Thư trả lời một sinh viên
Cảm ơn bạn đã quan tâm và chia sẻ với tôi!
Bạn cũng biết rằng khả năng suy nghĩ, khả năng tư duy là thứ đã khiến cho chúng ta trở thành con người, đã giúp con người chinh phục vũ trụ và sáng tạo thế giới. Nếu không có khả năng đó thì chúng ta cũng chẳng khác gì những loài động vật khác.
Vậy, đã là con người thì chúng ta có quyền suy nghĩ. Đó là món quà do tự nhiên ban cho, khi nó tặng chúng ta bộ não. Còn có sử dụng quyền đó hay không thì tùy thuộc ở mỗi người, tùy thuộc vào ý thức làm người của mỗi người. Không ai và không một thế lực nào có thể ngăn cản ta tư duy. Chính ta là người duy nhất quyết định có sử dụng não bộ của mình hay không.
Và chúng ta phải tin rằng khả năng tư duy của chúng ta cũng không kém gì những dân tộc khác. Nếu hiện tại chúng ta còn thua kém họ về nhiều mặt thì có nghĩa là chúng ta chưa khai thác hết các tiềm năng trí tuệ của mình, chúng ta chưa biết cách làm cho các tiềm năng đó phát triển và tạo nên sức mạnh cho chúng ta. Bạn hẳn còn nhớ ví dụ rất có sức thuyết phục này: đầu thế kỷ trước, Nguyễn Mạnh Tường, một người An Nam, đã giành được hai bằng tiến sĩ trong vòng vài tháng, tại Paris, khiến cho người Pháp phải kinh ngạc. Và chúng ta cần rút bài học từ việc trí lực của ông ấy đã không được sử dụng để tạo nên sức mạnh cho dân tộc.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ với tôi những điều khiến bạn băn khoăn. Khi bạn suy nghĩ, và không ngừng suy nghĩ, thì bạn sẽ tìm hiểu, sẽ phân tích, nhờ đó có thể sẽ đi tới chỗ tìm được cách giải đáp cho những băn khoăn của bạn, những trăn trở về khoa học xã hội hay về những gì ám ảnh bạn. Có thể chưa phải là những lời giải đáp trọn vẹn và đầy đủ, có thể cần phải trải qua các chặng đường, các giai đoạn khác nhau, nhưng nếu đã suy nghĩ sẽ có khả năng tìm được câu trả lời cho các câu hỏi và nghi vấn. Còn nếu chúng ta không suy nghĩ, thì mãi mãi ta sẽ mắc kẹt trong sự băn khoăn ấy, và cuối cùng có thể cả những băn khoăn cũng biến mất, ta sẽ làm như thể mọi việc đều ổn thỏa, đều tốt đẹp, trong khi thực tế đầy rẫy những vấn đề cần phải giải quyết.
Trao đổi một chút về những băn khoăn của bạn đối với khoa học xã hội nhé. Khoa học xã hội không thể phát triển được nếu những người làm khoa học xã hội bị tê liệt năng lực suy nghĩ và tư duy. Cá nhân người làm khoa học xã hội phải chịu trách nhiệm về việc để cho tư duy của mình tê liệt. Vì suy nghĩ, tư duy, là công việc của cá nhân, không ai có thể can thiệp được. Những người bị lưu đày như M. Bakhtin, thân xác có thể bị giam cầm tại một không gian nhất định, có thể bị cấm đoán nhiều điều, nhưng không ai và không điều gì có thể buộc ông ấy ngừng suy nghĩ. Và kết quả của sự suy nghĩ ấy chính là lý thuyết về thi pháp học sẽ được phổ biến rộng rãi trên thế giới, và có một ảnh hưởng quan trọng trong môi trường đại học ở Việt Nam. Điều này bạn biết rất rõ.
Tôi thực sự rất vui mừng vì các bạn tự nhìn nhận mình trong tư cách là chủ thể: «Với tư cách là người đi học, với tư cách là những người chủ tương lai của đất nước này chúng em nhận thức được trách nhiệm của mình». Tôi thực sự vui mừng vì các bạn không từ chối trách nhiệm của mình, dám nhận trách nhiệm của công dân đối với đất nước.
Còn về chuyện «bế tắc» thì sao ? Thực tình tôi cũng có cảm giác bế tắc giống như bạn. Vậy tôi có thể nói gì? Khi đã lâm vào trạng huống bế tắc, thì điều cần nhất là phải có ý thức về sự bế tắc của mình. Chính ý thức ấy sẽ giúp ta một ngày nào đó thoát khỏi cảnh bế tắc. Bởi vì ý thức ấy sẽ kích hoạt các năng lực tư duy của chúng ta. Và tư duy giúp ta tìm ra các giải pháp, tìm ra lối thoát.
Tôi cũng cảm ơn bạn đã lo lắng cho tôi vì một số việc tôi đã làm. Nhưng bản thân tôi không lo lắng gì cả. Bởi vì những gì tôi làm đều vì sự tiến bộ, và vì lợi ích chung. Vậy, có lý do gì để lo lắng? Nếu chúng ta lo lắng, nghĩa là chúng ta giả định rằng có những chuyện rất tồi tệ đang chờ đợi ta.
Mọi việc có lẽ không tồi tệ như ta giả định. Hoặc là ta phải giả định theo một hướng khác: mọi việc và mọi người xung quanh ta nhất định phải có những điểm tốt
đẹp và có khả năng thay đổi; và ta sẽ không bị trừng phạt vì đã bảo vệ lẽ công bằng và sự tiến bộ.
Còn giả sử, một giáo viên như tôi, vì hành động cho lẽ phải mà bị đe dọa hay công việc bị ảnh hưởng, thì bạn thử nghĩ xem, lấy gì để biện minh cho nền giáo dục của chúng ta? Và ở trường đại học chúng tôi còn thể dạy cho các bạn điều gì?
Bạn cũng đề cập tới việc những đóng góp của trí thức đôi khi không được chấp nhận. Tôi không thể không đồng ý với nhận xét của bạn. Đất nước có lẽ đã khác nhiều nếu như những kiến nghị, những đề xuất của trí thức được ghi nhận, được nghiên cứu và được sử dụng. Tôi chỉ có thể nói với bạn rằng: điều quan trọng là ta có gì đóng góp hay không. Nếu có gì đó đóng góp thì dù người này không chấp nhận cũng sẽ có người khác chấp nhận. Rồi cũng đến lúc cả những người không chấp nhận hiểu ra rằng sẽ có lợi ích cho cả cộng đồng nếu họ khuyến khích và sử dụng những đóng góp của các thành viên trong xã hội.
Chúng ta hãy tin rằng rồi cũng đến lúc tất cả mọi người sẽ hiểu ra điều này: nghèo đói, lạc hậu, suy yếu, đớn hèn, bị sỉ nhục là hậu quả tất yếu của việc từ chối sự đóng góp của bản thân, và từ chối (hay ngăn cản) sự đóng góp của người khác cho cộng đồng.
Vậy nhé, bạn tập trung vào việc học tập nhé. Điều đó sẽ giúp bạn có thể có đóng góp trong tương lai.
Thân mến,
N.T.T.H.
31/5/2011
PS: Bạn tìm đọc bài "Khai sáng là gì" của Emmanuel Kant để hiểu thêm giá trị của tri thức và tư duy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý