Tại sao học sinh không thích tới trường

03:59 CH @ Thứ Tư - 07 Tháng Mười Hai, 2016

Theo chuyên gia tâm lý học nhận thức người Mỹ tên là Daniel T. Willingham, học sinh không thích đi học bởi giáo viên không có hiểu biết đầy đủ về các quy luật nhận thức, do đó không biết cách trình bày kiến thức theo cách thức kích thích bộ não của người học. Tuy nhiên cũng còn những cách lý giải khác.

.
Gần đây tôi đọc một cuốn sách viết bằng tiếng Anh, có tên “Why don’t students like school”, tạm dịch là “Tại sao học sinh không thích đến trường” của chuyên gia tâm lý học nhận thức người Mỹ tên là Daniel T. Willingham. Cuốn sách này nhận được khá nhiều bình luận, chủ yếu là khen ngợi của những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Chỉ cẩn vào Google, đánh tên cuốn sách và tên tác giả bạn sẽ thấy điều đó.

Bốn quy luật nhận thức

Theo Daniel, học sinh không thích đi học bởi giáo viên không có hiểu biết đầy đủ về các quy luật nhận thức, do đó không biết cách trình bày kiến thức theo cách thức kích thích bộ não của người học. Ví dụ, nội dung dạy học quá khó hoặc quá dễ hoặc không dựa trên kiến thức, hiểu biết trước đó của người học. Nhằm giúp giáo viên làm tốt công việc của mình hơn, Daniel đưa ra một số quy luật về nhận thức. Trong đó, bốn quy luật đáng chú ý là:

Quy luật 1. Con người thường tò mò, song về bản chất không có phương pháp tư duy tốt; nếu không có điều kiện nhận thức phù hợp, chúng ta sẽ lảng tránh hoạt động tư duy.

Quy luật 2. Xử lý những vấn đề có độ khó vừa phải mang lại cảm giác hưng phấn nhưng xử lý những vấn đề quá dễ hoặc quá khó mang đến sự khó chịu.

Quy luật 3. Trí nhớ không phải là sản phẩm của cái bạn muốn nhớ hay cái bạn cố gắng nhớ; nó là sản phẩm của cái bạn nghĩ đến.

Quy luật 4. Học đi học lại có thể ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến động lực học tập. Nếu học đi học lại quá nhiều lần, động lực sẽ sụt giảm, người học không còn cố gắng, và như vậy không có sự học đúng nghĩa nào xảy ra.

Theo tác giả, nếu giáo viên nhận thức được những quy luật trên, áp dụng các tri thức mới nhất của khoa học nhận thức về cách thức não người làm việc vào việc thiết kế bài giảng, tổ chức lớp học, học sinh của họ sẽ yêu trường lớp.

Cũng như hầu hết độc giả trao đổi ý kiến trên mạng, sau khi đọc xong, tôi đánh giá cao cuốn sách bởi nó đã phần nào trả lời được một câu hỏi hết sức cơ bản trong lĩnh vực giáo dục bằng những ví dụ cụ thể, những giải thích gần gũi mà độc giả ngoài ngành cũng có thể hiểu được.

Tuy nhiên, thói quen về tư duy thôi thúc tôi tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu xem nội dung cuốn sách đã trả lời đầy đủ câu hỏi nó đặt ra ngay ở tiêu đề chưa; có quan điểm nào đáng xem xét thêm không? Thật may mắn, tôi tình cờ đọc được bài báo của Tiến sĩ Peter Gray, phản bác các luận điểm của Willingham trong cuốn sách nói trên, với thông điệp chính ngay ở phần tiêu đề là:

“Trẻ con không thích đi học bởi chúng yêu tự do.”

Theo Peter Gray, Daniel đã cố tình lảng tránh không nói ra một sự thực mà hầu hết mọi người có thể đã biết, đó là: Khi đến trường, học sinh không được tự do, và chính điều đó làm các em không thích đi học. Theo ông, trường học chẳng khác mấy so với nhà tù bởi học sinh phải mặc đồng phục, có nơi cả tuần, từ bỏ những hứng thú cá nhân để làm chính xác những điều giáo viên và nhà trường yêu cầu, bị phạt khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao... Như vậy, làm sao trẻ em thích trường được kể cả khi phương pháp giáo dục phù hợp với nhu cầu nhận thức, khả năng nhận thức của chúng. Từ những phân tích trên, Peter đề xuất cung cấp cho trẻ em công cụ để nhận thức và để các em sử dụng chúng một cách tự do.

.
Năm việc có thể làm ngay

Cá nhân tôi cho rằng, cả Daniel và Peter đều có những điểm đúng và những luận điểm họ đưa ra rất đáng tham khảo trong công cuộc cải cách giáo dục phổ thông nước nhà. Trên cơ sở những ý kiến của Daniel và Peter và kinh nghiệm, hiểu biết về giáo dục của mình, tôi xin đề xuất một số việc có thể làm ngay để cải thiện chất lượng dạy và học:

Thứ nhất, cần thực hiện một cách triệt để quy định về dạy thêm – học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, đặc biệt là ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Bản thân tôi do trước đây từng làm quản lý giáo dục nên thường xuyên được nghe người thân, đồng nghiệp chia sẻ về sự học của con em họ. Có những em học sinh Tiểu học, ngoài 10 buổi học/tuần tại trường, phải học thêm từ 4 - 6 buổi tại nhà riêng của giáo viên các môn: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Học nhiều như vậy, các em lấy đâu ra thời gian để tư duy, ôn tập và chắc gì các em đã nhớ được nhiều hơn so với học ít nhưng nội dung học tập là những thứ thiết thực, gắn với nhu cầu của các em. Quan trọng hơn như Daniel nhận định, học đi học lại như vậy, nhất là khi học thêm không xuất phát từ nhu cầu thực của người học, sẽ khiến trẻ em giảm động lực học tập; nhiều em không muốn đi học là tất yếu.

Thứ hai, về phương pháp tổ chức các hoạt động nhận thức, thay vì giao tất cả học sinh trong một lớp thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ giống hệt nhau khiến những em giỏi không tư duy cũng giải quyết được vấn đề, những em yếu cảm thấy quá sức, dễ bỏ cuộc, giáo viên cần tổ chức học sinh theo nhóm trên cơ sở phân loại năng lực. Để làm được điều này quy mô lớp học phải hợp lý; nếu lớp đông phải có giáo viên trợ giảng; đồng thời việc tổ chức dạy học theo nhóm cần bàn tròn, ghế ngồi riêng thay cho bàn ghế 4-5 chỗ ngồi, xếp hàng ngang hiện nay ở đa số trường phổ thông.

Thứ ba, để nhà trường thực sự thân thiện như mục tiêu giáo dục nước ta đang hướng tới, chúng ta cần làm cho học sinh cảm thấy thoải mái hơn khi ở trường, thấy nhà trường gần gũi với gia đình và xã hội hơn. Thí dụ, thay vì yêu cầu học sinh sử dụng đồng phục hoặc quần sẫm, áo trắng tất cả các ngày trong tuần như ở một số trường, chúng ta nên cho phép các em sử dụng những bộ quần áo màu sắc khác, phù hợp với thuần phong mỹ tục, theo sở thích cá nhân hay đơn giản hơn để các em được ngồi trả lời câu hỏi của thầy, của bạn thay vì đứng lên thưa gửi, làm mất đi sự tự tin và hồn nhiên.

Thứ tư, tạo điều kiện cho học sinh đóng vai trò “trung tâm” trong lớp học. Thay vì mệnh lệnh uy quyền, tạo khoảng cách lớn giữa người dạy và người học, chúng ta cần tạo cơ hội cho các em được bày tỏ chính kiến của mình, nhất là những vấn đề về chính trị, xã hội để các em phát triển các loại tư duy bậc cao, có giá trị cải tiến xã hội như tư duy phản biện, tư duy sáng tạo. Để làm được điều này đòi hỏi sự thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của người thầy. Như nhiều nước phương Tây quan niệm, ngày nay, giáo viên sắm vai người tổ chức các hoạt động nhận thức chứ không phải là người dạy, người cung cấp tri thức như trước đây. Làm như vậy, học sinh sẽ cảm thấy tự tin, thoải mái hơn, đặc biệt là khi tranh biện, nêu ý kiến cá nhân của mình.

Cuối cùng, liên quan đến nội dung dạy học, như nhiều nhà biên soạn chương trình dạy học phương Tây đề xuất, thay vì đưa quá nhiều những nội dung được coi là quan trọng, cần chú trọng đến những nội dung có tính chất kích thích tranh biện, phát triển tư duy bởi giá trị của tri thức có thể thay đổi hoặc bị người học quên lãng còn phương pháp tư duy sẽ là công cụ giúp họ học tập, lao động suốt đời. Làm cách này sẽ giúp tránh được căn bệnh kinh niên trong giáo dục - quá tải nội dung sách giáo khoa.

Mỗi nền giáo dục có những mục tiêu cụ thể khác nhau song chắc chắn rằng giáo dục sẽ không thể được coi là tiến bộ, nhân văn nếu học sinh không cảm thấy vui khi đến trường. Đây có lẽ sẽ là một trong những định hướng để chúng ta tiến hành cải cách giáo dục nước nhà.

Nguồn:Tia Sáng
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: