Sự tha thứ
Sự tha thứ là điều người ta bàn bạc khi nói về đạo đức như là một phạm trù đạo đức liên quan tới con tim chứ không phải lý trí của con người. Về mặt tâm lý, tha thứ có hai mức độ. Thứ nhất là khi nhớ đến ai đã làm một điều gì sai phạm với mình thì ta không nghĩ đến việc trả đũa lại. Thứ hai, cũng trường hợp như vậy nhưng người sai phạm lại còn đến nhờ mình giúp họ một việc gì đó. Khi ấy mình chăng những phải quên việc sai trái, mà lại còn phải làm như đã được nhờ.
Rõ ràng, sức mạnh, hay cường độ, tha thứ ở trường hợp sau cao hơn trường hợp trước. Và trong cả hai trường hợp, nói như văn hào Charles Dicken là: "Anh sẽ tha thứ cho em, mỗi lần anh nghĩ đến em". Tha thứ buộc phải cố gắng vượt qua chính mình, dùng nghị lực để đè nén lòng mình lại, tức là sự tức bực hay ý muốn trả đũa. Cho nên, nói như A.Pope, sai lầm là của con người, tha thứ là của thần thánh.
Người ngoài khi thấy một người hay tha thứ thì bảo rằng đó là người độ lượng. Người tha thứ không biết mình độ lượng, cũng không hề bảo mình phải như thế để tha thứ. Họ thông cảm với người mắc sai phạm hay không chấp nói như kiểu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “thôi kệ”.
Đào sâu về mặt tâm lý, tha thứ không hề tạo nên sự hèn kém, hiểu theo nghĩa là vì thua kém mặt này mặt nọ nên phải tha thứ. Trái lại, sự tha thứ làm cho mình "lớn hơn" người khác. Đây là bằng chứng đứa cháu bé làm rách một tờ giấy trong trang sách của mình, bạn có thé tha thứ vì nghĩ nó còn nhỏ. Nó nhỏ là vì mình "lớn". Thế nhưng đứa bạn học mình làm như vậy bạn sẽ không tha, lý do bạn thấy người kia đã lớn mà còn phạm, nghĩa là anh ta cũng bằng bạn và phải bị phạt. Vậy tức là bạn đã ngang bằng với người ấy! Nếu bạn đã tha thứ hay không chấp thì bạn đã "lớn" hơn.
Tha thứ cũng là sự... trả thù hiệu nghiệm nhất. Trong cuộc tình mà bạn bị phản bội, nếu bạn không có phản ứng gì thì người tình sau này nghĩ lại sẽ thấy lòng họ bị xâu xé. Bạn đang trả thù đấy nhưng qua tay... tạo hóa! Đảo ngược lại, khi càng chấp nhất, thì tâm hồn càng "nhỏ bé". Bây giờ ta đi sang mặt khác của sự tha thứ.
Điều kiện đế được tha thứ là thành thật. Khi người có lỗi tự nguyện nói lên, khai ra sự sai phạm của mình, lý do thì đa phần họ sẽ được tha thứ. Điều này thường thấy ở Tòa án, hay khi một người bị trừng phạt, bị tra khảo và ngay cả ở chính bạn. Khi đánh con vì nó làm gì sai, bạn cũng hay nói: “Nếu nói thật thì mẹ sẽ tha". Kết hợp hai chiều lại với nhau ta thấy: “Sự tha thứ khuyến dụ những tâm hồn ngoan cố, nó làm dịu những di hận và những cơn phẫn nộ, nó bảo tồn sự đoàn kết và sự an vui trong phố phường và trong gia đình, nó tạo cái hứng thú lớn lao nhất trong đời sống dân dã hàng ngày” (cầu của Vauvenargues).
Đối nghịch với sự tha thứ là oán giận, ở mức thấp và căm hờn ở mức cao. Nếu sự tha thứ buộc người ta phải nghĩ đến người khác (thôi thông cảm, không chấp nhất làm gì) thì sự căm thù thúc đẩy người ta chỉ nghĩ đến mình (phải trả nỗi hận này). Sự oán giận làm cho cuộc sống trở nên chật hẹp đi và tình người độc ác hơn. Vì “ác giả ác báo” và oán giận này sẽ dẫn đến một oán giận khác. Oán giận như đức Phật bảo nó chập chùng.
Tết nhất mà nói các chuyện tha với giận là vì trong năm qua có một sư kiện đã cuốn hút dư luận ấy là quyển tự truyện của Lê Vân - "Yêu và Sống". Gọi Lê Vân trống không như vậy vì chị là người của công chúng và để mọi người, không kể tuổi tác hay giới tính, có thể đến gần với chị, hay ngược lại, thì tất cả các tính từ hay trạng từ đi theo tên của chị bị... bỏ đi! Đó cũng là một phần của cái giá phải trả cho sự nổi tiếng! Tôi nêu quyển sách của Lê Vân ở đây để nói sâu hơn về sự tha thứ và điều kiện để được tha thứ và chỉ có thế.
Lê Vân bảo rằng chị bộc lộ như vậy trọng quyển sách là để sám hối. Sám hối tức là xin tha thứ và để được tha thứ thì điều kiện bắt buộc là phải nói thật. Vậy Lê Vân có kể thật chuyện của mình không? Tôi bảo là có. Điều này dựa trên kinh nghiệm bản thân tôi đã trải qua lúc phải "xét mình" khi không còn nhìn thấy tương lai đâu nữa, giống như hai ông cảnh sát Mỹ bị bệ tông đè trong phim Cận kề cái chết (World Trade Center) mới chiếu gần đây.
Thật vậy, Lê Vân đã kể từng chi tiết rất nhỏ, thí dụ, cho ta thấy một người con gái so đo như thế nào khi chọn lựa giữa hai người yêu. Các bà mẹ thường bảo con trai "con gái nó hay so đo lắm". Có thể các cụ nói kinh nghiệm của chính mình, nhưng không biết diễn tả ra sao. Lê Vân may hơn nhờ có người bạn trong "linh cảm" là Bùi Mai Hạnh!
Vì sự thật mà Lê Vân bị buộc phải theo đuổi khi muốn sám hối nên có những điều mà về mặt hiếu thảo không nênnói ra nếu không muốn bị chê trách. Tuy nhiên, sự sám hối thúc đẩy phải nói sự thật, nói cho hết, nói để cho lòng mình thanh thản, giống như khi hối hận thì không muốn đi tìm ngay người mình đã sai phạm để xin lỗi vậy.
Sám hối là một tình cảm. Giống như một khi người ta bị say rượu, sự thôi thúc của lòng sám hối che mờ lý trí của người ta, khiến họ không còn biết nên nói gì. Còn biết thì không còn là sám hối nữa. Khi ấy lý trí đã can thiệp và nó sẽ chỉ cho người ta mưu chước để trốn tránh hay để đổ tội.
Lý trí giống như cái thang tre, nó có từng bậc và giúp cho người ta suy tính từng bước. Tình cảm giống như một tia nước, không có khấc hay một mức nào cả. Đụng đến là trào dâng, cơn ghen là bằng chứng. Sự thôi thúc phải nói thật đã được Lê Vân kể lại rằng:"Ngay cả điều khủ khiếp nhất là tôi gục ngã trong cảm giác bị trừng phạt thì cũng không kinh sợ bằng việc tội dung túng cho sự dối trá".
Muốn sám hối thì phải xét lại mình, mình đã làm gì, đã không làm gì và đối với những ai. Khi nói lên những điều ấy với một người khác như ở Tòa án, hay như người Công giáo ở Tòa giải tội, thì đó là xưng tội. Còn nói với chính mình thì ấy là phán xét. Khi bị phán xét thì một mình ta đứng trước lương tâm của mình và nó đặt ra những câu hỏi.
Ở vào hoàn cảnh ấy, người ta không thể trốn tránh vào đâu, không thể viên lý này, nêu lẽ nọ để trả lời về một việc nào đó đã diễn ra trong đời mình. Trong những giây phút ấy, sự thật là trên hết. Nó là đòi hỏi cao nhất khiến cho lòng hiếu thảo, tình chị em, sự phật lòng người khác không còn ý nghĩa gì. Tuy nhiên, khi bị lương tâm phán xét thì vẫn có những quy luật được lương tâm áp dụng, nghĩa là nếu mình lâm vào các trường hợp như vậy thì lương tâm sẽ không trách móc và mình không thấy áy náy.
Quy luật thứ nhất là "đong đấu nào đã đấu nấy" , hay biết đến đâu thì bị thưởng hay phạt đến đó. Nếu Lê Vân có nhắc việc này, bỏ việc khác không phải vì chị nói dối mà vì những gì chị đã được dạy dỗ, hay hiểu biết đến mức nào để coi cái này là trọng, cái kia là không khi bị phán xét. Quy luật này thì tòa án cũng áp dụng. Thí dụ, người làm công ăn cắp của chủ thì bị phạt nặng hơn người thường ăn cắp.
Quy luật thứ hai là “ta bị thưởng, phạt tùy theo ý định ta đã có, nhiều hơn là sự thực hiện ta đã hoàn thành”. Quy luật này là một sự cảm nghiệm. Thí dụ bạn đã định bụng đến thăm một người ốm nặng, vừa sửa soạn đi thì trời mưa to, không đi được nữa. Ngày hôm sau người kia mất, bạn chỉ tiếc là mình không đi được, chứ không bị sự hối hận dày vò.
Thật ra, tội lỗi hay hình phạt là một tác động hòan toàn mang tính cá nhân, cảm thấy hay không thỉ chỉ một mình biết và chịu. Biết những đặc điểm ấy của tâm lý, chúng ta dễ dàng tha thứ để cho nơi ta sống đẹp hơn lên, chỗ ta làm ấm cúng hơn. Hơn nữa “khi tha người khác mình cũng sẽ được tha”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015