Thuyền con trước biển lớn

09:50 SA @ Thứ Hai - 12 Tháng Hai, 2007

Không chịu lép vế trước các chương trình ca nhạc tài trợ phát vé, phát sóng miễn phí, 2006 đánh dấu một năm kỷ lục về liveshow của các nhạc sĩ, ca sĩ, ban nhạc. Từ nhạc sĩ gạo cội Phạm Duy với Ngày trở về tới gương mặt trẻ Đỗ Bảo với Gió bình minh; từ những “tượng đài một thuở" như Tuấn Ngọc. với liveshow Riêng một góc trời, NSND Thanh Hoa với Liveshow Hát thầm, tới những ngôi sao vẫn còn đang tỏa sáng - Hồng Nhung với Như cánh vạc bay, Mỹ Linh với Tour 06, Phương Thanh với Người đàn ông trong bóng đêm, Đan Trường với 10 năm một chặng đường; hay những ngôi sao mớibắt đầu ló rạng Thu Minh với liveshow Thiên đàng... Không chỉ kỷ lục về số lượng, nhiều liveshow trong năm 2006 vươn lên tầm cao mới về chất lượng nghệ thuật, về công nghệ tổ chức biểu diễn và đặc biệt tính chuyên nghiệp được thể hiện ở phong cách âm nhạc cùng phong cách dàn dựng thống nhất trong mỗi chương trình thay cho kiểu sân khấu "xếp hàng tổng hợp” trước đây. Ngay cả hai hoàng tử' của Sân khấu ca nhạc 2006 Quang Dũng và Đức Tuấn cũng đã nâng cấp tất cả các show diễn tại phòng trà trong năm của mình lên tầm những liveshow mini có dàn dựng theo chủ đề, có ban nhạc riêng chơi live chứ không thuần túy hát chạy show như trước.

2006 cũng là một năm mà những cố gắng chuyên nghiệp hóa việc sản xuất album (lĩnh vực quan trọng hàng đầu của công nghệ sản xuất âm nhạc) manh nha từ một vài năm trước, nay hái được chùm quả đầu mùa là hàng loạt album mới của những ca sĩ trẻ,những giọng ca mới mà so về chất lượng kỹ thuật và tính chuyên nghiệp thì hơn hẳn thế hệ trước. Thay vì kiểu làm album nhặt nhạnh mỗi nhạc sĩ một bài, trộn bài "nhanh" với bài "chậm" theo thói quen "hàng xén" trước đây, những Suối và cỏ (Nguyên Thảo), Thềm nhà có hoa (Hải Yến), Mộc(Hiền Thục), Gothic rock Thủy Tiên (Thủy Tiên), Thiên đàng (Thu Minh), Cải bắp (Lưu Hương Giang), Đám cưới chuột (ban nhạc Gạt tàn đầy) . . .được thực hiện theo dạng album ý tưởng, với phong cách âm nhạc xuyên suốt và khá chuẩn ở từng thể loại nhạc. Giờ đây, trên giá đĩa nhạc Việt Nam đã có thể tự tin xếp nhiều album theo thể loại (Pop, rock, R&B, dance, jazz...), điều vốn được xem là bình thường, là đương nhiên ở các thị trường băng địa nhạc lớn trên thế giới.

2006 cũng là một năm mà thế hệ sáng tác trẻ đã hình thành một lực lượng chứ không phải một vài cá nhân nhỏ lẻ như trước. Sau thế hệ vàng của ca khúc Việt Nam cuối thập niên 90 (Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, PhúQuang…) cơn khủng hoảng về một thế hệ kế tục xem như đã thể vượt qua. Những Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Trung, Lê Minh Sơn, Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Quốc Bảo... đang trở thành "nhân vật" của đời sống âm nhạc, can dự vào hầu hết những dự án sản xuất âm nhạc quan trọng trong năm. Và cùng với họ, một lực lượng trẻ hùng hậu được phát hiện từ Bài hát Việt 2005 và 2006 như Đức Hùng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Xinh Xô, Lưu Thiên Hương, Giáng Son, Thanh Tâm, Tăng Nhật Tuệ, Dương Cầm, Mai Khôi... ngay lập tức đã gia nhập thị trường âm nhạc (rất nhiều bài hát tham gia Bài hát Việt 2006 đã được phổ biến trên thị trường). Lực lượng này hầu hết được đào tạo bài bản qua trường lớp hoặc tự học, tiếp cận sớm với âm nhạc hiện đại và công nghệ mới, thế mạnh của họ lả tính chuyên nghiệp được thể hiện qua sự thành thục về thể loại âm nhạc (tất nhiên kinh nghiệm, vốn sống và văn hóa nềntảng cũng là thế yếu của nhiều người thuộc lực lượng này).

