự nguyện góp sức. Và
    lần này, trong chương trình của 'Tuần Văn hóa Phật giáo' có một cuộc
    đối thoại với thế hệ trẻ, chị đã nhận lời chủ trì. Sau buổi tọa đàm, PV
    Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Thái Kim Lan.
  • xem toàn bộ