Con thuyền nhạc Việt tuy nhỏ (một thị trường hơn 80 triệu dân nhưng lượng đĩa tiêu thụ cho 1 album thuộc hàng best seller cũng chỉ ở mức hơn 20.000 bản con số quá nhỏ bé nếu so với vài nước trong khu vực, như Thái Lan, ngôi sao của nhạc trẻ nước này có thể tiêu thụ cả triệu bản/album) nhưng cũng đã bắt đầu có đà để nghĩ tới nhng chuyến ra khơi.

Sau dự án "Coming to America" bất thành, năm 2006 Mỹ Linh và ê kíp của mình đã tìm được cơ hội sang thị trường Nhật Bản. Trở thành người đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia đêm Divas châu Á tại thành phố Nagoya, Mỹ Linh đã có 2 ca khúc hát trong album Chat với Mozart được ghi âm lại bằng tiếng Trung phát hành ở nhiều nước cùng một số ngôi sao châu Á khác. Tháng 4 năm nay, cây pianist nổi tiếng Nhật Bản sẽ tới Hà Nội cùng Mỹ Linh thực hiện dự án âm nhạc cổ điển, mở rộng thêm cánh cửa để giọng hát cô ca sĩ tóc ngắn này vượt biển Đông.

Ngôi sao nhạc Pop Mỹ Tâm cũng mới hoàn thành dự án hợp tác bước đầu với một công ty Hàn Quốc để hình thành cầu nối 2 thị trường Hàn-Việt. Album Vút bay, thành quả đầu tiên của việc hợp tác này vừa phát hành tại Việt NamHànQuốc. Năm nay Thanh Lam cũng sẽ nối lại dự án làm việc với một trong những nghệ sĩ nhạc jazz hàng đầu của Đan Mạch - Lan Doky để gia nhập thị trường âm nhạc châu Âu.

Và còn nhiều những dự án ra khơi khác đang hình thành, đang ấp ủ, thậm chí đang chuẩn bị nhổ neo. Nhưng sẽ là quá mạo hiểm trong cuộc ra khơi này nếu con thuyền không được trang bị những thiết bị cần thiết cho một chuyến đi xa.

Cũng giống như các ngành kinh tế khác trong cuộc hội nhập, cuộc hội nhập văn hóa trong đó có hội nhập âm nhạc phải dựa trên những hiểu biết thông suốt về luật chơi chung, và đây cũng chính là "thiết bị" lạc hậu nhất trên con thuyền âm nhạc Việt Nam. Bản quyền - một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của "luật chơi chung" đã trở thành mối bung xung lớn nhất của nhạc Việt năm qua. Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua từ năm 1998, VN đã gia nhập Công ước Berne, hàng chục cuộc hội thảo về bản quyền đã được tổ chức, một TT bản quyền tác giả âm nhạc đã được thành lập. Thế nhưng việc đặt lời cho nhạc cổ điển mà người ta đã làm không ít trên thế giới cũng trở thành một chuyện ầm ĩ trong dư luận, chuyện bối rối của cơ quan quản lý văn hóa (tranh luận xung quanh album Chat với Mozart). Việc làm mới một bản nhạc quen thuộc cũ bằng cách phối hip hop và đọc Rap (cũng là việc thế giới làm từ lâu rồi) cũng khiến ban lãnh đạo một Sở VHTT lo lắng và ra quyết định không cho phép (trường hợp ca sĩ Tiến Đạt với ca khúc Thì thầm mùa Xuân).

Lỗ hổng về sự hiểu biết luật pháp, sự bất cập của hệ thống quản lý văn hóa chính là hai "thiết bị" lạc hậu nhất sẽ dẫn đến sự kém an toàn nhất cho con thuyền âm nhạc Việt Nam. Nếu không kịp thời thay đổi, con thuyền đó chẳng thể “xa khơi" mà chỉ loanh quanh nơi bờ cạn.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đừng để nhạc trẻ Việt Nam phải chịu tiếng xấu!

    03/01/2007Thanh ChungBáo chí đã nhiều lần phát hiện và cảnh báo hiện tượng một số nhạc sĩ VN copy nhạc của nước ngoài để biến thành tác phẩm của mình, nhưng chuyện này vẫn tiếp tục xảy ra và đang để lại những tiếng xấu cho nhạc trẻ VN...
  • Nhạc để nghe hay để xem?

    28/12/2005Nguyễn Đình SanViệc lăng xê và tôn vinh quá đáng một số chương trình âm nhạc giải trí cùng một vài tác giả chuyên sáng tác loại bài hát để xem đã khiến người ta ngộ nhận rằng âm nhạc hiện nay phải như thế, và người ta sáng tác nó mới là tài năng...